Rốt cục ông Thiệu là kẻ chống Cộng điên cuồng hay là ‘Cộng sản ngầm’?

Những kẻ chống Cộng cực đoan, khi cần tìm một ngọn cờ đều không ngần ngại đề cập ngay đến cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Bám vào câu nói của ông Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn những gì Cộng Sản làm”, mặc nhiên xem đó như một tuyên ngôn chống Cộng, họ gán cho ông Thiệu tất cả những yếu tố chống Cộng triệt để nhất.

Thực tế không hẳn vậy. Ông Thiệu là người rất biết cách tạo ra và biết khai thác cơ hội để đi đến mục đích quyền lực. Chiêu bài chống Cộng, những tuyên bố sắt đá, thực chất chỉ là phương tiện, chưa bao giờ là mục đích hay điểm xuất phát của con người khôn ngoan kín kẽ này. Đó có lẽ là bí mật cuối cùng của một chế độ đã thuộc về dĩ vãng.

Sự bí ẩn dễ gây tranh cãi trong mục đích và ý chí của cựu Tổng thống VNCH cũng giống y như cách hiểu mập mờ về nơi xuất thân của ông. Trang Bách khoa mở Wikipedia ghi rằng ông Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 5-4-1923 tại Phan Rang – Tháp Chàm. Ở tài liệu khác, người ta lại thấy ghi quê ông ở xã Khánh Hải, hoặc ở xã Dư Khánh, quận Thanh Hải, Ninh Thuận. Những người thuộc lớp sau căn cứ trên thực tế lại cho răng ông Thiệu sinh ở Tri Thủy, hoặc xã Tri Hải, huyện Ninh Hải vào ngày 24-12-1924…v.v.

Ngoại trừ Wikipedia đề cập một cách chung chung và dĩ nhiên là rất sai, những ghi chép còn lại, dù độ chênh khá lớn, đều có thể tạm coi là đúng. Trước 1975 ngược về xa hơn nữa, từ cuộc tổng rà soát địa bạ và xác lập lại các đơn vị hành chính năm 1831 của vua Minh Mạng, các xã duyên hải của tỉnh Ninh Thuận đều thuộc tổng, sau này là quận Thanh Hải. Từ năm 1831, tỉnh Ninh Thuận được chia thành 4 tổng: Thanh Hải, Bảo Sơn, An Sơn và An Phước. Xã Khánh Hải xưa thuộc Ninh Hải. Xã này bây giờ đã được chia thành nhiều xã nhỏ gồm Khánh Hải, Tri Hải, Đông Hải, Tân Hải và Thành Hải thuộc huyện Ninh Hải và TP. Phan Rang – Tháp Chàm. Nơi ông Thiệu chào đời và lớn lên là thôn Tri Thủy, nay thuộc xã Tri Hải, huyện Ninh Hải. Nơi ông Thiệu học tiểu học là thôn Dư Khánh, nay thuộc thị trấn Khánh Hải, chỉ cách nơi sống đúng một nhịp cầu bắc qua Cửa Nại – một cửa biển hẹp và khá đẹp – nay gọi là cầu Tri Thủy. Nhà ông Thiệu nằm ngay đầu cầu, cách chỉ 100m. Do không am hiểu địa lý và những sự thay đổi, các tài liệu thường sa vào sai sót, trộn địa danh của thời trước vào thời sau, dễ gây nên sự mù mờ dễ hiểu sai, hiểu lầm.

Thân sinh của ông Thiệu là cụ Nguyễn Văn Chung, một nhà Nho. Năm 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng viên Cộng Sản Nguyễn Văn Hoàng (sau này là điệp viên A13 Hoàng Đạo, nổi tiếng với điệp vụ đánh mìn phá hỏng thông báo hạm Amyot D’Inville ngoài khơi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa năm 1950), công nhân Depot xe lửa Tháp Chàm đã tổ chức một cuộc đình công lớn. Nguyễn Văn Hoàng bị bắt. Đảng bộ Cộng Sản địa phương đã tập hợp công nhân đường sắt và nông dân các tổng An Sơn, An Phước, Thanh Hải quanh tỉnh lỵ Phan Rang tiến hành một cuộc biểu tình rầm rộ, đòi thả Nguyễn Văn Hoàng. Khi được đón về đến cầu Bảo, ngã ba đường đi Đà Lạt và đường rẽ vào chợ Tháp Chàm, Nguyễn Văn Hoàng đã đứng ra diễn thuyết. Cụ Nguyễn Văn Chung đã cõng ông con trai Nguyễn Văn Thiệu, khi đó mới 7-8 tuổi từ Tri Thủy lên Tháp Chàm, cách 8km để tham dự.

Một vấn đề mới nảy sinh: đình công nhiều ngày, thiếu lương, công nhân xe lửa bắt đầu phải đối mặt với cái đói. Cuộc đấu tranh vì thế có nguy cơ tan rã. Đồng tình với mục đích và cuộc đấu tranh của công nhân, ông Nguyễn Văn Chung và hai nhân sĩ khác trong vùng là ông Võ Văn Vi, chủ nhà buôn Hiệp Thạnh và ông chủ nhà thuốc Vĩnh Sanh Đường ở Phan Rang (nhà thuốc này vẫn tồn tại đến ngày hôm nay, hiện tọa lạc trên đường Thống Nhất, Phan Rang) mỗi người góp một số tiền tương đương 1 tạ gạo ủng hộ. Cô chủ nhà máy xay Cầu Bảo, có lẽ vì cảm người Cộng Sản nhiệt huyết đã xuất cho Nguyễn Văn Hoàng đúng 1 tấn gạo, dù chỉ nhận tiền cho 3 tạ.

Hẳn những kẻ chống Cộng sẽ ngạc nhiên, bởi cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không những không sinh ra trong một gia đình có truyền thống chống Cộng mà ngược lại, ngay từ đầu đã rất có cảm tình và ủng hộ Cộng Sản nhiệt thành.

Trước khi trở thành Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đài Loan, ông Nguyễn Văn Kiểu, anh ruột Tổng thống Thiệu là một giáo chức. Tháng 1- 1950, đang dạy tại trường Kiến Thiết, khu vực Bàn Cờ (quận 3 ngày nay), thầy giáo Nguyễn Văn Kiểu là một trong những người đã tham gia đoàn biểu tình của sinh viên học sinh xuống đường đuổi tàu chiến Mỹ cập cảng Sài Gòn. Học sinh Trần Văn Ơn bị bắn chết, thầy giáo Nguyễn Văn Kiểu là người dẫn đầu nhóm biểu tình của giáo chức và học sinh trường Kiến Thiết tham gia đám tang chống đế quốc, chống đàn áp…Sau này, khi gặp lại vào năm 1956, biết một học trò của mình là Lê Hồng Tư là người theo Cộng Sản, ông Kiểu đã nói: “Trước đây thầy cho rằng Cộng sản du nhập từ phương Tây, không phù hợp với Việt Nam ta. Chính hành động tranh đấu của các em, chính những người Cộng sản như các em đã khiến thầy nghĩ lại. Thầy cảm phục con đường các em đã chọn”. Chi tiết này, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã từng đề cập đến trong tiểu thuyết “Áo trắng”, với nhân vật Hoàng lấy nguyên mẫu từ anh công nhân Lê Hồng Tư.

Ông Nguyễn Văn Thiệu là con thứ 7, khi nhỏ thường được gọi là cậu Tám. Sau khi kết hôn với bà Mai Anh, ông mới được gọi là ông Sáu Thiệu. Ở quê nhà Ninh Thuận, bà Nguyễn Thị Năm, chị gái thư tư của ông cũng là một người hoạt động cho Cách Mạng. Bà Nguyễn Thị Năm đã đính hôn với một Tỉnh ủy viên Cộng sản của Ninh Thuận. Vị hôn phu của bà Năm hoạt động bí mật nên đám cưới công khai của họ đã không có điều kiện diễn ra. Sau 1954, vị tỉnh ủy viên tập kết ra Bắc, lập gia đình ở miền Bắc. Trước đó, bà Nguyễn Thị Năm cũng lập gia đình. Cả gia đình chồng bà đều theo Cách Mạng. Bản thân bà Năm cũng là một người có công với Cách Mạng. Bà thường xuyên cung cấp lương thực, thuốc men, tiền bạc cho khu ủy Khu VI đóng tại chiến khu Bác Ái (nay thuộc huyện Bác Ái), cách Phan Rang hơn 50km. Nhiều lần, bà Năm cũng nhận tài liệu, truyền đơn từ chiến khu đưa về Phan Rang và Thanh Hải giao lại cho các cơ sở Cách mạng ở địa phương.

Năm 1970, một nhóm học sinh hoạt động bí mật ở Thanh Hải bị địch phát hiện và vây bắt. Bà Năm đã cung cấp thông tin và giúp đỡ họ chạy thoát lên chiến khu. Quay trở lại, tận dụng thân phận chị ruột Tổng thống, bà vừa vận động vừa gây áp lực để tỉnh trưởng Ninh Thuận phóng thích cho một số cán bộ Cách Mạng trẻ được xem là “học sinh nông nổi”. Dĩ nhiên là sau khi được thả, những người này lại được bà Năm tổ chức đưa lên chiến khu. Trong số những người được bà Nguyễn Thị Năm giải thoát có ông Kiều Tấn Bình, sau này là bác sĩ, Giám đốc bệnh viện Phan Rang.

Năm 1971, trong một lần chuyển hàng tiếp tế lên Bác Ái, bản thân bà Năm cũng bị bắt cùng với xe lương thực thuốc men. Lúc đó, Nguyễn Văn Thiệu vừa tái đắc cử Tổng Thống lần II. Một cuộc điện thoại của “ai đó” từ Sài Gòn gọi ra đã khiến đích thân đại tá tỉnh trưởng Ninh Thuận Trần Văn Tự phải phóng xe đến tận hiện trường, ra lệnh giải phóng cho cả bà Năm lẫn xe hàng, dù đã biết rõ mười mươi là để tiếp tế cho Việt Cộng! “Ai đó” thật ra cũng không xa lạ, là Hoàng Đức Nhã, bí thư riêng, đồng thời là một người cháu gọi ông Thiệu bằng cậu.

Năm 1945 dù thừa nhận “tôi biết Việt Minh là Cộng Sản”, ông Thiệu vẫn tham gia Việt Minh, tham gia cướp chính quyền tại địa phương. Sau này là một Trung tướng của chế độ Việt nam Cộng hòa, nhưng những kiến thức quân sự đầu tiên của ông lại do lực lượng Việt Minh của cụ Hồ Chí Minh huấn luyện. Trước khi bỏ vào Sài Gòn sống nhờ và được một người anh ruột khác là Nguyễn Văn Hiếu (sau này là Đại sứ VNCH tại Italia) cưu mang giới thiệu cho đi học, ông Thiệu đã từng là người chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang của Việt Minh quận Thanh Hải (ngang với huyện đội trưởng sau này). Năng lực chỉ huy của ông, ngay từ đầu đã được những người Cộng sản thừa nhận, khi mà giữa ông và họ vẫn còn là đồng chí.

Rõ ràng từ khởi thủy, trong máu ông Thiệu cũng như các thành viên gia đình ông, nồng độ thân Cộng có lẽ vẫn cao hơn nhiều so với nồng độ chống Cộng.

Sau 1975, sang Đài Loan, sang Anh rồi sang Boston, Hoa Kỳ định cư, ông Thiệu tuyệt đối không tham gia bất kỳ một hoạt động chống Cộng nào, cũng chưa từng có bất kỳ phát ngôn nào nói xấu, chỉ trích hay thóa mạ chính thể Cộng Sản trong nước. Kiệm ngô và kín kẽ, khi ván cờ quyền lực đã kết thúc, ông lại trở về với đúng bản chất con người ông mà không cần che đậy, ngụy trang bằng những câu từ tuyên bố đầy tính cơ hội, lúc này đã không còn giúp ích gì cho ông trong tham vọng quyền lực đã quá đủ đầy, ê chề và đã nguội lạnh.

Trong một lần trò chuyện với con trai Nguyễn Văn Lộc (sinh tại Anh năm 1976), ông Thiệu nói: “Người ba hận nhất không phải là Cộng sản mà là người Mỹ. Với miền Nam Việt Nam, với ba, họ là kẻ phản bội”. Điều này đã được bà Tuấn Anh, con gái cựu đại sứ VNCH tại Italia Nguyễn Văn Hiếu (anh trai cả, hơn ông Thiệu 16 tuổi) thuật lại và được TS. Nguyễn Tiến Hưng đề cập trong cuốn sách “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu”. Trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Thiệu cũng nói thẳng: “Người Mỹ đã phản bội chúng tôi”. Một cách khác, khá hoa mỹ nhưng chua chát, ông cho rằng “làm kẻ thù của Mỹ thì dễ nhưng làm đồng minh với Mỹ thì rất khó”.

Cho dù ở Anh hay ở Mỹ, các lực lượng chống Cộng đều rất muốn mời cho được cựu Tổng thống tham gia và góp tiếng nói chống Cộng cùng họ. Họ tung hô, suy tôn ông như ngọn cờ. Vị cựu Tổng Thống tuyệt đối im lặng. Chỉ duy nhất một lần, tại Texas, Hoa Kỳ vào năm 1991, khi cựu Thiếu tướng tổng cục phó Tổng cục Chiến tranh chính trị VNCH Văn Thành Cao đứng ra vận động thành lập “Ủy ban yểm trợ tái thiết quốc gia Việt Nam”, ông Thiệu đã nhận lời có mặt vào ngày Ủy ban ra mắt. Ông không phát biểu, chỉ nói với viên thuộc tướng một thời đúng một câu: “Họ (chỉ nhà nước CHXHCN Việt Nam) đang đi đúng hướng. Chúng ta nên ủng hộ”.

Vẫn có một cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khác, nhiều bí ẩn. Thật ra, cũng không quá bí ẩn. Chỉ là nhiều người vẫn không chịu chấp nhận những sự thật rõ ràng mà thôi.

Theo NGUYỄN HỒNG LAM / DIỄN ĐÀN LỊCH SỬ VIỆT NAM

Tags: , ,