Thế bế tắc của EU phóng chiếu từ nhà máy thép Azovstal

EU không khác gì những người lính Ukraina mắc kẹt trong đường hầm Azovstal lúc này. Và nỗi sợ vẫn còn sống âm ỉ trong họ bất chấp họ thể hiện cứng rắn đến mức nào.

Thế bế tắc của EU phóng chiếu từ nhà máy thép Azovstal

Tác giả: Nhà báo Hà Quang Minh.

Trang nhẩt nhật báo Liberation ra ngày 21/04 giật dòng tít lớn “Mariupol: Chúng tôi có thể đang sống những giờ cuối của đời mình”. Dòng tít ấy thậm chí còn át cả hình ảnh lớn hơn về cuộc tranh luận truyền hình giữa Macron và Le Pen được trình bày ở trên đó. Và nó được dẫn ra từ lời kêu gọi hỗ trợ khẩn thiết từ Serguiy Volyna, chỉ huy tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến số 36 của Ukraina đang cố thủ ở khu tổ hợp công nghiệp Azovstal, gửi tới các lãnh đạo châu Âu. Cách đây chưa lâu, ở một địa điểm khác, 1000 lính của tiểu đoàn này đã ra đầu hàng mà lẫn trong đó có không it lính đánh thuê quốc tịch nước ngoài.

“Thành phố ngầm dưới thành phố đang dạy cho Putin một bài học”, tờ Daily Telegraph của Anh dùng tít này trong một bài nhỏ ở trang 7. Họ ám chỉ hệ thống đường ngầm phức tạp được xây dựng dưới lòng Azovstal. Số phận của tổ hợp công nghiệp luyện kim vốn có năng lực xuất xưởng 4 triệu tấn thép mỗi năm này quả thực gắn liền với những cuộc vây hãm. 1941, nó từng bị quân đội Đức quốc xã vây hãm và bị phá huỷ năm 1943 sau khi kẻ thù chung ấy bỏ đi. Được tái thiết lại, năm 2014 nó từng là điểm giao tranh nóng bỏng giữa phe thân Nga ở Đông Ukraina với phe chính quyền. Và hôm nay, khi Mariupol đã nằm trong tay người Nga, Azovstal vẫn là cứ điểm cuối cùng mà lệnh của Putin là “không tấn công, chỉ vây siết chặt đến mức tối đa nhất có thể”. Putin lựa chọn phương án an toàn vì tấn công bộ binh vào một cứ điểm hầm ngầm chằng chịt rất dễ gây ra nhiều thương vong. Thứ hai, chắc chắn phía Nga muốn bắt sống những nhân vật quan trọng đến mức độ Ukraina có động thái sớm là bắt Oligarch Medvedchuk với hi vọng đó sẽ là con tin đủ sức nặng để trao đổi. Medvedchuk từng là chánh văn phòng phủ tổng thống Ukraina thời Yukanovych và việc Putin lắc đầu với Medvedchuk đang đẩy Ukraina vào thế khó. Nếu kết án Medvedchuk phản quốc, ông ta phải bị đưa ra toà án và tuyên tử hình. Giết Medvedchuk là điều Zelensky không thể và không dám làm bởi nó sẽ mang lại nhiều hệ luỵ. Và cuối cùng, phương Tây cho rằng dưới hầm ngầm là 1000 thương dân đang ẩn nấp. Trong khi đó, phía Nga lại tuyên rằng 1000 thường dân ấy là con tin của lực lượng bán quân sự tiểu đoàn Azov.

Rõ ràng, trong thế giằng co này, Azovstal đang là một điểm bế tắc tạm thời. Nga không tấn công, chỉ bó vây tuyệt đối, những ai trốn dưới hầm ngầm ấy sẽ đến lúc kiệt sức và quyết định đầu hàng để bảo toàn mạng sống sẽ là phương án không thể tránh khỏi. NATO rất muốn giải cứu họ nhưng đường vào đã không còn nữa. Sự thật nào sẽ được xới tung lên ở dưới đường hầm ấy khi tổ hợp Azovstal thất thủ hoàn toàn? Đó là một câu chuyện tất cả các bên đều hồi hộp chờ đợi với hi vọng kết quả cuối cùng có lợi cho phía bên mình.

Và chính cái hình ảnh bế tắc, sa lầy lẫn nhiều hồi hộp ấy của Azovstal lại có thể được phóng chiếu tới chính tình trạng của EU hiện nay. Thực sự, EU đã bắt đầu có dấu hiệu mỏi mệt lắm rồi trong một cuộc chiến mà chính họ cũng vẫn còn chưa hết cơn bàng hoàng. Mỹ và Anh, hai quốc gia tài trợ quân sự cho Ukraina mạnh nhất từ năm 2014 tới nay đã đẩy EU vào một câu chuyện ám ảnh thực sự. Và khi cuộc chiến đã rơi vào tình trạng kéo dài như lúc này, nhiều người có quyền nghi ngờ thực tế nó đã được lên kế hoạch rất kỹ từ trước để Anh ngoạn mục thoát khỏi EU đúng lúc nước sôi lửa bỏng.

Lạm phát Mỹ đạt kỷ lục so nhẩt trong 40 năm qua, lạm phát ở EU cũng đạt mức đáng ngại. Nhưng tất cả chỉ là khởi đầu. EU thật ra đang không có cách đối phó nào, bởi bản thân họ không có quyền quyết định gì trong cuộc chiến tranh uỷ nhiệm này. Đặc biệt, những quốc gia như Đức, Pháp đều đang phải sống trong một áp lực kích động từ chính đồng minh của mình từ việc trừng phạt đối thủ cho tới viện trợ cho Ukraina. Nhất là Đức, một quốc gia được xem là gồng gánh EU rất nhiều đã và đang phải sống trong vị thế của con cừu đen khi những chỉ trích, mỉa mai từ những nước có thái độ hiếu chiến kiểu như Ba Lan là quá thường xuyên.

Hôm nay, trong cuộc phỏng vấn với kênh France 24, Josep Borrell, Đại diện cao cấp về Đối ngoại và An ninh của EU, đã lột tả hết được sự bối rối và bế tắc của khối liên minh này. Trước câu hỏi về đối sách của EU với Nga lúc này, Borrell không nói được gì hơn ngoài việc chung chung rằng “sẽ tăng cường trừng phạt hơn nữa”. Nhưng khi bị phóng viên đẩy vào chân tường bằng câu hỏi “hơn nữa là tới mức nào”, ông Borrell chỉ có thể cụ thể được bằng chi tiết “sẽ loại thêm ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT”. Hồi đầu tháng 3, 7 ngân hàng Nga đã bị loại khỏi hệ thống này và vẫn chưa có tên Sberbank và Gazprom Bank trong đó. Đây chính là 2 ngân hàng mà Nga dùng để giao dịch với châu Âu trong các thương vụ xuất khẩu, đặc biệt là nhiên liệu. Và phóng viên France 24 không tha cho Borrell khi đặt câu hỏi về nhiên liệu, nhất là khí đốt, và đưa ra mối đe doạ đình trệ sản xuất cũng như ảnh hưởng sinh hoạt do thiếu khí đốt. Borrell lúc này chỉ đưa được hai đáp án rất khái quát là “nguồn cung thay thế” và “phải tiết kiệm sử dụng”. Ngay lập tức, phóng viên chuyển hướng sang câu hỏi về an ninh lương thực. Cô phóng viên nhấn mạnh đến lúa mì và tình trạng giá bánh mì đang tăng cao ở châu Âu cũng như nguy cơ nạn đói của Châu Phi. Chính World Bank cũng mới vừa đưa ra cảnh báo về thảm hoạ nhân loại về chuyện thiếu hụt lương thực này. Borrell, đã thành lối mòn, tiếp tục dùng từ “nguồn cung thay thế” nhưng lần này ông ta không ngừng nhấn mạnh đến “trách nhiệm quốc tế”. Và cuộc phỏng vấn kết thúc với hình ảnh hai tay Borrell chống lên trán, đôi mắt nhìn đầy mệt mỏi. Chừng đó là đủ để cho chúng ta thấy rõ ràng các lãnh đạo EU đang trong thế bí như thế nào.

Sẽ không nói đến chuyện dầu và khí đốt, không nói chuyện hệ thống SWIFT vì hai trừng phạt ấy chỉ là hình thức và vô nghĩa lúc này mà chỉ nên tập trung vào câu chuyện lúa mì là đủ. Nga là nước có sản lượng lúa mì lớn thứ 3 thế giới, Ukraina đứng thứ 7. Tổng sản lượng lúa mì của họ khoảng hơn 100 triệu tấn (theo số liệu từ 2019). Mỹ đứng thứ tư với tổng sàn lượng 52 triệu tấn, Pháp đứng thứ 5 (41 triệu tấn). Nguồn cung thay thế sẽ đến từ đâu khi bản thân mỗi quốc gia phải có dự trữ lương thực chiến lược đồng thời còn phải đáp ứng ưu tiên sử dụng nội địa trước? Câu hỏi này đã có đáp án. Nguồn cung thay thế mà Josep Borrell ám chỉ đến có phải là Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng sản lượng lúa mì? Và nếu chuyển hướng sang lệ thuộc vào nguồn cung lúa mì từ hai quốc gia châu Á này, giải pháp có vẻ không phải khả thi lắm. Thứ nhất, đó là hai quốc gia đông dân bậc nhất thế giới. Do đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa của họ là cực lớn và nhu cầu dự trữ chiến lược cũng lớn không kém. Thứ hai, chấp nhận mua của họ trong tư thế cần “cầu cứu” như lúc này, nó có thể là quyết định đòi hỏi phải có những thoả hiệp ngoại giao nhất định. Không lẽ, ông Borrell muốn ám chỉ sự “thay thế” ở đây là người dân EU sẽ phải tập quen với việc ăn ít bột mì lại và chuyển đổi sang ăn lúa nước hay ngô chăng?

Khi cuộc chiến nổ ra, phương Tây đưa tin Putin lên kế hoạch đánh 3 ngày là xong trong khi phe thân Nga tung tin kế hoạch của Putin là 40 ngày. Cả hai thời hạn ấy giờ đây đều là các con số vô nghĩa khi chiến tranh đã kéo quá dài. Nhưng có lẽ, nó sẽ còn kéo dài hơn so với sức tưởng tượng nếu như các bên vẫn cắm đầu vào leo thang cố gắng ăn thua đủ kiểu này. Châu Âu đang bước vào giai đoạn đẹp nhất của mùa Xuân nhưng với tốc độ trôi đi của thời gian, chẳng mấy mà mùa thu, mùa Đông sẽ tới và những thiếu hụt nhu yếu phẩm của họ sẽ càng rõ rệt hơn, họ sẽ càng mỏi mệt hơn bất chấp có cố gắng thắt chặt tiết kiệm (như Borrell đã nói) đến mức nào. Ngay từ lúc mới khai chiến, dầu hướng dương đã khan hiếm đến mức ở Đức chỉ cho phép mỗi người được mua 5 chai ở siêu thị mà thôi. Nga và Ukraina chiếm 10% sản lượng dầu hướng dương toàn cầu và việc bắt buộc người dân EU phải chuyển sang dùng dầu olive hay các loại dầu khác thay thế là chuyện hiển nhiên. Nguồn cung các loại dầu ấy chắc chắn cũng sẽ có một ưu thế nhất định trong kiểu mua bán giữa thời thóc cao gạo kém này cho dù nó không đến mức bức bách như bột mì hay nặng nề hơn là khí đốt.

EU không khác gì những người lính Ukraina mắc kẹt trong đường hầm Azovstal lúc này. Và nỗi sợ vẫn còn sống âm ỉ trong họ bất chấp họ thể hiện cứng rắn đến mức nào. Nỗi sợ ấy được thể hiện không khác gì cách Macron chất vấn Le Pen rằng bà ta có thể gây ra nội chiến ở nước Pháp khi sẵn sàng ra luật bắt buộc bỏ khăn trùm đầu hijab của phụ nữ Hồi giáo ở nơi công cộng. Cách chấn vấn ấy chính là việc cố tạo ra nỗi sợ để lôi kéo cử tri cho dù kết quả trưng cầu cho thấy ông dẫn 10 điểm và 91% cử tri Pháp không thay đổi quan điểm sau buổi đấu khẩu trên truyền hình. Nhưng cách chất vấn đó bản thân nó cũng bắt đầu từ nỗi sợ của chính Macron: không phải là sợ thất bại, mà là sợ sự thật. Macron cáo buộc Le Pen lệ thuộc Nga, lệ thuộc Putin trong khi ông đề cao mục đích xây dựng một nước Pháp độc lập hơn. Và Macron sợ chính sự thật mà Le Pen đã mở màn cuộc đấu khẩu: chi phí sinh hoạt. Còn nước Pháp, chắc chắn đó vẫn là một quốc gia độc lập nhưng trong các quyết sách, sự độc lập ấy nhạt nhoà nhiều khi họ còn nằm trong một liên minh mà quyết định của Mỹ là tối thượng.

Dưới lòng Mariupol là những đường hầm ngầm bí ẩn của tổ hợp công nghiệp Azovstal với hứa hẹn có nhiều bí mật còn được che giấu. Nhưng trong lòng EU là gì? Sự bế tắc; sự chưa đồng nhất toàn bộ; sự bối rối và mối lo ngại thực sự về hậu quả một cuộc chiến mà họ cũng sẽ phải gánh chịu một cách lâu dài.

Theo HÀ QUANG MINH FACEBOOK

Tags: ,