Sự thay đổi chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản và hàm ý với Việt Nam

Nhật Bản nhận định quốc gia này đang phải đối mặt với môi trường an ninh phức tạp nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, trong đó Trung Quốc chính là thách thức lớn nhất của Nhật Bản. Để phản ứng với các thách thức về an ninh, sự phát triển và vị thế quốc gia tại khu vực và quốc tế, Nhật Bản đã có sự điều chỉnh chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó nổi bật là việc tăng cường khả năng phòng thủ quốc phòng đồng thời thắt chặt mối quan hệ hợp tác an ninh với Mỹ. Vậy rốt cuộc Nhật Bản phải đối mặt với những thách thức nào, và liệu sự thay đổi của Nhật Bản sẽ mở ra con đường nào cho nước này và cả những quốc gia xung quanh?

Sự thay đổi chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản và hàm ý với Việt Nam

Nhật Bản thay đổi Chiến lược An ninh Quốc gia

Ngày 16/12/2022, Nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo sửa đội 3 văn bản quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia sửa đổi, Chiến lược Quốc Phòng và Chương trình Quốc phòng Trung hạn. Điều này được thúc đẩy bởi những lo ngại về việc mở rộng các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như sự cảnh giác đối với các tham vọng khu vực của Trung Quốc. Nhật Bản giải thích kế hoạch sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia để tăng cường năng lực quốc phòng của quốc gia này. Theo văn bản mới sửa đổi, chính phủ Nhật Bản nhận định quốc gia này đang phải đối mặt với môi trường an ninh phức tạp nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, Chiến lược An ninh Quốc gia đã đề cập Trung Quốc chính là “thách thức lớn nhất” của Nhật Bản.

Chiến lược mới đưa ra ba hướng tiếp cận chính của chính quyền Nhật Bản phản ứng lại các thách thức an ninh khu vực. Một là tăng cường liên minh với Mỹ trên mọi lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và quân sự, đồng thời hợp tác với các đồng minh, đối tác khác như Liên Minh Châu Âu, Ấn Độ, cộng đồng ASEAN, Australia, Hàn Quốc. Hai là ưu tiên giải quyết bất đồng thông qua ngoại giao và đối thoại với các nước, ngay cả trong vấn đề chủ quyền biên giới lãnh thổ. Tuy Nhật Bản phản đối các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng của Trung Quốc, nhưng Nhật Bản khẳng định sẽ nỗ lực giải quyết bất đồng với Trung Quốc là thông qua đối thoại và hợp tác. Cuối cùng và đáng chú ý nhất là nỗ lực nâng cao năng lực quốc phòng trước các mối đe dọa từ bên ngoài.[i]

Nhật Bản đang cố gắng nâng cao khả năng phản công khi đối phó với các thách thức an ninh khu vực từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Để tự vệ chính đáng cho quốc gia và đối phó với “sự tăng cường đáng kể các lực lượng tên lửa” của các quốc gia láng giềng, Nhật Bản cho rằng cần sở hữu năng lực thực hiện “các cuộc phản công hiệu quả” bên cạnh phòng thủ tên lửa. Liên quan đến việc áp dụng các chiến lược mới, chính phủ Nhật Bản đã cam kết tăng mạnh chi tiêu quốc phòng từ 1% GDP năm 2022 lên mức 2% GDP năm 2027. Nó sẽ đưa Nhật Bản trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.[ii] Năm 2023, Nhật Bản dự kiến tăng ngân sách quốc phòng lên 6,8 nghìn tỷ yên (khoảng 51 tỷ USD), tăng 26,3% so với mức 5,4 nghìn tỷ yên (khoảng 40,6 tỷ USD) của năm 2022[iii]. Ngân sách quốc phòng bao gồm các khoản chi cho việc cải tiến và sản xuất hàng loạt các tên lửa dẫn đường đất đối hạm của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, được kỳ vọng sẽ là một thành phần quan trọng trong khả năng phản công của Nhật Bản.

Nhật Bản khẳng định sẽ cho phép nước này đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo với tầm bắn 1.000 km và nhắm đến việc mua tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Trong khi Trung Quốc và Triều Tiên phát triển vũ khí siêu thanh, Nhật Bản dự kiến nghiên cứu công nghệ “railgun” điện từ để có thể phát hiện và vô hiệu hóa chúng[iv]. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Fumio Kishida nói rằng Nhật Bản cần theo đuổi tất cả các phương tiện có sẵn bao gồm hợp tác với Mỹ để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa trên toàn diện.

Ngoài ra, Nhật Bản sẽ mở rộng và phân tán các kho lưu trữ phụ tùng, đạn dược và nhiên liệu, ước tính có thể lên tới 135 cơ sở năm 2035[v]. Nhật Bản cho biết họ cũng sẽ tăng cường củng cố hậu cần, phát triển khả năng chiến tranh mạng và hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng khác để ngăn chặn các mối đe dọa. Ngoài tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản cũng có hành động tăng cường hợp tác với các quốc gia khác như Philippines và Hàn Quốc.

Động thái này được nhiều người coi là một sự khác biệt so với hiến pháp Nhật sau chiến tranh thế giới thứ II, là từ bỏ chiến tranh hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Thủ tướng Nhật Bản ông Kishida khẳng định rằng Nhật Bản sẽ duy trì chính sách định hướng phòng thủ của mình, trong đó rằng lực lượng phòng thủ chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp bị tấn công.

Đối phó với đe dọa đến từ Trung Quốc và Triều Tiên

Mối đe dọa từ Trung Quốc

Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông và hai bên vẫn chưa giải quyết được tranh chấp này.

Trong khi Nhật Bản vẫn còn giữ chính sách quân sự cân bằng, Trung Quốc đã tăng cường hiện đại hóa quân sự và gia tăng áp lực hàng hải đối với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, với sự hiện diện gần như liên tục của các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần Đảo Senkaku và các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan.

Nhật Bản chia sẻ sự lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự tại các khu vực gần Đài Loan và biển Hoa Đông sẽ đe dọa đến an ninh của quốc gia này. Nhật Bản cũng không loại trừ khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình.

Trung Quốc, quốc gia tuyên bố Đài Loan dân chủ là một phần lãnh thổ của mình, và từ lâu đã tuyên bố sẽ “thống nhất” Đài Loan với Trung Quốc, và có thể sử dụng vũ lực nếu cần thiết[vi]. Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng mạnh mẽ đối với Đài Loan và đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự lớn vào tháng 8/2022 sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, khi đó là Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Trung Quốc đã tăng cường tập trận tại khu vực gần Đài Loan, trong đó có cả bắn đạn thật. Cuối tháng 12/2022, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận trên eo biển gần Đài Loan. Theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, trong vòng 24 giờ, tổng cộng 71 máy bay chiến đấu và máy bay không người lái Trung Quốc đã đi vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Đài Loan tuyên bố, trong đó có 6 máy bay chiến đấu tối tân nhất của Trung Quốc là Su-30. Hôm 8/1/2023, quân đội Trung Quốc cũng đã tuyên bố rằng họ tiến hành diễn tập quân sự xung quanh vùng biển và không phận Đài Loan nhằm kiểm tra năng lực chiến đấu của quân đội.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự gần đảo Okinawa của Nhật Bản. Nhật Bản đã theo dõi các hoạt động sau khi nhóm Hải quân Trung Quốc, bao gồm các tàu trục tên lửa và tàu sân bay Liêu Ninh, đi giữa đảo Okinawa và đảo Miyakojima vào Tây Thái Bình Dương từ Biển Hoa Đông ngày 16/12/2022. Bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã công bố rằng khoảng 180 máy bay chiến đấu và trực thăng đã cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh[vii], và ba tàu tuần tra của chính phủ Trung Quốc đã xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku / Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Nhật Bản cũng báo cáo rằng họ đã phát hiện các chuyến bay bằng máy bay không người lái WZ-7 của Trung Quốc gần Miyakojima hai lần trong tháng 1/2023, đây lần đầu tiên họ phát hiện ra máy bay không người lái tầm cao trong khu vực.

Nhật Bản nhấn mạnh rằng cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan sẽ có ảnh hương trực tiếp đến an ninh của Nhật Bản, coi việc bảo vệ Đài Loan là không thể thiếu đối với an ninh của Nhật Bản và đang tăng cường cam kết an ninh với Đài Loan thông qua liên minh của Mỹ. Nhật Bản nhận định trong bất kỳ cuộc đụng độ nào giữa Trung Quốc và Đài Loan, Nhật Bản sẽ khó tham gia vì hạn chế từ hiến pháp về việc chiến đấu bên ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo ở Tokyo cho rằng bất kỳ cuộc xung đột nào ở Đài Loan cũng sẽ lan sang các đảo gần đó của Nhật Bản và cho rằng họ cần phải làm việc với Mỹ để chuẩn bị phòng thủ. Chẳng hạn, trong cuộc tập trận hồi tháng 7/2022, đã có các vụ Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Ông Narushige Michishita, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Sau đại học Quốc gia tại Tokyo nói rằng “Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của các hoạt động kết hợp Mỹ-Nhật nếu chiến tranh nổ ra trên eo biển Đài Loan là ngăn chặn các lực lượng Trung Quốc trước khi họ vượt qua các ranh giới trên biển.”[viii]

Mối đe dọa từ Triều Tiên

Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ cũng chia sẻ mối lo ngại chung về chương trình vũ khí hạt nhân và các hoạt động quân sự của Triều Tiên.

Năng lực hạt nhân của triều tiên là một trong những thách thức an ninh hàng đầu và thường trực tại khu vực Đông Á nói riêng và thế giới nói chung. Trong năm 2022, chính quyền của ông Kim Jong-un đã phóng hơn 90 tên lửa đạn đạo và tên lửa khác, nhiều hơn bất kỳ năm nào khác[ix]. Đỉnh điềm hồi tháng 10/2022, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản lần đầu tiên sau 5 năm[x].

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật và bước tiến mới trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước

Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản đã được thiết lập từ hơn 60 năm trước và trở thành mối quan hệ quan trọng trong chính sách đối ngoại của hai nước, đồng thời cũng tạo nên những ảnh hưởng đến khu vực và toàn cầu. Mỹ và Nhật Bản hiện đang tăng cường hợp tác quân sự, kinh tế và công nghệ để đối phó với những thay đổi trong môi trường địa chính trị và an ninh ở châu Á do sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự. Tài liệu từ Bộ Ngoại Giao Mỹ nêu rõ “Cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Nhật Bản là tuyệt đối” và khẳng định “quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) nằm trong phạm vi điều V của Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật” đồng thời phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông hoặc làm suy yếu chủ quyền của Nhật Bản đối với các đảo này[xi].

Đối thoại An ninh 2+2 giữa giữa Ngoại trưởng Blinken, Bộ Trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III (Mỹ) và hai người đồng cấp của Nhật Bản Bộ trưởng Ngoại giao Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Hamada ngày 11/1/2023 được tổ chức trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường tập trận gần Đài Loan ngày 8/1/2023. Các Bộ trưởng kiên quyết tái khẳng định cam kết của họ trong việc ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tiếp tục cam kết phản đối bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng bằng vũ lực bất kể vị trí trên thế giới. Trong khuôn khổ cuộc đối thoại, Mỹ và Nhật Bản đã công bố kế hoạch mới nhằm củng cố mối quan hệ liên minh trong bối cảnh các mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc ngày càng tăng. Hai bên tuyên bố rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ mở rộng hợp tác quân sự, bao gồm tăng cường khả năng tấn công tên lửa của Nhật Bản và tạo điều kiện cho đơn vị Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại quốc gia này linh hoạt hơn trong khả năng chiến đấu. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Austin bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Nhật Bản về việc tăng chi tiêu quốc phòng và đầu tư nhiều hơn vào “năng lực phản công”, nghĩa là những tên lửa có khả năng tấn công.

Bốn vị bộ trưởng cũng đồng tình rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc tìm cách định hình lại trật tự quốc tế vì lợi ích của mình và sử dụng sức mạnh chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc để đat được mục tiêu đó. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phát biểu rằng Trung Quốc là thách thức chiến lược lớn nhất mà Mỹ và các đồng minh cần phải đối mặt. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cũng cho rằng Trung Quốc đã đặt ra một thách thức chiến lược chưa từng có. Hai bên khẳng định phản đối mạnh mẽ chống lại “các yêu sách bất hợp pháp, các hành động cưỡng chế và khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông”, cụ thể những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông, bao gồm vấn đề Đài Loan và cả các hành động tìm cách làm suy yếu chính quyền lâu đời của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku / Điếu Ngư. Đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan,

Ngoài quần đảo Senkaku /Điếu Ngư trực tiếp liên quan đến chủ quyền và lãnh thổ quốc gia mà Nhật Bản nhất định phải bảo vệ, Chính phủ Nhật Bản coi việc hỗ trợ Đài Loan là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhật Bản khỏi các ý định chiến lược của Trung Quốc. Những lo ngại về xung đột khu vực, đáng kể nhất là nếu Trung Quốc tuân theo các đe dọa chiếm giữ Đài Loan trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina vẫn đang diễn ra ác liệt, đã thúc đẩy quân đội Mỹ và Nhật Bản tăng cường hợp tác.

Trong cuộc hội đàm 2+2, Mỹ đã tuyên bố thành lập một “Trung đoàn Thủy quân lục chiến Ven biển” (MLR) của Mỹ tại Okinawa (Nhật Bản). MLR nhấn mạnh tính di động nhằm kịp thời ứng phó vơi tình trạng khẩn cấp trên các hòn đảo của Nhật Bản và tăng cường khả năng răn đe chống lại Trung Quốc. Theo các quan chức, trung đoàn sẽ được trang bị thông tin tình báo, giám sát và trinh sát tiên tiến. Trước cuộc họp, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tuyên bố sẵn sàng bắt đầu xây dựng đường băng trên một hòn đảo không có người ở, nơi quân đội hai nước sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung bắt đầu từ năm 2027.[xii]

Tại cuộc hội đàm, Mỹ và Nhật Bản cũng tuyên bố tăng cường hợp tác trong lĩnh vực không gian và vũ trụ. Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản tuyên bố sẽ cùng ký kết một thỏa thuận mới tại NASA về hợp tác Mỹ – Nhật trong không gian. Thỏa thuận này bao gồm nhiều dự án, trong đó có việc hợp tác cùng nhau để đưa người phụ nữ và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng. Đáng chú ý, trong thỏa thuận này đề cập đến “các cuộc tấn công đến, bắt đầu từ hoặc trong không gian” có thể kích hoạt điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật Bản – Hoa Kỳ rằng mỗi bên sẽ hành động để phản ứng đối với mối nguy hiểm chung nếu một cuộc tấn công vũ trang được thực hiện chống lại một trong hai bên trong lãnh thổ của Nhật Bản.

Ngay sau đối thoại an ninh 2+2, Nhật Bản và Hoa Kỳ tiếp tục có cuộc gặp gỡ cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/1/2023 nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản. Hai bên tiếp tục khẳng định mối quan hệ đồng minh và củng cố hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong đó có an ninh quốc phòng với sự kế thừa từ đối thoại 2+2 trước đó.

Hàm ý đối với Việt Nam

Mặc dù sự thay đổi chiến lược quốc phòng của Nhật Bản và sự tăng cường hợp tác quân sự Mỹ – Nhật là điều dễ hiểu và hợp lý đối với tình trạng thực tế của Nhật Bản, sự thay đổi này dự kiến sẽ mang lại nhiều thách thức đối với an ninh khu vực. Sự thay đổi của Nhật Bản có khả năng thúc đẩy sự ổn định khu vực nhờ thế đối trọng lẫn nhau giữa các bên, nhưng cũng làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng, tiến thoái lưỡng nan về an ninh khu vực. Nhất là trong thời điểm mà sự cạnh tranh giữa hai cường quốc Trung Quốc – Mỹ ngày càng mở rộng và cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đã dẫn đến sự bất ổn và phức tạp gia tăng trên khắp Đông Bắc Á. Sự gia tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản có thể gia tăng hơn nữa tình trạng chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á và các cuộc chạy đua vũ trang đều làm tăng nguy cơ tiềm ẩn về việc xảy ra xung đột quân sự giữa các nước. Hơn nữa, trong bối cảnh Nga triển khai chiến lược quân sự đặc biệt tại Ukriane đã mở ra một tiền lệ kể từ sau Chiến tranh Lạnh về việc sử dụng vũ lực. Cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước lớn, dù ở cấp độ nào, cũng tạo ra áp lực cho các nước nhỏ hơn và các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Đối với Việt Nam, tuy không phải là quốc gia liên quan trực tiếp tới các diễn biến xung quanh quan hệ Mỹ – Trung – Nhật, nhưng những hành động của bất kỳ bên nào tại khu vực Đông Bắc Á và Biển Đông đều tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực, từ đó ảnh hưởng đến an ninh chính trị và an ninh kinh tế của Việt Nam. Những điều này sẽ trở thành một thách thức lớn với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Các quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên đều là các đối tác chiến lược của Việt Nam, sự đan xen lợi ích của các bên đang đặt ra nhiều khó khăn đối với Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng và bạn bè truyền thống.

Quan điểm của Việt Nam về vấn đề Đài Loan là kiên trì thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, tuy nhiên Việt Nam cũng mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh lập trường quan điểm của các bên có nhiều sự khác biệt, Việt Nam cần nỗ lực duy trì chính sách đối ngoại cân bằng, tự chủ để bảo vệ lợi ích của quốc gia. Đồng thời Việt Nam cần nỗ lực để nâng cao năng lực kinh tế, chính trị và cả quân sự của đất nước. Tiềm lực kinh tế mạnh sẽ cho phép Việt Nam đầu tư vào quốc phòng nhiều hơn, không bị yếu thế trước các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, đối mặt với sự chạy đua vũ trang giữa các nước trên, Việt Nam cần phải bình tĩnh, giữ vững chính sách quốc phòng “bốn không” là “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.” Đồng thời lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, giữ vững hòa bình, ổn định tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

———————

Tài liệu tham khảo:

[i] Phan Quân, Có gì trong Chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản?, Báo Thế giới và Việt Nam
[ii] Martin Fritz, Why Japan’s Kishida wants stronger military ties with the US, DW
[iii] Aldgra Fredly, US, Japan to Discuss Bolstering Security Alliance Amid China Concerns, The Epoch Times
[iv] Ju-min Park and David Brunnstrom, Japan and U.S. vow more defence cooperation to counter Chinese threat, Reuters
[v] Phan Quân, Có gì trong Chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản?, Báo Thế giới và Việt Nam
[vi] Alastair Gale and Chieko Tsuneoka, As China-Taiwan Tensions Rise, Japan Begins Preparing for Possible Conflict, The Wall Street Journal
[vii] Eric Cheung, Jessie Yeung and Emiko Jozuka, China carries out military exercises near Taiwan and Japan, sending 47 aircraft across Taiwan Strait in ‘strike drill’, CNN
[viii] Alastair Gale, Rising Threat From China Pushes U.S. and Japan to Deepen Military Cooperation, The Wall Street Journal
[ix] Helene Cooper, U.S. and Japan Say They Will Strengthen Military Cooperation, The New York Times
[x] Phạm Tuân, Lãnh đạo Nhật, Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên, Vietnamplus (TTXVN)
[xi] Fact Sheet: Reaffirming the Unbreakable U.S.-Japan Alliance, U.S. Department of State
[xii] Lolita C.Baldor and Matthew Lee, US, Japan unveil plans to strengthen the alliance, AP News
[xiii] Christopher B.Johnstone, Japan’s Transformational National Security Strategy, CSIS
[xiv] ThS. Dương Thùy Linh, Thách thức từ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đến an ninh khu vực Đông Á, Tạp chí Lý Luận Chính Trị
[xv] Prof. Francis Schortgen, Regional Implications of Japan’s New National Security Strategy, Strategy International
[xvi] Lolita C. Baldor, Matthew Lee, US, Japan to boost security, military cooperation, The Independent

Theo THI THI / NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , ,