Tập Cận Bình và học thuyết quân sự của Trung Quốc

“Đường lối chính sách” của Tập Cận Bình không quan tâm nhiều đến việc phân tích các mối đe dọa mới hay các vấn đề học thuyết trừu tượng nhất, mà thay vào đó là danh sách những thứ mà PLA tuyệt đối phải hoàn tất trong một khoảng thời gian ngắn.

Bài viết của tác giả Giancarlo Elia Valori, đồng chủ tích hội đồng cố vấn Honoris Causa Professor Giancarlo Elia Valori, một hội đồng quy tụ những chuyên gia xuất sắc của Italia. Bài viết được đăng trên Modern Diplomacy.

Học thuyết quân sự của Chủ tịch Tập Cận Bình và “nguyên nhân chiến tranh” theo ông là gì? Để hiểu rõ sự tiến triển của các nghiên cứu về chiến tranh của Trung Quốc cho đến nay, chúng ta cần phải nghiên cứu truyền thống của Quân giải phóng nhân dân (PLA) và tầm nhìn của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong lịch sử học thuyết về chiến tranh.

Trước tiên, đối với Trung Quốc, những thuật ngữ khác nhau dùng trong nội bộ Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trên phạm vi rộng hơn là trong các học thuyết quân sự của phương Tây như “chiến lược toàn cầu”, “chiến lược an ninh quốc gia” hay “chiến lược quốc phòng” không phải là những khái niệm hay lối tư duy khác nhau mà đều được gộp vào trong khái niệm “chiến lược quân sự” của Trung Quốc.

Một lần nữa theo thuật ngữ Trung Quốc, trong số các khái niệm đơn giản hơn, các “đường lối chỉ đạo” chiến lược là các đường lối chính sách chính trị-quân sự do ban lãnh đạo ĐCSTQ đưa ra. Trong các đường lối chính sách này, chúng ta có thể nhận thấy mối đe dọa địa chính trị mà ĐCSTQ nghĩ là sát sườn hơn và do đó là loại hình chiến tranh tương lai có khả năng xảy ra nhất mà Trung Quốc phải sẵn sàng tiến hành và tham gia một cách vô điều kiện.

Những đánh giá ban đầu về cẩm nang của Trung Quốc cũng giống với đánh giá chiến lược của phương Tây, trong khi đó các đánh giá mang tính phân tích lại đề cập đến năng lực của các Lực lượng vũ trang Trung Quốc trong mối quan hệ với “các cuộc chiến tranh hiện tại và tương lai”.

Theo tư tưởng chiến lược hiện tại của Trung Quốc, khoa học chiến lược quân sự là việc nghiên cứu các quy luật chiến tranh và các quy định về việc tiến hành chiến tranh, cũng như phân tích những dự báo về chiến tranh và nghiên cứu loại hình chiến tranh có khả năng xảy ra nhất trong tương lai – tất cả đều được phân tích dựa trên cơ sở các kịch bản trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cần bắt đầu phân tích ít nhất là từ triết lý quân sự của Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc đã phá bỏ triết lý “chiến tranh nhân dân” theo tư tưởng Mao Trạch Đông mà trong đó công nghệ còn thiếu được thay thế bằng nhân tố lớn là quần chúng có vũ trang.

Điều đáng lưu ý là theo tư tưởng Mao Trạch Đông, tất cả điều này là đường lối chính sách để sẵn sàng chống lại một cuộc tấn công hạt nhân theo sau là một cuộc xâm lược – một cuộc tấn công hạt nhân rất có khả năng do Liên Xô hay Mỹ tiến hành. Quả thực, hai thế giới theo học thuyết của Mao Trạch Đông về chính sách đối ngoại – thế giới thứ ba là thế giới các nước nghèo – phải do Trung Quốc chỉ đạo và dẫn dắt.

Ngược lại, theo quan điểm của Đặng Tiểu Bình, có sự chuyển dịch từ nhận thức ban đầu về một mối đe dọa toàn cầu sang học thuyết về “chiến tranh có giới hạn” và cục bộ xung quanh biên giới Trung Quốc.

“Đường lối chính sách” về chiến tranh và quốc phòng mà Đặng Tiểu Bình vạch ra không chỉ dành cho tất cả các cuộc xung đột trên đất liền ở khu vực biên giới phía Bắc và phía Đông (“kẻ thù phương Bắc” theo cách gọi của Đặng Tiểu Bình đối với nước Nga thời Xôviết) mà còn cho cả các cuộc đụng độ trên biển và các cuộc không kích bất ngờ, theo sau là các biện pháp đối phó cần thiết của PLA.

Điều còn thiếu trong tư tưởng quân sự của Đặng Tiểu Bình – và là di sản của Mao Trạch Đông – là một học thuyết cụ thể về vũ khí hạt nhân mà như Thống chế Xôviết Shaposhnikov cũng đã chỉ cho chúng ta là “một vũ khí giống như các vũ khí khác”.

Giang Trạch Dân – sau Đặng Tiểu Bình, người chủ trương “4 hiện đại hóa” mà điều cuối cùng chính là hiện đại hóa quân sự và công nghệ – đã tái dựng mô hình của Đặng Tiểu Bình bằng việc vạch ra “chiến tranh có giới hạn trong điều kiện công nghệ cao”.

Trong bối cảnh mới đó – sự chuyển hướng đầu tiên thực sự khỏi “đường lối chính sách của Mao Trạch Đông” về chiến tranh – Giang Trạch Dân đã vạch ra hai khu vực can thiệp chính, một khu vực gần Đài Loan và khu vực còn lại ở Thái Bình Dương nhằm vào tất cả các mạng lưới của Mỹ, trong khi đó sự sụp đổ của Liên Xô khiến cho hệ thống phòng thủ truyền thống của Trung Quốc trước “kẻ thù phương Bắc” về căn bản là vô dụng. Đây là nhân tố hàng hải đầu tiên thực sự trong học thuyết của Trung Quốc, sau khi Mao Trạch Đông nghĩ đến một hệ thống phòng thủ áp dụng gần như hoàn toàn trên đất liền, trên cơ sở cuộc Vạn lý trường chinh của ông.

Tuy nhiên, ngay từ những năm 1950, các tài liệu nội bộ của Ban chấp hành trung ương đã coi Philippines, Đông Nam Á, quần đảo Thái Bình Dương, hiển nhiên là Đài Loan và ngay cả Nhật Bản là các khu vực mà Trung Quốc sẽ xâm chiếm hoặc nắm quyền bá chủ trong tương lai. Do đó, về mặt công nghệ, cuộc chiến tranh mới của Giang Trạch Dân đồng nghĩa với một cuộc đụng độ dựa vào các vũ khí liên lục địa, thiết bị điện tử tinh vi, chiến trường đa chiều, thiết bị cảm ứng và tin tức tình báo.

Quân ủy trung ương, cơ quan cao nhất của Đảng phụ trách các vấn đề quốc phòng, đã chính thức chấp nhận đường lối chính sách của Giang Trạch Dân vào năm 1992. Dễ dàng hình dung ra điều mà những người ra quyết định trong giới quân sự Trung Quốc đã quan sát và nghiên cứu khi đó: chiến tranh ở khu vực Balkan, Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1990-1991, chiến tranh ở Rwanda, “cuộc chiến 10 ngày” giữa Slovenia và Cộng hòa Nam Tư, cuộc nổi loạn của các phần tử thánh chiến ở Algeria, các cuộc đụng độ ở Gruzia, cuộc xung đột ở khu vực biên giới giữa Armenia và Azerbaijan, và các cuộc xung đột nhỏ khác. Nghiên cứu của Trung Quốc về học thuyết chiến tranh luôn đề cập đến các trường hợp cụ thể. Theo triết lý truyền thống của Trung Quốc, không có gì giống với các “phạm trù” của Aristotle hay Kant. Do đó, theo Trung Quốc và “đường lối chính sách của Giang Trạch Dân”, quân đội tinh nhuệ và các chiến dịch phòng ngừa luôn là những phương tiện chắc chắn mang lại thắng lợi trong chiến tranh, mặc dù Trung Quốc luôn từ chối là nước khơi mào một cuộc đụng độ quân sự – ngay cả một cuộc đụng độ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các cuộc chiến tranh cục bộ mới mà Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân đã nghiên cứu và đưa thành học thuyết được cho là các “cuộc chiến chóng vánh ép buộc phải đưa ra các quyết định nhanh chóng”.

Thay vì khiến kẻ thù tiến sâu vào lãnh thổ Trung Quốc – như theo tư tưởng Mao Trạch Đông – và sau đó chiếm giữ nó như trong một cuộc vây hãm của quần chúng có vũ trang, học thuyết mới của Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân vạch ra các chiến dịch tiến sâu vào lãnh thổ của kẻ thù.

Do đó, việc chuẩn bị các công nghệ hết sức tiên tiến và các năng lực của quân đội tinh nhuệ, tương phản với chiến lược “lấy thịt đè người” dưới thời Mao Trạch Đông, cũng như các chiến dịch bí mật, yếu tố bất ngờ về chiến thuật và chiến lược, và các hành động phối hợp sâu được chú trọng.

Vượt ra ngoài câu chuyện hoang đường về chiến tranh toàn lực bằng vũ khí hạt nhân mà Mao Trạch Đông cũng tin tưởng nhưng lại chỉ là một con hổ giấy, đường lối chính sách quân sự mới của Giang Trạch Dân tập trung vào khả năng sát thương tối đa của các loại vũ khí, độ chính xác về mặt chiến thuật, khả năng bao vây và ngấm ngầm đánh bại kẻ thù, cũng như khả năng thâm nhập vượt ra ngoài các giới hạn.

Sau đó, ĐCSTQ tập trung tư tưởng quân sự và chiến lược vào Cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự, mà Mỹ đã phát triển vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, cần nhớ lại rằng học thuyết đầu tiên về Cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự được Thống chế Ogarkov (Liên Xô) phát triển, bằng cách chú trọng việc robot hóa chiến trường và vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ không gian và các vệ tinh được sử dụng như là vũ khí và công cụ thu thập tin tức tình báo chiến thuật và chiến lược.

Giang Trạch Dân đã sửa đổi các khái niệm đó của phương Tây và Liên Xô đồng thời bổ sung một loạt vấn đề cần xem xét về khía cạnh chính trị và xã hội của xung đột, nhưng vẫn luôn nằm trong khuôn khổ “chiến tranh khu vực trong điều kiện công nghệ cao và vi tính hóa”. Sau khi nghiên cứu cuộc chiến tranh tại Kosovo, Trung Quốc đã đưa ra khái niệm riêng mang tính học thuyết vào năm 2004.

Trung Quốc cũng đã nghiên cứu kỹ các học thuyết về “chiến tranh phi bạo lực” do Gene Sharp (Mỹ) phát triển và sau đó được áp dụng một cách triệt để trong các cuộc “cách mạng sắc màu” ở Gruzia và Ukraina, cũng như trong trường hợp OTPOR! tại Serbia. Các học thuyết quân sự của Trung Quốc hiện nay đặc biệt chú trọng – dù không rõ ràng – vào chiến tranh tâm lý.

Như đã trình bày rõ trong Sách trắng năm 2004, công nghệ thông tin (IT) và chiến tranh mạng của Trung Quốc chủ yếu nhằm “gây thiệt hại nặng nề cho kẻ thù, ngay cả kẻ thù vốn mạnh hơn, thông qua một loạt cách thức từ phá hủy các vệ tinh và hệ thống tên lửa của kẻ thù đến sử dụng các vũ khí xung điện từ để tấn công tàu thuyền hoặc máy bay và thậm chí là các mạng lưới IT dân sự của họ”. Lúc này, ý tưởng của những người ra quyết định trong giới chính trị và quân sự Trung Quốc là chuyển từ “cơ giới hóa sang các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và vi tính hóa” dẫn tới nhiều cuộc chiến tranh bất đối xứng, phi tuyến tính và giữa các nước không liền kề trong khu vực đụng độ chiến lược. Nếu chúng ta cho rằng chủ nghĩa cục bộ là đặc trưng của nhiều “Sách Trắng” về các Lực lượng vũ trang châu Âu lúc này, thì điều nổi bật là ý nghĩa sống còn của tư tưởng chiến lược Trung Quốc, chắc chắn là không có những sự mơ hồ về mặt ngữ nghĩa và các mối quan ngại của những người theo chủ nghĩa hòa bình.

Ngược lại, cơ giới hóa là mục tiêu cụ thể của Sách Trắng năm 2008, khi cơ quan quyền lực trung tâm của ĐCSTQ vẫn ủng hộ ý tưởng huấn luyện các lực lượng quân sự tinh nhuệ nhất trên chiến trường cũng như xây dựng các mạng lưới IT phục vụ công tác chỉ huy, kiểm soát và tình báo (CCI), ngoài việc có được các hệ thống vũ khí thích hợp nhất cho học thuyết mới năm 2008, vốn theo sau học thuyết được trình bày trong các văn kiện chính thức năm 2004 và các năm tiếp theo.

Theo những người ra quyết định của Trung Quốc, ICT và vi tính hóa là “gót chân Achilles” của các hệ thống vũ khí và chỉ huy của phương Tây hay bất kỳ hệ thống nào của các kẻ thù có thể có của Trung Quốc. “Mạng” được cho là mặt trận tấn công đầu tiên của PLA trong trường hợp xảy ra chiến tranh có giới hạn hoặc đối đầu trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, những người ra quyết định của Trung Quốc không chỉ tìm kiếm một mạng lưới có hiệu quả cho CCI của Trung Quốc mà còn cả một học thuyết riêng cho “chiến tranh điện tử” và các dấu hiệu cho thấy nó sẽ được phát triển đáng kể trong những năm tiếp theo. Nhiều người có thể nhớ rằng trong những năm đó, phương Tây bắt đầu quan tâm đến các Hoạt động quân sự ngoài chiến tranh (MOOTW). Trong các học thuyết chính thức của Trung Quốc từ năm 2007 đến năm 2010, chúng ta có thể lưu ý rằng vai trò mà các Lực lượng vũ trang Trung Quốc có thể nắm giữ trong việc hỗ trợ nền kinh tế và xã hội Trung Quốc cũng như hỗ trợ người dân trong trường hợp thiên tai được chú ý đặc biệt.

Về mặt này, chúng ta chắc chắn không thể quên được vai trò của PLA trong việc chống phá hoại, đảo chính nội bộ và chủ nghĩa bè phái đối với đảng và đất nước Trung Quốc. Do đó, chúng ta có thể dự đoán được vai trò trong nội bộ quân đội của các Lực lượng vũ trang vốn nhạy cảm và thận trọng hơn nhiều so với vai trò thông thường phổ biến ở các nước phương Tây – mội vai trò cũng có thể dự đoán được và mang tính chủ động, chứ không phải là vai trò trước đây.

Như mọi người có thể đã nhận ra, tất cả những sự xem xét này cho thấy rất rõ sự phục tùng của PLA đối với đảng, nhưng các Lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng có một vai trò chính trị cụ thể. Vai trò mà Quân ủy trung ương đảm nhiệm kể từ năm 1990 đã làm gia tăng tầm quan trọng của nó trong hệ thống cấp bậc của ĐCSTQ. Chính trong bối cảnh chính trị và chiến lược này, các mối đe dọa toàn cầu đối với nguyên trạng của Trung Quốc thực sự thay đổi: Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 – do đó không còn mối đe dọa về một cuộc xâm lược từ phương Bắc như ban lãnh đạo ĐCSTQ đã lo ngại trong các cuộc đụng độ trên sông Ussuri vào năm 1968.

Sông Ussuri thất thủ khi một năm trước đó, lực lượng Hồng vệ binh bao vây Đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh và do đó Liên Xô đã tấn công lính biên phòng Trung Quốc ngay trên sông Ussuri. Liên Xô đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc, nhưng Mỹ đã đe dọa sẽ gây hậu quả nặng nề cho Liên Xô nếu điều này xảy ra. Dữ liệu từ cơ quan lưu trữ của Mỹ hiện được nhiều người biết đến này giúp chúng ta hình dung ra được mức độ đương nhiên của việc Trung Quốc khi đó chấp nhận đề xuất của Mỹ mở một cánh cửa mới hướng đến Mỹ để chống lại Liên Xô một cách rõ ràng.

Cũng cần phải lưu ý là học thuyết nổi tiếng của Mao Trạch Đông “về việc giải quyết đúng đắn những mâu thuẫn trong nhân dân” trên thực tế là lời kêu gọi thỏa hiệp với Liên Xô, vốn ủng hộ “Con đường nghị viện” – cũng như việc các bên phụ thuộc vào Liên Xô từng làm – trong khi Trung Quốc lại muốn có một cuộc chiến “chống chủ nghĩa đế quốc” và chống chủ nghĩa thực dân trên quy mô lớn hơn.

Trung Quốc và Liên Xô cũng đạt được các kết quả khác về mặt quân sự trong tình hình chính trị và tư tưởng đó. Khrushchev đã từ chối việc tích cực đáp trả các chiến dịch của lính thủy đánh bộ Mỹ tại Liban, ngoài việc từ chối hỗ trợ Trung Quốc khi nước này bắt đầu ném bom đảo Kim Môn vẫn do Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch chiếm đóng, và sau đó tỏ rõ với mọi người rằng Liên Xô sẽ không bao giờ trao nguyên mẫu bom hạt nhân cho Trung Quốc. Đây là kế hoạch quân sự thực sự cho một cuộc thảo luận giờ đã rất nổi tiếng – bề ngoài mang tính giáo điều và mơ hồ – giữa hai cường quốc thế giới vốn theo chủ nghĩa Mác. Do đó vào năm 1991, “kẻ thù phương Bắc”, tức là Liên Xô, không còn tồn tại và nỗi lo ngại về một cuộc xâm lược lớn đã chấm dứt.

Tuy nhiên, như suy nghĩ đúng đắn của những người ra quyết định của Trung Quốc, việc thế giới không còn lưỡng cực nữa đã làm gia tăng – và chắc chắn không làm giảm bớt – khả năng xảy ra các cuộc xung đột khu vực.

Chẳng có gì liên quan đến giấc mơ hay ảo tưởng theo chủ nghĩa hòa bình không chỉ của công chúng thiếu hiểu biết mà còn của những người ra quyết định ở phương Tây.

Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc sau các sự kiện diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn; cuộc tranh luận đang diễn ra giữa những người Mỹ gốc Anh về nhân quyền ở Trung Quốc; việc Mỹ ủng hộ Đài Loan trong cuộc khủng hoảng năm 1996, khi Mỹ cử hai tàu sân bay đến eo biển Formosa, và vấn đề Tây Tạng – cũng như vấn đề Tân Cương, hiện đang gia tăng giữa các thế lực chi phối truyền thông Mỹ và châu Âu – và cuối cùng là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đều là những yếu tố khiến chúng ta – không chỉ trong những năm đó mà cả trong giai đoạn sau – nghĩ rằng “kẻ thù xa xôi” của Trung Quốc, tức là Mỹ, trên thực tế sẽ vẫn là kẻ thù thực sự duy nhất.

Chính màn trình diễn công nghệ của Mỹ trong hai cuộc Chiến tranh vùng Vịnh diễn ra trong năm 1991 và 2003 rõ ràng đã thuyết phục những người ra quyết định ở Trung Quốc về khuynh hướng IT mới và đường hướng mà các Lực lượng vũ trang quốc gia của ĐCSTQ phải đi theo. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhận ra chân lý khi Mỹ tạo ra biến cố khơi mào cuộc chiến ở Kosovo. Điều đó chứng tỏ cho những người ra quyết định trong ĐCSTQ và PLA thấy được khả năng của Mỹ trong việc tạo ra những tình huống khó khăn bằng cách thao túng cả ngoại giao lẫn cán cân quân sự của toàn bộ khu vực.

Vậy tầm nhìn chính trị-quân sự hiện nay của Chủ tịch Tập Cận Bình là gì?

Trong các văn kiện chính thức, “đường lối chính sách” của Tập Cận Bình không quan tâm nhiều đến việc phân tích các mối đe dọa mới hay các vấn đề học thuyết trừu tượng nhất, mà thay vào đó là danh sách những thứ mà PLA tuyệt đối phải hoàn tất trong một khoảng thời gian ngắn nhằm:

a) cải thiện khả năng đối phó đồng thời với một loạt rộng lớn trường hợp khẩn cấp nội bộ và mối đe dọa về mặt quân sự mang tính chiến thuật và phi chiến thuật, mà có thể gây nguy hiểm đến chủ quyền của Trung Quốc trên đất liền, trên biển và trên không;

b) ủng hộ việc bảo vệ một cách nghiêm ngặt và rõ ràng sự thống nhất của tổ quốc – một yếu tố cần thiết để hoàn tất Sáng kiến “Vành đai và Con đường” vĩ đại;

c) đảm bảo an ninh của Trung Quốc “trong các bối cảnh mới” – và điều này rõ ráng ám chỉ việc bảo vệ hệ thống tài chính và công nghiệp, ngoài hệ thống chính trị;

d) đảm bảo bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài – thực sự là tài sản chiến lược mới của Trung Quốc với tư cách là cường quốc kinh tế toàn cầu;

e) cải thiện tính hiệu quả của hệ thống răn đe chiến lược bằng hạt nhân và trên mạng, cũng như khả năng PLA thực hiện thành công một cuộc phản công nhanh chóng và có tính ngăn chặn cao bằng hạt nhân;

f) tăng cường sự tham gia của PLA trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế – một sự thừa nhận đầy đủ vai trò của Trung Quốc ở lĩnh vực quân sự;

g) tăng cường việc bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc trước chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa khủng bố;

h) cải thiện khả năng của PLA trong việc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của họ trong các cuộc khủng hoảng môi trường và y tế – như trường hợp cuộc khủng hoảng cúm gia cầm vào năm 2003 và các năm tiếp theo.

Do đó, để giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh mạng trong khu vực – mục tiêu chính trị và chiến lược đầu tiên của PLA cũng như của chính ĐCSTQ, cần phải bảo vệ tối đa yếu tố bất ngờ chiến lược, ngoài việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài – một mục tiêu hàng đầu khác của ban lãnh đạo Trung Quốc. Hơn nữa, việc bảo vệ lợi ích “trong các lĩnh vực khác” ám chỉ sự bành trướng của Trung Quốc trên biển, trong không gian và trên mạng.

Đây là một sự bành trướng vượt ngoài ranh giới lãnh thổ của Trung Quốc và những khu vực như Hong Kong và Macau. Trên thực tế, Trung Quốc hiện đang tìm kiếm các căn cứ quân sự mới ở nước ngoài, cụ thể là Chongjin ở Triều Tiên, Port Moresby ở Papua New Guinea, Sihanoukville ở Campuchia, Koh Lanta ở Thái Lan, Sittwe ở Myanmar, Dhaka ở Bangladesh, Gwadar ở Pakistan, cảng Hambantota ở Sri Lanka, quần đảo Maldives và Seychelles, Djibouti, Lagos ở Nigeria, Mombasa ở Kenya, Dar es Salaam ở Tanzania, Luanda ở Angola và vịnh Walvis ở Namibia.

Chắc chắn chương trình bành trướng về mặt quân sự và tái định vị chiến lược dưới thời Tập Cận Bình này ám chỉ một loạt hành động chống tham nhũng mà cũng tác động nặng nề đến PLA, đặc biệt là các hàng ngũ cấp cao nhất của nó.

Vì vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình nghĩ rằng các lực lượng vũ trang Trung Quốc hết sức tiên tiến về mặt kỹ thuật và tác chiến là cần thiết. Quan trọng hơn cả, họ phải kiên quyết tuân theo sự chỉ đạo duy nhất của đảng vốn đã tiến hành một cuộc điều tra chống tham nhũng trong nhiều năm.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,