Sự bùng nổ của xu hướng sống một mình tại Hàn Quốc

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, người dân Hàn Quốc dần quen với lối sống “một mình”, dành nhiều thời gian ở nhà và tương tác một cách kín đáo, riêng tư.

Sự bùng nổ của xu hướng sống một mình tại Hàn Quốc

Nhiều người Hàn Quốc sống một mình coi việc xem mukbang như một hình thức giải trí. Ảnh: NPR.

Mỗi ngày, hàng chục nghìn người trẻ Hàn Quốc ngồi lại trước màn hình máy tính, điện thoại tại nhà để xem mukbang – livestream ăn uống của các streamer.

Khán giả, đa số sống một mình, thường chuẩn bị sẵn đồ ăn vặt, trò chuyện với streamer và những người xem khác thông qua cửa sổ chat.

Dù không có tương tác trực tiếp, các chương trình mukbang lại rất được ưa chuộng vì đem lại cảm giác gần gũi, gắn kết giữa mọi người.

Đây là một trong những biểu hiện của lối sống “một mình” – xu hướng đang dần phổ biến trong xã hội Hàn Quốc.

Thay vì hòa mình với tập thể như trước, người dân xứ kim chi nay muốn dành nhiều thời gian ở một mình, chú trọng sự riêng tư trong các hoạt động như mua sắm, giải trí…

Xu hướng “một mình” lên ngôi

Theo thống kê của Statistics Korea, Hàn Quốc hiện có 6,17 triệu người sống một mình. Dự kiến trong 5 năm tới, con số này sẽ tăng khoảng 150.000 người mỗi năm.

Khảo sát trên 2.000 cư dân sống đơn độc ở các thành phố lớn của tập đoàn tài chính KB cũng cho thấy 60% người tham gia cảm thấy hài lòng, thoải mái với cuộc sống hiện tại.

Kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người Hàn dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Giờ đây, họ ít tham gia các sự kiện văn hóa, mua sắm hay gặp gỡ bạn bè sau giờ học, giờ làm hơn so với lúc trước.

Thực tế, thời gian đi chơi trong tuần của người dân nước này giảm từ 1,92 ngày xuống 1,76 ngày. Nếu ra ngoài, họ thường chọn những địa điểm ở gần nơi sống.

Ngoài ra, ngày càng nhiều người lựa chọn tập luyện thể thao tại nhà. Theo khảo sát của Kakao, số lượng chương trình luyện tập trực tuyến thông qua loa thông minh trong tháng 4/2020 đã tăng 50% so với 3 tháng trước – thời điểm trước đại dịch.

Đặc biệt, xu hướng đi xem phim một mình đang trở nên phổ biến đối với người trẻ Hàn Quốc. Nghiên cứu của CJ CGV, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất cả nước, tỷ lệ khán giả mua vé lẻ tăng dần qua từng năm: từ 7,7% vào năm 2012, 17,1% vào năm 2019 và đạt mốc kỷ lục 26,04% trong 2 tháng đầu năm nay.

Ngay cả những nét văn hóa truyền thống như tục kimjang – làm kimchi mùa thu của các gia đình Hàn Quốc – cũng dần thay đổi. Một khảo sát địa phương trên 2.845 hộ gia đình cho thấy 62,6% quyết định đặt mua kimchi làm sẵn thay vì tự tay muối theo thông lệ, tăng 4,6% so với năm ngoái.

Tôn trọng sự riêng tư

Lối sống “một mình” không đồng nghĩa với tách biệt hoàn toàn khỏi tập thể. Nhiều người vẫn mong muốn kết nối với gia đình và bạn bè nhưng theo những cách riêng tư hơn.

Kim Jae-huyn, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Danggeun Market, tin rằng đa số người dân chuộng việc gặp mặt, tụ họp trực tiếp, mặc cho công nghệ hay đại dịch.

Danggeun Market là ứng dụng chợ đồ cũ trực tuyến, cho phép người dùng mua các sản phẩm ở khu vực lân cận hoặc tạo nhóm trò chuyện, giao dịch hàng hóa.

“Dù sự phát triển của công nghệ đã xóa nhòa khoảng cách vật lý, song điều này không có nghĩa khoảng cách giữa con người được thu hẹp lại. Đó là cảm hứng để tôi thiết kế ứng dụng kết cho phép người dùng sử dụng đa dạng dịch vụ và kết nối với cộng đồng lân cận”, Kim trả lời The Korea Herald.

Tính đến tháng 10, ứng dụng trên đã thu hút 12 triệu người dùng, nhận về vô số phản hồi tích cực.

“Nhiều người cho biết sau khi sử dụng Danggeun Market, họ càng thêm gắn bó với khu vực sinh sống. Vài người sử dụng nó để tìm vật nuôi thất lạc, tìm bạn và chia sẻ thông tin về nhà hàng, bệnh viện và các dịch vụ tiện ích. Đặc biệt, số người dùng sống một mình đang tăng mạnh trong thời gian gần đây”, Kim nói.

Xu hướng “một mình” tại Hàn Quốc khiến người dân chú trọng đến sự riêng tư trong các hoạt động xã hội. Các quán bar, nhà hàng đông đúc dần thưa người, nhường chỗ cho sự xuất hiện của các quán rượu nhỏ bé, kín đáo.

Những tiệm ăn, quán rượu này được công chúng biết đến theo hình thức truyền miệng, cần đặt trước khi đến ăn để giới hạn số khách hàng.

Jean Fri Go ở quận Dongdaemun là một địa điểm hoạt động theo mô hình tương tự. Nhìn bên ngoài, khách hàng dễ lầm tưởng đây là một cửa hàng trái cây nhưng khi bước vào bên trong, nơi này lại là một quán rượu nhỏ.

Dù không thu hút quá nhiều người, những địa điểm như vậy lại đáp ứng nhu cầu “một mình” của người dân Hàn Quốc.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / THE KOREAN HERALD

Tags: , ,