Phong cách cư xử đẳng cấp của hoàng đế Quang Trung

Nhắc đến Quang Trung – Nguyễn Huệ, chúng ta thường hình dung đó là một con người quyết đoán, cứng rắn, với tài cầm quân xuất quỷ nhập thần, bách chiến, bách thắng. Một người như thế chắc tính tình phải khắc kỷ, khô khan, cứng nhắc… Thế nhưng, trong cuộc sống đời thường, ông lại rất vui vẻ, dí dỏm, có tài pha trò với những lời đối đáp rất thông minh, sắc sảo, chứng tỏ một trí tuệ mẫn tiệp xuất chúng. Ngay cả khi không vừa lòng thuộc cấp, ông vẫn chọn được cách nhắc nhở tế nhị nhất, thấm thía nhất, mà không hề “đao to búa lớn”.

Phong cách cư xử đẳng cấp của hoàng đế Quang Trung

Sử chép, sau khi chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Hữu Chỉnh vì nóng lòng muốn Nguyễn Huệ đánh ra Bắc Hà để Chỉnh được cơ hội báo thù riêng, nên có nói: “Người tài Bắc Hà chỉ có một Chỉnh này thôi. Nay tôi đã đi rồi, ấy là cái nước rỗng không, xin ngài chớ nghi ngại”.

Nguyễn Huệ mới đùa rằng: “Không nghi ngại người nào khác, chẳng hóa ra chỉ có ông là đáng nghi ngại thôi ư?” (Hoàng Lê nhất thống chí – HLNTC).

Nguyễn Huệ nói đùa bẻ lại rất nhẹ nhàng, nhưng thực chất là “nhắc khéo” Chỉnh, “uốn nắn” Chỉnh chớ nên kiêu căng “mục hạ vô nhân”, đến nỗi một kẻ vốn gian hùng như Nguyễn Hữu Chỉnh cũng phải “tái mặt” và cố sức thanh minh vì sự lỡ lời của mình.

Lại chuyện khác. Nguyễn Hữu Chỉnh vì muốn lấy lòng Nguyễn Huệ, nên đã “bịa” ra việc vua Lê muốn gả một nàng công chúa cho Nguyễn Huệ. Một việc vốn rất nghiêm túc và cũng “đúng ý” Nguyễn Huệ, nên ông mới đùa rằng: “Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về, bọn trẻ nó cười cho thì sao (năm ấy Nguyễn Huệ đã 33 tuổi). Tuy nhiên, ta mới quen gái Nam Hà chứ chưa biết gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không” (HLNTC). Mọi người xung quanh đều cười ầm. Một lời nói đùa mà chủ tướng và quân sĩ dưới quyền xích lại gần nhau, tưởng chừng như không còn khoảng cách!

Thực ra, không phải Nguyễn Huệ có ý “thử xem con gái Bắc Hà có tốt không”, mà thực chất cuộc hôn nhân này lúc đầu cả hai bên đều có ý đồ chính trị. Nguyễn Huệ nói đùa để che giấu ý đồ mà thôi. Vua Lê muốn thông qua cuộc hôn nhân để ràng buộc Nguyễn Huệ trong vai trò chàng rể, để ông càng cố công giúp rập triều đình vốn đang rất rối ren. Ngược lại, Nguyễn Huệ cũng muốn thông qua việc làm rể để tìm hiểu nội bộ Hoàng tộc nhà Lê.

Tất nhiên, sau này, khi đã thành vợ thành chồng, anh hùng và giai nhân ý hợp tâm đầu, mối tình Nguyễn Huệ – Ngọc Hân mới trở thành mối tình tuyệt đẹp trong sử sách. Vì vậy, sáu ngày sau hôn lễ, vua Lê Hiển Tông chết, hoàng tộc đưa Lê Duy Kỳ (tức Chiêu Thống) lên nối ngôi, Nguyễn Huệ kiên quyết không chấp nhận, vì ông biết được nhân cách Lê Chiêu Thống qua vợ mình. Sau này, khi Chiêu Thống bán nước, rước hơn 20 vạn quân Thanh vào nước ta, càng thấy Nguyễn Huệ – Ngọc Hân thật là sáng suốt.

Ngay như việc phê đơn (ngự phê) Nguyễn Huệ cũng có cách xử sự rất độc đáo. Giai thoại Thăng Long kể: Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc đánh họ Trịnh. Khi quân đánh vào Văn Miếu, có làm đổ một số bia tiến sĩ. Đến năm 1789 sau đại thắng quân Thanh, khi Nguyễn Huệ đã lên làm vua, nhân dân quanh Văn Miếu có làm đơn lên ông, đề đạt nguyện vọng khôi phục lại các di tích bị đổ nát. Trong đơn mà các nhà nho làm hộ nhân dân, dám gọi nhà vua bằng Ngài. Quang Trung đã phê: “Ta không trách các nông phu/Ta chỉ gớm các thầy nho/Cả gan to mật, dám kêu vua bằng ngài” (thời ấy thần dân phải gọi vua bằng bệ hạ. Gọi vua bằng ngài là khi quân, trong trường hợp khác có thể quy tội rất nặng). Sau đó ông viết tiếp: “Mai sau dọn lại nước nhà/Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian”.

Qua sự kiện này, giữa nhà vua và dân chúng hầu như không còn khoảng cách. Đó là nhờ sự giản dị, phục thiện, tính cách bình dân ở ông mà rất hiếm vị vua chúa có được.

Giai thoại Thăng Long còn kể lại sự kiện sau khi đánh tan họ Trịnh, Nguyễn Huệ vào yết kiến vua Lê Hiển Tông ở điện Vạn Thọ. Sân điện vắng teo. Nguyễn Huệ mặc võ phục, đeo bảo kiếm dẫn đầu đoàn võ tướng Tây Sơn, bước lên điện. Bỗng một người bước ra cản đường ông và nói: Dám thưa tướng quân, theo phép nước, khi lên chầu vua, không được mang gươm, xin tướng quân cởi gươm cho.

Lời yêu cầu rất lễ phép nhưng rất cứng cỏi, kiên quyết. Đây là lệ từ xưa của triều đình nhà Lê. Có thể Nguyễn Huệ không biết đến lệ này. Ông trừng mắt nhìn người vừa nói. Các tướng lĩnh Tây Sơn dấn bước lên, tay sờ vào đốc gươm. Tưởng chừng như Nguyễn Huệ chỉ cần đưa mắt là kẻ bướng bỉnh dám cản đường kia sẽ rơi đầu trong giây lát. Thế nhưng, Nguyễn Huệ đã từ từ cởi gươm ra, để lại.

Người dám cản đường Nguyễn Huệ là Phương Đình Pháp, một trong số ít ỏi các viên quan còn ở lại bên vua Lê. Sau này, người đời đều khen cả hai ông. Người ta khen Nguyễn Huệ biết kiềm chế đúng mực, biết xử sự hợp lý và cũng khen Phương Đình Pháp can đảm, dám đứng ra duy trì bảo vệ nghi lễ tôn nghiêm của triều đình. Sau này, chính Nguyễn Huệ cũng coi trọng Phương Đình Pháp.

Trong xử sự đời thường, Nguyễn huệ cũng rất cẩn trọng. Khi vua Lê Hiển Tông bệnh nặng sắp mất, Ngọc Hân muốn mời ông vào thăm vua cha lần cuối, nhưng Nguyễn Huệ giữ ý, nói: “Hoàng thượng với tôi, nghĩa như cha con. Song tôi mới từ xa tới đây, người trong nước chưa chắc đã tin hết cả.

Nếu như tôi vào thăm, chẳng may đúng lúc người chầu trời, há chẳng khiến tôi mang tiếng muôn đời với thiên hạ ư? Chi bằng nàng cứ về thăm hoàng thượng và nói rõ với các anh chị em như thế, để ai nấy đều hiểu cho lòng tôi”. Sự cẩn trọng giữ ý của ông như thế thật đúng mực.

Nguyễn Huệ cũng là người rất bao dung độ lượng. Trong cuốn thơ văn Phan Huy Ích có kể lại câu chuyện sau: Khi người em ruột Phan Huy Ích chống lại Tây Sơn, bị mang trọng tội, Phan Huy Ích rất sợ hãi, vội viết biểu về triều tạ tội.

Nhưng rồi ông rất vui mừng nhận được chiếu của vua Quang Trung: “Tính người ta thiện ác khác nhau, cha còn không vừa được lòng con, huống chi anh đối với em. Việc đã không dính líu đến thì còn có hiềm nghi gì”. Phan Huy Ích lúc đó mới yên tâm phục vụ triều Tây Sơn và trở thành một cộng sự đắc lực của Nguyễn Huệ.

Chúng ta đều biết việc Nguyễn Huệ ba lần viết thư mời La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ra giúp nước. Lời thư ân cần, thiết tha, trân trọng hiếm có xưa nay: “Mong Phu Tử nghĩ đến chúng dân thiên hạ, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra người giỏi” (thư viết lần hai) và “Mong Phu Tử xét tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng, lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân ra mà dạy bảo, khiến cho quả đức được thỏa lòng mong ước tìm thầy và đời này được nhờ khuôn phép của tiên giáo. Thế thì may lắm lắm” (thư viết lần ba – Tổng tập văn học việt Nam).

Đây không còn là những bức thư mang nội dung công văn hành chính nữa mà là thể hiện một tấm lòng. Nếu không có tấm lòng thực tâm tôn sư, cầu hiền, làm sao có thể viết được những lời tỏ bày gan ruột, thiết tha, cảm động đến như thế.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,