Suy ngẫm về bốn cuộc cách mạng từ chiếc màn hình

Cha mẹ ở nhà cần suy nghĩ đến sự cần thiết cho con cái tiếp cận với màn hình, theo những thời điểm tốt nhất. Đối thoại với con để chúng dùng màn hình đúng cách, đúng lúc. Đồng thời cũng cần biết những khả năng và giới hạn của màn hình nói chung và internet nói riêng để dạy con một cách toàn diện.

Suy ngẫm về bốn cuộc cách mạng từ chiếc màn hình

Bài viết của tác giả Pháp Serge Tisseron. Ông là một nhà tâm lý tâm thần học. Ông là tác giả của luật “3-6-9-12”, những mấu tuổi cho việc hướng dẫn trẻ tiếp cận với màn hình (Không màn hình trước 3 tuổi, Không chơi games trước 6 tuổi, Không Internet trước 9 tuổi và Internet một mình từ 12 tuổi).

Văn hóa sách khác văn hóa màn hình

Thời tiền sử, bên ta thì có văn chương truyền khẩu, bên Tây, đó là những tượng đài, hình vẽ, trong đó có cả hình ảnh của Công giáo. Người xưa kể chuyện, thêu dệt chung quanh kinh nghiệm sống, trí nhớ hay vài hình ảnh đơn giản. Tất cả những truyện truyền khẩu này thường thay đổi tùy người kể, tùy hoàn cảnh, tùy vùng miền. Ta có câu “tam sao thất bổn”.

Sau đó với chữ viết, rồi nhà in, sách ra đời. Các chuyện kể thành bất biến vì rành rành trên giấy trắng mực đen. Sách thành một loại của quí, vốn hiểu biết tối thượng của văn hóa. Thư viện là nơi tồn trử hiểu biết của nhân loại, tủ sách cá nhân là thước đo mức … thâm sâu bác học của chủ nhà.

Sự ra đời của màn hình cũng đã theo một quá trình phức tạp.

Phim ảnh trước nhất. Khởi thủy phim ảnh dựa trên sách, phải có cốt truyện mới làm nên phim. Phim lúc đó chỉ để minh họa, bằng một loại ngôn ngữ dễ tiếp cận hơn cho tất cả mọi người, kể cả và nhất là những người không biết đọc hay không có khả năng/can đảm đọc trong nhiều ngày một truyện dài. Màn hình đưa các thông điệp đến một quần chúng rộng hơn.

Truyền hình sau đó, rồi internet, internet cả trên điện thoại di động. Màn hình xâm nhập vào đời sống của mỗi người ở mọi nơi. Hiện thời, khó có thể tổ chức liên hệ xã hội mà không kể tới màn hình.

Trường học, từ cấu trúc, sinh hoạt, chương trình giáo khoa, liên hệ thầy-trò, … cũng bị ảnh hưởng bởi màn hình.

Bài này chỉ bàn đến những gì bốn cuộc cách mạng mà màn hình mang lại qua phân tích của Serge Tisseron.

Màn hình và bốn cuộc cách mạng cùng một lúc

Nói tới màn hình, nhiều người nghĩ ngay đến sự mua sắm dụng cụ vật liệu nhưng “cái áo không làm nên thầy tu”, Sở hữu màn hình chưa hẳn là cha mẹ, thầy và trò vì thế sẽ sẳn sàng tiếp cận và khai thác lợi thế của màn hình. Serge Tisseron đề nghị nhận thức rõ bản chất của màn hình, so sánh với sách để chuẩn bị dùng màn hình.

Màn hình và cách mạng về sự liên hệ với tri thức

Sách là văn hóa số ít, của một người. Ta đọc một quyển sách và tiếp thu nội dung của quyển sách ấy cho riêng cá nhân – một việc làm cô đơn.

Hiện tượng đọc sách là một thao tác đơn lẻ, là việc làm của một người. Với sách, đó rõ ràng là một liên hệ chiều thẳng đứng : tác giả viết sách xong rồi nội dung đó được đọc, mỗi lần, bởi một người khác. Một sự chuyển giao ở số ít.

Văn hóa màn hình, trái lại,  là văn hóa số nhiều.

Khởi đầu là phim ảnh. Phim ảnh cần nhiều người thực hiện một phim, cho nhiều người tiếp cận. Trong đó, ta phải kể những người thực hiện, điều khiển, quay phim, những nghệ sĩ đóng vai, người sản xuất phim, … để rồi mang ra chiếu cho quảng đại quần chúng xem phim.

Ngay tới màn hình TV cũng là vật tập trung sự chú ý của nhiều người mà thí dụ dễ hiểu nhất là cảnh chung quanh một cái TV là cả một gia đình im lặng, chăm chú nhìn, …

Từ từ, các trò chơi truyền hình, các phim truyền hình thực tế, … được nhiều người tham dự.

Còn nói chi tới internet: cả thế giới thành một làng đông dân với màn hình máy tính làm trung gian.

Wikipedia trên internet là một thí dụ điển hình: Wikipedia được đóng góp bởi rất nhiều người và được tham khảo bởi công chúng, trong đó có cả những tác giả đã góp phần làm ra Wikipedia, một cách vô danh.

Tóm lại, liên hệ với tri thức thành dễ dàng hơn và là những liên hệ vô danh – tôi  tiếp cận tri thức mà không cần là độc giả hay học trò của X, Y.

Cách mạng trong liên hệ với sự học

Văn hóa của sách là văn hóa thẳng. Từ hàng đầu cho đến hàng cuối. Từ trang một cho đến trang chót. Mỗi chuyện được bố cục có đầu, có đuôi, có chuyện xãy ra trước đến chuyện sau. Văn hóa sách là văn hóa theo chiều thời gian. Phải đọc phần trước mới có thể hiểu phần sau…

Với màn hình, ta có thể bị lôi cuốn bởi các ảnh nhảy múa trước mắt mà không cần biết đầu biết đuôi. Một đứa trẻ chưa biết đọc cũng có khả năng “chơi” màn hình. Chữ “chơi” ở đây thể hiện đúng hành vi của người tiếp cận màn hình. Dùng thông tin, dùng trí nhớ làm việc (mémoire de travail) hay trí nhớ tức thời chứ không cần trí nhớ lâu (mémoire à long terme) vì chỉ cần một thao tác nhỏ là màn hình sẽ trực tiếp cung cấp tất cả thông tin hữu dụng.

“Văn hóa” màn hình, từ việc tra khảo trên internet đến các trò chơi games trên mạng, … là văn hóa zapping, tức là ấn chuột tùy hứng, đi từ …đông sang tây, bất kể giờ giấc,  không có thứ tự trước sau hay trên dưới, …

Màn hình vì thế không giúp ta phát triển khả năng về thời gian, không giúp phát triển trí nhớ nhất là trí nhớ lâu dài.

Hay là trí nhớ lâu dài thành vô ích, không cần thiết ?

Trong tất cả mọi trường hợp, vai trò truyền hiểu biết của thầy giáo ở trường cần được định hướng lại. Trò khi quen với việc tra cập internet sẽ khó mà sẳn sàng giam mình trong lớp học, trong liên hệ thẩng đứng giữa thầy và trò, trong một khoảng thời gian dài của lớp học, …

Màn hình và cách mạng tâm lý

Ngay tới cách và quá trình cấu tạo bản thể cũng khác từ ngày có internet. Ngày xưa, cái “tôi” của mỗi một trong chúng ta là một “sở hữu riêng”, dấu kín và mỗi cá nhân có khả năng điều khiển được những định nghĩa về mình . Ngày nay, cái “tôi”, lại thường là cái tôi ở số nhiều, được phơi bày trên các mạng xã hội. Hơn thế nữa, cả làng internet xô vào thâm nhập những cái tôi đó và nhiều khi “khổ chủ” không kiểm soát được những bản thể riêng đã thành món triển lãm dưới thanh thiên bạch nhật.

Trong cái văn hóa tin học mới này, người “giỏi” là người có khả năng rèn luyện bản thể, khả năng miêu tả những cái “tôi” của mình, dĩ nhiên rồi, nhưng đồng thời người “giỏi” là người làm chủ được được những thông tin về cái tôi của mình chứ không trở thành nạn nhân.

Dạy trẻ là dạy chúng khả năng dùng các “cửa sổ” của màn hình và biết quyết định đóng hay mở các cửa sổ đó đúng cách, đúng lúc. Để làm tốt việc cấu thành bản thể và để giữ bản thể của mình.

Cách mạng trong các liên hệ xã hội

Liên hệ xã hội thông thường được định nghĩa, tới bây giờ, như một liên hệ đa diện, có thể đi từ nhiều khía cạnh như huyết thống, tình cảm, gần gũi địa lý, có chung những sở thích hay ý tưởng, … Trên internet, chỉ cần một điểm chung là có thể làm “bạn” với nhau. Không cần sâu đậm tình cảm hay gần gũi địa lý. Mọi biên giới đều bất thành vấn đề? Có thể, nhưng không hẳn. Vì các nhóm trên internet là những nhóm mà liên hệ giữa các thành viên là một liên hệ không có tổ chức. Các thành viên không cần ý thức nhóm (sentiment d’appartenance) nhưng họ cần được thừa nhận (recherche d’aprobation de soi).

Tạm kết luận

Đối với trẻ, cha mẹ ở nhà cần suy nghĩ đến sự cần thiết cho con cái tiếp cận với màn hình, theo những thời điểm tốt nhất. Đối thoại với con để chúng dùng màn hình đúng cách, đúng lúc. Đồng thời cũng cần biết những khả năng và giới hạn của màn hình nói chung và internet nói riêng để dạy con một cách toàn diện.

Trường học, từ lớp mẫu giáo, cần khuyến khích trẻ nói về những gì chúng tiếp cận được trên màn hình – diễn tả ra thành lời để bù lại phần nào khiếm khuyết đó của màn hình, để cho sự tiếp cận này thành tiếp cận có hướng dẫn và có chiều sâu. Để khai thác những lợi ích của màn hình đồng thời bổ sung những vai trò mà màn hình không thể làm tròn (như phát triển cá thể, phát triển trí nhớ dài lâu, khả năng diễn tả và lý luận,…).

Trong tương lai gần, máy tính sẽ làm nhanh hơn ta hết các bài toán và giải quyết toàn thể các vấn đề cơ bản. Con người phải làm sao để dồn khả năng để làm những chuyện khác. Trường học và cuộc cách mạng tin học sẽ là chủ đề của một bài sau.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN 

 

Tags: , , ,