Putin có nên nã tên lửa vào bọn chọc gậy bánh xe ở London hay không?

Bản chất cuộc chiến ở Ukraina ngày đã càng lộ rõ. Bắt đầu có tử sĩ người Anh, được phía Nga gọi là lính đánh thuê trong khi phía Anh gọi là “công dân”, ở chiến trường Ukraina.

Putin có nên dội tên lửa vào bọn chọc gậy bánh xe ở London hay không?

Tác giả: Nhà báo Hà Quang Minh.

Cuộc chiến này không đơn giản chỉ là một quốc gia có chủ quyền chống lại một cường quyền xâm lược nữa. Và nó cũng không chỉ là bề mặt của chủ nghĩa can thiệp quốc tế với các hành động từ NATO, mà mạnh nhất là Anh và Mỹ. Nó là biểu hiện của chủ nghĩa khiêu khích quốc tế khi phía Anh – Mỹ cố khiêu khích cho Nga say đòn và từ đó sa lầy lâu dài trên chiến trường Ukraina.

Anh – Mỹ và đồng minh càng gửi vũ khí lại càng mất vũ khí. Đó là một thực tế. Vũ khí tiếp tế cho Ukraina không thể vào từ biển Đen, nơi Nga đã khống chế hoàn toàn. Đường duy nhất thâm nhập là biên giới phía Tây Ukraina, đường bộ. Nhưng Nga đã tấn công đánh sập gần như toàn bộ hạ tầng ở phía này. Các kho tập trung khí tài gần như không còn và mỗi đoàn xe vận tải thiết bị hỗ trợ đều gần như bị đánh chặn ngay từ khi xâm nhập biên giới Ukraina. Điều đó càng khiến NATO rơi vào “thú kích thích” và họ càng say đòn hơn trong việc trang bị khí tài cho Ukraina. Một phần, họ lo ngại nếu Ukraina thất thủ hoàn toàn, sẽ có không ít bí mật được phơi bày, nhất là trường hợp các cố vấn quân sự ẩn mình lâu năm ở Ukraina bị bắt. Phần khác, các chính trị gia NATO sau khi đã thành công trong việc xây dựng một hình ảnh Putin độc tài phát xít và một nước Nga xấu xí trong lòng công chúng quốc gia của mình đồng thời kêu gọi hình thành được một làn sóng chống Nga mạnh mẽ, buộc phải cho thấy họ hành động đến cùng vì chính nghĩa. Chính vì thế, phát biểu hôm 28/4 vừa rồi của Ngoại trưởng Anh Liz Truss đại ý cam kết gửi thêm vũ khí hạng nặng như xe tăng, máy bay, tên lửa… cho Ukraina càng khẳng định hơn Anh và Mỹ sẽ chơi với Nga tới cùng. Trước tuyên bố này, việc một Bộ trưởng khác của Anh là James Heappey công khai khuyến khích Ukraina tấn công các cơ sở nội địa Nga cũng là một chỉ dấu để thấy phương Tây có một sách lược rất bài bản và lớp lang để quyết làm suy yếu Nga bằng mọi giá.

Nhưng chơi tới cùng là chơi tới mức độ nào? Liệu có phải sẽ đến mức độ Anh và Mỹ gửi quân đến tham chiến ở một mặt trận không thuộc lãnh thổ của một quốc gia thành viên NATO hay EU, đồng thời bên đồng minh của họ cũng không phải là một thành viên của 2 tổ chức ấy? Anh và Mỹ chắc chắn sẽ không dại gì làm điều đó trừ phi họ bị tấn công từ Nga, một hành vi mà họ sẽ không cần kích hoạt điều 5 của hiệp ước NATO. Thực tế hiện nay, điều 4 đã được kích hoạt và chỉ cần một động thái quá đà của Nga, điều 5 sẽ “lên sóng”.

9 tuần tấn công Ukraina, Nga có thể tự tuyên về một số thắng lợi nhất định (trong khi Ukraina và phương Tây cũng tự tuyên về các thắng lợi của Zelensky) nhưng khó có thể phủ nhận rằng họ đang sa lầy trên một mặt trận mà đầu tiên nhiều người đều nghĩ rằng có thể được giải quyết gói gọn trong tháng 3. Sa lầy của Nga vừa có tính bị động (khi Mỹ và Anh cố đẩy Nga vào thế ấy) và vừa có tính chủ động (khi Nga luôn tìm cách đánh chậm thắt chặt và tạo các thiệt hại lớn cho đối thủ để lấy thế ép một cuộc đàn phán có lợi cho mình). Nhưng dù có được phần chủ động tới đâu đi nữa, Putin chắc chắn không muốn sa lầy lâu hơn bởi mỗi một ngày kéo dài thêm cuộc chiến sẽ là một ngày nuôi dưỡng thêm những bất ổn. Nhưng giải quyết sa lầy thế nào đây khi mà thế lực phía sau Ukraina quá đông, nhiều đòn và tiềm lực cũng mạnh? Và những đợt tấn công gần đây vào các cơ sở nội địa Nga lại càng rót thêm dầu vào lửa để sự sa lầy càng trở nên bế tắc hơn vì đôi chân đã lún quá sâu khó bề giãy dụa. Ở hoàn cảnh này, rất có thể (và hi vọng điều đó đừng xảy ra), Putin sẽ xử lý sa lầy của Nga bằng cách kéo chính đối thủ của mình cùng vào vũng lầy.

Thực tế, việc Anh khuyến khích Ukraina tấn công nội địa Nga là một sách lược sai lầm, nôn nóng, hiếu thắng và thiếu chuẩn mực. Trong cuộc chiến này, về công pháp quốc tế, Nga sai ngay từ đầu khi kéo quân sang nước láng giềng, bất chấp họ có biện hộ bằng bằnh chứng nào đi nữa. Nhưng đáp trả một sai lầm bằng một sai lầm tương tự là điều ngu xuẩn nhất, đặc biệt là khi phương Tây đang giương cao lá cờ chính nghĩa ở phía Ukraina. Khuyến khích một quốc gia xâm phạm một quốc gia khác một cách công khai bởi một chính trị gia có vị trí cao trong nội các gần như chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử hiện đại. Và nếu Nga xem đây như hành vi tuyên chiến của Anh, họ hoàn toàn có thể tấn công chính nước Anh theo cách mà Putin đã tuyên bố ở Moskva hôm 28/4 là “đáp trả bằng các đòn sấm sét chớp nhoáng”.

Giả sử, nếu Nga tấn công vào nước Anh bằng tên lửa, đó sẽ là thảm hoạ dẫn tới thế chiến III. Mỹ và Anh chắc chắn phải tham chiến. Nhưng phần thắng của họ trên chiến trường trưỡc Nga là bao nhiêu phần trăm? Hãy thử xem Mỹ và đồng minh mất bao nhiêu năm ở Iraq và Afghanistan để đánh giá tình hình sẽ kéo dài bao lâu nếu như có một cuộc chiến thực sự trên chiến trường Nga – Ukraina? Và nên nhớ, bây giờ là cuối tháng tư, đầu tháng Năm. Một sự kiện như thế nổ ra sẽ không thể được giải quyết bằng thời gian tuần hay tháng. Mùa đông sẽ là câu chuyện rất khác thường khi chưa một cường quốc phương Tây nào có thể thắng được quân đội Nga ở mảnh đất mùa đông khắc nghiệt ấy. Trong khi đó, cái van khí đốt khoá lại của Nga trong cuộc chơi sống còn ấy sẽ khiến cả châu Âu rơi vào một thàm hoạ thực sự. Trước thời điểm Nga khoá van khí đến Ba Lan và Bulgaria, EU chi 1 tỷ USD mỗi ngày nhập khí từ Nga. Sau thời điểm ấy, con số tăng thêm 25% do biến động giá. Và nếu Nga cắt toàn bộ khí đốt, có mua đủ để bù đắp ở các nguồn khác đi nữa thì số tiền EU bỏ ra mỗi ngày có thể phải lên tới gấp rưỡi, nếu không nói là gấp đôi. Chắc chắn, nếu nổ ra một đại chiến như thế, ngay cả Anh và Mỹ cũng sẽ sa lầy và nó sẽ trở thành cơ hội cho những Trung Quốc, Ấn Độ và vài quốc gia khác tận dụng cơ hội. Thế giới sẽ buộc phải chọn phe quyết liệt ở hoàn cảnh mà thực tế Nam Mỹ, đa phần châu Á và châu Phi đang không hoàn toàn đứng về phía Ukraina.

Tất nhiên, không ai mong và không ai tin kịch bản Nga sẽ tấn công nước Anh nhưng không ai dám loại trừ nó dù khả năng chỉ là 0.0000000001%. Trong sự khiêu khích điên cuồng của đối thủ, Putin khó có thể giữ được sự tỉnh táo, nhất là khi ông ta nhận thấy nước Nga đã bị dồn vào chân tường. Và trong lúc này, truyền thông phương Tây đang rao tin rằng Putin đang bị bệnh Parkinson. Nếu thông tin này là có thật thì quả là không may chút nào. Thà Putin bị Alzheimer đi còn hơn bởi bệnh này còn khiến ông ta quên đi được các khiêu khích mới đó. Đằng này, Parkinson, liệt rung, nhiều khi lại dẫn đến việc bấm nhầm một cái nút bung ra cái hộp Pandora thảm hoạ lớn nhất của loài người.

Phương Tây mất nhiều thập niên để nghiên cứu về Đông Âu, đặc biệt là Nga, và họ đã thành công khi Liên bang Xô-viết sụp đổ, khối Warsaw sụp đổ. Nhưng chiến thắng ấy làm họ mờ mắt nghĩ rằng họ hiểu Nga hay Ukraina quá rõ. Thực ra, họ gần như chưa hiểu hết đối thủ của mình nên cho rằng việc dồn đối thủ vào góc võ đài là quá dễ. Một điển hình của sự thiếu hiểu biết ấy chính là việc phó thủ tướng Canada, Chrystia Freeland, tham gia cuộc tuần hành ủng hộ Ukraina hôm 27/2, 3 ngày sau khi cuộc chiến nổ ra. Bà ta quàng chiếc khăn màu máu và đất (Blut und Boden) có dòng chữ “slava Ukraini” đầy hãnh diện và đăng ảnh ấy của mình lên twitters.

Sau khi nhật báo Canada’s National Post đăng tải và cảnh báo rằng đó chính là biểu tượng và tiêu ngữ của Phát xít mới Ukraina, bà này lật đật thay ảnh trên twitter trong khi thư ký báo chí của bà đổ lỗi “đấy là do tuyên truyền của bọn KGB”. Vâng, KGB đã không còn tồn tại từ lâu rồi. Và nếu có một cơ quan nào là tiếp nối của KGB có khả năng làm được sự cài cắm ấy thì chiến tranh đã chẳng nổ ra bởi họ thừa khả năng để tạo ra một chính quyền khác Zelensky, thân Nga chứ không thân Mỹ và CIA.

Ở các vùng Savan mùa khô, nếu bị đám cháy đuổi sau lưng, người ta sẽ nhanh trí chạy thật nhanh theo hướng gió đốt lửa trước mặt mình để có một chỗ tránh lửa khi phần phía trước đã cháy rụi và không còn vật liệu cháy. Ấy gọi là lấy lửa chống hoả hoạn. Còn thực chất, Mỹ và Anh có chống hoả hoạn ở Ukraina hay không khi họ cố tình đổ thêm dầu, và đổ xung quanh, không chừa một khoảng trống nào để các bên liên quan có đường thoát ra khỏi đám cháy lớn.

Theo HÀ QUANG MINH FACEBOOK 

Tags: , , ,