Stalin và cuộc Chiến tranh Vệ quốc: Hóa giải một âm mưu bóp méo lịch sử

Thời gian càng trôi đi khỏi mốc ngày 22/6/1941 thì càng trở nên cấp thiết hơn nhu cầu thanh lọc nhận thức xã hội về những sự kiện bi thảm và hùng tráng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại thoát khỏi những sự bóp méo dai dẳng từ nhiều thập niên qua. Bởi lẽ, thật trớ trêu và cay đắng là cho tới hôm nay những sự dối trá về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại vẫn còn tiếp tục được lan truyền trên các phương tiện truyền thông ở nước Nga.

Stalin và cuộc Chiến tranh Vệ quốc: Hóa giải một âm mưu bóp méo lịch sử

Theo nhà báo Yuri Emelyanov trong bài báo viết trên tờ Gazeta- Pravda của những người cộng sản Nga, một trong những sự xuyên tạc như thế đã được Nikita Khrushchev (lãnh đạo cao nhất ở quốc gia Xô viết cuối những năm 50 đầu những năm 60) đưa ra từ hơn sáu thập niên trước trong bản báo cáo tại một phiên họp kín trong Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS). Nói về những ngày đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Khrushchev đã nhấn mạnh: “Sẽ là sai lầm nếu quên rằng, sau những thất bại và đổ vỡ nghiêm trọng ngoài chiến trường, Stalin đã nghĩ rằng, mọi sự đã tận số. Trong một bài phát biểu ở thời điểm đó, ông ấy tuyên bố: “Chúng ta đã làm mất vĩnh viễn tất cả những gì từng được Lenin tạo nên”. Sau đó Stalin thực sự đã hoàn toàn không chỉ đạo bất cứ một hoạt động quân sự nào và nói chung đã không làm gì thêm cả”.

Thế nhưng, việc công bố cuốn sổ ghi chép lại tất cả những người đã từng đến văn phòng Stalin trong điện Kremli, đã chứng tỏ một cách đầy thuyết phục rằng, ngay từ những ngày đầu chiến tranh, khi lực lượng Hồng quân đã bị yếu thế và phải rút lui – từ ngày 22 tới ngày 28/6/1941, Stalin ngày nào cũng nỗ lực làm việc hết sức để triển khai các giải pháp khẩn cấp nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công nguy hiểm từ phía Đức Quốc xã và các đồng minh của chúng.

Chỉ có trong hai ngày 29 và 30/6/1941 (chứ không phải là trong “một thời gian dài”), Stalin đã vắng mặt ở điện Kremli. Tuy nhiên, ngay cả trong những ngày đó, Stalin cũng đã không ngừng việc chỉ đạo phản công lại quân xâm lược. Ngày chủ nhật 29/6, tại trang trại (dacha) của mình, Stalin đã xử lý hàng loạt những tài liệu quan trọng, trong đó có cả bản “Chỉ thị của Hội đồng Dân ủy Liên Xô và BCH TƯ Đảng Cộng sản Bolshevik gửi các cơ quan nhà nước và các tổ chức đảng tại khu vực tiền tuyến”. Có chứng nhận là cũng trong những ngày này, Stalin đã hai lần xuống cơ quan Bộ Quốc phòng và chỉ trích gay gắt Bộ trưởng Quốc phòng Timoshenko và Tổng tham mưu trưởng Zhukov vì sự thiếu thông tin và việc đánh mất quyền kiểm soát diễn tiến chiến sự. Những nhân chứng cho các cuộc tới làm việc tại cơ quan Bộ Quốc phòng vào lúc đêm khuya 29/6/1941 là các ông Molotov, Mikoyan và Zhukov.

Từ những hồi ký của các nhân vật này có thể thấy, nguyên do khiến Stalin phải đích thân xuống cơ quan Bộ Quốc phòng là bởi tình hình hết sức nguy ngập ngoài chiến trường. Chính ở thời điểm đó, Stalin đã bộc lộ sự không hài lòng tột độ trước các hoạt động của lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nói về việc từ đó có thể sẽ làm nảy sinh những hậu quả hết sức tai hại cho đất nước. Tuy nhiên, Stalin nói tất cả điều này không phải trước công chúng rộng rãi mà chỉ trong các cuộc tiếp xúc riêng với một số quan chức cấp cao của Nhà nước và lực lượng Hồng quân.

Stalin đã có những lý do chính đáng để thốt ra những lời gay gắt. Trong suốt cả tuần đó, các đơn vị phát xít Đức đã hành quân một cách thần tốc trên lãnh thổ Xô-viết. Chúng đã chiếm được Litva, giao tranh với Hồng quân ở Latvia và ở miền Tây Ukraina, và tới ngày 27/6/1941, đã làm chủ được Minsk (thủ đô nước cộng hòa Belarus). Tin tức về những thắng lợi của quân đội Quốc xã đã cho phép Hitler ngày 29/6/1941 lớn giọng huênh hoang với thuộc hạ: “Sau bốn tuần nữa, chúng ta sẽ vào được Moskva và sẽ cầy xới nó lên”.

Nikita Khrushchev muốn mọi người tin là, chỉ có một mình Stalin bị rối trí trong tình huống này, chứ không phải là các đồng sự của ông. Trong bản báo cáo của mình, Khrushchev cho rằng, Stalin “chỉ trở lại với vai trỏ lãnh đạo tích cực của mình sau khi một số Ủy viên Bộ Chính trị đến thăm ông và nói rằng, phải thực hiện ngay lập tức một số biện pháp nhất định để cải thiện tình hình ngoài chiến trường”.

A.I. Mikoyan, người “đồng tâm” với Khrushchev, cũng đã diễn giải theo cách tương tự trong hồi ký của mình về diễn biến tình hình trong những ngày đó. Sau khi nói về việc Stalin tới cơ quan Bộ Quốc phòng ngày 29/6/1941, Mikoyan viết tiếp: “Sau đó khoảng một hai ngày, vào lúc bốn giờ, Voznesensky đã tới phòng làm việc của tôi. Và đột nhiên có điện thoại gọi tới từ Molotov và yêu cầu chúng tôi đến với ông ấy. Tại đó đang có cả Molotov, Malenkov, Voroshilov và Beria. Chúng tôi thấy họ đang bàn bạc với nhau. Beria nói, cần phải thành lập Ủy ban Quốc phòng Nhà nước và trao cho nó toàn bộ quyền lực trong nước. Trao cho nó cả các chức năng của Chính phủ, của Xô-viết tối cao và của BCH TƯ Đảng. Tôi và Voznesensky cũng đồng ý với ý kiến này”.

Như Mikoyan đã khẳng định, “Molotov nói, trong hai ngày qua Stalin gần như bị tê liệt tư duy, không quan tâm tới bất cứ việc gì, không đưa ra biện pháp gì cả và luôn trong tâm trạng cáu kỉnh. Nghe vậy, Voznesensky bực bội lên tiếng: “Vyacheslav, anh hãy nắm quyền dẫn đường, chúng tôi sẽ đi theo anh”. Điều đó có nghĩa là, nếu Stalin tiếp tục hành xử theo cách này, thì Molotov sẽ phải là người dẫn đường chúng tôi đi và chúng tôi sẽ đi theo ông ấy”.

Mikoyan đã không đề cập đến thời điểm thông qua quyết định về Ủy ban Quốc phòng Nhà nước (GKO). Trong thực tế, việc này diễn ra ngày 30/6/1941, tức là chỉ vài giờ sau chuyến đi xuống làm việc tại cơ quan Bộ Quốc phòng của Stalin và những người khác, chứ không phải là “sau một hai ngày”. Cũng không thể có “một hai ngày” mà Stalin “bị tê liệt tư duy”. Nói rằng Stalin đã bị tê liệt tư duy một hai ngày và không làm gì cả là xuyên tạc sự thật, bóp méo bức tranh toàn cảnh về thời điểm mau lẹ diễn ra nhiều sự kiện bị thảm của giai đoạn đó.

Tất nhiên, sau tối 29/6/1941, không chỉ riêng Stalin mà cả Molotov cũng như những nhà lãnh đạo khác của quốc gia Xô-viết, từng cùng xuống làm việc tại cơ quan Bộ Quốc phòng, đều đã bắt đầu suy nghĩ lao lung hơn về các biện pháp vượt qua thực tế nguy ngập ngoài chiến trường. Và không có gì đáng ngạc nhiên cả khi Molotov, lúc đó đang là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Dân ủy, đã chủ tọa cuộc họp mà tại đó, các thành viên tham gia đã đề nghị thành lập GKO. Và họ đã mang đề xuất ấy tới gặp Stalin, khi đó đang ở trang trại.

Mikoyan là người duy nhất đã kể về chuyến thăm của các Ủy viên BCT chính thức và dự khuyết tới trang trại của Stalin ngày 30/6/1941. Trong cuốn sách của mình, ông viết: “Chúng tôi đến trang trại gặp Stalin. Chúng tôi gặp ông đang ngồi trên ghế bành ở phòng ăn. Thấy chúng tôi, ông dường như co mình vào ghế và nhìn chúng tôi với vẻ nghi hoặc. Rồi ông lên tiếng: “Các anh tới đây làm gì?” Bộ dạng của ông có vẻ như cảnh giác, kỳ lạ thế nào đó, và câu hỏi mà ông đặt ra cũng có vẻ kỳ lạ. Bởi vì thực ra thì ông phải là người triệu tập chúng tôi tới. Tôi hoàn toàn không có nghi ngờ gì nữa: có lẽ ông cho rằng chúng tôi đến để bắt ông”.

Đã không có ai dám nghi ngờ tính chính xác trong hồi ký của Mikoyan, cho tới khi cuốn sách của Oleg Khlevnyuk “Stalin. Cuộc đời một nhà lãnh đạo” được xuất bản năm 2015. Bất chấp thái độ mang tính định kiến và tiêu cực của tác giả sách đối với Stalin và thời Xô-viết, Khlevnyuk, với tư cách một nhà sử học quen với việc xử lý cẩn trọng các tài liệu lưu trữ, có lẽ đã nổi giận bởi sự giả mạo mà ông đã phát hiện ra. Trong cuốn sách của mình, Khlevnyuk viết: “Việc công bố hồi ký của Mikoyan năm 1999, do con trai của ông, S.A. Mikoyan, chuẩn bị, ở phần nội dung này đã chứa đựng rất nhiều thay đổi và thêm thắt so với văn bản gốc, được bảo quản trong các kho lưu trữ. Rõ ràng là Sergo Mikoyan đã cố gắng tạo dựng ra nỗi sợ hãi của Stalin. Chính vì mục đích đó nên mới có đoạn mô tả: “Thấy chúng tôi, ông dường như co mình vào ghế” và “Tôi hoàn toàn không có nghi ngờ gì nữa: có lẽ ông cho rằng chúng tôi đến để bắt ông”. Thực ra thì những câu này đã được thêm thắt về sau và hoàn toàn không thuộc về ngòi bút của Mikoyan”.

Tại sao Sergo Mikoyan không chỉ ủng hộ một giả thuyết méo mó về những sự kiện có thật, mà còn làm gia tăng sự giả tạo của nó? Có thể do người con trai của Mikoyan đã ác cảm một cách sâu sắc đối với Stalin. Rất lâu trước khi trở thành một tiến sĩ khoa học lịch sử, Sergo Mikoyan, ở tuổi thiếu niên, đã bị bắt giam năm 1943. Trong nhiều lần diễn thuyết trước công chúng tại các sự kiện khác nhau vào những năm 60, Sergo đã gọi mình là nạn nhân của “tệ nạn sùng bái cá nhân” và nhiều diễn giả đã không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng Sergo đã “phải mòn mỏi trong các trại giam của Stalin”. Tuy nhiên, các diễn giả lại lờ đi việc, vì sao mà con trai của một Ủy viên BCT lại có thể bị vào tù?

Chỉ sau khi cuốn sách “Lược sử một gia đình” của người cháu Stalin, Vladimir Alliluyeva, thì mới rõ sự thật là, Sergo Mikoyan, cùng với anh trai là Vano, đã bị bắt vì tham gia vào tổ chức bí mật “Đế chế thứ tư”. Các thành viên của nó đã sử dụng các khái niệm và nghi lễ của Đức Quốc xã. Điều này có thể được xem như là một trò nghịch dại của các thanh thiếu niên. Thế nhưng, ngay cả bây giờ thì những “trò chơi” với các biểu tượng phát xít cũng vẫn gây ra sự lên án chung của xã hội. Bằng chứng là phản ứng ở vương quốc Anh mới đây trước việc thái tử thừa kế Henry xuất hiện trên ảnh với dải băng tay của nước Đức Quốc xã, mà anh đã đeo lên ở một vũ hội giả trang trước đó. Không cần phải nói thì cũng rất dễ hiểu là một hành vi như thế có thể gây nên phản ứng thế nào tại một đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh chống phát xít gay gắt nhất như Liên Xô.

Cùng với anh em nhà Mikoyan, tham gia tổ chức “Đế chế thứ tư” còn có con cái của một loạt các nhà lãnh đạo Xô-viết nổi bật thời đó, như cậu con trai Vladimir của Dân ủy Công nghiệp Hàng không A.I. Shakhurin; anh trai Vladimir Alliluyeva là Leonid; Artyom Khmelnitsky, con trai của thiếu tướng R.P. Khmelnytsky; Leonid Barabanov, con trai một trợ lý của chính ông A.I. Mikoyan. Tất cả họ đều đã học cùng một trường phổ thông. Vì các con của A.I.Mikoyan có điều kiện được tiếp xúc với vũ khí nên Vano Mikoyan đã trao khẩu súng lục Walter cho Vladimir Shakhurin, lúc đó đang phải lòng cô con gái Nina của nhà ngoại giao Xô-viết Umansky. Một lần cặp tình nhân cãi nhau và Vladimir Shakhurin đã bắn bạn gái rồi tự sát bằng chính khẩu súng đó. Tất cả những điều này đã xảy ra vào mùa xuân năm 1943.

Theo lời kể của Vladimir Alliluyev, “khẩu Walther đó và cả cuốn nhật ký củaVolodya (Vladimir Shakhurin) đã được cất trong tủ bếp (ở trang trai Zubalovo) một thời gian. Mẹ tôi đã tìm được cuốn nhật ký đó và ngay lập tức đưa lại cho Sofia Mironovna, mẹ của Volodya Shakhurin… Từ cuốn nhật ký mới lộ ra là Volodya Shakhurin là “Quốc trưởng” của tổ chức bất hợp pháp…” Cũng trong cuốn nhật ký đó có ghi tên họ các thành viên khác của “Đế chế thứ tư”.

Vladimir Alliluev đã viết: “Sophia Mironovna sau khi nhận được cuốn nhật ký của con trai từ mẹ tôi, đã chuyển tới cho L.P. Beria cùng những lời bình luận của mình. Rốt cuộc là những thiếu niên ở độ tuổi từ 13-15 đã bị đưa vào nhà tù bên trong Lubyanka”. Có lẽ con cái của các bậc phụ huynh cao cấp đã hy vọng rằng chúng sẽ nhanh chóng được trả lại tự do. Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra. Vladimir Alliluev nhớ lại: “Qúa trình điều tra kéo dài khoảng sáu tháng, và sau đó lũ trẻ được đưa tới nhiều nơi khác nhau: người tới Omsk như Leonida, người tới Tomsk, và Vano Mikoyan, theo yêu cầu của cha mình, được đưa ra tiền tuyến để làm việc bảo dưỡng những máy bay mà anh em của cậu đã bay đi chiến đấu”. Bản thân Sergo bị trục xuất khỏi Moskva trong vòng một năm. Có thể vì thế Sergo đã đổ lỗi cho Stalin về những bất hạnh của mình vì ông đã không đứng ra bênh vực họ.

Tuy nhiên, việc đã có tiền án, tiền sự, cũng như việc từng là thành viên của “Đế chế thứ tư” đã không cản trở Sergo Mikoyan năm 1952 vào học tại Viện Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) và sau khi tốt nghiệp xuất sắc, đã làm việc trong các cơ sở hàn lâm khác nhau ở Moskva và trong các tòa soạn tạp chí của các cơ sở này. Đồng thời, kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức khoa học lại không dạy được Sergo Mikoyan cách xử lý đúng các tài liệu lưu trữ, và ông đã sử dụng cả phép làm giả chúng.

Thực ra thì Sergo Mikoyan chỉ làm tăng độ bóp méo sự thật lịch sử đã có trong cuốn hồi ký của cha mình mà thôi. A.I. Mikoyan cố tạo ra ấn tượng như thể, ông và các nhà lãnh đạo Liên Xô khác đã thấy Stalin đang trong tình trạng tê liệt tư duy như một biểu tượng khi bầu ông ấy lên làm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước. Giải thích lý do tại sao các thành viên cuộc họp trong điện Kremli, “đồng ý đưa Stalin lên làm Chủ tịch GKO”, A.I. Mikoyan đã viết: “Chúng tôi tin rằng, bản thân cái tên Stalin đã là một sức mạnh to lớn đối với nhận thức, tình cảm và niềm tin của quần chúng và điều đó sẽ giúp thực hiện tốt hơn việc triển khai và chỉ đạo tất cả các hoạt động quân sự”.

Tuy nhiên, ngay chính từ hồi ký của Mikoyan cũng cho thấy, trong cuộc gặp họp với nhóm các nhà lãnh đạo Xô-viết ngày 30/6/1941, Stalin đã hành xử không như một con tốt vô thưởng vô phạt trong tay của các thành viên tương lai của GKO. Stalin đã tham gia tích cực vào việc phát triển các đề xuất về cơ quan chỉ đạo mới, đặt ra trước nó những nhiệm vụ cụ thể về lãnh đạo nền quốc phòng của đất nước.

Rõ ràng là, Stalin đã nhìn thấy trong GKO một cơ quan quyền lực để đưa vào đời sống bản “Chỉ thị của Hội đồng Dân ủy Liên Xô và BCH TƯ Đảng Cộng sản Bolshevik gửi các cơ quan nhà nước và các tổ chức đảng tại khu vực tiền tuyến” mà ông đã xây dựng trước ngày 29/6/1941. Và sau đó ba ngày, trong lần đăng đàn công khai đầu tiên sau khi chiến tranh bùng nổ, Stalin đã trình bày nội dung của bản “Chỉ thị”, đôi khi trích dẫn nguyên văn nội dung tài liệu.

Trong bài phát biểu ngày 3/7/1941, Stalin đã không che giấu tình thế khó khăn của đất nước nhưng cũng không tuyên bố “Chúng ta đã làm mất vĩnh viễn tất cả những gì từng được Lenin tạo nên”. Ngược lại, trong bài phát biểu của mình, Stalin gọi chấm dứt các biểu hiện hèn nhát và rối loạn. Stalin tuyên bố: “Lenin vĩ đại, người đã sáng lập ra nhà nước của chúng ta, từng nói rằng, các phẩm hạnh chính của những người Xô-viết phải là lòng can đảm, dũng cảm, không sợ hãi trong đấu tranh, sẵn sàng sát cánh cùng nhân dân chiến đấu chống lại những kẻ thù của đất nước chúng ta. Cần phải biến phẩm hạnh tuyệt vời đó của người Bolshevik thành tài sản của hàng triệu và hàng triệu chiến sĩ Hồng quân chúng ta và của tất cả các dân tộc trong Liên bang Xô-viết”. Ông nói: “Tất cả các dân tộc trên đất nước chúng ta … đều thấy rằng, sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa, kẻ thù sẽ bị đánh bại, chúng tôi sẽ giành được chiến thắng”.

Stalin đã thuyết phục người nghe tin rằng, tình hình đã được kiểm soát, khi ông tuyên bố: “Với mục đích huy động nhanh chóng sức mạnh của tất cả các dân tộc trong Liên bang Xô-viết để xua đuổi kẻ thù xảo trá đã tấn công đất nước chúng ta, đã thành lập ra Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, tập trung trong tay tất cả quyền lực quốc gia”. Ông kêu gọi: “Tất cả các dân tộc tập hợp xung quanh Đảng của Lenin – Stalin và xung quanh phủ Xô-viết để hỗ trợ hết lòng hết sức cho Hồng quân và Hải quân, để đánh bại kẻ thù, để giành chiến thắng”. Stalin thuyết phục người nghe rằng, “lực lượng của chúng tôi là vô kể. Chẳng bao lâu nữa kẻ thù sẽ phải tự nhận ra điều đó”. Ông tuyên bố, “trong cuộc chiến tranh giải phóng này chúng ta sẽ không đơn độc… Chúng tôi sẽ có những đồng minh trung thành trong các dân tộc châu Âu và châu Mỹ”, và ông ghi nhận với lòng biết ơn “bài phát biểu lịch sử của Thủ tướng Anh, ông Churchill, về việc giúp đỡ Liên Xô”, cũng như tuyên bố chính phủ Mỹ “sẵn sàng giúp đỡ đất nước chúng ta”. Ông kết thúc bài phát biểu của mình bằng những khẩu hiệu đốc chiến: “Tất cả các lực lượng của chúng ta – hãy hỗ trợ Hồng quân anh hùng và Hải quân vinh quang của chúng ta! Tất cả các nguồn lực của nhân dân – hãy để đánh bại kẻ thù! Tiến lên phía trước, về phía chiến thắng của chúng ta!”

Lời kêu gọi chiến đấu ngoan cường của Stalin đã được hàng triệu người dân Xô-viết đón nhận như một mệnh lệnh rõ ràng để hành động và như một bằng chứng không thể chối cãi về tính khả thi của nó.

Liên Xô có bị bất ngờ với việc Hitler tấn công hay không?

(Hồi ức của Vyacheslav Molotov, Ngoại trưởng Xô-viết trong những năm 1939-1949, 1953-1956)

Chúng ta đã cố ngăn chặn chiến tranh bằng cách không tạo ra cớ để quân Đức gây hấn. Tất nhiên, một khi Hitler đã định làm gì rồi thì khó có ai bên ngoài có thể ngăn được y. Thế nhưng, biện lý đến cùng, ở những năm 30-40 ấy, có ai ngồi ở trong đầu Hítle đâu mà biết y thực sự đã quyết định những gì. Ngay từ năm 1939, y đã sẵn sàng làm nổ ra chiến tranh với Liên Xô rồi. Nhưng ai rõ là vào thời điểm nào. Còn đối với Liên Xô, đẩy lùi thời hạn nổ ra chiến tranh thêm một năm hay vài tháng nữa là việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để gia tăng thêm tiềm lực quốc gia!

Trước chiến tranh, chúng ta đã luôn sẵn sàng cho chiến tranh trong việc chính yếu nhất. Điều này thể hiện qua những kế hoạch năm năm, xây dựng được tiềm năng công nghiệp mà về sau, trong chiến tranh, đủ mạnh để giúp đất nước trụ lại được.

Cuối thập niên 30, khi quân Đức đã tấn công Ba Lan và chiến tranh thế giới thứ hai đã bùng nổ, đã có nhiêu lời bóng gió cảnh báo rằng sớm hay muộn thì Hitler cũng sẽ tấn công Liên Xô. Ngay đại sứ Đức tại Moskva là Sulenberg cũng nói xa xôi tới chuyện này. Tuy nhiên, theo quan điểm của Stalin, không thể nào manh động.

Sau này, theo lời Nikita Khrusev, Thủ tướng Anh Churchill đã từng báo trước cho Stalin biết về việc Đức sẽ tấn công Liên Xô… Đáp lại, Stalin chỉ nói ngắn gọn: “Tôi không cần lời cảnh báo nào cả. Tôi biết chiến tranh sẽ nổ ra, nhưng tôi sẽ có thể làm chậm lại nửa năm nữa”. Một số người muốn dùng câu nói đó để buộc tội Stalin, cho rằng ông đã quá trông cậy vào bản thân mình. Nhưng thực ra, đó không phải là Stalin quá trông cậy vào bản thân mình, mà vào cả đất nước. Khi đó, ông không nghĩ về mình, mà nghĩ về cả quốc gia. Nhân dân ta đã rất cần đẩy lùi thời hạn chiến tranh nổ ra thêm nửa năm nữa. Hơn nữa, chính Churchill, một kẻ thù truyền kiếp của chế độ Xô-viết, rất muốn khiêu khích để Liên Xô và Đức dụng độ quân sự với nhau càng sớm càng tốt.

Theo tôi, loại bỏ hoàn toàn yếu tố địch tấn công bất ngờ trong điều kiện của chúng ta là việc không thể làm được. Tất nhiên, chúng ta có thể bị đỡ bất ngờ hơn nếu có được sự nỗ lực bền dai hơn. Đó chẳng qua là bản chất mugích của dân ta: làm việc nhiều nhưng cũng thích uống rượu cho tới say và nghỉ ngơi cho thoải mái. Chủ nghĩa Marx-Lenin không liên đới gì tới đó cả. Chủ nghĩa Marx-Lenin luôn đứng về phía tấn công khi nào có thể, còn khi chưa có thể thì chờ đợi.

Về những thông tin của tình báo thì tôi có thể nói rằng, khi tôi còn làm Chủ tịch Hội đồng Xô-viết, thì hàng ngày tôi mất cả một buổi để đọc các loại tin tình báo. Vô số những thời hạn địch sẽ tấn công ta đã được nêu ra trong đó. Nếu chúng ta tin theo những dự đoán đó mà manh động thì hẳn chiến tranh đã nổ ra sớm hơn rồi.

Nói tới vai trò của Stalin trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cần thấy rằng, bản chất vấn đề không phải là ở chỗ đoán đúng hay sai ngày nổ ra chiến tranh. Bản chất vấn đề là ở chỗ, không cho Hitler vào Moskva, Leningrad hay Stalingrad. Bản chất vấn đề là ở chiến thắng chung cuộc rất vẻ vang. Và chúng ta đã làm được điều này. Trong đó có công lao to lớn của Stalin. Cần phải công bằng chứ không nên như bây giờ,đổ mọi lỗi lầm cho Stalin khi ông không còn sống nữa.

Hiện nay có xu hướng ở Nga miêu tả Stalin như một người tự mãn, tự kỷ, luôn cho rằng ông nói thế nào thì mọi sự sẽ diễn ra y như thế. Làm vậy là không đúng, là vu cáo.

Ngay trong hồi ký của những danh tướng như nguyên soái Jukov cũng không hẳn mọi sự đều đúng. Zhukov viết, Stalin đã cầm chắc mình sẽ ngăn chặn không cho chiến tranh nổ ra.Thế nhưng, nếu đổ cho một mình Stalin mọi lầm lỗi như thế thì cũng có thể nói, một mình Stalin đã xây dựng thành công CNXH, một mình Stalin đã chiến thắng phát xít Đức. Ngay Lenin cũng từng lãnh đạo không chỉ một mình, và Stalin cũng không phải chỉ có một mình trong Bộ Chính trị. Mỗi người có phần trách nhiệm riêng…

Ngay sau khi nổ ra quân Đức tấn công Liên Xô (ngày 21/6/1941), Stalin đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao tới Bộ Quốc phòng. Stalin đã trò chuyện với Zhukov và Timoshenko khá thô bạo. Ông không mắng mỏ ai nhưng rõ ràng là đang cảm thấy khó ở. Rất ít khi Stalin nổi cáu như thế…

.

Theo ĐẠI ĐOÀN KẾT

Tags: , , , ,