Phi đội máy bay ném bom bí mật của miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ

Bên cạnh những chiếc tiêm kích MiG-17, MiG-21, còn có một loại máy bay giấu mặt mà khi xuất hiện trong lực lượng Không quân Nhân dân Việt nam đã làm Quân đội Mỹ lo sốt vó.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Không quân Nhân dân Việt Nam được trang bị chủ yếu 2 loại máy bay chiến đấu MiG-17, MiG-21. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, chúng ta còn có một loại máy bay chiến đấu khác – máy bay ném bom chiến thuật Il-28 thuộc tiểu đoàn độc lập 929.

Đơn vị T-16

Cuối năm 1961, đoàn học viên không quân chiến đấu đầu tiên của Việt Nam được đưa sang Liên Xô học. “Tháng 10/1961, tôi ở trong đoàn hơn 100 học viên Việt Nam được Đảng và Chính phủ cử sang Liên Xô học lái tiêm kích. Đây cũng là đoàn học viên phi công đầu tiên của Việt Nam tới Liên Xô,” Đại tá Nguyễn Đức Bàn – phi công lái máy bay Il-28 nói.

“Sau khi hoàn thành tốt giai đoạn bay sơ cấp, tất cả các học viên đang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn học bay tiêm kích MiG-17 thì có lệnh cấp trên yêu cầu chọn 10 người đi học máy bay ném bom chiến thuật tầm trung Il-28,” ông nói. Lúc này, Liên Xô đã đồng ý viện trợ cho Việt nam một số máy bay Il-28 để thành lập đơn vị không quân ném bom.

“Tốt nghiệp tháng 10/1964, đoàn 10 phi công của chúng tôi trở về sân bay Gia Lâm,” ông Nguyễn Đức Bàn nhớ lại. Tuy nhiên, do một số vấn đề từ phía nước bạn nên các máy bay vẫn chưa được chuyển giao. Vì vậy, toàn bộ phi công học lái Il-28 được đưa đi học tiếng Trung, dự định sang Trung Quốc học tiếp.

“Ngoài đơn vị phi công, đội ngũ kỹ thuật đưa đi đào tạo tại Liên Xô cũng trở về trong khoảng thời gian này. Do chưa có máy bay nên xuống sân bay Cát Bi học tiếng Trung. Sau một số đồng chí được đi học chuyển loại sang MiG-21, còn 14 anh em ở lại về Cát Bi, rồi về Nội Bài đi lắp ráp MiG-17,” Thượng tá Phạm Chu Hải – nguyên cán bộ vũ khí hàng không tiểu đoàn 929 nói.

Nhưng từ giữa năm 1965, phía Liên Xô lại đồng ý chuyển giao các máy bay Il-28 cho Việt Nam. “Những ngày cuối tháng 6/1965, 8 máy bay ném bom tầm trung Il-28 do phi công Liên Xô điều kiển lần lượt hạ cánh xuống Nội Bài (gồm: 4 chiếc chiến đấu Il-28 số hiệu 2082, 2084, 2086, 2088; 3 trinh sát Il-28R số hiệu 2182, 2184, 2186; 1 huấn luyện Il-28U số hiệu 2180). Đi cùng Il-28 còn có một chiếc máy bay vận tải cỡ lớn chở theo động cơ dự trữ, phụ tùng và chuyên gia kỹ thuật,” ông Hải nhớ lại.

“Toàn bộ các phi công, cán bộ kỹ thuật được biên chế thành đơn vị T16, trực thuộc trung đoàn 921 Sao Đỏ. Mọi vấn đề chỉ huy bay do 921 chịu trách nhiệm, về kỹ thuật bay do tiểu đoàn kỹ thuật 921 chỉ đạo,” ông Hải cho biết.

Il-28 là máy bay ném bom chiến thuật do Cục thiết kế Ilyushin chế tạo. Il-28 trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực Klimov VK-1A cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa 902km/h, bán kính tác chiến gần 1.000km, trần bay tối đa hơn 12.000m.

Máy bay có khả năng mang 3 tấn bom trong thân. Ngoài ra ở đuôi máy bay còn có một tháp pháo NR-23 2 nòng cỡ 23mm. Kíp lái Il-28 gồm 3 người: phi công, sĩ quan điều khiển ném bom – dẫn đường, xạ thủ đuôi – vô tuyến điện.

Khó khăn chồng chất

Lúc này, Mỹ bắt đầu đánh hơi được sự xuất hiện của máy bay ném bom Il-28 nên chúng liên tục tăng cường trinh sát, đánh phá hòng phá hủy những chiếc máy bay của Không quân Nhân dân Việt Nam có khả năng đe dọa quân Mỹ.

“Đầu năm 1967, hai máy bay trinh sát A3J của Không quân Hải quân Mỹ bay thấp dọc sông Hồng, đến bến Chèm lấy độ cao bay cắt ngang qua đài chỉ huy K5 vào khu vực Il-28 đậu phóng bom bi quả dứa làm hư hại nhẹ một chiếc Il-28,” ông Phạm Chu Hải nhớ lại.

Trước tình hình địch đánh phá dữ dội, việc huấn luyện bay khó thực hiện. Toàn bộ phi công và một số cán bộ kỹ thuật Il-28 được gửi sang Liên Xô học nâng cao. “Đối với phi công, học bay nâng cao bay đêm, bay biển, bay độ cao thấp (200m), độ cao cực thấp (50m),” ông Bàn nói. Bên cạnh đó, 8 chiếc Il-28 cùng một số thợ kỹ thuật được đưa sang Tường Vân, Trung Quốc để bảo quản.

Năm 1968, toàn bộ phi công cùng kỹ thuật sau khi hoàn thành khóa học nâng cao được điều về nước. Tháng 10/1968, đơn vị T-16 được tổ chức thành Tiểu đoàn độc lập 929, trực thuộc Binh chủng Không quân.

Cũng trong năm 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân diễn ra. Toàn bộ tiểu đoàn luôn ở trong tình trạng trực chiến, sẵn sàng cất cánh khi có lệnh. “Có những lần đã đưa máy bay vào Thọ Xuân, Thanh Hóa, máy bay đã treo đủ bom, chỉ còn chờ lệnh lắp kíp là đi đánh. Nhưng 1-2 tiếng sau lại có lệnh hạ bom xuống,” ông Hải nhớ lại.

Trong những năm tiếp theo, đơn vị Il-28 tiếp tục thực hiện công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tuy vậy, vì những lý do khác nhau nên đơn vị vẫn không được cất cánh làm nhiệm vụ.

Sang năm 1971, tình hình chiến trường lúc này cần sự chi viện hỏa lực của không quân ném bom. Tuy nhiên, do các máy bay Il-28 sau nhiều năm dùng gần hết niên hạn, bị địch “săn lùng” đánh phá nên chỉ còn 2 chiếc có thể dùng được. Nhưng trong đó chỉ có một chiếc chiến đấu (số hiệu 2088) và một chiếc là máy bay trinh sát ảnh (số hiệu 2184).

Tình hình lúc này hết sức bức thiết, vì vậy đòi hỏi ta phải có biện pháp để cải tiến chuyển một máy bay trinh sát chụp ảnh thành máy bay ném bom.

Đại tá Nguyễn Đức Bàn – phi công Il-28 sinh năm 1936 tại Thái Thụy, Thái Bình. Năm 1959, ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ tháng 10/1961 – 10/1964 học lái máy bay tại Liên Xô. Trong quá trình học, 10 phi công trong đó có ông được tuyển sang học lái máy bay ném bom Il-28. Tháng 2/1973, ông thôi bay về làm cán bộ mặt đất.Năm 1975, ông đựoc cử giữ chức trưởng ban huấn luyện trung đoàn 921, rồi Sư đoàn Không quân 370. Tháng 8/1978, ông sang giữ chức phó phòng Quân huấn Quân chủng Không quân.

Tháng 3/1981, ông giữ chức trưởng phòng huấn luyện chiến đấu. Tới tháng 6/1986, ông thôi giữ chức trưởng phòng về học bổ túc tham mưu chỉ huy không quân. Tháng 8/1987, ông cử làm phó phòng Khoa học quân sự Bộ Tham mưu Không quân. Năm 1991, ông nghỉ hưu với hàm Đại tá.

.

Biến máy bay trinh sát ảnh thành máy bay ném bom

“Lúc này tình hình chiến trường miền Nam và Lào lại rất cần sự chi viện hỏa lực của không quân ném bom, tháng 7/1971 cấp trên quyết định cho đơn vị cải tiến máy bay trinh sát ảnh thành ném bom,” Thượng tá Phạm Chu Hải – cán bộ kỹ thuật tiểu đoàn 929 nói.

“Việc cải tiến không hề dễ vì phải thay đổi toàn bộ hệ thống máy ngắm ném bom, hệ thống lái tự động làm việc đồng bộ với radar PSB-NM, hệ thống máy tạo và phân xung điều khiển ném bom và làm mới hệ thống cáp điện từ buồng lái, buồng dẫn đường đến buồng bom,” ông Hải kể lại.

Song với sự quyết tâm của toàn đơn vị, trí thông minh sáng tạo của các cán bộ kỹ thuật được giao trọng trách cải tiến. Tổ kỹ thuật trực tiếp thực hiện công tác cải tiến (cán bộ kỹ thuật Phạm Chu Hải, thợ kỹ thuật Hà Văn Như, Nguyễn Văn Ngọ) đã tìm ra phương án và thực hiện thành công.

“Để biến chiếc 2184 thành máy bay ném bom, đầu tiên là thay toàn bộ hệ thống máy ngắm OPB-5S của máy bay trinh sát bằng máy ngắm ném bom OPB-6SR có tính năng và độ chính xác cao hơn, đặc biệt có chế độ hoạt động đồng bộ với radar PSB-NM mà máy bay trinh sát không có. Thứ hai, thay toàn bộ hệ thống máy tạo xung và phân xung điều khiển ném bom ESBR-45S bằng ESBR-49M và KSB. Cuối cùng, thay 4 giá bom KD-2 của máy bay trinh sát bằng giá KD-3 của máy bay ném bom,” ông Hải nhớ lại.

Sau khi cải tiến thành công, phi công – dẫn đường Thân Xuân Hạnh đã trực tiếp kiểm tra và làm các thao tác kỹ thuật phù hợp cho nhận xét là tốt. Sau đó, chiếc Il-28 2184 cải tiến đã bay thử và ném bom trên trường bắn Hòa Lạc, đạt xác suất trúng mục tiêu cao.

Nhưng sau khi hoàn thành việc cải tiến, Il-28 vẫn chưa được phép chiến đấu. Tháng 9/1972, tiểu đoàn độc lập 929 chính thức giải thể, cho đến lúc đó Il-28 vẫn chưa một lần xuất kích chiến đấu. Các phi công được điều sang lái máy bay vận tải còn phần lớn cán bộ kỹ thuật học chuyển loại MiG-21, chỉ còn một số ít ở lại làm công tác bảo quản máy bay (2 chiếc được điều về đoàn 919 ở Gia Lâm).

Chiến thắng trận đầu

8 năm trời mong mỏi xuất kích chiến đấu của các phi công, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 929 không được thực hiện. 1 tháng sau khi tiểu đoàn giải thế, tháng 10/1972 cấp trên lại có lệnh chuẩn bị gấp để máy bay làm nhiệm vụ chiến đấu.

Nhớ lại những ngày lịch sử đó, Thượng tá Phạm Chu Hải kể: “chiều 5/10/1972, tôi cùng ba đồng chí: Đinh Công Chính, Nguyễn Tiến Bách, Phạm Văn Đăng được đồng chí Bùi Minh Hứa gọi lên giao nhiệm vụ. Nhận lệnh, 8h tối chúng tôi từ Phú Thọ chạy xe đạp về Hà Nội. Tới 4h sáng 6/10, chúng tôi mới về tới sân bay Gia Lâm. Nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị gấp 2 máy bay ném bom làm nhiệm vụ chiến đấu.”

Sáng 9/10/1972, hai chiếc Il-28 được cơ động lên Nội Bài, 2 máy bay đưa vào sân đỗ, kiểm tra thông điện lần cuối, kiểm tra đồng bộ, bom đạn. Phương án treo bom như sau: Chiếc 2184 lắp 8 bom phá mảnh OFAB-250 (nặng 270kg), còn chiếc 2088 treo 8 bom mẹ (mỗi quả chứa 150 bom con).

Trong đó, chiếc 2184 do các anh Bùi Trọng Hoàn (phi công), Nguyễn Đình Nhẫn (dẫn đường), Nguyễn Hùng Cường (bắn súng – vô tuyến điện) điều khiển và chiếc 2088 do các anh Nguyễn Văn Trừ (phi công), Thân Xuân Hạnh (dẫn đường), Ngô Văn Trung (bắn súng – vô tuyến điện).

17h ngày 9/10, biên đội Il-28 lần đầu xuất kích chiến đấu bay thẳng đến mục tiêu – căn cứ phỉ Vàng Pao ở Loong Chẹng trên đất Lào. Trận tập kích bất ngờ của máy bay ném bom Il-28 đã đánh trúng mục tiêu địch, sát thương phần lớn sinh lực và khí tài chiến đấu của địch, lập chiến công đầu cho Không quân ném bom duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

“Sau trận đánh, 2 máy bay đã thoát ly an toàn về hạ cánh ở sân bay Nội Bài, khi xuống hai máy bay không tắt máy mà điều khiển máy bay lăn thẳng vào ụ sơ tán để ngụy trang, tránh địch phản kích. Sáng sớm 10/10, hai máy bay được nạp đầy dầu, cất cánh bay lên Hòa Lạc, nhóm nhân viên kỹ thuật chúng tôi dưới sự giúp đỡ của nhân dân địa phương đã chặt cây ngụy trang. Quả đúng dự đoán, 8h tối sau khi công tác ngụy trang thực hiện vừa xong thì F-111 địch ném bom,” ông Hải nói.

Trận đánh Loong Chẹng là trận chiến đấu duy nhất của Il-28, sau trận này việc bảo quản Il-28 tiếp tục được duy trì. Bằng sự nỗ lực của cán bộ kỹ thuật, hai máy bay này luôn trong tình trạng tốt, nguyên vẹn kể cả trong những ngày địch mở chiến dịch Linebacker đánh phá toàn miền Bắc bằng máy bay ném bom chiến lược B-52.

Hiệp định Paris ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc, chuẩn bị cho cuộc duyệt binh lớn ngày 2/9/1973, 2 chiếc Il-28 được lệnh tham gia cuộc duyệt binh, 2 chiếc được sơn trả lại màu trắng bạc lúc ban đầu và phù hiệu Không quân Nhân dân Việt Nam. Song vì máy bay đã gần hết niên hạn sử dụng nên cuối cùng hai chiếc Il-28 không được tham gia.

Thượng tá Phạm Chu Hải sinh năm 1944, tháng 7/1961, ông nhập ngũ và vào học trường dự bị bay. Tháng 10/1961, ông được cử sang học ở Liên Xô. Năm 1964, ông về nước và phân vào đơn vị máy bay ném bom Il-28.

Năm 1973, ông là trợ lý vũ khí hàng không – Phòng kỹ thuật Binh chủng Không quân. Đầu tháng 4/1975, ông là một trong số 4 cán bộ kỹ thuật được bí mật điều vào Trường huấn luyện Không quân Sài Gòn (Nha Trang) để nghiên cứu sử dụng máy bay địch đánh địch.

Tháng 9/1975, ông là trợ lý vũ khí hàng không sư đoàn không quân 372. Tháng 10/1975, ông phụ trách số phi công, nhân viên kỹ thuật không quân chế độ Sài Gòn lên Buôn Ma Thuật tham gia chiến dịch truy quét Fulro.

Năm 1977, ông được điều ra Quân chủng Không quân làm trợ lý huấn luyện, kế hoạch rồi Trưởng ban kế hoạch cục Kỹ thuật, trợ lý cố vấn kỹ thuật Liên Xô. Năm 1986, ông là trợ lý Tổng hợp Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân.

Năm 1993, ông là Thanh tra Quân chủng Không quân rồi Quân chủng Phòng không – Không quân. Tháng 4/2001, ông nghỉ hưu với hàm Thượng Tá.

.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: , , ,