Rùa mái nhà Myanmar: Chuyện của một loài vật trở về từ cõi chết

Các nhà khoa học đã hồi sinh quần thể rùa mái nhà Myanmar từng bị coi là tuyệt chủng. Hiện loài này có gần 1.000 cá thể và số lượng tiếp tục tăng.

Rùa mái nhà Myanmar: Câu chuyện một loài vật trở về từ cõi chết

Sự hồi sinh của rùa mái nhà Myanmar được cho là thành công hiếm thấy của các nhà bảo tồn. Họ có thể ăn mừng vì đã cứu loài động vật quý hiếm này khỏi bờ vực tuyệt chủng. Chỉ 20 năm trước, loài rùa sông nước châu Á khổng lồ – có khuôn mặt giống bọ xít – được cho là đã tuyệt chủng. Khi phát hiện chỉ còn vài cá thể sống sót, với nỗ lực bảo tồn nghiêm ngặt, các nhà khoa học đã tiến hành thành công chương trình nuôi nhốt sinh sản, thu được khoảng 170 cá thể mỗi năm.

Thậm chí, một số con được thả về với tự nhiên trong 5 năm qua. Rùa mái nhà giờ đây được an toàn về mặt sinh học, thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. “Chúng tôi đã suýt mất chúng”, Steven G. Platt, nhà nghiên cứu bò sát từ Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS), cho biết. “Nếu không can thiệp kịp thời như vậy. Loài rùa này sẽ biến mất vĩnh viễn”, theo New York Times.

Rùa mái nhà Myanmar (Batagur trivittata) và rùa núi Myanmar phải đối mặt với một trong những nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong số các loài động vật, với hơn một nửa trong số 360 loài trên Trái Đất nằm trong danh sách nguy cấp. Đặc biệt, các loài rùa châu Á có nguy cơ cao nhất vì bị mất môi trường sống, săn bắt để làm thức ăn, thuốc và buôn bán.

Từng có thời hàng trăm con rùa mái nhà sinh sống ở cửa sông Irrawaddy tại phía nam Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Irrawaddy là con sông dài nhất Myanmar, trải dài theo hướng bắc nam. Rùa mái nhà cái lớn hơn đáng kể so với con đực. Đầu rùa đực thường chuyển từ màu xanh lá sang vàng nhạt trong mùa sinh sản.

Vào giữa thế kỷ 20, tình trạng đánh bắt rùa vô tội vạ đã giết chết nhiều con rùa trưởng thành. Cùng với đó, việc ăn cắp trứng rùa đã khiến quần thể không thể gia tăng số lượng. Suốt nhiều thập kỷ, các nhà khoa học phương Tây không biết về tình trạng này cũng như cấu tạo sinh học của rùa mái nhà. Đến khi Myanmar bắt đầu mở cửa lại với thế giới vào những năm 1990, giới nghiên cứu đã không thể tìm thấy dấu vết của rùa mái nhà. Nhiều người cho rằng loài này đã tuyệt chủng.

Đến năm 2001, một người dân địa phương đưa cho nhà nghiên cứu bò sát Platt chiếc mai của một con rùa mái nhà Myanmar. Tin xấu là nó đã bị ăn thịt, nhưng tin mừng hơn nhiều là loài này vẫn chưa tuyệt chủng, làm nhen nhóm lên hy vọng hồi sinh.

Đến nay, khoảng 1.000 con rùa mái nhà Myanmar, phần lớn được sinh sản qua chương trình nuôi nhốt, số khác nở từ trứng trong tự nhiên, đang sống tại ba cơ sở ở Myanmar. Năm con cái hoang dã đã được thả về sông Chindwin, nhánh lớn nhất của sông Ayeyarwady, để đẻ trứng. Người đóng góp to lớn vào quá trình phục hồi này là Gerald Kuchling, nhà sinh vật học tại Đại học Tây Australia. “Đây là một trong những thành công về bảo tồn rùa cấp toàn cầu tốt nhất mà chúng tôi làm được”, Rick Hudson, Chủ tịch của Turtle Survival Alliance, nói.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , , ,