Tham nhũng, tiêu cực khoác bộ mặt đạo lý: Tột cùng của sự vô đạo đức

Hợp tác công – tư là bình thường trong nền kinh tế, nhưng khi những cái bắt tay “công – tư” lại được thực hiện dưới gầm bàn kèm những khoản lợi kếch xù, hay trên nỗi đau của đồng bào mình, bất chấp đạo lý…, thì đó chính là nguy cơ với thể chế, với Đảng, phải được ngăn chặn, bóc gỡ triệt để.

Tham nhũng, tiêu cực khoác bộ mặt đạo lý: Tột cùng của sự vô đạo đức

Trục lợi trên nỗi an nguy của đồng bào

Những chuyến bay “giải cứu” đưa đồng bào Việt Nam ở nước ngoài bị “kẹt” lại vì COVID-19 trở về đoàn tụ với gia đình, với quê hương từng để lại những tình cảm xúc động, nghẹn ngào trong bao người; từng được bạn bè khắp năm châu cảm phục vì nghĩa đồng bào thương yêu, đùm bọc nhau trong hoạn nạn.

Nhưng thật xót xa, những tình cảm tốt đẹp đó phần nào đã bị ảnh hưởng bởi những “con sâu” chúa, “sâu” to, “sâu” nhỏ trong vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Đó là những cán bộ biến chất, lợi dụng bối cảnh nhà nhà, người người đang lo cho tính mạng, sự an toàn của người thân để trục lợi. Đó là những kẻ tham nhũng, hại dân, hại nước, nhưng lại khoác bộ mặt đạo lý vì nước, vì dân.

Những quan chức, cán bộ, công bộc nào đã để đồng tiền bất chính dắt lối trong đại án này? Đó là cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; là vị trợ lý Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Quang Linh; là những cán bộ cấp vụ trưởng, cục trưởng, phó cục trưởng, cán bộ sứ quán… Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam hàng chục bị can gồm nhiều quan chức, cán bộ của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giao thông – Vận tải, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an)… để làm rõ các tội “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan chức năng xác định, từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Việt Nam đã triển khai gần 2.000 chuyến bay và đưa 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Bộ Công an cho biết, mỗi chuyến bay, các bị can thu lợi bất chính hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí; số tiền đưa, nhận hối lộ trong vụ án lên đến hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD. Những con số cho thấy, các “công bộc” của dân này đã phản bội niềm tin của nhân dân đến mức nào!

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (tháng 9/2022), đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cử tri quan tâm, bức xúc về tình trạng các “công bộc” phạm tội, bởi người dân chờ đợi ở họ những quy chuẩn đạo đức cao hơn thông thường. Người dân bức xúc, bởi trong lúc khó khăn, đảo lộn do dịch COVID-19, có rất nhiều công bộc bất chấp nguy hiểm tính mạng để cứu dân, hy sinh lợi ích của gia đình, thì một nhóm công chức, cán bộ cấp cao lại cấu kết với nhau một cách có hệ thống để trục lợi rất lớn như vậy.

Vị đại biểu so sánh, “hàng ngàn vụ móc túi, trộm cắp cũng nguy hại, nhưng khó có thể so với mức độ nguy hiểm, thiệt hại lớn như vụ Việt Á, vụ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)”, bởi các vụ án này làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Đáng chú ý, cùng với những “công bộc” của dân, vụ án này đồng thời “điểm tên” những cá nhân là doanh nhân, lãnh đạo, nhân viên các doanh nghiệp, như Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình; Nguyễn Thị Tường Vi, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư ATA Việt Nam; Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam 19; Nguyễn Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Du lịch thương mại Lữ Hành Việt, Giám đốc Công ty Vận tải du lịch Hoàng Long Luxury (cùng bị bắt về hành vi “đưa hối lộ”).

Những cái bắt tay là nghi thức, là hành động nhằm bày tỏ sự thân thiện, biết ơn, hay cam kết về sự chung tay, đồng lòng, hợp tác – vốn rất có ý nghĩa, nhất là đối với ngành ngoại giao. Nhưng thật đau lòng, những cái bắt tay vấy bẩn của một số cán bộ tha hóa này với các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn bất chính lại là để họ kiếm ăn, đút đầy túi tham, làm méo mó một chủ trương nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước; trục lợi trên nỗi an nguy của hàng chục vạn đồng bào mình giữa những tháng ngày đại dịch COVID-19 hoành hành.

“Bắt tay” để làm ngơ, “bắt tay” để “ăn” dự án

Trong phiên thảo luận nhắc ở trên, luật sư – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu một vấn đề đáng chú ý, là tình trạng tội phạm trong giới “công bộc của dân” đang gia tăng.

Ông Nghĩa đặt vấn đề, phải chăng, tình trạng công chức nhà nước nhận “hoa hồng”, lót tay của doanh nghiệp, của người dân để mua hàng giá cao bằng tiền ngân sách; hoặc bỏ qua, làm ngơ các vi phạm, tội phạm… đã tồn tại từ lâu và khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực? Cho đến khi xảy ra vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, hay vụ việc tại Cục Lãnh sự, thì mới bộc lộ “phần nổi của tảng băng”, bởi lúc này, nó đã đạt đến quy mô quá lớn, quá trắng trợn, không che giấu được? Vậy còn biết bao nhiêu vụ tương tự như thế đang diễn ra và chưa bộc lộ?

Câu hỏi này của vị đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM phần nào cũng đã là câu trả lời. Và câu trả lời đau xót từ thực tiễn là, đã có những cái “bắt tay” giữa các quan chức, cán bộ biến chất với đối tượng phạm tội, với doanh nghiệp làm ăn bất chính để làm ngơ cho sai phạm, để được “lại quả” những khoản tiền lớn từ các phi vụ đó.

Khi cơ quan chức năng làm rõ, Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, đã nhận hối lộ của “ông trùm” đường dây buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh, tổng số tiền 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng, thì dư luận đã hiểu vì sao, đường dây buôn lậu xăng, làm xăng giả số lượng lớn tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam do Hữu cầm đầu lại hoành hành được trong thời gian dài như thế.

Đáng nói, thời điểm phạm tội, ông Nguyễn Thế Anh là Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng), biệt phái sang giữ chức Phó chánh văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia). Một quan chức cấp cao, nắm giữ vị trí quan trọng về phòng, chống tội phạm của lực lượng biên phòng – lực lượng giữ gìn bình yên nơi phên giậu của Tổ quốc; đồng thời nắm chức vụ cao ở Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhưng lại “bắt tay”, “ăn tiền” của trùm buôn lậu, thì ông ta sẽ chống buôn lậu thế nào? Và nỗ lực phòng, chống buôn lậu của cơ quan chức năng, của chính những đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội của ông ta, sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí gặp nguy hiểm ra sao?

Cũng trong vụ án này, một cán bộ khác là Đại tá Phùng Danh Thoại, Trưởng phòng Xăng dầu (thuộc Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cũng đã “bắt tay” với đối tượng buôn lậu để bỏ túi hàng chục tỷ đồng.

Còn nhiều nữa những cái “bắt tay” trong các phi vụ nhơ bẩn mà những “công bộc” suy thoái, biến chất đã nhắm mắt, đưa tay để làm ngơ, để “ăn bẫm”. Nó đang dần được đưa ra ánh sáng trong những vụ việc nóng mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu khẩn trương làm rõ.

Đó vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan; vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh, liên quan đến vai trò quản lý của một số lãnh đạo ngành tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; là vụ Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đưa “quân xanh” vào tham gia thầu, móc ngoặc với cán bộ y tế của địa phương (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) để thông thầu, nâng khống giá trị thiết bị y tế, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước. Hay hàng loạt quan chức lãnh đạo cấp cao, kể cả những cán bộ đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền ở Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Dương, TP.HCM… buông lỏng quản lý, cấu kết với tư nhân để trục lợi từ những dự án “đất vàng” đang được cơ quan chức năng điều tra, xét xử…

Những vụ việc nói trên cũng được Tiểu ban 5 (thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) “điểm tên” khi theo dõi hoạt động phòng, chống tham nhũng. Tiểu ban này đánh giá, năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm”, “sân sau” có chiều hướng gia tăng, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán.

Vì sao công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ghi nhận đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng tham nhũng, tiêu cực gắn với “lợi ích nhóm”, “sân sau” lại có xu hướng gia tăng, cả ở khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước như vậy? Nó xuất phát từ những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách, hay do chính sự suy thoái, biến chất, tự chuyển hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên?

Theo HUY HÀO / BÁO ĐẦU TƯ

Tags: ,