⠀
Sự mở rộng của BRICS: Nhận diện cơ hội và thách thức
Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS)(1) ghi dấu mốc lịch sử khi chào đón năm thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Đây là lần mở rộng đầu tiên của BRICS kể từ năm 2010. Việc mở rộng thành viên trong khối Nam Bán cầu của BRICS góp phần tạo nên những ảnh hưởng lớn trong nỗ lực cân bằng trật tự thế giới, đem đến cả cơ hội và thách thức cho khu vực.
Tác giả: PGS. TS. Phạm Thị Thanh Bình, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Mở Hà Nội
Sự mở rộng của BRICS: Nâng cao vị thế và nâng tầm ảnh hưởng
Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng với mục tiêu không chỉ phục vụ lợi ích chung của các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, mà còn góp phần xây dựng thế giới hài hòa, hòa bình, ổn định, lâu dài và thịnh vượng(2). Nhóm các nền kinh tế mới nổi mở rộng, trong đó có ba cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới (Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Iran) chiếm gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Hiện nay, GDP của BRICS đã vượt GDP của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7)(3) và khoảng cách này sẽ ngày càng lớn hơn khi có thêm 5 thành viên mới gia nhập BRICS. Với vốn kinh tế và ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng, BRICS đang ngày càng có sức hấp dẫn đối với các quốc gia đang phát triển và các quốc gia ở khu vực Nam Bán cầu.
Mặc dù là một trong những quốc gia nhận viện trợ hàng đầu của Mỹ, tuy nhiên Ai Cập từ lâu đã duy trì mối quan hệ bền chặt với Nga, có quan hệ thương mại ngày càng gia tăng với Trung Quốc. Việc Ai Cập gia nhập BRICS không chỉ là việc bổ sung một quốc gia Trung Đông vào nhóm, mà Ai Cập còn là thành viên tích cực của Liên minh châu Phi (AU) và là nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Phi. Ai Cập là đối tác thương mại quan trọng của Nga và Trung Quốc vì có kênh đào Suez. Là quốc gia có tiềm năng mạnh mẽ trong lĩnh vực đối phó với các mối đe dọa an ninh xuyên biên giới, Ai Cập có thể mang lại những quan điểm và giải pháp mới cho nhóm.
Iran cũng là quốc gia có vị trí quan trọng đối với Nga bởi Iran là một trong những quốc gia giúp Nga tạo nên Hành lang vận tải quốc tế Bắc – Nam, đưa ngũ cốc và dầu mỏ của Nga qua vịnh Ba Tư đến châu Á và châu Phi mà không cần đi qua Biển Đen hay Bắc Âu. Iran là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 22 trên thế giới (năm 2022), mặc dù bị ảnh hưởng bởi lạm phát và các biện phát trừng phạt kinh tế của Mỹ. Bên cạnh đó, Iran còn là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới (nắm giữ 1/4 trữ lượng dầu mỏ ở khu vực Trung Đông). Iran duy trì tăng trưởng kinh tế với việc bán dầu giảm giá cho Trung Quốc, đồng thời đa dạng hóa nền kinh tế để không phụ thuộc vào dầu mỏ, tăng cường thương mại với các nước thành viên BRICS. Trong giai đoạn 2022 – 2023, kim ngạch thương mại phi dầu mỏ của Iran đã tăng 14%, đạt 38,43 tỷ USD. Gia nhập BRICS sẽ giúp Iran củng cố vai trò cường quốc khu vực và thúc đẩy quan hệ kinh tế – chính trị với các cường quốc ngoài phương Tây. Khi trở thành thành viên BRICS, Iran sẽ mang lại giá trị gia tăng cho các nước thành viên trong nhóm bởi sự tích cực thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao được BRICS quan tâm.
Ả Rập Saudi – nền kinh tế lớn nhất trong số các quốc gia thành viên BRICS mới – là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Việc Ả Rập Saudi gia nhập nhóm sẽ giúp tăng sức mạnh kinh tế cho BRICS. Năm 2022, GDP của Ả Rập Saudi lên tới 1,1 nghìn tỷ USD. Việc xây dựng mối quan hệ với các đối tác trong BRICS đối với Ả Rập Saudi không chỉ mang lại lợi ích về chính trị, mà còn cả về kinh tế. Với hơn 36 triệu dân, phần lớn là dân số trẻ, Ả Rập Saudi đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ. Ả Rập Saudi cũng là đối tác thương mại lớn nhất của BRICS ở khu vực Trung Đông với kim ngạch thương mại song phương đạt 160 tỷ USD (năm 2022)(4).
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sẽ là thành viên mới “nặng ký” của BRICS nhờ vị thế là nước xuất khẩu dầu thô lớn, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của UAE lên tới gần 600 tỷ USD. Ai Cập và UAE còn là đối tác quốc phòng chiến lược của Ấn Độ. Vì vậy, việc bổ sung thành viên mới này sẽ làm cho BRICS trở nên mạnh mẽ hơn nữa và tạo ra động lực mới cho nhóm.
Với việc bổ sung thành viên mới, Nhóm các nền kinh tế mới nổi chiếm khoảng 37% GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) toàn cầu. Thu nhập GDP của BRICS mở rộng tính theo sức mua tương đương (PPP) đạt khoảng 65.000 tỷ USD. Ngoài ra, với việc bổ sung thành viên mới, các quốc gia BRICS chiếm gần một nửa sản lượng lương thực của thế giới. Năm 2021, sản lượng thu hoạch lúa mì của nhóm lên tới 49% tổng sản lượng toàn cầu, trong khi thị phần của G-7 chỉ đạt 19,1%. Bên cạnh đó, BRICS mở rộng sẽ chiếm 38,3% sản lượng công nghiệp toàn cầu, so với 30,5% của G-7. Nhóm BRICS cũng có lợi thế về sản lượng sản xuất kim loại dùng trong ngành công nghệ cao, chiếm 79% sản lượng nhôm toàn cầu, so với mức 1,3% do G-7 kiểm soát. Đối với kim loại quý platin, sự chênh lệch này là 77% đối với BRICS và 6,9% đối với G-7.
Nhóm BRICS mở rộng là sự kết hợp của một số nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới (Ả Rập Saudi, Nga, UAE và Iran) cùng với một số quốc gia nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới (Trung Quốc và Ấn Độ). Kết nạp thành viên mới là các nhà sản xuất dầu mỏ lớn sẽ giúp BRICS tăng cường thúc đẩy hợp tác và phối hợp triển khai các chính sách về năng lượng. Nhóm các nền kinh tế mới nổi mở rộng là sự quy tụ của các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới. Điều này sẽ khiến BRICS mở rộng trở thành một trong những nhóm dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu, đại diện cho gần một nửa sản lượng toàn cầu vào năm 2040.
Hơn nữa, BRICS có tầm ảnh hưởng kinh tế tăng lên mạnh mẽ phần lớn nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sự trỗi dậy của Ấn Độ – nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.
Về kinh tế, theo thống kê năm 2022 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của nhóm BRICS mới lên tới 30,8 nghìn tỷ USD, chiếm 29% GDP toàn cầu. Trong khi đó, tỷ trọng sản xuất dầu mỏ tăng lên đáng kể, từ 20,4% lên 43,1%. Thị phần xuất khẩu toàn cầu của BRICS đã tăng từ 20,2% lên 25,1%. Nhóm BRICS có lợi thế về sản xuất kim loại dùng trong ngành công nghệ cao. Ba thành viên mới là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới hiện nay (Ả Rập Saudi, UAE và Iran). Cùng với đó là các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Phi và Mỹ La-tinh là Ai Cập và Ethiopia). Tiềm lực của các nước BRICS đã vượt qua nhóm G-7 và đây chính là ý nghĩa của nhóm BRICS mới ở cấp độ kinh tế. Cơ chế này cũng ngày càng trở nên thu hút hơn với các thành viên tiềm năng khác.
Khi các nhà sản xuất dầu mỏ lớn, như Ả Rập Saudi và Iran gia nhập BRICS, hoạt động buôn bán dầu mỏ sẽ dễ dàng “phi đô-la hóa”. Đây là điểm tích cực để BRICS có thể đưa ra chiến lược khai thác và sử dụng năng lượng ổn định, bền vững, vì sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Về dân số, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ – các quốc gia có dân số trên 1 tỷ người, nhóm BRICS mới có sự góp mặt của hai quốc gia đông dân là Ethiopia (126,5 triệu người) và Ai Cập (112,7 triệu người), khiến tỷ lệ dân số của nhóm chiếm tới 46% dân số toàn cầu. Nhóm các nền kinh tế mới nổi là một khối hợp tác lớn mạnh, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Quan hệ đối tác giữa các thành viên BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về phạm vi và chiều sâu. Với việc mở rộng hơn gấp đôi số lượng thành viên, BRICS không chỉ tạo nên cột mốc lịch sử về phát triển, mà còn tạo ra ảnh hưởng và đòn bẩy lớn hơn.
Về diện tích, BRICS có diện tích 48,5 triệu km2, chiếm khoảng 36% diện tích đất liền – cao hơn gấp đôi so với diện tích của nhóm G-7. Thành viên của BRICS cũng là các cường quốc kinh tế, công nghệ hàng đầu thế giới (Trung Quốc) và cường quốc quân sự (Nga). Không giống như nhiều thể chế kinh tế và chính trị do phương Tây dẫn dắt, BRICS không có trụ sở duy nhất. Thay vào đó, các cơ quan hoạt động của nhóm trải rộng khắp các quốc gia thành viên. Trong đó, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Hội đồng Thương mại BRICS đặt tại thành phố Giô-han-nét-bớt (Nam Phi), còn khuôn khổ hỗ trợ tài chính ngắn hạn của Thỏa thuận Dự trữ dự phòng có trụ sở tại Thủ đô Mát-xcơ-va (Nga).
Với quy mô lớn, BRICS sẽ đại diện cho một nhóm quốc gia đa dạng hơn, thể hiện mong muốn chung về một trật tự thế giới công bằng hơn. Song bên cạnh đó cũng tiềm ẩn khả năng “phân tán” tầm ảnh hưởng cũng như làm phức tạp thêm các chương trình nghị sự. Do BRICS vốn là tập hợp của các nước có trình độ phát triển không tương đồng, tất cả quốc gia thành viên BRICS đều có sự khác biệt về mức độ phát triển, hạ tầng kinh tế…, nhưng vẫn có một điểm chung là tốc độ phát triển kinh tế cao.
Việc thành lập các tổ chức tài chính mới, như NDB ở một mức độ nhất định đã phá vỡ trật tự tài chính do các nước phương Tây thống trị và làm cho hệ thống kinh tế quốc tế trở nên công bằng và hợp lý hơn. Việc mở rộng của BRICS làm gia tăng đáng kể ảnh hưởng của BRICS và khiến thế giới trở nên đa cực hơn, mang lại cho BRICS nhiều đòn bẩy và có vị thế uy tín hơn. Với vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao, BRICS đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia hơn, chủ yếu là các nước ở khu vực Nam Bán cầu – bao gồm các nước ở khu vực Nam Mỹ, châu Á và châu Phi.
Cơ hội và thách thức đối với sự mở rộng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi
Về cơ hội
Việc gia nhập BRICS của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới như Ả Rập Saudi, UAE, Ai Cập, Iran và Ethiopia không chỉ củng cố năng lực kinh tế của nhóm, mà còn thay đổi động lực năng lượng và mô hình thương mại toàn cầu. Nhấn mạnh việc sử dụng đồng nội tệ và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD cho thấy quyết tâm của các quốc gia BRICS nhằm khẳng định quyền kiểm soát lớn hơn đối với triển vọng kinh tế khu vực.
Không chỉ vậy, BRICS mở rộng bao gồm các quốc gia đến từ khu vực Trung Đông và châu Phi, là tập hợp các nước có trình độ phát triển kinh tế đa dạng, có thể mang lại cơ hội chia sẻ kiến thức và tài nguyên cũng như hợp tác trong các dự án phát triển nhằm giải quyết các thách thức chung, như an ninh lương thực, thiếu hụt kết cấu hạ tầng và bất bình đẳng kinh tế.
Cơ hội chuyển giao tiến bộ công nghệ cũng dần hiện hữu. Khi BRICS mở rộng sẽ có nhiều cơ hội chuyển giao công nghệ cũng như hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới. Điều này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến bộ công nghệ ở các nước thành viên, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của BRICS. Bên cạnh đó, việc có thêm các quốc gia gia nhập nhóm dẫn đến những thay đổi trong mô hình thương mại và chuỗi cung ứng khi các nước trong BRICS đa dạng hóa đối tác thương mại. Thực tế này có thể tác động đến các ngành công nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau bằng cách thay đổi nhu cầu đối với một số loại hàng hóa và dịch vụ nhất định.
Nhóm BRICS kết nạp 5 thành viên mới là một tín hiệu cho bước đi táo bạo hướng tới hợp tác kinh tế và ảnh hưởng lớn hơn đối với các quốc gia. Mặc dù sự tác động đến nền kinh tế toàn cầu là chưa rõ ràng, nhưng sự phát triển nhấn mạnh đến xu hướng thay đổi đang diễn ra đối với sức mạnh kinh tế toàn cầu. Khi BRICS tiếp tục phát triển và có khả năng hình thành các cơ chế tài chính mới sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu có thể trải qua những thay đổi mang tính biến đổi, tác động trên mọi lĩnh vực và trên khắp các châu lục.
Ả Rập Saudi – nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới – cùng với Nga, Iran, UAE và Brazil đã đưa BRICS trở thành một khối tập hợp các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới. Chính điều này đã mang lại cho nhóm sức mạnh kinh tế vượt trội. Bên cạnh đó, với việc hầu hết giao dịch năng lượng trên thế giới đều dựa trên đồng USD, việc mở rộng nhóm giúp thúc đẩy việc trao đổi thương mại thông qua các loại hình tiền tệ khác thay thế.
Một mục tiêu khác đằng sau kế hoạch mở rộng đó là việc tạo cơ hội cho các quốc gia BRICS giao dịch dễ dàng với nhau hơn bằng cách sử dụng đồng nội tệ, gia tăng tiềm năng sử dụng các loại tiền tệ khác, ngoài đồng USD. Do các nước BRICS hiện diện ở hầu hết khu vực chủ chốt trên thế giới, nên việc mở rộng nhóm sẽ tạo ra một cơ chế trao đổi thương mại. Việc các thành viên mới nâng tỷ trọng của BRICS trong GDP toàn cầu từ 31,5% lên 37% (năm 2023)(5) đã khiến cán cân kinh tế toàn cầu đang dần dịch chuyển từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi, phản ánh xu thế hướng tới một thế giới đa cực, qua đó tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong trật tự thế giới mới. BRICS mở rộng mang lại nhiều cơ hội, như tập hợp nhà sản xuất năng lượng và quốc gia có thị trường tiêu dùng lớn, có thể mang lại cho nhóm sức mạnh kinh tế, tài chính vượt trội.
Các nước như Ả Rập Saudi, Ai Cập… sẽ có cơ hội đa dạng hóa quan hệ ngoại giao. Việc mở rộng BRICS cũng đồng nghĩa là nhóm này có nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề của thế giới và có thể tạo ra các cơ chế hợp tác toàn cầu khác, có sự tham gia điều tiết và kiểm soát nhiều hơn của chính phủ. Ả Rập Saudi và UAE mong muốn đa dạng hóa và tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu. Hai quốc gia vùng Vịnh này đang tìm kiếm một “sân chơi toàn cầu trung lập hơn, nơi các quốc gia có chủ quyền độc lập có thể lựa chọn quan hệ đối tác của mình” một cách thực tế và dựa trên những lợi ích cụ thể.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi được coi là khuôn khổ quan trọng cho tầm nhìn của Nga về một thế giới đa cực. Tất cả quốc gia mới gia nhập đều là đối tác chiến lược của Nga, có chung quan điểm về thế giới đa cực, coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một sự kiện mang tính chuyển đổi trong nền chính trị thế giới. Nga coi BRICS là phương thức để tăng cường khả năng tiếp cận các đối tác chiến lược. Việc mở rộng thành viên BRICS giúp Nga dễ dàng tăng cường khả năng tiếp cận với một số đối tác chiến lược. Do đó, việc mở rộng nhóm còn mang lại cơ hội mới cho hợp tác song phương.
Về thách thức
Dù mang lại một số cơ hội và lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu, mở rộng BRICS cũng có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng với phương Tây vì trong số thành viên mới, Iran là quốc gia có sự đối đầu với Mỹ quyết liệt, ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động ở Ukraina. Ngoài ra, các nước có trình độ phát triển khác nhau cũng sẽ khó hơn trong việc gắn kết. Mặc dù chiếm khoảng 46% dân số thế giới và 1/4 GDP toàn cầu, nhưng tham vọng trở thành một tổ chức kinh tế và chính trị toàn cầu của BRICS phần nào bị ảnh hưởng bởi những khác biệt trong nội bộ. Kết nạp thành viên mới của BRICS cũng có thể gây khó khăn lớn hơn cho nhóm trong việc đạt được thỏa thuận chung về các vấn đề an ninh và kinh tế.
Mặc dù việc mở rộng theo kế hoạch chứng tỏ sức hấp dẫn của BRICS, nhưng động thái này cũng có nguy cơ làm giảm lợi ích của tư cách thành viên. Thêm vào đó, số lượng thành viên ngày càng tăng cũng có nghĩa là sự đồng thuận về các vấn đề chính khó có thể đạt được. Thách thức mà BRICS phải đối mặt chính là sự bất đồng giữa các nước thành viên hiện tại về các tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình của một nhóm mở rộng. Trung Quốc nỗ lực mở rộng BRICS, nhưng Ấn Độ thì dường như còn do dự, trong khi Brazil lo ngại việc mở rộng có thể làm giảm ảnh hưởng của các nước thành viên hiện tại.
Sau khi nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, mối quan hệ quốc tế đều gia tăng căng thẳng. Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc đã trở thành động lực thúc đẩy Trung Quốc và Nga tìm cách củng cố sức mạnh của BRICS. Cả Trung Quốc và Nga đều muốn BRICS mới trở thành cơ chế đối trọng với các định chế toàn cầu do phương Tây lãnh đạo. Việc đạt được thỏa thuận chung về các vấn đề an ninh và kinh tế gặp thách thức do vẫn còn một số trở ngại giữa các nước thành viên BRICS.
Ba thành viên mới của Nhóm các nền kinh tế mới nổi đến từ khu vực Trung Đông. Việc kết nạp cả Iran và Ả Rập Saudi – hai quốc gia chỉ mới khôi phục quan hệ ngoại giao (năm 2023) sau 7 năm căng thẳng, cũng có thể tạo ra một số khó khăn cho BRICS. Mục tiêu và chính sách của mỗi thành viên khi tham gia nhóm khác nhau. Sự khác biệt về mức độ phát triển, hạ tầng kinh tế… khiến các quốc gia thành viên BRICS cũ và mới có cách tiếp cận không giống nhau đối với nhiều vấn đề của thế giới.
Tiến trình mở rộng BRICS đối diện với thách thức đến cả từ những vấn đề nội bộ. Một là, không quốc gia BRICS nào (trừ Ấn Độ) có được triển vọng kinh tế tươi sáng như khi nhóm mới thành lập vào năm 2009, trong khi sự cạnh tranh vẫn hiện hữu giữa các nước BRICS; hai là, NDB có tương đối ít tiềm lực tài chính để đầu tư. Kể từ năm 2015, NDB đã tài trợ khoảng 96 dự án với tổng trị giá 33 tỷ USD, so với mức giải ngân gần 67 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới (tháng 6/2022)(6) và còn ít nhất một thập niên nữa NDB mới vượt qua khỏi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Vì vậy, để xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư, tháng 3/2022, NDB đã đình chỉ các hạng mục tài chính liên quan đến Nga và ngừng tài trợ cho các dự án mới ở Nga; ba là, các quốc gia thành viên chưa đạt được sự thống nhất về tiêu chí mở rộng BRICS.
Trong bối cảnh khi cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, cục diện thế giới có sự phân cực do các vấn đề phức tạp từ xung đột Nga – Ukraina, tình hình bán đảo Triều Tiên, thì sự trỗi dậy của BRICS đang cho thấy khả năng chuyển dịch quyền lực từ Bắc Bán cầu sang Nam Bán cầu và sự lớn mạnh hơn của các quốc gia mới nổi, các nước đang phát triển. Sự mở rộng của BRICS có thể tạo ra một cán cân quyền lực mới, giúp cân bằng hơn với ảnh hưởng của các nước phương Tây. Kết nạp thành viên mới là phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Mở rộng BRICS còn thể hiện quyết tâm của các quốc gia trong việc thống nhất và hợp tác với các nước đang phát triển. Mở rộng BRICS cũng là điểm khởi đầu mới của các mối quan hệ hợp tác trong nhóm, mang lại sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS. Tuy nhiên, điều quan trọng là các quốc gia thành viên cần tăng cường giải pháp xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực có thế mạnh thay vì gia tăng cạnh tranh và đối đầu. Nhóm các nền kinh tế mới nổi mở rộng được dự báo sẽ chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm 2040, là minh chứng chứng tỏ sức mạnh và tiềm năng phát triển vững mạnh của BRICS trong thời gian tới.
————————
Chú thích:
(1) Bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi
(2) “BRICS ra tuyên bố chung nêu bật nỗ lực xây dựng thế giới công bằng, hòa nhập và thịnh vượng”, Trang điện tử Thống tấn xã Việt Nam, ngày 24-8-2023, https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-quoc-te-1049/brics-ra-tuyen-bo-chung-neu-bat-no-luc-xay-dung-the-gioi-cong-bang-hoa-nhap-va-thinh-vuong-6897103.html
(3) Bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italia, Đức và Nhật Bản
(4) “Saudi Arabia’s trade with BRICS countries crosses $160 billion in 2022” (Tạm dịch: Trao đổi thương mại giữa Ả Rập Saudi với các nước BRICS vượt 160 tỷ USD vào năm 2022), SaudiGazette, ngày 24-8-2023, https://saudigazette.com.sa/article/635226/SAUDI-ARABIA/Saudi-Arabias-trade-with-BRICS-countries-crosses-$160-billion-in-2022
(5) Từ Anh Tuấn: “BRICS 15: Nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trong một thế giới đầy biến động”, Chuyên san Hồ sơ sự kiện Tạp chí Cộng sản, ngày 22-9-2023, https://hssk.tapchicongsan.org.vn/bai-viet/nhin-ra-the-gioi/brics-15-no-luc-mo-rong-tam-anh-huong-trong-mot-the-gioi-day-bien-dong-post269.html
(6) “Building a leading development bank for emerging economies” (Tạm dịch: Xây dựng ngân hàng phát triển hàng đầu cho các nền kinh tế mới nổi), New Development Bank, 2022, https://www.ndb.int/annual-report-2022/pdf/NDB_AR_2022_complete.pdf
Theo TẠP CHÍ CỘNG SẢN
Tags: Nghiên cứu quốc tế, BRICS