Thích khách: Một mảng tối trong lịch sử Việt Nam

Sử sách các nước “đồng văn” như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên có nhắc nhiều đến thích khách trong cuộc chiến tranh giành quyền lực, đất đai, địa vị giữa các thế lực thời phong kiến.

Thích khách: Một mảng tối trong lịch sử Việt Nam

Thư tịch cổ nước ta thì hầu như không ghi chép về đối tượng này, tuy nhiên chuyện thích khách thực hiện mưu sát, hành thích và các hành động bí mật khác trong lịch sử Việt Nam cũng được nhắc đến ít nhiều.

Thích khách là những người giỏi võ nghệ, sử dụng vũ khí thuần thục thường áp dụng hình thức tập kích bất ngờ, tiêu diệt đối tượng được nhắm tới với những lý do khác nhau. Cũng có khi thích khách không có tài cung kiếm nhưng bằng việc chớp thời cơ thuận lợi để ra tay cũng đạt được kết quả mong muốn; thậm chí có người còn ẩn nhẫn chờ đợi một thời gian hay chấp nhận “khổ nhục kế” để thực hiện mục đích đã đề ra.

Đặc điểm chung của thích khách là sự thông minh, gan dạ, biết ứng phó tùy tình huống và xem cái chết nhẹ như lông hồng. Khi hành động, họ xác định sẵn sàng chấp nhận hy sinh nếu không thoát được dù thành công hay thất bại, nhưng động cơ thì khác nhau, có thể vì sự nghiệp chính nghĩa, do lòng trung thành, do thù nhà hoặc vì danh vọng địa vị, tiền bạc…

1. Đại án Đỗ Thích giết vua

Câu chuyện thích khách mà sử sách thường nhắc đến, đó là chuyện “Đỗ Thích thí Đinh – Đinh” xảy ra vào tháng 10 năm Kỷ Mão (979); theo chính sử thì động cơ trong vụ việc này là nhằm đoạt ngôi vua:

“Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn.

Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua 3 ngày, khát lắm, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy liền đi báo. Định quốc công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém, đập nát xương, băm thịt ra từng mảnh” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Chê trách việc vua Đinh thiếu cảnh giác, việc canh gác bảo vệ hoàng đế không cẩn thận, sách Đại Nam quốc sử diễn ca có câu rằng:

Trùng môn thưa hở đề phòng,
Để cho Đỗ Thích gian hùng nỡ tay.

Vụ án Đỗ Thích giết vua Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn được sử chép rất vắn tắt như vậy, dã sử cho hay biết vua thích ăn món lòng lợn nên Đỗ Thích đã bỏ thuốc độc vào khiến vua trúng độc mà mất.

Khi Nam Việt vương vào cung thì bị Đỗ Thích từ chỗ ẩn nấp bất ngờ lao ra dùng đoản kiếm đâm chết.

Sau sự kiện này, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được suy tôn lên ngôi báu. Lê Hoàn (tức Lê Đại Hành) lên ngôi tháng 7 năm Canh Thìn (980) sáng lập ra triều Tiền Lê, ông làm vua đến tháng 3 năm Ất Tị (1005) thì lâm bệnh mất, thọ 64 tuổi. Người con trai thứ ba của ông là Lê Long Việt theo di chiếu lên ngôi kế vị, nhưng bị các anh em khác đem quân đến tranh giành ngai vàng; các bên đánh nhau đến 8 tháng mới ngã ngũ.

Lê Long Việt lúc này mới chính thức đăng quang, sử gọi là Lê Trung Tông. Thế nhưng mới làm vua được 3 ngày thì bị em trai cùng mẹ là Khai Minh vương Lê Long Đĩnh sai thích khách đột nhập vào cung giết chết, thọ 23 tuổi. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Vua Long Việt lên ngôi được 3 ngày; Long Đĩnh sai kẻ trộm trèo tường vào trong cung, giết chết, rồi cướp ngôi”.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép lời sử thần Ngô Sĩ Liên chê trách Lê Trung Tông như sau: “Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông.

Thế thì Trung Tông về tình anh em tuy là hậu, nhưng việc đứng chủ cúng tế, nối dõi tổ tiên thì xã tắc là trọng, anh em là khinh, huống chi là em bất dễ! Lúc ấy Trung Tông phải nêu việc Quản Thúc, Thúc Nha mà trị tội thì mới phải, nếu không làm thế thì đem giam cầm ở một nơi riêng cho đến khi chết cũng được. Nhưng Trung Tông lại thả lỏng thì sao cho khỏi bị phản, rốt cuộc tan họ, diệt dòng là tự Trung Tông làm ra cả”.

Những từ “kẻ trộm”, “bọn trộm cướp” mà sách sử nhắc đến trong vụ ám sát Lê Trung Tông thực ra gọi một cách chính xác chính là đám thích khách của Lê Long Đĩnh.

Tuy nhiên cái chết này của Lê Trung Tông cũng có nhiều bí ẩn, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua lên ngôi được 3 ngày thì bị Long Đĩnh giết. Bầy tôi đều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc”.

Truyền rằng Lê Long Đĩnh sau khi giết anh cướp ngôi đã trở thành một hôn quân bạo chúa, dâm ô trụy lạc đến nỗi mắc bệnh phải nằm thiết triều nên có biệt danh là Ngọa Triều, sau đó chết vì bệnh tật vào tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009).

2. Thích khách trung thành  

Trong lịch sử, các thích khách chính là những sát thủ hiện lên như những trang nam nhi quả cảm và tuyệt đối trung thành. Họ thường được giao phó những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nguy hiểm.

Sức mạnh của họ đôi khi ngang với cả một đạo quân và có thể làm nên những chuyện kinh thiên động địa làm xoay chuyển cục diện, tuy nhiên không phải nhiệm vụ nào cũng thành công và cũng không mấy thích khách được sử sách Việt Nam ghi tên nhưng chuyện về họ thì còn lưu truyền hậu thế đến nghìn năm.

Cuối thời Trần, triều chính suy vi, thế lực bên ngoại là Hồ Qúy Ly trỗi dậy mạnh mẽ lấn át cả đế quyền, mưu đồ đoạt ngai vàng. Bảng nhãn Lê Hiến Giản (đỗ năm 1374) lúc ấy đang giữ chức Đại học sĩ, Tri thẩm hình viện, sau khi bàn mưu với vua Trần Xương Phù (còn gọi là Giản Hoàng) đã tìm cách diệt trừ.

Sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược viết: “Bấy giờ Hồ Qúy Ly chuyên quyền, ông vâng mệnh Giản Hoàng bày kế để giết. Một lần Qúy Ly đến nhà ông, ông sai thích khách nấp, lấy đoản đao đâm không trúng, bị Qúy Ly bắt được, ông bị hại”.

Sau vụ hành thích bất thành này, bản thân vua Trần Xương Phù cũng gặp tai vạ, bị truất ngôi và bị thắt cổ chết. Con út Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tên là Trần Ngung lên kế vị, sử gọi là Trần Thuận Tông. Lúc ấy quyền hành trong triều đều do Hồ Qúy Ly quyết định, tháng 11 năm Đinh Sửu (1397) ông ép vua dời đô vào Thanh Hóa; đến tháng 3 năm Mậu Dần (1398) lại ép vua nhường ngôi cho con để đi tu.

Bất bình trước sự lộng quyền của Hồ Qúy Ly, tháng 4 năm ấy nhiều hoàng thân, quốc thích, đại thần mưu đồ diệt trừ Qúy Ly tại hội thề ở Đốn Sơn (nay thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) nhưng thất bại, dẫn đến một vụ án thảm án lớn cuối triều Trần; sách Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau:

“Hôm ấy, Quý Ly họp thề ở Đốn Sơn. Bọn Khát Chân đã có ý giết Quý Ly. Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem, y như lệ thiên tử ngự đến miếu đến chùa. Cháu Khả Vĩnh là Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm gươm định lên, Khát Chân trừng mắt ngăn lại, nên việc không xong. Quý Ly chột dạ đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ xuống lầu. 

Ngưu Tất vứt gươm xuống đất nói: Chết uổng cả lũ thôi! . Sự việc bị phát giác, bọn tôn thất Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bửu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất và các liêu thuộc, thân thích gồm hơn 370 người đều bị giết cả, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tỳ, con trai từ 1 tuổi trở lên bị chôn sống, hoặc bị dìm nước” .

Sự do dự thiếu quyết đoán của Trần Khát Chân là nguyên nhân dẫn đến thảm án đó. Trong số những người bị hại, có tên một thích khách là Phạm Ngưu Tất, người định ra tay hành động nhưng đã bị cản lại.

Không lâu sau, Hồ Qúy Ly cướp ngôi lập ra nhà Hồ, con cháu họ Trần nhiều người phải bỏ trốn để giữ tính mạng. Sách Cổ nhân đàm luận cho biết có Trần Kiểu là cháu vua Trần Anh Tông trốn về trại huyện Đại An, phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định), tại đây ông kể lại thảm cảnh của con cháu họ Trần rồi khóc ầm lên và nhờ bạn là Vũ Duy Dương tìm cách báo thù.

Cảm thông số phận một hoàng thân trong cảnh cùng cực, Vũ Duy Dương nhận lời. Một hôm dò biết được vua Hồ về tuần thú ở phủ Thiên Trường và sắp lên núi Thôi Ngôi để vãn cảnh chùa, Vũ Duy Dương lên núi trước nấp trong bụi rậm chờ, khi Hồ Qúy Ly cùng tùy tùng đi qua, bất ngờ ông nhảy ra dùng giáo đâm nhưng chỉ khiến đối tượng bị thương, trong khi ngay lập tức Vũ Duy Dương bị đám võ sĩ bắt được.

Dù bị tra khảo tàn khốc nhưng Vũ Duy Dương quyết không khai ra người chủ mưu rồi đập đầu vào đá, vỡ óc mà chết.

3. Thích khách ám sát giặc ngoại xâm

Tháng 11 năm Đinh Hợi (1407), cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm của nhà Hồ thất bại, giặc Minh đặt ách đô hộ lên đất nước ta, chúng thi hành chính sách tàn bạo rất dã man. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên, trong đó có lực lượng của con cháu họ Trần do Trần Ngỗi (tức Giản Định Đế) và Trần Quý Khoáng (tức Trùng Quang Đế) kế nhau lãnh đạo, sử gọi là nhà Hậu Trần.

Trong số tướng lĩnh nhà Minh đi đàn áp quân nhà Hậu Trần có Trương Phụ là một kẻ khát máu, hắn đi đâu cũng giết chóc, xác chất thành núi, máu chảy thành sông.

Nhằm diệt trừ tên tướng giặc này, tướng Nguyễn Súy của nhà Hậu Trần đã sai thích khách ra tay. Sử chép rằng vào tháng 10 năm Qúy Tị (1413), Trương Phụ đánh nhau với Nguyễn Suý ở cửa Sái Đà (sông Ái Tử), một hôm “Trương Phụ nhà Minh lấy Đô đốc Hoàng Trung đi dò trước, chặn ở thượng lưu. Nguyễn Súy sai ba thích khách, đội cỏ xuôi dòng đến thuyền của Phụ. Một người trèo lên mũi thuyền, hai người trèo lên đuôi thuyền.

Phụ biết, bắt được hai người, giết một người, thả một người, lại còn cho tiền bạc. Hôm sau Phụ hội họp các tướng nghị bàn, Hoàng Trung nói không hợp ý Phụ, Phụ nổi giận kể tội Trung phòng giữ không nghiêm, để đến nỗi có chuyện khích thách, rồi chém Trung. Các tướng đều tái mặt đi” (Đại Việt sử ký toàn thư).

4. Biến lớn thời Hậu Lê

Nhà Hậu Lê được thành lập tháng 4 năm Mậu Thân (1428), sau khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh xâm lược, giải phóng đất nước. Đây là vương triều đã xây dựng và đưa chế độ phong kiến Việt Nam phát triển vượt bậc, nhất là ở những đời vua đầu tiên, nhiều chế định được đặt ra, trong đó có cả việc giữ gìn an toàn cho vua cùng hoàng tộc.

Sử sách chép rằng vua Lê Thái Tông vào ngày 28 tháng 8 năm Giáp Dần (1434) đã ban lệnh chỉ cho các tướng hiệu, quân nhân, nữ nhân, nội nhân giữ các cửa hoàng thành và cung cấm rằng:

“Từ nay về sau, nếu có cung nhân ở các điện và đại thần, tổng quản, hành khiển cùng bọn nữ quan vào chầu, khi đến cửa cấm thì người coi cửa phải chuyển tâu trước, đợi có sắc chỉ mới được vào. Đàn bà không có phẩm tước đều không được cho vào.

Nội nhân, nữ quan, nô tỳ ở các điện nếu không có việc gì, không được lui tới các điện khác. Nếu người canh cửa không cẩn thận, lấy tình riêng dung túng cho vào bậy, cùng là người nào mang các thứ đồ sắt từ một cái kim trở lên vào trong cung cấm mà không chuyển tâu trước thì phải chiếu luật trị tội” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Mặc dù tăng cường cảnh giác thế nhưng việc tranh đoạt quyền lực vẫn không tránh khỏi và trong những diễn biến ấy không thể thiếu sự có mặt của các thích khách. Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), Lê Thái Tông mất đột ngột, con trai con thứ 3 là Lê Bang Cơ lên kế vị, đó là vua Lê Nhân Tông. Ông ở ngôi đến tháng 10 năm Kỷ Mão (1459) thì bị anh trai cướp ngôi.

Đoạt ngai vàng chưa được bao lâu thì đến ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) Lê Nghi Dân bị một số triều thần do Nguyễn Xí, Đinh Liệt đứng đầu lật đổ giáng xuống tước Lệ Đức hầu, sau đó bắt phải tự thắt cổ chết. Để triệt hạ vây cánh của Lê Nghi Dân, trước khi hành động, các đại thần đã sai một thích khách đóng giả làm thầy bói tiếp cận rồi dùng dao đâm chết một đồ đảng thân cận của Lê Nghi Dân là Phạm Đồn.

Cũng về chuyện thích khác, trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục  ghi lại như sau:

“Bấy giờ có người cáo tỏ rằng Lê Sát nuôi bọn võ sĩ Lê Thảo, Lê Khải và Lê Khắc Hài làm thích khách, mưu toan làm hại Lê Ngân. Nhà vua nổi giận, hạ chiếu rằng: “Sát nay lại nuôi dưỡng những tay liều chết để mưu hại người trung lương, dấu tích gian ác của hắn ngày một lộ liễu. Vậy đáng nên chém để rao cho mọi người biết”.

Bọn Lê Ngân và Bùi Cầm Hổ tâu rằng: “Tội Sát đáng chết thật đấy, nhưng Sát đã từng làm đến đại thần, nếu phanh thây làm nhục e đời sau chê cười… Nhà vua bèn cho Sát được tự tử, tịch thu các đồ vật của Sát, chia ban cho quân thần. Vợ con và tài sản của Sát đều bị sung công. Nguyên phi Ngọc Dao, con gái của Lê Sát, sau khi Sát bị tội, cũng bị phế”.

Tuy nhiên, sau này, đến thời vua Lê Nhân Tông đã giải oan cho Lê Sát. Có thể thấy, trong sử cũ cũng từng đề cập đến những chuyện liên quan đến thích khách, ám sát.

5. Thích khách trong thời buổi rối ren

Mở xem sử sách giai đoạn nội chiến Nam – Bắc triều giữa nhà Mạc và nhà Lê Trung Hưng, sau đó là cuộc phân tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài giữa hai tập đoàn phong kiến họ Trịnh và họ Nguyễn, những chuyện hành thích, ám sát do thích khách thực hiện rất nhiều và đa dạng, dưới đây là một số vụ nổi tiếng.

Khi nhà Lê bị mất ngôi, nhiều trung thần đã nổi quân chống lại họ Mạc để khôi phục vương triều. Mùa xuân năm Tân Mão (1533) các bề tôi cũ của nhà Lê do An Thành hầu Nguyễn Kim đứng đầu đã lập một người con vua Lê Chiêu Tông lên làm vua.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết về việc Nguyễn Kim ở “châu Sầm Nưa thuộc Ai Lao, chiêu tập những người trung dũng, đầu tiên dựng lá cờ nghĩa, quyết chí diệt Mạc để khôi phục nhà Lê, bèn tìm khắp mọi nơi kiếm lấy con cháu họ Lê, thì được con nhỏ của Chiêu Tông là Ninh, lập làm vua, lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Từ đó, hội gió mây lôi cuốn, tiếng chính nghĩa lẫy lừng, quân trẩy đến đâu chẳng ai là không hưởng ứng. Công nghiệp trung hưng nhà Lê thực bắt đầu từ đấy”.

Một mặt dùng vũ lực cho quân liên tiếp tấn công, mặt khác nhà Mạc tìm cách ám hại người đứng đầu triều Lê Trung hưng là vua Lê Trang Tông. Sử chép vào năm Quý Mão (1543) Lê Trang Tông “tiến quân ra từ thành Tây Đô, tướng Mạc là Trung Hậu hầu (không rõ tên) dẫn con em đến trước quân lạy chào ở cửa nam thành Tây Đô” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Việc Trung Hậu hầu ra hàng thực ra là dùng kế trá hàng với âm mưu được sắp đặt sẵn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:

“Ất Tỵ, [Nguyên Hoà] năm thứ 13 [1545], (Mạc Quảng Hoà năm thứ 5; Minh Gia Tĩnh năm thứ 24)… Tháng 5, ngày 20, hàng tướng Mạc là Trung Hậu hầu ngầm chứa hai lòng, mời Thái tể Nguyễn Kim đến dinh của hắn, bỏ ngầm thuốc độc trong quả dưa dâng lên trước mâm cỗ, Kim tin thực ăn dưa, bị trúng độc, đến khi về thấy trong người khó chịu rồi mất, Trung Hậu hầu đêm ấy trốn đi, lại quay về với họ Mạc.

Trước kia, Trung Hậu hầu xuất thân là hoạn quan, trải thờ Mạc Đăng Dung, làm quan đến chức chưởng bộ, nghe tin vua nổi quân khôi phục bờ cõi, liền bàn mưu với họ Mạc dùng kế trá hàng, thường muốn hại vua. Việc đó không thành, mới bỏ ngầm thuốc độc để hại Thái tể Kim, Kim không để ý, bị trúng độc. Vua xuống chiếu truy tặng Kim làm Huân Tĩnh công, thuỵ là Trung Hiến, sai người rước về Bái Trang, huyện Tống Sơn để hậu táng”.

Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì Trung Hậu hầu tên thật là Dương Chấp Nhất, mục đích trá hàng là tìm cách giết hại Lê Trang Tông nhưng không có cơ hội bèn thay đổi đối tượng, nhắm đến Thượng phụ thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim, người đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bộ máy triều Lê Trung Hưng.

Sau khi Nguyễn Kim chết, vai trò của con rể ông là Trịnh Kiểm nổi lên, từ đó họ Trịnh dần dần lấn át ngôi vua, tự xưng vương và hình thành lên thiết chế chính trị “lưỡng đầu chế” vua Lê, chúa Trịnh.

Dưới giai đoạn Trịnh Tùng ở ngôi chúa, ông ta càng lộng quyền, thậm chí vào ngày 22 tháng giêng năm Quý Dậu (1573), sai người giết vua Lê Anh Tông sau khi lập con út của vua là Lê Duy Đàm lên ngôi (tức Lê Thế Tông). Đến tháng 8 năm Kỷ Hợi (1599) Lê Thế Tông băng hà, Trịnh Tùng đưa con thứ của Lê Thế Tông tên là Lê Duy Tân làm vua (tức Lê Kính Tông), thế nhưng vị vua này cũng có kết cục bi thảm.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết, vào ngày 12 tháng 5 năm Kỷ Mùi (1619), Lê Kính Tông bị chúa Trịnh Tùng giết ở nội điện: “Tùng chuyên quyền lấn át mỗi ngày một quá, nhà vua không sao chịu được. Vì nghe biết việc Xuân, con Tùng, ngầm có lòng cướp ngôi của người con trưởng, nhân đấy nhà vua bàn mưu với Xuân giết Tùng, rồi quyền bính sau này sẽ trao cho Xuân.

Một hôm, Tùng đi đến bến Đông Tân xem bơi thuyền, Xuân mật sai đồ đảng của mình là Văn Đốc, mai phục súng ở ngã ba đường, khi Tùng trở về, súng nổ, trúng vào con voi mà Tùng đương cưỡi. Bắt được Văn Đốc, tra hỏi biết rõ mưu gian. Tùng bèn sai con là Tráng và trưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm vào nội điện tra hỏi tội phạm, rồi bắt ép vua phải tự thắt cổ. Còn Xuân đem giam ở nội phủ, sau lại tha ra”.

Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc cũng là đối tượng bị hành thích, theo sử sách tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vượt sông Gianh tiến ra bắc, giương cờ “phù Lê diệt Trịnh”; đến tháng 8 cùng năm, vua Tây Sơn nghe tin em đã ra Bắc Hà, sợ rằng có chuyện không hay liền đem 500 quân thân cận đi gấp, sau đó lấy thêm 2.000 lính ra Bắc để gọi em về.

Liền đó một số người đông đảo từ trong bụi rậm nhảy ra đâm chém quân tùy tùng. Lanh như chớp, nhà vua rút trường kiếm, quay một vòng, bao nhiêu lưỡi kiếm chém vào nhà vua đều lớp bị gãy, lớp văng ra, và quay tiếp một vòng nữa, mươi mười lăm chiếc đầu rụng xuống như sung. Còn số người từ trong bụi nhảy ra bị quân Tây Sơn đánh giết, lớp chết lớp quăng vũ khí chạy thoát thân”.

Trên đây chỉ là một số sự kiện, nhân vật được ghi chép trong thư tịch cổ và được truyền tụng trong dã sử có liên quan đến thích khách – những sát thủ đóng một phần vô cùng đặc biệt trong sự hình thành, tồn tại và suy vong của các triều đại phong kiến Việt Nam. Họ chính là những người bằng trí tuệ, sự dũng cảm, táo bạo cùng thanh gươm của mình đã có lúc đẩy lịch sử sang những bước ngoặt và khúc quanh đầy bất ngờ, kịch tính.

Theo LÊ THÁI DŨNG / HELINO

Tags: ,