Stalingrad: Trận đánh thay đổi vận mệnh thế giới

Tại Stalingrad, quân đội Liên Xô và phát xít Đức đã tung ra những lực lượng tinh nhuệ nhất cho trận đọ sức một mất một còn.

Stalingrad: Trận đánh thay đổi vận mệnh thế giới

Trận Stalingrad (23/8/1942 đến 2/2/1943) là một trong những trận chiến tàn khốc và đẫm máu nhất trong Thế chiến II. Cuộc tấn công tàn khốc của Đức vào thành phố Nga được coi là một bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột, vì quân đội của nước này chịu tổn thất lớn về quân sự và một đòn tâm lý lớn mà nó không bao giờ phục hồi. (Ảnh phía trước nhà ga trung tâm Stalingrad cuối 1942 – TASS).

Tất cả những ai có thể cầm súng chiến đấu đều được điều về bảo vệ Stalingrad. Khả năng tác chiến cơ động cao của Hồng quân vẫn còn kém hơn so với phát xít Đức, tuy nhiên việc chiến đấu trong thành phố đã giúp giảm thiểu những thiệt thòi của Hồng quân vì nơi đây là địa bàn của việc giao tranh bằng vũ khí cầm tay của bộ binh chiếm ưu thế chứ không phải là nơi dành cho việc giao chiến giữa các lực lượng tăng thiết giáp.

Việc chiếm được thành phố này có tầm quan trọng rất lớn đối với Hitler và cả Mussolini vì việc đánh chiếm Stalingrad sẽ củng cố sườn phía Đông của quân Đức vốn đang tiến nhanh về vựa dầu tại vùng Kavkaz. Thêm nữa, thành phố này mang tên của lãnh tụ I. V. Stalin, chiếm được sẽ là một thắng lợi quan trọng về mặt tinh thần và tư tưởng.

Trận chiến Stalingrad được đánh giá như một bước ngoặt quan trọng và bước đầu làm xoay chuyển cục diện trong chiến tranh thế giới thứ 2, thậm chí là một trong những bước ngoặt lớn nhất của nền quân sự thế giới vào thế kỷ XX. Lãnh tụ Liên Xô Stalin khi đó chủ trương bảo vệ Stalingrad bằng mọi giá còn Hitler cũng sẵn sàng đổ 1 triệu người vào trận đánh lịch sử này.

Ban đầu, quân Đức đạt bước tiến nhanh chóng, chiếm nhiều khu vực bên trong Stalingrad. Với13 sư đoàn với khoảng 27 vạn quân những ngày đầu chiến dịch, đến cuối tháng 9/1942, tại hướng Stalingrad đã có 80 sư đoàn quân Đức và các đồng minh Hungary, Italia và Romania. Đến tháng 11, quân Đức đẩy phòng tuyến Liên Xô về phía bờ sông Volga. Cả hai bên đều ghi nhận con số thương vong hàng trăm ngàn người. Vào cuối trận chiến, từ khoảng 500.000 người, dân số Stalingrad chỉ còn 35.000.

Mùa thu năm 1942, Phó Tổng Tư lệnh Tối cao Zhukov được Đại bản doanh Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao Liên Xô điều động đến làm Tư lệnh Mặt trận Stalingrad. Tổng Tham mưu trưởng Vasilevsky cũng được tăng cường đến. Và đến đầu tháng 11-1942, Đại bản doanh Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao Liên Xô quyết định phản công bởi mùa đông khắc nghiệt ở nước Nga đã đến và quân phát-xít Đức cùng đồng minh đã bị sa lầy như trận Moscow năm 1941.

11 tập đoàn quân cùng nhiều quân đoàn, lữ đoàn xe tăng, cơ giới, kỵ binh và nhiều đơn vị độc lập với 13.500 pháo và cối, hơn 1.000 pháo phòng không, 11 tiểu đoàn pháo phản lực, gần 900 xe tăng, 1.115 máy bay được chuẩn bị cho trận phản công tại Stalingrad. Từ ngày 1 đến 19-11-1942, Hồng quân đã đưa qua sông Volga 160.000 chiến sĩ, 16.000 ngựa, 430 xe tăng, 600 khẩu đại bác, 12.000 xe quân sự, 7.000 tấn đạn.

Tham mưu trưởng chỉ đạo tác chiến của phát-xít Đức thừa nhận với Zhukov: “Chúng tôi tuyệt nhiên không tưởng tượng được sức mạnh của Hồng quân trong khu vực này. Trước đó, ở đây không có gì hết. Vậy mà bất thình lình chúng tôi bị giáng một đòn mạnh có ý nghĩa quyết định”. Tất cả lực lượng của Hồng quân chia làm Phương diện quân Tây – Nam, Phương diện quân Stalingrad, Phương diện quân sông Đông đã tiến công và bao vây quân địch ở Stalingrad.

Trong trận Stalingrad, Quân đội Liên Xô đã phải chiến đấu để chặn đứng rồi đẩy lui quân đội Đức, khi ấy đã chiếm gần như toàn bộ châu Âu. Sau thất bại tại Stalingrad, quân đội Đức đã không thể phục hồi sức mạnh như trước, cũng như không thể giành lại quyền chủ động ở mặt trận phía Đông, và buộc phải chuyển sang thế phòng ngự.

Giới sử học cũng coi đây là trận đánh có quy mô lớn nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Trong trận đánh Stalingrad diễn ra trong nửa năm, tổng số người thương vong và mất tích của 2 bên ước tính khoảng 2 triệu. Nhiều thường dân cũng thiệt mạng do oanh kích và pháo kích.

Đến tháng 1/1943, các kho dự trữ của phát-xít Đức và đồng minh đã cạn, khẩu phần ăn cho binh sĩ không đủ, các bệnh viện chật ních thương binh, bệnh binh và tử thi.

Những người trực tiếp tham gia trận chiến này đã gọi nó là địa ngục trần gian. Có ngọn đồi ở trong thành phố có tên Mamayev Kurgan đã bị 2 bên chiếm đi chiếm lại vài lần. Hai phía đã dồn lực ở mức độ cao nhất có thể cho trận đánh này. Cả 2 đều quyết tử chiến, không lùi trước đối thủ. Mặc dù thất bại, phát xít Đức vẫn gây thiệt hại lớn cho Liên Xô về người và của.

Để tiến được từng thước đất, lính Đức đã phải đổ rất nhiều máu. Một sĩ quan Đức đã viết: “Các con phố không còn được đo bằng mét nữa mà bằng các xác chết… Stalingrad không còn là một thành phố mà đã thành một đám mây bốc cháy… một lò lửa khổng lồ… Đến loài vật còn phải chạy trốn khỏi địa ngục này, chỉ có con người là trụ lại được.”

Lãnh đạo Liên Xô đã âm thầm chuẩn bị trong 2 tháng cho một chiến dịch phản công quyết định. Trong lúc Tướng Chuikov cầm chân quân Đức, còn các mặt trận khác đánh nghi binh phối hợp thì một lực lượng lớn quân Liên Xô, chủ yếu từ Siberia, đã được bí mật tập trung về Stalingrad. Chiến dịch Uran do Hồng quân tiến hành từ 19-23/11/1942 đã giúp Liên Xô bao vây Tập đoàn quân số 6 của Đức, các tập đoàn số 3 và 4 của Romania và một bộ phận của Tập đoàn tăng thiết giáp số 4 của Đức.

Sáng sớm ngày 19/11/1942, hàng ngàn khẩu pháo Xô viết bắn cấp tập vào các vị trí của quân Đức Quốc xã, mở màn cuộc phản công. Sử dụng một lực lượng lớn cơ giới và xe tăng, Hồng quân đã đột kích nhanh và mạnh, chọc thủng vùng sườn quân Đức đang bị căng mỏng và chỉ được bảo vệ bởi lực lượng quân chư hầu Romania và Hungary, hình thành thế bao vây quân Đức. (Ảnh RIA Novosti)

Chỉ vài ngày sau đó, gần 350.000 lính và sĩ quan Đức đã bị nhốt chặt trong vòng vây của quân đội Xô viết. Hoảng sợ trước tình hình này, Hitler vội phái Thống chế Manstein có tài thao lược bậc nhất của Đức Quốc xã đến để giải vây. Thống chế Manstein đã gây nhiều khó khăn cho Hồng quân.

Chiến tranh trong đô thị mang tính phi chính quy cao, đòi hỏi sự quả cảm, kiên cường và mưu trí đặc biệt. Trong giai đoạn cầm cự, Hồng quân đã triệt để thực hiện cận chiến đường phố, giành giật với quân thù từng góc phố, căn nhà, căn hầm. Nhiều lúc xảy ra tình thế “kẹp bánh mì”, trong đó quân Đức chiếm giữ tầng 2, còn quân Liên Xô ở tầng 3 và tầng 1. Hai bên còn quần thảo trong hệ thống cống ngầm chằng chịt của thành phố.

Ngày 30/1/1943, nhân “kỷ niệm” 10 năm Đảng Quốc xã lên cầm quyền ở Đức, Hitler phong cho Paulus quân hàm Thống chế đồng thời nhấn mạnh rằng, từ trước tới nay chưa có một Thống chế Đức nào đầu hàng quân địch. Nhưng ngày 31/1/1943, Paulus đã tuyên bố đầu hàng Hồng quân. Đến ngày 2/2/1943, quân Đức và đồng minh ở Stalingrad đã đồng loạt treo cờ trắng xin hàng.

Chiến thắng đã thuộc về Hồng quân Liên Xô. Hồng quân đã tiêu diệt 32 sư đoàn và lữ đoàn địch, 16 sư đoàn còn lại bị mất từ 50-70% quân số và bắt sống 91 nghìn tên phát-xít, trong đó có 2.500 sĩ quan và 24 tướng lĩnh. Gần một phần tư quân số phát-xít Đức và đồng minh trên toàn chiến trường Xô – Đức đã bị tiêu diệt. Ngày 3/2/1943, Bộ Tổng tham mưu Đức ra một bản tin đặc biệt: “Trận đánh Stalingrad đã kết thúc”. Hitler chấp nhận thất bại và tuyên bố “quốc tang” bốn ngày.

Để vinh danh chiến dịch phòng thủ kiên cường tại Stalingrad, Nhà nước Liên Xô đã trao tặng Huân chương “Vì sự nghiệp bảo vệ Stalingrad” cho hơn 700.000 người tham gia; 55 đơn vị được nhận huy chương và 183 đơn vị được phong tặng danh hiệu “Cận vệ”; 10.000 quân nhân và sĩ quan Hồng quân Liên Xô được tặng thưởng huân chương, 112 chiến sĩ được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Ngày 1/5/1945, thành phố Stalingrad được trao danh hiệu “Thành phố Anh hùng”.

Theo VOV

Tags: , ,