⠀
Tác động sức khỏe của ô nhiễm không khí hộ gia đình
Ô nhiễm không khí hộ gia đình là gì? Gánh nặng bệnh tật từ ô nhiễm không khí hộ gia đình lớn tới mức nào? Ứng phó như thế nào với các tác động của ô nhiễm không khí hộ gia đình đối với sức khỏe?
Nguồn: Các câu hỏi thường gặp về Ô nhiễm không khí bên ngoài và trong nhà đối với Sức khỏe, WHO.
Ô nhiễm không khí hộ gia đình là gì?
Ô nhiễm không khí hộ gia đình (HAP) từ việc đốt nhiên liệu rắn không hiệu quả (như gỗ, than, than củi, chất thải cây trồng, phân) và dầu hỏa là một trong những yếu tố nguy cơ môi trường hàng đầu cho tử vong và khuyết tật trên thế giới, đặc biệt là trong những nhóm dân số nghèo nhất và bị thiệt thòi, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Trước đây HAP được mô tả là ô nhiễm không khí trong nhà (IAP), nhưng việc thừa nhận rằng sự tiếp xúc của con người với ô nhiễm không khí do đốt cháy nhiên liệu rắn và dầu hỏa trong các hộ gia đình không bị giới hạn trong môi trường trong nhà, yếu tố nguy cơ này đã được đổi tên thành HAP nhằm bao gồm đầy đủ hơn các nguy cơ sức khỏe có liên quan.
Các tác động sức khỏe từ việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí hộ gia đình là gì?
Tiếp xúc với ô nhiễm không khí hộ gia đình có liên quan đến một loạt các bệnh ở trẻ em và người lớn, bao gồm các tình trạng hô hấp như nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính (ví dụ: viêm phổi), phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, đột quỵ và bệnh tim mạch.
Tình trạng phơi nhiễm gắn liền với các hậu quả về sức khỏe khác bao gồm các bệnh ung thư khác (ví dụ như cổ tử cung), các kết quả thai kỳ bất lợi (ví dụ: cân nặng sơ sinh thấp), đục thủy tinh thể (đặc biệt là ở phụ nữ), suy giảm nhận thức và bệnh lao.
Gánh nặng bệnh tật từ ô nhiễm không khí hộ gia đình lớn tới mức nào?
Ô nhiễm không khí hộ gia đình là nguy cơ sức khỏe-môi trường lớn thứ hai ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, ước tính có tới 3,8 triệu người chết trong năm 2016 (6,7% tổng số tử vong).
Những nguồn hay nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí gia đình là gì?
Việc đốt dầu hỏa và nhiên liệu rắn không hoàn toàn (gỗ, than, than củi, chất thải hoa màu, phân) từ việc sử dụng bếp đun nấu ngoài trời hoặc bếp lò đơn giản kém lưu thông không khí để nấu nướng, sưởi ấm và chiếu sáng là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí hộ gia đình chính.
Số lượng và tỷ lệ liên quan của các chất ô nhiễm không khí độc hại được tạo ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu trong nhà phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại nhiên liệu và độ ẩm, lưu thông không khí trong nhà, hành vi của người sử dụng bếp lò và công nghệ bếp. Các chất gây ô nhiễm độc phát ra bao gồm các hạt có kích thước khác nhau, các-bon monoxit, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và bán ổn định, và nhiều hợp chất khác. Quá trình đốt cháy than, ngoài các chất gây ô nhiễm nêu trên, sẽ giải phóng các oxit lưu huỳnh, các kim loại nặng như asen và flo cũng gây hậu quả rất tiêu cực đến sức khỏe.
Có những ảnh hưởng sức khỏe từ tiếp xúc ngắn và dài hạn với ô nhiễm không khí hộ gia đình không?
Cả tiếp xúc dài và ngắn hạn với ô nhiễm không khí hộ gia đình đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Tiếp xúc dài hạn hoặc thường xuyên trong suốt cuộc đời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như ung thư đường hô hấp, bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tiếp xúc ngắn hạn hơn, hàng ngày cho đến hàng tháng, có thể dẫn đến kết cục sức khỏe cấp tính hơn như viêm phổi và kết quả thai kỳ bất lợi. Các thành viên trong hộ gia đình mắc các bệnh như hen suyễn và bệnh tim có thể bị ảnh hưởng chỉ trong vài giờ nếu tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí hộ gia đình rất cao.
Có những yếu tố nguy cơ nào khác có thể gây ra những ca tử vong do ô nhiễm không khí gia đình?
Tỷ lệ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc và ô nhiễm không khí bên ngoài. Một số rủi ro khác cho viêm phổi bao gồm hút thuốc lá, bú mẹ không đầy đủ, nhẹ cân và khói thuốc thụ động. Đối với ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hút thuốc lá và khói thuốc lá thụ động cũng là những yếu tố nguy cơ chính.
WHO ước tính dân số tiếp xúc với ô nhiễm không khí hộ gia đình như thế nào?
WHO sử dụng tỷ lệ phần trăm hộ gia đình ở các nước thu nhập thấp và trung bình chủ yếu nấu bằng nhiên liệu rắn hoặc dầu hỏa làm chỉ số tương đương của phơi nhiễm ô nhiễm không khí hộ gia đình. Tỷ lệ hộ gia đình nấu ăn kết hợp “nhiên liệu và công nghệ gây ô nhiễm” được ước tính cho một năm cụ thể sử dụng một mô hình thống kê dựa trên dữ liệu khảo sát hộ gia đình từ cơ sở dữ liệu Năng lượng Hộ gia đình của WHO. Cơ sở dữ liệu này chứa thông tin được biên soạn về nhiên liệu nấu ăn chính được sử dụng và thói quen nấu ăn từ hơn 1100 nguồn dữ liệu đại diện quốc gia như điều tra dân số quốc gia, điều tra mức sống và điều tra phúc lợi dân số, Khảo sát sức khỏe nhân khẩu học của USAID, Khảo sát cụm đa chỉ số của UNICEF và Khảo sát đo lường mức sống của Ngân hàng Thế giới (xem http://www.who.int/gho/database/en/)
Ước tính phơi nhiễm không khí ô nhiễm hộ gia đình của WHO là một nguồn dữ liệu quan trọng trong việc theo dõi và giám sát việc sử dụng năng lượng của các hộ gia đình và các tác động sức khỏe trong hơn một thập kỷ.
Những khu vực và quốc gia nào trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất?
WHO sử dụng tỷ lệ phần trăm hộ gia đình ở các nước thu nhập thấp và trung bình chủ yếu nấu bằng nhiên liệu rắn hoặc dầu hỏa làm chỉ số tương đương của phơi nhiễm ô nhiễm không khí hộ gia đình. Theo ước tính gần đây cho năm 2016, tiếp xúc với ô nhiễm không khí hộ gia đình phổ biến nhất ở các nước thu nhập thấp và trung bình (LMICs) của khu vực châu Phi, nơi trung bình 83% hộ gia đình chủ yếu sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm để nấu ăn. Trong LMICs của khu vực Đông Nam Á, 59% hộ gia đình chủ yếu nấu ăn bằng nhiên liệu rắn hoặc dầu hỏa và ở các LMICs ở các khu vực khác của WHO, việc sử sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm làm nguồn chính dao động từ 42% ở khu vực Tây Thái Bình Dương tới 31% ở miền Đông Địa Trung Hải và < 15% ở châu Mỹ và châu Âu.
Ở một số nước như Ethiopia và Rwanda, WHO ước tính rằng hơn 95% dân số dựa vào nhiên liệu rắn, cho thấy hầu như toàn bộ dân số của các nước này thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm không khí hộ gia đình. WHO ước tính rằng hơn 1 tỷ người ở mỗi nước Trung Quốc và Ấn Độ chủ yếu dựa vào nhiên liệu rắn để nấu ăn.
Ứng phó như thế nào với các tác động của ô nhiễm không khí hộ gia đình đối với sức khỏe?
Nhiều nỗ lực đang được tiến hành để phổ biến các giải pháp năng lượng sạch tại nhà nhưng có một khoảng trống trong sự hiểu biết của chúng ta về các can thiệp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ sức khỏe và thu thập dữ liệu về vấn đề này ở cả cấp quốc gia và toàn cầu. WHO đang giải quyết những thách thức này thông qua hướng dẫn quy phạm trong Hướng dẫn của WHO về chất lượng không khí trong nhà: đốt nhiên liệu hộ gia đình, để hỗ trợ các nước và các bên liên quan khác thực hiện Hướng dẫn WHO về chất lượng không khí trong nhà: đốt nhiên liệu hộ gia đình và xây dựng năng lực trong nước đạt được mục tiêu 7 của Mục tiêu SDG nhằm đạt được khả năng tiếp cận phổ cập nhiên liệu và công nghệ sạch vào năm 2030.
Ở Việt Nam, các tác động về sức khỏe từ ô nhiễm không khí hộ gia đình chưa được chú ý một cách đầy đủ. Báo cáo môi trường của Nhà nước nhấn mạnh sự thiếu thông tin, thiếu dữ liệu và bằng chứng về ảnh hưởng sức khỏe từ ô nhiễm không khí hộ gia đình. Ngoài ra, chính phủ vẫn chưa giao bất kỳ bộ hoặc cơ quan cụ thể nào chịu trách nhiệm giám sát và kiểm soát ô nhiễm không khí hộ gia đình. Do đó, WHO tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ để nâng cao nhận thức của cộng đồng và ủng hộ các cơ quan nhà nước về vấn đề này thông qua tăng cường phối hợp và cộng tác giữa các bộ liên quan thông qua một Nhóm công tác kỹ thuật liên ngành.
Theo đó WHO đang phát triển bộ công cụ giải pháp năng lượng sạch hộ gia đình
– Cải thiện các công cụ giám sát (ví dụ: các khảo sát quốc gia) về các giải pháp năng lượng tại nhà và các tác động sức khỏe của các giải pháp,
– Tăng cường cơ sở dữ liệu năng lượng hộ gia đình toàn cầu của mình bao gồm nhiều chỉ số và công cụ để đánh giá tác động sức khỏe, bao gồm dữ liệu về nhiên liệu và công nghệ được sử dụng để sưởi ấm, chiếu sáng và bổ sung tập quán nấu ăn (ví dụ: sử dụng nhiều lò đốt nhiên liệu)
– Xem xét và biên soạn các bằng chứng khoa học về y tế, an toàn (ví dụ: bỏng, ngộ độc) và các tác động sinh kế (thời gian tiêu hao nhiên liệu) của ô nhiễm không khí hộ gia đình,
– Làm việc với các quốc gia để thực hiện giám sát hiệu quả chất lượng không khí và các tác động sức khỏe trong cả trường hợp hộ gia đình có nhà cửa ổn định và hộ gia đình có nhà cửa tạm thời.
Theo WHO
Tags: Ô nhiễm môi trường, Sức khỏe