Tìm hiểu về chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật

Trong số các chủ nghĩa trong nghệ thuật trên thế giới, một trong những trường phái có ảnh hưởng nhất là chủ nghĩa hiện đại (Modernism). Chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật phản ánh bối cảnh lịch sử, xã hội của một quốc gia.

Tìm hiểu về chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật

Anthony White là giảng viên môn Lịch sử Mỹ thuật ở trường Đại học Melbourne, Úc. Ông dạy lịch sử nghệ thuật hiện đại Châu Âu và Mỹ. Ông từng phụ trách bộ phận nghệ thuật quốc tế thuộc Bảo tàng Quốc gia Úc ở Canberra. Ông đã chia sẻ những hiểu biết về chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật trong bài viết dưới đây.

Chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật

Chủ nghĩa hiện đại là một trường phái nghệ thuật Thị giác xuất hiện vào đầu thế kỷ XX và tồn tại đến khoảng năm 1960. Trường phái nghệ thuật này tập trung tác phẩm của nhiều họa sĩ, trong đó có Pablo Picasso, Henri Matisse, Piet Mondrian, Margaret Preston và Jackson Pollock. Những người theo chủ nghĩa hiện đại đã tách khỏi chủ nghĩa hiện thực, loại bỏ những kỹ xảo và nghệ thuật theo hình thức mô tả của những thế kỷ trước. Đặc điểm của nghệ thuật hiện đại là sự phủ nhận những ảo giác, sử dụng những kỹ xảo như máy, có tính truyền cảm và trừu tượng cao.

Để hiểu được chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật, chúng ta cần hiểu rằng nghệ thuật phản ánh bối cảnh lịch sử, xã hội – một thời kỳ có những biến chuyển vượt bậc về chính trị, xã hội và công nghệ.

Trong số những thay đổi về công nghệ trong nửa đầu thế kỷ này, lĩnh vực giao thông vận tải và công nghệ thông tin đã có những tiến bộ nổi bật nhất. Các gia đình và các cơ sở kinh doanh được điện khí hóa trên diện rộng, nơi làm việc và mỗi gia đình được cơ khí hóa, nghĩa là đưa máy móc vào cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, cơ khí hóa trên chiến trường khiến chiến tranh trở nên tàn khốc hơn. Trên thực tế, quy mô hủy diệt của Thế chiến Thứ Nhất đã khiến nhiều người nghi ngờ về lẽ phải của nền văn minh phương Tây. Hơn nữa, song song với việc phát triển của truyền thông là sự khai thác các nguồn lực vì mục đích chính trị và thương mại trong những chiến dịch tuyên truyền, quảng cáo rầm rộ.

Trong những biến chuyển về chính trị – xã hội giúp chúng ta hiểu hơn về chủ nghĩa hiện đại, chúng ta cần chú ý đến giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế sản xuất và dịch vụ của Châu Âu. Trong thời kì này, vô số người di cư từ nông thôn ra thành thị tìm kiếm việc làm đã khiến cho xã hội có những biến động lớn. Trong đầu thế kỷ, chủ nghĩa tư bản tự do bị xáo trộn bởi cuộc đấu tranh và xung đột giai cấp giữa các ông chủ tư bản công nghiệp và người lao động. Xung đột và đấu tranh giai cấp đã dẫn đến cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga. Cùng thời điểm đó, các quốc gia Châu Âu tiếp tục chinh phục các thuộc địa mới ở các châu lục khác. Điều này đã tạo ra những đế chế chiếm khoảng 85% diện tích đất đai trên thế giới vào năm 1910.

Phản ứng với sự phát triển xã hội

Các nghệ sĩ có cảm giác rằng những chuyển biến về công nghệ sẽ tạo ra một biến động lớn trong xã hội và nó đòi hỏi một cuộc cải cách về chủ đề cũng như kỹ xảo trong nghệ thuật. Trong tác phẩm của nhiều họa sĩ, máy móc đã trở thành một chủ đề mới. Tác phẩm của họa sĩ người Pháp Fernand Leger đã thể hiện đặc điểm điển hình mới này. Tranh của ông có hình ảnh các bộ phận máy móc trông tựa như một khu thành phố mới. Vào năm 1922, Leger viết rằng: “Tôi thích những hình khối mới của nền công nghiệp hiện đại và tôi đưa những hình khối này vào tranh của mình. Một lò luyện kim đang hoạt động sẽ có vô vàn những hình ảnh phản chiếu nhiều màu sắc, vừa huyền ảo vừa chắc chắn hơn những chủ đề được cho là cổ điển. Tôi cho rằng một khẩu súng máy đáng để vẽ hơn bốn quả táo trên một chiếc bàn…”

Chủ nghĩa thực dân đã mở ra cơ hội tiếp xúc với những khách thể văn hóa của những xã hội ngoài phương Tây. Nhờ đó, các nghệ sĩ đã cóp nhặt những hình thức và mô-típ nghệ thuật ngoài phương Tây để chuyển tải những ý nghĩa khác nhau trong tác phẩm của mình. Ví dụ việc tham khảo phong cách nghệ thuật ngoài phương Tây của Pablo Picasso, trong đó có nghệ thuật vẽ mặt nạ Châu Phi là nỗ lực để phục hồi những truyền thống hội họa có sức sống bền bỉ và có ý nghĩa xác thực từ hàng thế kỉ trước. Picasso hồi tưởng lại lần ông đến thăm bảo tàng dân tộc học – nguồn cảm hứng cho bức họa Demoiselles d’Avignon của ông: “Những chiếc mặt nạ ma thuật, chúng trái ngược với tất cả mọi thứ, trái với những linh hồn đáng sợ vô danh. Chúng là những vũ khí. Tôi hiểu như vậy và chính tôi cũng đi ngược lại với tất cả. Tôi hiểu tại sao tôi là một họa sĩ. Cảm hứng cho bức họa Les Demoiselles d’Avignon chắc hẳn đã đến với tôi chính ngày hôm đó bởi đó là bức họa đầu tiên của tôi vẽ chủ đề thần thánh.”

Những tiến bộ nhanh chóng trong sản xuất hình ảnh hàng loạt dưới hình thức quảng cáo và tuyên truyền đã nhận được nhiều phản hồi khác nhau từ các họa sĩ. Những người theo trường phái lập thể phản ứng bằng những tác phẩm hợp nhất của nền văn hóa đương thời như đưa những tờ báo và quảng cáo vào tác phẩm của mình, phá vỡ sự tách biệt giữa nghệ thuật bậc cao và nghệ thuật bậc thấp. Những nghệ sĩ khác lại phản ứng theo chiều hướng khác, tìm kiếm nơi ẩn náu từ sự thuần khiết trong nghệ thuật bằng cách quay sang phong cách trừu tượng. Ví dụ, tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ người Hà Lan Piet Mondrian được hoàn toàn thể hiện bởi những góc vuông với các màu sắc chủ đạo. Mondrian là một họa sĩ có những ý tưởng giới tính kỳ lạ về hình khối. Trong cuốn sách phác họa của mình vào năm 1913-1914, Mondrian viết: “Phụ nữ: nhân tố vật chất/Đàn ông: nhân tố tinh thần. Phụ nữ: đường nằm ngang/Đàn ông: đường thẳng đứng. Nam nghệ sĩ: niềm vui tinh thần/Nữ nghệ sĩ: niềm vui vật chất.”

Với cảm hứng từ nhiều phong trào xã hội của thời kỳ này và nỗ lực duy tâm để dân chủ hóa nghệ thuật, một số họa sĩ đã nghi ngờ tính tự do ý chí trong nghệ thuật và hy vọng sẽ phá vỡ được sự tách biệt giữa nghệ thuật và cuộc sống. Những họa sĩ theo phong trào Bauhaus ở Đức và De Stijl ở Hà Lan tin rằng cái đẹp không nên chỉ được đưa vào những tác phẩm nghệ thuật mà nên được phủ khắp xã hội, trong khối tổng hòa giữa nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc và thiết kế.

Các nghệ sĩ như Theo Van Doesburg thiết kế đồ gỗ, kiến trúc, điêu khắc và hội họa đều theo phong cách hình học trừu tượng nghiêm ngặt để tất cả thế giới thực đều trở thành nghệ thuật. Cuối cùng, nghệ thuật – một khái niệm độc lập cũng sẽ biến mất, như Theo Van Doesburg đã từng tranh luận vào năm 1922: “Trường phái kiến trúc mới cho phép không cần những hình ảnh (như những bức vẽ hoặc điêu khắc) nhằm mục đích tạo ra một tổng thể hài hòa bằng tất cả những phương pháp cần thiết.”

Thế kỷ XX đã chứng kiến những đổi thay quan trọng về vai trò của giới. Giải phóng phụ nữ là một hiện tượng phổ biến trong thế kỷ XX và cũng có rất nhiều nữ họa sĩ nổi tiếng thể hiện tài năng trong thời kỳ này. Điều này có thể nhận thấy rõ ở Úc – nơi đa số các nghệ sĩ nổi tiếng theo trường phái hiện đại là phụ nữ. Nữ họa sĩ thuộc trường phái hiện đại nổi tiếng nhất ở Úc, bà Margaret Preston, rất quan tâm đến việc sáng tạo một loại hình nghệ thuật quốc gia mang bản sắc dân tộc. Vào năm 1945, bà đã thổ lộ: “Cá nhân tôi mong muốn đơn giản hóa tất cả các loại hình nghệ thuật và muốn thể hiện những hình khối hoành tráng cũng như màu sắc sắc nét của những vùng đất tươi đẹp trên đất nước Úc. Tôi ước có thể tiếp tục thực hiện những tác phẩm thô sơ của thổ dân Úc.”

Xu hướng nghệ thuật sau Thế chiến Thứ Hai

Sau Thế chiến Thứ Hai, mối liên hệ quan trọng giữa bối cảnh xã hội và nghệ thuật hiện đại được thể hiện trong các tác phẩm của những nghệ sĩ đã kể đến ở trên đã bị rơi vào quên lãng. Người ta tập trung hơn vào khía cạnh hình thức hay khía cạnh thị giác của nghệ thuật. Vào những năm 50, 60 của thế kỷ, nhà phê bình Clement Greenberg ở New York đã cho rằng các loại hình nghệ thuật cần phải được giữ gìn nguyên vẹn. Ông đã bảo vệ tác phẩm nghệ thuật trừu tượng của Jackson Pollock – có lẽ là họa sĩ tiếng tăm cuối cùng của trường phái nghệ thuật hiện đại. Greenberg xem chủ nghĩa hiện đại là trường phái tự phê bình nhằm hướng tới một hình thức nghệ thuật thuần khiết và trung thực hơn. Trường phái nghệ thuật trừu tượng Greenberg ủng hộ đã từ chối những khuôn mẫu, hình khối, khoảng không để nhấn vào sự bằng phẳng trên bề mặt bức tranh.

Trong quan điểm của Greenberg về chủ nghĩa hiện đại, mục tiêu nghệ thuật càng ngày càng tách rời chức năng truyền thống là phản ánh xã hội và trở nên độc lập với thế giới. Sự giản hóa luận này được coi là một tiến bộ về văn hóa và được thực hiện bởi những cá nhân xuất chúng, có khả năng nghệ thuật đặc biệt.

Những quan điểm như trên có thể sẽ được thế hệ sau – thế hệ của chủ nghĩa hậu hiện đại phán xét. Thế hệ sau sẽ coi chủ nghĩa hiện đại là trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật, tách rời xã hội với xu hướng quá chú trọng vào hình thức tác phẩm và ảo tưởng về khả năng thay đổi thế giới của nghệ thuật. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chủ nghĩa hiện đại cũng tự bảo vệ mình bằng cách tuân theo một khuôn mẫu mặc dù nó có thể sẽ bị những thế hệ kế tiếp cho vào quên lãng.

S.T

Tags: ,