Suy ngẫm từ một tấm biển ‘Không tiếp khách đến chúc Tết’

Thay đổi một thói quen không phải là dễ, nhưng cấp trên làm gương thì cấp dưới không có lý do gì để cố tình làm trái.

Tấm biển đặt ở Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: VnExpress.

“Không tiếp khách đến chúc Tết” là tấm biển đặt trước cửa Ban Tổ chức Trung ương, được báo giới đưa tin ngày 1/2. Tấm biển được chú ý không phải vì nó hiện diện ở cơ quan trực tiếp phụ trách công tác tổ chức cán bộ của Đảng mà quan trọng hơn, nó thể hiện thái độ rõ ràng đối với “vấn nạn quà Tết”.

Năm nào cũng vậy, những ngày cận Tết, giao thông Hà Nội như nêm như cối. Trong vô vàn lý do làm thành phố kẹt cứng, không thể thiếu sự xuất hiện của những chiếc xe biển xanh, biển trắng. Xe công về Hà Nội chắc chắn không phải phải để sắm Tết. Người thành phố biết cả. Họ chỉ thở dài ngao ngán: “Tết ôi là Tết!”.

Tôi có người bạn làm Chánh văn phòng ở một tỉnh nọ. Anh thường xuyên phải tháp tùng lãnh đạo về thủ đô mỗi dịp năm hết, Tết đến. Quà lớn, quà bé đủ cả. Nhưng có phải được gặp lãnh đạo Trung ương ngay đâu. Phải đặt lịch, phải xếp chỗ, phải chờ đợi. Anh cứ đi lòng vòng hết phố này sang phố khác, chỗ cấm đường, nơi cấm đỗ. Nhẫn nại, mệt mỏi. Đến khi “xong việc”, rời khỏi thành phố, anh chả còn tâm trí nào để mua cho vợ con cành đào, tấm áo, gọi là có “chút quà thủ đô”.

Mấy năm trước, khi Ban Bí thư ra Chỉ thị về cấm tặng quà Tết cấp trên, tôi hăm hở đi hỏi một vị Giáo sư rằng “Ông có ủng hộ chủ trương này không?”. Vị GS từ tốn trả lời: “Đương nhiên là tôi ủng hộ, rất ủng hộ là đằng khác”. Rồi ông lại mỉm cười “nhưng có thực hiện được không mới là điều quan trọng. Cái gì là văn hóa, là truyền thống thì khó bỏ. Chỉ buồn một nỗi là người ta đang làm méo mó cái văn hóa truyền thống, coi tặng quà Tết là cơ hội để vụ lợi”.

Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII, Trung ương có tổ chức các lớp học dự nguồn cán bộ cao cấp. Tôi nhớ chiều đó cũng vào dịp cận Tết. Khi lớp học vừa tan, phóng viên nhà Đài có đặt vấn đề về chủ trương “cấm tặng quà Tết cấp trên”. Lạ một nỗi, đại biểu nào cũng cười ý nhị. Họ từ chối khéo theo kiểu: “Xin lỗi, mình đang bận, để dịp khác nhé!”.

Vâng, có lẽ cái gì là truyền thống, là văn hóa thì khó bỏ thật.

Nhưng văn hóa kiểu gì mà chỉ đạo rút khống cả chục tỷ đồng để đi “chúc Tết”, đi “đối ngoại” như trong vụ án Trịnh Xuân Thanh thì không còn là văn hóa nữa. Văn hóa mà đưa nhau vào tù thì cần phải ngăn chặn.

Chính bởi vậy, trước Tết Mậu Tuất này, việc nghiêm cấm tặng quà Tết cấp trên được Đảng và Chính phủ chỉ đạo rốt ráo.

Ban Bí thư và Chính phủ đã ra Chỉ thị rồi công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương, đơn vị tuyệt đối không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo; Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức; Nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết… Chỉ thị cũng yêu cầu các vị Ủy viên Trung ương, người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thực sự gương mẫu, nghiêm túc đi đầu.

Thay đổi một thói quen không phải là dễ, nhưng cấp trên làm gương thì cấp dưới không có lý do gì để cố tình làm trái.

“Không tiếp khách đến chúc Tết”- một tấm biển tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. “Vấn nạn quà Tết” không chỉ làm rối loạn giao thông, khiến cho người dân thành phố sợ Tết mà nó cũng có thể làm nhiễu loạn các mối quan hệ xã hội. Nhiều sai phạm cũng có thể bắt đầu từ đây.

Trước Tết Mậu Tuất này, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ra công văn, giấy trắng mực đen, yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, không sử dụng kinh phí, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động Tết trái quy định. Cùng với đó là hoạt động kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm.

Nhưng có lẽ, việc cắm biển thông báo trước cửa cơ quan vẫn được ủng hộ nhất bởi nó khiến cho người đến tặng quà, chúc Tết cũng cảm thấy ái ngại.

Xã nhìn vào huyện, huyện nhìn vào tỉnh, tỉnh nhìn vào Trung ương. Mà Trung ương trong suốt năm qua đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, “nói đi đôi với làm”.

Theo QUỐC PHONG / VOV

Tags: ,