Oman và vai trò ‘Thụy Sĩ của Trung Đông’ trên bàn cờ địa chính trị quốc tế

Oman là quốc gia hiếm hoi trong thế giới Ả Rập có thể đóng vai trò điều tiết các căng thẳng hiện nay ở Trung Đông.

Oman và vai trò ‘Thụy Sĩ ở Trung Đông’ trên bàn cờ địa chính trị quốc tế

Trước khi phóng một loạt máy bay không người lái (UAV) và tên lửa vào lãnh thổ Israel đêm 13 rạng sáng 14/4, Iran được cho đã thông báo với Mỹ rằng cuộc tấn công của nước này vào Israel sẽ được thực hiện theo cách “tránh leo thang căng thẳng”. Và thông điệp này được Iran chuyển tải đến Mỹ thông qua Oman.

Trung lập

Là quốc gia nằm phía bên kia eo biển Hormuz so với Iran và có mối quan hệ an ninh – quốc phòng chặt chẽ với Mỹ và Anh, nên một cuộc khủng hoảng ở Trung Đông là điều mà Oman luôn lo ngại.

Trong nhiều năm, đất nước vùng Vịnh này đã âm thầm xây dựng thành tích trong việc giảm bớt căng thẳng khu vực bằng ngoại giao, và được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ tính trung lập.

Oman vẫn duy trì vai trò trung gian kể từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel. Quốc gia này cũng tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao với Iran, đón Ngoại trưởng Anh David Cameron tới đàm phán về an ninh ở Biển Đỏ và kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza.

Giờ đây, khi căng thẳng Israel – Iran leo thang, Oman có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng duy trì một kênh liên lạc mở giữa Mỹ và Iran khi các bên tìm cách giảm bớt căng thẳng, theo tờ The Conversation.

Cùng với các nước láng giềng Qatar và Kuwait, Oman đại diện cho lợi ích của Mỹ ở Iran vì Washington không có đại sứ quán ở Tehran, nhưng cách tiếp cận của Oman khác với các quốc gia còn lại.

Thay vì tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp, Oman tạo không gian cho đối thoại, đóng vai trò là bên hỗ trợ, điều phối hơn là bên hòa giải trong các căng thẳng ở khu vực.

Kinh nghiệm phong phú trong hòa giải

Dù đại diện cho một quốc gia nhỏ trong một khu vực đầy biến động, các quan chức Oman đã tạo ra được không gian ngoại giao cho phép họ can dự các vấn đề khu vực theo cách riêng và phát huy thế mạnh của quốc gia này.

“Chúng tôi cố gắng tận dụng vị trí trung gian giữa các cường quốc lớn hơn để giảm nguy cơ xung đột ở khu vực lân cận của chúng tôi” – Ngoại trưởng Oman, ông Sayyid Badr Albusaidi.

Oman đã chứng minh năng lực của mình như một bên trung gian xuất sắc trong việc điều tiết mối quan hệ giữa Iran với thế giới Ả Rập, cũng như với Mỹ trong hàng thập niên qua.

Năm 1999, Oman là bên chuyển thông điệp của Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới Tổng thống Iran – ông Mohammad Khatami về một vụ đánh bom ở Saudi Arabia. Năm 2011, Oman giúp trả tự do cho hai người Mỹ đi lạc sang Iran.

Năm 2015, Oman là trở thành địa điểm cho các cuộc đàm phán hậu trường về Thỏa thuận Hạt nhân Iran.

Năm ngoái, Oman đã tổ chức một số vòng đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran về thỏa thuận thả 5 công dân Mỹ bị Iran giam giữ để đổi lấy việc Tehran tiếp cận 6 tỉ USD đang bị phong tỏa tại Hàn Quốc.

Tháng 3/2023, Oman cùng Trung Quốc và Iraq đã thúc đẩy thành công thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran.

Hồi tháng 1 năm nay, giới chức Oman tổ chức các cuộc gặp cho các phái đoàn Mỹ và Iran, và thường xuyên giúp Washington và Tehran trao đổi thông điệp.

Trong xung đột Israel – Hamas, Oman không tham gia nhiều vào vai trò hòa giải như Qatar mà tập trung vào việc tạo môi trường để ngăn chặn cuộc chiến trở thành một cuộc xung đột cấp khu vực.

Oman đã cung cấp một kênh liên lạc giữa Mỹ và nhóm vũ trang Houthis (Yemen) và cả Iran sau các vụ tấn công bằng UAV và tên lửa của Houthis nhằm vào các tàu đi qua Vịnh Aden và phía nam Biển Đỏ.

Ngay khi xuất hiện nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn ở Trung Đông sau vụ Đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích hôm 1/4 khiến Iran tức giận và cáo buộc Israel là thủ phạm, Oman đã có mặt để cố gắng giảm bớt căng thẳng.

Ngày 7/4, Ngoại trưởng Iran – ông Hossein Amirabdollahian đã đến thăm Oman và nhờ quan chức Oman trình bày với Mỹ về quan điểm của Tehran trong vấn đề trả đũa.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh hiện tại, khi khủng hoảng Trung Đông đang có nguy cơ lan rộng, vai trò của các nhà hoà giải như Oman, Qatar trong việc duy trì các kênh liên lạc mở là rất quan trọng để giảm thiểu khả năng xảy ra bất kỳ sự leo thang nào dù là vô tình hay cố ý.

Oman đứng ngoài cạnh tranh khu vực

Vai trò điều phối của Oman xuất phát từ việc nước này không có lịch sử quan hệ căng thẳng với Iran như một số quốc gia vùng Vịnh khác (Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất,…).

Thậm chí Oman còn có tình cảm tốt với Iran từ thời Tehran còn nằm dưới sự lãnh đạo của các nhà vua. Khi đó, các shah (cách người Iran gọi vua) của Iran đã hỗ trợ vị vua còn non trẻ của Oman là Qaboos bin Said chống lại cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập niên ở phía nam Oman.

Sau khi xảy ra cuộc cách mạng Hồi giáo lật đổ chế độ quân chủ ở Iran vào năm 1979 và đưa giáo sĩ Ayatollah Khomeini lên nắm quyền ở Iran, Oman đứng ngoài cuộc và từ chối tham gia vào các cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Iran với các quốc gia vùng Vịnh khác.

Theo PHÁP LUẬT TPHCM

Tags: , , ,