Sinh thái đô thị: Gợi ý cho Việt Nam từ các mô hình phát triển trên thế giới

Sinh thái đô thị là một hợp phần quan trọng của đô thị phát triển bền vững cũng như một khái niệm song hành là đô thị đáng sống.

Sinh thái đô thị: Gợi ý cho Việt Nam từ các mô hình phát triển trên thế giới

Tác giả: ThS.KTS Lê Tiểu Thanh, Khoa Cơ Điện tử, Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội; PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc số 05-2022.

Hai mô hình này đều coi con người là chủ thể, lấy sự tiện nghi, thoải mái, hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người làm mục tiêu phấn đấu – Trong khi vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó hữu cơ và hài hòa với thiên nhiên, môi trường cũng như hệ sinh thái tự nhiên, trong đó đô thị hiện diện với tư cách là môi trường nhân tạo.

Về mặt sinh học, con người là một thực thể của thiên nhiên và không thể tách rời thiên nhiên, theo đó hệ sinh thái cảnh quan cần được thiết kế thành mạng lưới tiếp cận, thậm chí vào tận bên trong nhà ở. Về mặt xã hội, con người cũng cần thiết lập hệ sinh thái thứ hai song song – Đó là hệ sinh thái nhân văn, bằng cách xây dựng một hệ giá trị chung và tổ chức các hoạt động để hiện thực hóa những giá trị ấy. Bài báo hệ thống hóa một số quan điểm và cách tiếp cận mới nhất (hoặc đáng chú ý nhất) về hai hệ sinh thái đô thị, phân tích một số mô hình có khả năng áp dụng trong bối cảnh các đô thị lớn của Việt Nam để góp phần cải thiện không gian, nâng cao chất lượng cư trú của người dân trên cả hai phương diện vật lý và phi vật lý.

Cách tiếp cận sinh thái đô thị trên thế giới

Là một môn khoa học nghiên cứu các hệ sinh thái tự nhiên được khởi nguồn từ thế kỷ 19, cho đến những năm 1970 khi cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra và sự suy thoái các tài nguyên, trong đó có tài nguyên sinh vật, sinh thái đô thị trở thành một vấn đề cấp bách cần giải quyết nổi lên như một lĩnh vực kết hợp bốn ngành khoa học là khoa học, là: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Kỹ thuật, Khoa học Xã hội và Khoa học Nhân văn (McDonnel, 2011). Ngoài khung tham chiếu thời gian, từ quá khứ tới hiện tại và hướng đến tương lai, các chuyên gia còn sử dụng hệ trục kết hợp sinh thái – xã hội để phân tích các chu trình biến đổi diễn ra trong các đô thị (Redman, 2011). Theo đó, mọi hoạt động kinh tế và xã hội đều có tác động tới hệ sinh thái đô thị ở mức độ phức hợp hơn nhiều so với phần lớn mọi người hình dung. Trong vòng gần 140 năm, từ cuối thế kỷ 19 cho đến năm 2020, sinh thái đô thị đã trải qua tám bước phát triển, mà giai đoạn thứ tám (đang diễn ra) được kích hoạt bởi Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất ở Rio de Janeiro (Brazil) từ năm 1992, cho đến năm 2022 là vừa vặn 30 năm. Tinh thần của sinh thái đô thị trong thời đại ngày nay đã gắn liền và phục vụ cho sự phát triển của các thành phố (TP), đặc biệt là các TP được xếp loại mega-city (đại đô thị) với trên 10 triệu dân ở các quốc gia đang phát triển, đang phải đối mặt với thách thức là sự phát triển đã bào mòn đi các hệ sinh thái vốn dĩ rất phong phú và giàu có, đặc trưng của các quốc gia trong vành đai nhiệt đới (Goode và cộng sự, 2021). Theo quan điểm của Goode và cộng sự, mỗi một đô thị, không kể quy mô, cần được coi là một hệ sinh thái hoàn chỉnh và mang tính phức hợp cao, dựa trên một kiềng ba chân bao gồm ba yếu tố: Xã hội, kinh tế và thể chế.

Sự đa dạng sinh học, vẫn theo Goode và cộng sự, là yếu tố vừa mang tính cốt lõi vừa mang tính bao trùm của khái niệm sinh thái đô thị, dựa trên hai lý thuyết nền tảng mà Constanza và Daly phát triển năm 1992 về “nguồn lực tự nhiên”, bao gồm nguồn tài nguyên sinh học như một hợp phần không thể thiếu của phát triển bền vững do Daily đề xuất năm 1997 và chính Goode bổ sung năm 2006 về “các hoạt động sinh thái”. Những giá trị của những hoạt động đó chỉ có thể có được khi hệ thống hạ tầng xanh của đô thị, trong đó có cảnh quan và cơ sở vật chất kỹ thuật, được thiết lập đầy đủ (Goode và cộng sự, 2021).

Sự đa dạng sinh học có thể được cụ thể hóa bằng việc tạo dựng sinh cảnh (biotope), có thể được hiểu là các thảm thực vật được bố trí với nhiều tầng và phối trộn nhiều loài thực vật khác nhau, trong đó có những loài đặc hữu (bản địa) là môi trường sinh sống cho các loài động vật thuận theo quy luật phân bố cũng như liên hệ đan chéo mà thiên nhiên tạo nên, được biết đến với thuật ngữ “chuỗi thức ăn” và “lưới thức ăn”. Đức là quốc gia được đánh giá là thành công đặc biệt trong chương trình phát triển sinh cảnh tại địa bàn cư trú, với 223 TP và hơn 2.000 làng mạc cùng thị trấn (Schulte và Sukopp, 2000). Tại Châu Âu, Liên minh Châu Âu đã xây dựng chương trình “Rừng trong Đô thị” năm 1991 tại hội nghị Châu lục về Trồng cây Gây rừng trong các TP được tổ chức tại Dublin (Ireland), với sự tham gia của 22 quốc gia thành viên. Đây thực chất là mô hình được nâng cấp từ công viên đô thị với yêu cầu cao hơn về đa dạng sinh học và tăng đáng kể diện tích xanh bình quân đầu người (Goode và cộng sự, 2021).

Trong thực tế đã thống kê có ba mô hình sinh thái đô thị: 1. Sinh thái đô thị trong đô thị (hàm ý vị trí); 2. Sinh thái đô thị của đô thị (hàm ý sở hữu) và 3. Sinh thái đô thị vì đô thị (hàm ý mục đích). Các mô hình này được các nhà khoa học phát triển dần dần, từ mô hình đầu tiên kế thừa truyền thống, thuần túy thống kê các loại hình và chu trình đã có, dù có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, vẫn mang tính khép kín (Pickett và cộng sự, 1997); đến mô hình phức hợp hơn, có sự học hỏi, tham khảo và vận dụng chéo kinh nghiệm của nhau để làm phong phú hơn cấu trúc cũng như hình thức (Grimm và cộng sự, 2000); cuối cùng là mô hình thứ ba, được phát triển từ năm 2016 trở lại đây, được lồng ghép với những yếu tố xã hội và dân sự và sự tham gia của những nghiên cứu liên ngành (Pickett và cộng sự, 2016).

Đáng chú ý nhất trong mô hình thứ ba (Sinh thái đô thị vì đô thị) là quan điểm xây dựng hệ sinh thái con người trên nền tảng hệ sinh thái cảnh quan đã được thiết kế đạt những yêu cầu cơ bản như: Đa dạng sinh học, thẩm mỹ cao và có yếu tố nhận diện (nét đặc trưng). Những yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của sinh thái đô thị trên khía cạnh nhân văn gồm:

– Quá trình đô thị hóa gia tăng mức độ, nhìn từ khía cạnh tích cực là có thêm những cộng đồng dân cư mới bên cạnh những cộng đồng dân cư hiện hữu, tức là có thêm mối quan hệ xã hội, và nhu cầu biến những khu vực đô thị đó trở nên đáng sống hơn;
– Tăng cường sự hiện diện của các hệ sinh thái tự nhiên trong những không gian nhân tạo, từ quy mô lớn (toàn đô thị) đến quy mô nhỏ (từng công trình);
– Chấp nhận hệ sinh thái tự nhiên bị tác động bởi các hoạt động của con người, nhưng theo cách tích cực và có kiểm soát, thay vì giữ nguyên trạng năm này qua năm khác;
– Quan tâm thích đáng đến tác động của con người lên các hệ sinh thái tự nhiên, trong đó hai vấn đề nổi bật nhất là sự suy giảm đa dạng sinh học và sự thu hẹp các dòng chảy cũng như diện tích ao hồ tự nhiên trong đô thị;
– Đặt tính bền vững vào vị trí trung tâm của mọi chính sách phát triển và chương trình hành động thực tế để thực thi các chính sách đó. (Goode và cộng sự, 2021)

Sinh thái học đô thị ngày nay ghi nhận mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các nhà sinh thái học với kỹ sư, KTS, quy hoạch gia và giới nghiên cứu kỹ nghệ, theo đó sinh thái học đô thị gồm ba hệ thống với cấu trúc và chức năng riêng biệt song lại được tích hợp với nhau theo quan điểm tiếp cận mới, được gọi tên theo màu sắc mang ý nghĩa tượng trưng là Hệ thống xanh lục (hệ thống cây xanh và mảng xanh trong đô thị được quy hoạch thành mạng lưới và được coi như một hợp phần của cơ sở hạ tầng đô thị, Hệ thống xanh lam (hệ thống ao hồ, sông rạch, kênh mương cũng nên được kết nối thành mạng lưới và xen kẽ với hệ thống xanh lục) và Hệ thống xám (hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là kỹ thuật xử lý chất thải, lấy hệ thống xanh lục làm vùng đệm để giảm thiểu tác động đến môi trường cũng như cảnh quan và góp phần làm sạch hệ thống xanh lam với nước thải sinh hoạt là đối tượng xử lý (McPheason và cộng sự, 2016). Cùng chia sẻ quan điểm này, Kishnani cho rằng: Ba hệ thống xanh lục, xanh lam và xám cần tích hợp với nhau trên cả ba cấp độ là toàn đô thị, khu dân cư và từng công trình, để đem lại lợi ích tối đa cho thiên nhiên và con người (Kishnani, 2019). Sinh thái học đô thị còn được nâng lên thành một “nghệ thuật” và là “sản phẩm của tư duy xanh, bất kỳ ai có đóng góp làm thiên nhiên đô thị trở nên đẹp hơn và phong phú hơn đều xứng đáng được gọi là nghệ sỹ (Lydon, 2021). Mô hình này đã được triển khai thành công ở Osaka và nhiều TP khác ở Nhật Bản với nghệ thuật thiết kế sân vườn, mỗi một khu vườn và công viên thực sự là một “tiểu vũ trụ”, chứa đựng triết lý và khát vọng sống trân quý thiên nhiên của con người.

Đô thị sinh thái dành sự quan tâm thỏa đáng đến các môi trường cấu thành nên không gian đô thị, bao gồm môi trường đất, môi trường nước và môi trường khí, và rất cần cải tạo những vùng trống về sinh thái do các hoạt động sản xuất công nghiệp từng gây ô nhiễm nặng thành những khu dự trữ sinh quyển mới như công viên, rừng, khu ngập nước (Douglas, 2021).

Tiến lên một bước cao hơn về mô hình lý thuyết, đô thị ưa chuộng thiên nhiên và sinh học (biophilic city) đưa thiên nhiên thâm nhập vào mọi “ngóc ngách” của đô thị, để cư dân có mối liên hệ gần gũi với các loài thực vật, động vật và coi hệ động – thực vật đó là một phần của cuộc sống hàng ngày, hình thành nên ý thức bảo vệ hệ động – thực vật từ cấp cơ sở là khu dân cư và nhờ đó nguồn tài nguyên sinh vật trong đô thị trở nên giàu có (Beatley, 2021). Cho đến năm 2019 mới chỉ có 19 đô thị trên thế giới hội đủ điều kiện và trở thành thành viên của Mạng lưới Đô thị Ưa chuộng Thiên nhiên và Sinh học: Freemantle (Úc), Edmonton (Canada), Curridabat (Costa Rica), Wellington (New Zealand), Panama (Panama), Singapore (Singapore), Barcelona và Victoria-Gasteiz (Tây Ban Nha), Birmingham và Edinburgh (Anh), Phoenix, San Francisco, Washington, Saint Louis, Portland, Pittsburgh, Austin, Reston và Milwaukee (Hoa Kỳ). Các đặc trưng của một đô thị ưa chuộng thiên nhiên và sinh học có thể được tóm lược như sau:

– Đô thị nương nhờ vào thiên nhiên, không khống chế hay lấn át thiên nhiên;
– Công trình xây dựng trong đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên (rừng cây, mặt nước);
– Thiên nhiên là phương thuốc và liệu pháp chữa các căn bệnh mà đô thị và cư dân đô thị hay gặp phải: Ô nhiễm, chật chội, tắc nghẽn, bệnh tật về thể chất (ốm sốt, suy nhược) và bệnh tật về tinh thần (khủng hoảng, áp lực, bế tắc, suy sụp);
– Thiên nhiên đóng vai trò trung tâm và đảm bảo cho cuộc sống thịnh vượng;
– Thiên nhiên đem lại cho con người những cảm giác ngạc nhiên, thích thú, lôi cuốn, tuyệt diệu;
– Thiên nhiên hiện diện khắp nơi, ngay cả những “hốc” nhỏ nhất, không có “vùng trắng”;
– Nhu cầu gắn bó với thiên nhiên của cư dân được tôn trọng và đáp ứng. Cư dân có thể tận hưởng thiên nhiên hàng ngày (nhiều lần trong ngày);
– Cư dân yêu mến thiên nhiên, gắn bó với nhau và cùng hành động vì thiên nhiên;
– Cư dân chia sẻ không gian sinh sống cho các loài sinh vật;
– Chính quyền cam kết cung cấp tài chính và các nguồn lực để bảo vệ thiên nhiên (Beatley, 2021).

Không chỉ đơn thuần kết nối các hệ thống cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo với nhau một cách hài hòa để tạo thành hệ sinh thái hoàn chỉnh, đô thị ưa chuộng thiên nhiên còn nỗ lực nâng cao tính đa dạng sinh học trong phạm vi có thể, chọn lọc các loài sinh vật để đưa vào môi trường bản địa nhằm mục đích này mà không gây ra những tổn hại về mặt sinh thái khi có loài sinh vật ngoại lai xâm nhập và phát triển vượt ngưỡng kiểm soát. Đô thị ưa chuộng thiên nhiên và sinh học chú trọng thiết kế không gian đô thị và nếu cần thì tái cấu trúc, tái thiết kế không gian nhân tạo vì thiên nhiên và các loài sinh vật, kể cả thiên nhiên và sinh vật hoang dã trước đây nếu có tồn tại thì chỉ bắt gặp ở vành ngoài đô thị thì nay còn lan vào sâu bên trong đô thị, khuyến khích cư dân nán lại ngoài trời càng lâu càng tốt để tiếp xúc, khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm thiên nhiên nhiều nhất có thể (Beatley, 2021).

Mô hình sinh thái đô thị và kinh nghiệm thiết lập sinh thái đô thị trên thế giới

Trường hợp 1 (Thượng Hải – Trung Quốc): Phát triển mạng lưới công viên đô thị rộng khắp và đa dạng hóa loại hình không gian xanh

Là TP đông dân nhất Trung Quốc với gần 25 triệu người (2021), tỷ lệ phủ xanh đô thị đạt 38,2% tổng diện tích đất của toàn TP, diện tích cây xanh công viên bình quân đạt 13,5 m2/người (không kể cây xanh đường phố). Từ năm 2017, chính quyền TP đã triển khai nhiều dự án công viên đô thị trong các quận trung tâm để cải thiện chất lượng môi trường, cảnh quan và tiện ích nghỉ ngơi của cư dân, trong đó bốn dự án trọng điểm là chuỗi công viên – vườn hoa dọc sông Hoàng Phố, Công viên Hạo Tân, Công viên Phục Hưng và Công viên Thế kỷ (Nor Akmar và cộng sự, 2021).

Bảng 1. Sự phát triển của hệ thống công viên công cộng trong nội đô Thượng Hải từ năm 2000 đến 2010 (Nor Akmar và cộng sự, 2021)

Bảng 2. Loại hình sinh thái cảnh quan ở Thượng Hải năm 2010 (Nor Akmar và cộng sự, 2021)

Hệ thống không gian xanh ở Thượng Hải (Nguồn: Liu, S. và cộng sự, 2021)

Trường hợp 2 (Zürich – Thụy Sỹ): Xây dựng mạng lưới sinh cảnh (biotope) rộng khắp trong đô thị, từ ngoại vi lan vào khu trung tâm

Là TP lớn và đông dân nhất Thụy Sỹ với 1,3 triệu dân (trong đó 1/3 tập trung trong khu trung tâm trên một diện tích 88 km2), Zürich là đô thị giàu có bậc nhất Châu Âu về sinh thái đô thị, với 17% đất đô thị được bao phủ bởi thảm thực vật có độ đa dạng sinh học và giá trị sinh thái ở mức độ cao. Đây là kết quả của chính sách coi trọng đa dạng sinh học và quan tâm đến chất lượng cư trú, lấy sinh cảnh là giải pháp chủ đạo của chính quyền trong nhiều thập niên. Bất kỳ khu dân cư nào đều có một khu lõi sinh thái trung tâm (tổng số có đến 125 lõi sinh thái như vậy đã được thống kê khắp TP), gắn kết ở một mức độ nhất định với các tuyến xanh hoặc mảng xanh lớn ở ngoại vi, rồi từ đó lan tỏa vào các lõi của công trình hoặc cụm công trình theo mô hình dây leo vươn cành đâm nhánh. Cấu trúc điển hình của một lõi sinh thái như vậy bao gồm 12 hợp phần, kết hợp với nhau ở các tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào vị trí, diện tích, địa hình và quan điểm thiết kế cảnh quan của KTS: 1. Cây xanh mọc ở bờ rào khuôn viên; 2. Cây bụi; 3. Cây bóng mát đơn lẻ; 4. Rặng cây; 5. Vườn cây ăn quả cộng đồng; 6. Vườn rau cộng đồng; 7. Vườn hoa – công viên; 8. Khu cây cảnh; 9. Bãi cỏ khô; 10. Bãi cỏ ngập nước (thường ở những chỗ trũng); 11. Vườn gia đình; 12. Rừng đô thị (quy mô nhỏ). Với sinh cảnh đa dạng như vậy, các loài động vật tìm được môi trường sinh sống tương đối lý tưởng. Trong một khu ở, người dân có thể bắt gặp hàng chục loài động vật thuộc các phân hệ côn trùng (nhiều nhất là bướm, chuồn chuồn, cào cào và bọ lá), bò sát và lưỡng cư – do có môi trường địa sinh và thủy sinh xen kẽ. Các không gian trống trong đô thị, từ mức 45% đã tăng lên đến 62% trong vòng 30 năm (1965 – 1995) và được sinh thái hóa ở mức độ cao. Hệ thống đường đi dạo kết hợp đạp xe cho cư dân có bóng cây xanh che phủ lên tới 253 km và trải rộng khắp các khu ở, từ khu ở này sang khu ở khác qua hệ thống cầu và hầm nối. (Nor Akmar và cộng sự, 2021).

Hệ thống sinh cảnh tại TP Zürich (Thụy Sỹ). (Nguồn: City of Zürich, 2018)

Trường hợp 3 (Portland, Oregon, Hoa Kỳ): Phân vùng sinh thái chuyển tiếp từ khu cạn xuống khu nước trong công viên đô thị

TP Portland, tiểu bang Oregon tại Hoa Kỳ, là địa phương đi tiên phong trong công tác sinh thái hóa các khu dân cư trong đô thị, với tâm điểm là một công viên mini có diện tích dưới 1 ha. Ví dụ điển hình là khu ở Tanner Spring, được quy hoạch từ những năm 2004 – 2005. Dù không lớn (diện tích chỉ có 0,4 ha), khu công viên trung tâm vẫn được chia thành ba vùng rõ ràng: Khu cảnh quan cạn có một số cây bóng mát, cây bụi và thảm có, trong khi đó khu cảnh quan nước là một hồ nông với độ sâu chỉ 0,6 – 0,7 m để chứa nước mưa tại chỗ và thu gom từ các khu vực xung quanh, trồng thả các loài cây thủy sinh để làm sạch nước. Xen kẽ giữa hai khu này là vùng chuyển tiếp, được phân cách với hai khu kia bởi các đường đi bộ, được coi là yếu tố linh hoạt và hấp dẫn. Vào mùa khô đó là khu cạn và vào mùa mưa đó là nơi chứa nước bổ sung cho khu ngập nước, để duy trì mực nước tương đối ổn định. Đây thực sự là một điểm đa dạng sinh học có chức năng giáo dục công dân về bảo vệ môi trường thiên nhiên, với 72 loài thực vật và hơn 10 loài động vật (Managing Habitat, 2021).

Phân vùng cảnh quan công viên theo kinh nghiệm tổ chức của Hoa Kỳ (Tác giả, 2022)

Sinh thái đô thị ở Việt Nam (Hà Nội là trường hợp điển hình)

Hà Nội từng được biết đến như một đô thị có hệ thống mặt nước khá dày đặc, bao gồm sông, hồ, ao, đầm và kênh mương thủy lợi, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, mà còn có tác dụng tích cực trong việc cải thiện khí hậu, tạo lập cảnh quan, duy trì đa dạng sinh học và nhất là điều tiết thủy văn trong điều kiện mưa nhiều của một xứ nhiệt đới nóng ấm. Thế nhưng, diện tích mặt nước của Hà Nội đã bị thu hẹp nhanh chóng, giảm 77% sau 120 năm, từ năm 1885 đến năm 2005, dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát (Shibayama, 2009). Diện tích cây xanh bình quân đầu người toàn TP là 7 m2, chỉ bằng 1/10 so với các đô thị lớn trong khu vực như Singapore hay Bangkok, nhưng lại phân bố không đều. Trong các quận trung tâm, chỉ số này còn dưới 2 m2/người (Owusu và cộng sự, 2021). Từ năm 2017 trở lại đây, Chính quyền TP đã có kế hoạch nâng cấp – mở rộng công viên và trồng thêm cây xanh đường phố nhằm đạt mức 10 – 11 m2 cây xanh/người như chỉ tiêu đã đề ra, song lại để mất đi nhiều diện tích xanh lâu năm đáng giá khác từ kế hoạch xây dựng hệ thống đường trên cao đô thị để giải quyết bài toán tắc nghẽn giao thông. Kế hoạch tham vọng biến Hà Nội thành một đô thị theo mô hình TP vườn đến năm 2030 với tỷ lệ 70% hành lang xanh ngoại thị và 30% công viên và vườn hoa nội đô theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, từ ít nhất ba kế hoạch không thành công trước đó, là khó khả thi, với tốc độ phát triển đô thị như ngày nay (Leducq và Scarwell, 2018). Khu đô thị mới Linh Đàm, một khu ở kiểu mẫu của Hà Nội, đại diện của khu đô thị mới thế hệ thứ nhất, sự điều chỉnh quy hoạch và xây chen đã khiến diện tích cây xanh bình quân giảm chỉ còn 1/4 so với thời gian đầu đưa vào sử dụng – từ 22,3 xuống còn 5,2 m2/người (Báo Mới, 2017).

Ở góc độ một dự án cụ thể (khu đô thị mới Văn Quán – một ví dụ có thể coi là tiêu biểu cho khu đô thị mới thế hệ thứ hai ở Hà Nội), kết quả khảo sát sơ bộ trong hai năm 2019 và 2020 cho thấy mức độ đa dạng sinh học và chất lượng thiết kế cảnh quan chỉ ở mức độ trung bình và có sự phân hóa thành ba cấp độ cao, trung bình và thấp, ứng với ba phân khu nhà ở là biệt thự – nhà liền kề – chung cư nhiều tầng và cao tầng. Khu vực công cộng được xếp vào nhóm giữa (ngang hàng với khu nhà liền kề). Còn với nội dung sinh thái xã hội, lại có sự đảo chiều: khu vực có nhiều hoạt động cộng đồng nhất, hấp dẫn và phong phú nhất, diễn ra thường xuyên nhất lại là nơi có chất lượng sinh thái cảnh quan thấp nhất, như một sự bù trừ (Nguyễn và cộng sự, 2020).

Bảng 3. Đánh giá sinh thái cảnh quan khu đô thị Văn Quán (Nguyễn và cộng sự, 2020)

Bảng 4. Đánh giá sinh thái xã hội khu đô thị Văn Quán (Nguyễn và cộng sự, 2020)

Cơ hội nào cho sinh thái đô thị có chỗ đứng tại các TP lớn tại Việt Nam?

Sinh thái đô thị và cảnh quan đô thị là hai lĩnh vực có điều kiện áp dụng những mô hình thành công của quốc tế vào bối cảnh địa phương với mức độ phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, kỹ thuật và công nghệ không quá lớn như một số vấn đề khác thường gặp như quy hoạch giao thông, thiết kế nhà ở và công trình công cộng, sử dụng năng lượng sạch, xử lý chất thải, … Với lợi thế có tài nguyên sinh vật phong phú, lượng mưa nhiều, số giờ nắng trong năm cao vì nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa, các đô thị lớn của Việt Nam có lợi thế trong việc sinh thái hóa các không gian ở và không gian công cộng, để cân bằng lại phần nào quá trình xây dựng. Điều kiện cần là có chủ trương chính sách đúng từ phía chính quyền, giải pháp tốt từ giới chuyên môn và sự nhận thức rõ ràng cũng như sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.

Điểm thuận lợi nữa cho công cuộc sinh thái hóa đô thị là một số mô hình phù hợp đã được cộng đồng dân cư chủ động áp dụng trong thực tế như canh tác đô thị, xanh hóa mái nhà hoặc sân thượng. Lối sống thiên về cộng đồng, thích giao lưu và tương tác xã hội của người Việt, dù đã giảm sút phần nào trong nền kinh tế thị trường, song vẫn được duy trì và cũng là “điểm cộng” để thiết lập hệ sinh thái xã hội – nhân văn. Nếu tranh thủ và lồng ghép được các vấn đề mang tính thời sự và thời đại như bảo vệ môi trường, quan tâm chăm sóc trẻ em, giúp đỡ những đối tượng yếm thế hòa nhập cộng đồng vào các hoạt động trong từng tổ dân phố sẽ tạo tăng tính kết nối cộng đồng, cùng hành động để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Những sinh cảnh (biotope) được giới chuyên môn đánh giá cao và cộng đồng ưa chuộng như ở Times City hoặc Vinhomes cũng là các ví dụ tham khảo tốt để vận dụng cho những khu ở xây mới khác và sau này là những khu ở cũ được tái phát triển theo mô hình đô thị sinh thái hoàn chỉnh. Nếu được thiết kế cảnh quan tốt, những không gian mở – không gian công cộng đó tự thân đã là môi trường hấp dẫn, có sức hút đối với cộng đồng. Khi ấy, chỉ cần một số kịch bản kết hợp những hoạt động khác nhau theo ngày và theo tuần là đủ để kiến tạo nên một hệ sinh thái nhân văn vững chắc.

Vấn đề khó khăn mà các đô thị lớn của Việt Nam đang gặp phải là mật độ xây dựng quá cao, tỷ lệ bê tông hóa rất lớn, không gian công cộng bị lấn chiếm, các khoảng cây xanh và mặt nước có xu hướng thu hẹp dần để lấy mặt bằng xây dựng công trình mới để đáp ứng nhu cầu ở cũng như sinh hoạt của cư dân đang gia tăng nhanh. Thay vì thiết lập các mảng xanh quy mô từ trung bình trở lên như mô hình của thế giới, mạng lưới sinh thái tại các đô thị lớn của Việt Nam trong tương lai chủ yếu sẽ là sự liên kết nhiều mảng nhỏ, thậm chí cả các “hốc sinh thái”, tận dụng những diện tích đất thừa dạng “xen kẹt” phát sinh từ công cuộc tái phát triển đô thị và có cả một diện tích mái nhà cũng như tường nhà chưa được phủ thực vật đang chờ đợi được xanh hóa. Có thể mật độ phân bố không thật sự đồng đều, nhưng quan trọng là “độ phủ sóng” của mạng lưới sinh thái, cần bao trùm hết phạm vi dự án và lấp đầy những khoảng trống. Khi đó, mô hình mạng lưới sinh cảnh của Zürich có thể được vận dụng ở một cấp độ nhỏ hơn. Cách phối hợp nhiều loại hình cảnh quan từ trường hợp của Thượng Hải và chuyển tiếp cảnh quan như ở Portland cũng sẽ rất hữu ích và đáng học tập

Canh tác tại gia là cơ hội không thể tốt hơn để gia tăng đáng kể sự đa dạng sinh học trong đô thị đông dân có mật độ cư trú cao. Những diện tích siêu nhỏ như ban công hay lô gia chỉ vài mét vuông, nhưng được trồng phối hợp nhiều loại rau, hoa, cây gia vị, cây thuốc nam với 20 – 30 loại thực vật khác nhau thành nhiều tầng và nhiều lớp, xen kẽ cây ưa nước và cần ít nước, cây ưa nắng và ưa bóng tối, có thể tương đương với một khoảng sân rộng vài chục mét vuông chỉ trồng cây một lớp. Mô hình canh tác nhỏ này phù hợp với cả các căn hộ chung cư cao tầng đang và sẽ còn được xây dựng nhiều hơn trong tương lai, chứ không chỉ thích hợp trong những ngôi nhà thấp tầng có diện tích mặt bằng hạn chế trong nội đô, hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể vào công cuộc sinh thái hóa đô thị, khiến các đô thị trở nên xanh và đáng sống hơn.

——————–

Tài liệu tham khảo:

1. McDonnell, M. J. (2011), The History of Urban Ecology, Urban Ecology: Patterns, Processes and Applications, Oxford University Press, Oxford
2. Redman, C. L. (2011), Social-Ecological Transformations in Urban Landscapes: A Historical Perspective, Urban Ecology: Patterns, Processes and Applications, Oxford University Press, Oxford
3. Goode, D., Douglas, I., McDonnell, M. J., Hahs, A. & MacGregor-Fors, I. (2021), Twentieth Century Growth of Urban Ecology, Handbook of Urban Ecology, Routledge, New York
4. Schulte, W. & Sukopp, H. (2000), Stadt- und Dorfbiotopkartierungen: Erfassung und Analyse ökologischer Grundlagen im besiedelten Bereich der Bundesrepublik Deutschland – Ein Überblick, Naturschutz und Landschaftsplanung, Vo. 32 No. 5
5. Pickett, S. T. A., Burch, W. R. Jr., Dalton, S. E. & Foresman. T. W. (1997), Integrated Urban Ecosystems Research, Urban Ecosystems, Vol. 1
6. Grimm, N. B., Grove, J. M., Pickett, S. T. A. & Redman, C. L. (2000), Integrated Approaches to Long-term Studies of Urban Ecological Systems, Bioscience, Vol. 50
7. Pickett, S. T. A., Cadenasso, M. L., Childers, D. L., McDonnell, M. J. & Zhou, W. (2016), Evolution and Future of Urban Ecological Science, Ecosystem Health and Sustainability Vol. 2 No. 7
8. McPheason, T., Pickett, S. T. A, Grimm, N., Niemela J., Alberti, M., Elmqvist, T., Weber, C., Haase, D., Breuste, J. & Qureshi, S. (2016), Advancing Urban Ecology towards a Science of Cities, Bioscience, Vol. 66, No. 3
9. Kishnani, N. (2019), Ecopuncture – Transforming Architecture and Urbanism in Asia, BCI Asia, Singapore
10. Lydon, P. M. (2021), Urban Ecology – Art and the Cultivation of Ecological Mindsets, Handbook of Urban Ecology, Routledge, New York
11. Douglas, I. (2021), Urban Hydrology and Urban Geomorphology, Handbook of Urban Ecology, Routledge, New York
12. Beatley, T. (2021), Biophilic Cities, Handbook of Urban Ecology, Routledge, New York
13. Liu, S., Zhang, X., Feng, Y., Xie, H., Jiang, L. & Lei, Z. (2021), Spatiotemporal Dynamics of Urban Green Space Influenced by Rapid Urbanization and Land Use Policies in Shanghai, Forest, Vol. 12, No. 4
14. Nor Akmar, A. A., Hersperger A. M., Kabisch, N., Mensah, C. A., Wang, X. & Douglas, I. (2021), Local Governments and Urban Ecology – Planning and Practice Examples from Africa, Asia and Europe, Handbook of Urban Ecology, Routledge, New York
15. Stadt Zürich (2018), https://data.stadt-zuerich.ch/dataset/geo_biotoptypenkartierung
16. Managing Habitat (2020), Managing Habitat – Friends of Tanner Spring: http://friendsoftannersprings.org/park-design/park-meta/
17. CMS Water Feature Consultant (2005), Tanner Spring Park Design Document, https://cms-collaborative.com/project/tanner-springs-park/
18. Shibayama, M. (2009), Hanoi’s Urban Transformation in the 19th and 20th Centuries, Japanese Journal of Southeast Asian Studies, Vo. 46, No. 4
19. Owusu, A. B., Songsore, J., Shih, W. Y. & Mabon, L. (2021), Ways of Creating Usable, Multipurpose Green Space in Impoverished Settlements in Cities of the Global South, Handbook of Urban Ecology, Routledge, New York
20. Leducq, D. & Scarwell, H. J. (2018), New Hanoi: Opportunities and Challenges for Future Urban Development, Cities, Vo. 72
21. Báo Mới (2017), Linh Đàm: Niềm tự hào ngày ấy – Nỗi thất vọng bây giờ, đường dẫn: https://baomoi.com/linh-dam-niem-tu-hao-ngay-ay-noi-that-vong-bay-gio/c/21810284.epi
22. Nguyễn, Q. M., Hoàng, M. Q, Ngô, D., M. & Vũ, K. H. (2020), Khảo sát Sinh thái Cảnh quan và Sinh thái Xã hội – Nhân văn tại Khu Đô thị mới Văn Quán.

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC

Tags: ,