Phong cách Art Noveau – nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận

Art Nouveau được xem là phong cách nghệ thuật “tổng hợp”, với sự ảnh hưởng rộng lớn trong mọi lĩnh vực thiết kế: nghệ thuật trang trí, nội thất, kiến trúc, đồ họa và hội họa…

Phong cách Art Noveau – nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận

I – PHONG CÁCH ART NOUVEAU LÀ GÌ?

Art Nouveau (Tiếng Pháp mang nghĩa là “Nghệ Thuật Mới”) hay còn được gọi là Jugendstil (“Nghệ Thuật Trẻ” trong tiếng Đức) và nhiều tên gọi riêng biệt ở các quốc gia khác nhau, chẳng hạn như Stile Liberty (Italia), Modern (Nga) hoặc Modernisme (Tây Ban Nha) v..v. Về lịch sử hình thành art nouveau thì đây là một phong cách nghệ thuật xuất hiện cuối thế kỉ 19 và tồn tại đến đầu thế kỉ 20, trước Thế chiến I.

Art Nouveau có tiền nhân từ Art & Craft, dần trở thành một phong cách sáng tạo của nghệ thuật, nó trở nên phổ biến từ khoảng 1890 đến thế chiến thứ nhất. Nó tạo niềm cảm hứng khắp Châu Âu và xa hơn nữa, nó còn có thể được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau. Chẳng hạn như phong cách Glasgow hoặc theo tiếng Đức là Jugendstill. Phong cách Art Nouveau nhằm hiện đại hóa thiết kế, thoát ra khỏi khuôn mẫu trước đó đã trở nên phổ biến.

Cảm hứng của Art Nouveau xuất phát từ cả hai hình thức hữu cơ và hình học, phát triển các thiết kế thanh lịch mà hòa quyện, hình thức tự nhiên với các đường nét góc cạnh hơn. Phong trào này đã xóa bỏ hệ thống cấp bậc truyền thống về nghệ thuật, mà đề cao cái gọi là nghệ thuật tự do.

Phong trào này được xem là cầu nối quan trọng giữa tân cổ điển và hiện đại. Nó dần được thay thế vào năm 1920 bởi Art Deco.

II. CÁC ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT ART NOUVEAU

Đặc điểm làm nên cảm hứng mạnh mẽ cho Art Nouveau xuất phát từ thiên nhiên. Đó chủ yếu là các đường cong và những đường gần thẳng. Art Nouveau đem đến cho thiên nhiên sắc thái, ý nghĩa, tâm trạng trong tất cả các họa tiết trang trí. Nó là sự kết hợp hài hòa, nữ tính giữa các dạng hình dáng của hoa, lá, chồi và rễ. Dưới góc nhìn của Art Nouveau thiên nhiên ẩn chứa sức mạnh không thể gò bó được.

1. Art Nouveau trong thiết kế nội thất

Về đường nét, đặc điểm chung nhất của Art Nouveau là đường cong. Những đường cong phóng khoáng kiểu asymetrical uốn lượn. Sức sống của đương cong trong Art Nouveau có liên quan đến tính chất hữu cơ của thiên nhiên, đồng thời đem lại cho nó vẻ đẹp hoành tráng. Bên cạnh đó là những chất liệu phát sáng.

Đó là các đồ đạc được dát vàng, bạc có tính chất ánh kim hay những cây đèn bàn chụp thủy tinh lung linh nhiều màu, hoặc những món đồ kim hoàn lộng lẫy. Đồ trang sức là một mảng nhỏ song đặc sắc của Art Nouveau. Những món nữ trang làm nổi bật hoàn hảo những đặc điểm của phong cách này.

2. Art Nouveau trong kiến trúc

Nguồn cảm hứng của Art Nouveau là bất tận. Nó thâu tóm các cung bậc trầm bổng trong cuộc sống.

Sừng sững giữa thủ đô Barcelona, Tây Ban Nha là nhà thờ Sagrada Familia, một trong những công trình được thiết kế bởi Antoni Gaudi. Mặc dù được thiết kế và khởi công từ cuối thế kỉ 19, nhưng phải đến khoảng năm 2026 mới chính thức hoàn thành.

Đây được coi là một trong những công trình theo trường phái Art Nouveau mẫu mực bởi nó được lấy cảm hứng hoàn toàn từ thiên nhiên như những chi tiết uốn lượn từ chiếc lá khô, cột trụ từ gốc cây, đỉnh tháp từ hoa oải hương, cầu thang từ vỏ ốc hay chi tiết trang trí từ tổ ong… Chưa dừng lại ở đó, trần nhà cao với kết cấu vô cùng phức tạp nhưng đẹp mắt trông càng lung linh huyền ảo hơn với ánh sáng nhiều màu qua những ô cửa kính được trang trí bắt mắt.

Giới kiến trúc châu Âu không ai lạ lẫm với cái tên Antoni Gaudi với những công trình đặc biệt. Khi nhắc tới kiến trúc châu Âu, người ta thường liên tưởng đến những ngôi nhà có đường nét chắc chắn và mạnh mẽ, nhưng những công trình của Gaudi thì lại được nhào nặn và bóp méo, thêm thắt những chi tiết kì quặc nhưng lôi cuốn.

Gaudi khai thác triệt để Art Nouveau trong từng chi tiết công trình của mình, đến mức dù khoanh vùng một phần bất kì của tòa nhà cũng cảm thấy vẻ đẹp mĩ miều. Từ những chiếc cột cho đến balcone mang hình dạng uốn lượn và quấn lấy nhau của dây leo, cho đến những ô cửa kính nhiều màu sắc kết hợp hài hòa trong một không gian hoàn toàn khác biệt.

3. Art Nouveau trong thời trang

Phong cách Art Nouveau nhìn nhận người phụ nữ như một thế lực nguy hiểm, quyến rũ và kì bí. Thông qua các đồ vật nội thất, thân thể người phụ nữ trở thành một hình thức trang trí. Đỉnh cao là phong trào Baroque và Mannerism, thiên về tính thẩm mỹ nhiều chi tiết, phức tạp trong thiết kế và trang trí.

Nhắc đến Art Nouveau không thể bỏ qua sự ảnh hưởng của trường phái này lên thời trang. Rất nhiều nhà thiết kế lấy cảm hứng từ Art Nouveau nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi nhất vẫn là bộ sưu tập mùa xuân 2008 của Prada. Họ, những người mẫu được ví như những nàng tiên không phải chỉ bởi những bức họa trên trang phục mà bởi chất liệu organza nhẹ nhàng và đường nét thanh thoát. Ngoài trang phục, Miuccia Prada còn chăm chút đến túi xách và giày lấy cảm hứng từ những đóa hoa. Thậm chí, bà còn cộng tác với họa sĩ James Jean để làm một đoạn phim ngắn nói về vòng đời của một nàng tiên sinh ra từ đóa hoa đậm chất Art Nouveau.

*

Tựu chung, Art Nouveau được xem là phong cách nghệ thuật “tổng hợp”, với sự ảnh hưởng rộng lớn trong mọi lĩnh vực thiết kế: nghệ thuật trang trí (đồ trang sức, đồ nội thất, dệt may, đồ chế tác bằng bạc, đồ dùng gia đình, đèn chiếu sáng), kiến trúc, nghệ thuật đồ họa, thiết kế nội thất và hội họa. Phong cách Art Nouveau nổi bật bởi tính hoa mĩ, lượn sóng, bất đối xứng, các họa tiết cách điệu hóa từ hình thức tự nhiên (hoa và cây), hình ảnh tiên nữ cùng các đường cong mềm mại (vòng cung, parabol, và hình bán nguyệt )… Art Nouveau có thể được nhắc đến như “người tiền nhiệm” quan trọng của Chủ nghĩa Hiện đại.

Theo KIENTRUCN8

Tags: ,