⠀
Thần thánh hóa từ con cá tới cục đá: Cảnh báo về sự mê muội đã tới tột đỉnh
Cần phải có những giải pháp hữu hiệu để loại bỏ mê tín, dị đoan cũng như những đồn đại nhảm nhí ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý xã hội.
Những ngày đầu năm, các lễ hội được tổ́ chức dày đặc, vẫn diễn ra cảnh cướp lộc, chen chân, xô lấn, thậm chí đánh nhau gây thương tích. Đặc biệt, nạn buôn thần, bán thánh, “mua chuộc” thánh thần bằng vài đồng tiền lẻ và các lễ vật… đã trở thành nỗi ám ảnh của những người hành hương.
Tuy nhiên, còn một hiện tượng khác nổi lên, đó là, dường như nhiều người Việt ngày càng mê tín và mất kiểm soát khi đặt niềm tin vào thánh thần…
Dễ dàng phong… thần
Đầu năm 2018, cụ thể là trưa ngày 13/1/2018, một người dân ở ấp Chợ, xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đã phát hiện một vật thể lạ có hình dáng giống như một khối đá (khoảng 0.5m3) nổi lềnh bềnh trên mặt nước kênh Nước Mặn.
Những người hiếu kỳ đã tập trung đến xem và cùng nhau đưa vật thể lạ vào sân ximăng chùa Ông nằm kề bên bờ kênh. Sau đó, mỗi ngày có hàng trăm người dân trong vùng và từ nơi xa tìm đến chùa Ông để chiêm ngưỡng khối đá, nhiều người thành kính đốt nhang cho đá…
Gần nhất là câu chuyện “dở khóc dở cười” khi thấy con cá chép nổi lên rồi lặn xuống, ở Nghệ An, người ta tò mò xúm tới coi, rồi sắm lễ vật cúng bái. Chính quyền buộc phải giăng lưới bắt con cá chép nặng 3,2kg để “chấm dứt” một “huyền thoại” thêu dệt.
Trước hiện tượng kỳ cục này, TS Vũ Thế Khanh – Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học UIA, Chủ nhiệm đề tài nhà nước về khảo nghiệm các khả năng đặc biệt – lý giải: Càng thiếu khoa học càng dễ sa đà vào mê tín. Khi hiện tượng tự nhiên được gắn vào việc thần thánh hoá thì sẽ khiến cho dư luận sôi động, thu hút sự chú ý. Qua nhiều sự kiện, có thể thấy đang có quá nhiều người mê tín dị đoan, tin vào hủ tục lạc hậu…
Mê tín có nhiều loại trong đó có 2 loại cơ bản nhất là: Tin vào hiện tượng bên ngoài, tin người khác một cách quá đáng, gọi là mê tín cực tả. Tức là người ta cứ nói cái gì mình tin ngay, không thẩm định, kiểm tra thật giả như thế nào, dễ rơi vào tình cảnh “đẽo cày giừa đường”. Loại khác khủng khiếp hơn là mê tín cực hữu, tức là tin vào mình quá đáng, mình nghĩ gì cũng đúng, cũng sẽ là chân lý không bao giờ thay đổi, không tin vào những lời khuyên của người khác. Cả hai loại này đều có tác hại lớn đối với xã hội và chính bản thân mỗi người.
Cần phân biệt giữa mê tín và tín ngưỡng bởi đó là hai phạm trù khác nhau. Mê tín là tin một cách mê muội còn tín ngưỡng là tin và ngưỡng vọng, tức là ngưỡng mộ. Nhà nước ta cho phép tự do tín ngưỡng chứ không cho phép tự do mê tín. Người nào càng thiếu khoa học càng dễ sa đà vào mê tín…”.
“Khủng hoảng” tâm lý hay niềm tin vào cuộc sống thực?
TS Nguyễn Ánh Hồng – Trưởng khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền – nhìn nhận: Nhu cầu người dân hướng tới các lễ hội hay đi chùa đầu năm cầu cho sự sung túc, phát đạt, tài lộc là một nhu cầu chính đáng và tôi thấy cần trân trọng nhu cầu đấy. Tuy nhiên, mức độ thể hiện thông qua nhận thức, hành vi văn hoá như thế nào cho phù hợp vẫn là điều cần phải suy ngẫm. Ví dụ, đầu năm chúng ta thấy lễ hội Bà Chúa Kho là một sự khủng khiếp với biển người chen lấn xô đẩy lên cúng bái, xin lộc hay vay tiền là đã thấy giữa nhu cầu chính đáng, thì sự vượt quá ngưỡng của nhu cầu đó khiến cho hành vi vốn dĩ thuộc về văn hoá tâm linh trở thành “phản văn hoá”. Điều này rõ ràng làm mất đi vẻ đẹp của thuần phong mỹ tục của văn hoá Việt, mất đi giá trị nguồn gốc của các tín ngưỡng trong niềm tin tâm linh của con người. Niềm tin nằm ở trong tâm, chứ không phải là hình thức phô ra ngoài”.
“Tôi từng ấn tượng khi có người nói với tôi rằng, bây giờ lên chùa là cần phải có rất nhiều tiền. Sự tham vọng của đời thường lên chùa gần như đã vượt ngưỡng và nó đã làm mất đi tính “thiêng” nếu không muốn nói làm hoen ố chốn thanh tịnh của cửa chùa. Dường như đi cúng bái, hái lộc đầu năm đang bị thương mại hoá, thực dụng hoá quá nhiều” – TS Hồng nhấn mạnh.
Nhà xã hội học Nguyễn Thị Thanh Thúy – Hội trưởng Hội quán các bà mẹ – chia sẻ: Có một thực tế là những năm gần đây, tín ngưỡng phát triển theo xu hướng bị thần thánh hóa. Tôi từng đi 9 tỉnh phía Bắc vào dịp tết, mới thấy nguyên cả tháng giêng họ đi chùa, trong đó có cả nhiều người trẻ, thậm chí có nhiều nam giới, nhân viên công sở, người giàu… Nhiều người sắm sửa lễ to, lễ nhỏ, đi hết chùa nay đến chùa khác…”.
PGS-TS xã hội học Nguyễn Minh Hòa lý giải: “Không ít người Việt ngày càng mê tín, vì bị khủng hoảng niềm tin. Họ đặt niềm tin rất mơ hồ nhưng lại có vẻ chắc chắn là niềm tin vào thánh thần. Cách đây mấy năm, tôi từng nói, nhiều người dựa vào thánh thần, chứ không dựa vào sức mình, vào lòng tin ở chính mình để đi về phía trước. Tin vào thánh thần là để dựa dẫm, lấy hơi sức mà đi. Ví dụ, lấy ấn của Đền Trần, lấy tiền xoa vào thánh đồng, chuông đồng để lấy hên, còn khấn thì chỉ khấn tiền bạc, chức tước, đỗ đạt…”
Theo LAO ĐỘNG ONLINE
Tags: Quan điểm sống, Tư duy - nhận thức, Mê tín