Ô nhiễm tiếng ồn – hiểm họa khó lường cho cuộc sống đô thị

Cùng với sự phát triển của các đô thị, nhịp sống tại các quận huyện đã gây ra tiếng ồn lớn đến mức báo động. Tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhưng lại ít được quan tâm như các loại ô nhiễm khác.

Các chuyên gia môi trường đã lên tiếng cảnh báo rằng tiếng ồn đô thị được ví như kẻ sát nhân giấu mặt, thấy nó cũng… bình thường nên mọi người chấp nhận chung sống với nó, chứ ít để ý đến tác hại nguy hiểm của nó. Có lẽ chỉ những người buộc phải trực tiếp bị tiếng ồn tra tấn mới thấy rõ nguy cơ. Nguyên nhân gây nên tiếng ồn đô thị rất đa dạng, từ các âm thanh phát ra từ nhà máy, công xưởng đến hoạt động giao thông và cả tiếng ồn trong sinh hoạt của người dân.

Điểm mặt thủ phạm và chỉ ra hậu quả

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong ba thập niên trở lại đây, nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người, nhất là tại các nước đang phát triển. Ngoài tiếng ồn công nghiệp trong các nhà máy, tiếng ồn phát ra từ xe cộ và từ các hoạt động giải trí trong đời sống, nhất là âm nhạc cường độ lớn cũng làm tổn hại sức khỏe của chúng ta, thường gặp nhất là chứng ù tai, mất tập trung, stress…

Đơn vị đo cường độ âm thanh là decibel (dB). Khi không gian hoàn toàn tĩnh lặng thì tiếng ồn là 0dB, hơi thở của chúng ta phát âm thanh có cường độ 10dB, tiếng lá rơi chỉ lên đến 20dB, khi máy rửa chén đĩa hoạt động thì tiếng ồn đã lên 65dB, còn tiếng ồn ngoài đường phố khoảng 70dB, tiếng nhạc rock lên tận 110dB… Khi tiếng ồn vượt mức 130dB thì nó gây cảm giác rất khó chịu và đau tai, chẳng hạn tiếng phi cơ cất cánh, tiếng còi xe cứu hỏa… Khi cường độ âm thanh lên tới 160 – 170dB, một số người có thể bị điếc. Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, đối với khu vực đặc biệt (là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác), tiếng ồn cho phép từ 6 đến 21 giờ là 55dB, từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau là 45dB. Còn đối với khu vực thông thường, chẳng hạn khu chung cư, nhà ở trong hẻm, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính… thì từ 6 đến 21 giờ là 70dB, từ 21 giờ đến 6 giờ sáng là 55dB. Thế nhưng trên thực tế, chúng ta phải sống chung với tiếng ồn quá định mức cho phép một cách thường xuyên, từ trong nhà ra ngoài phố, nhất là tại các địa điểm công cộng.

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên – Môi trường TP. Hồ Chí Minh, người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về tiếng ồn cho biết rằng trong ba nguồn gây tiếng ồn chính ở đô thị, gồm hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng – dịch vụ thì tiếng ồn giao thông là nặng nề nhất. Những kết quả đo đạc tiếng ồn trên nhiều tuyến đường TP. Hồ Chí Minh đều vượt mức cho phép nhiều lần. Trong thành phố có khá nhiều điểm rất ồn, chẳng hạn các nút giao thông vòng xoay Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ, ngã sáu Gò Vấp, ngã tư An Sương, vòng xoay Phú Lâm, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, ngã sáu Dân Chủ, ngã sáu Phù Đổng và cả các tuyến đường chính trong nội thành vào giờ cao điểm. Ngay cả trong đêm khuya, tức là từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng, mức độ tiếng ồn đo được vẫn quá giới hạn cho phép. Ông Nguyễn Đinh Tuấn nhận xét: “Các phương tiện giao thông đều xả tiếng ồn ra môi trường, nhất là trong giờ cao điểm. Khi mật độ xe cộ cao, tiếng ồn của đủ loại phương tiện, từ xe máy, taxi, xe buýt, đến các loại xe tải đã cộng hưởng, gây ra tiếng ồn rất lớn. Những người dân sống ở hai bên đường phố của những khu vực đó phải gánh chịu cả tiếng ồn lẫn ô nhiễm không khí”.

Thời của sống chung với tiếng ồn

Trước năm 2008, mức tăng tiếng ồn trung bình trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 0,2 – 04dB, nhưng từ năm 2009, độ ồn đã tăng lên gấp nhiều lần. “Trong những năm gần đây, mỗi năm thành phố tăng khoảng 10% xe hơi cá nhân. Nhu cầu sử dụng xe hơi còn đang tăng nữa, nên nguy cơ tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng hơn là điều khó tránh khỏi và sự ô nhiễm tiếng ồn sẽ còn tăng đến mức khó kiểm soát được” – ông Tuấn bày tỏ lo ngại.

Để đối phó với ô nhiễm tiếng ồn, một số nước trên thế giới và các chuyên gia môi trường đã hiến kế, đề xuất các giải pháp. Muốn giảm tiếng ồn trong khu dân cư, phải kêu gọi ý thức trách nhiệm và tự giác của người dân để mọi người cùng chủ động không gây tiếng ồn lớn trong nhà, nhất là những gia đình tổ chức sản xuất ngay tại nơi cư trú. Việc thay đổi từ hành vi, từ những thói quen nhỏ là bóp còi xe hoặc để xe nổ máy quá lớn khi đi vào khu dân cư hay mở nhạc quá lớn cũng rất cần thiết. Trao đổi với chúng tôi, một số người dân buôn bán sống gần ga Sài Gòn đều vô tư cho rằng họ đã quen với tiếng ồn của sân ga, nhưng nếu người thân đến nghỉ lại chỉ trong vòng một ngày là không chịu nổi tiếng ồn, nhất là tiếng ồn do xe lửa phát ra. Anh Nguyễn Văn Long, người có gần 20 năm làm công nhân tiếp nhiên liệu cho một nhà máy sản xuất thép cho biết: “Tôi có nghe nói về ảnh hưởng xấu của tiếng ồn đến sức khỏe, nhưng công việc vốn như vậy nên cứ phải chịu đựng thôi. Mỗi năm công ty có cho khám sức khỏe định kỳ, thấy tai còn nghe được nên tôi chẳng lo, nhưng bây giờ mới thấy mình nghễnh ngãng hơn nhiều người khác cùng tuổi”.

Thực tế, xử lý những loại ô nhiễm hữu hình như hóa chất độc hại, khói nhà máy, rác thải… còn dễ hơn việc khử tiếng ồn. Ông Phạm Khắc Hiếu – cán bộ Phòng 5, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam cũng nhìn nhận là hiện nay, việc xử lý vi phạm tiếng ồn vẫn còn hạn chế, mới chỉ tập trung vào các nhà máy và cơ bản là xử lý hành chính, nhắc nhở.

Ngoài cường độ và tần số âm thanh, thời gian nghe lâu một loại âm thanh cũng có tác động xấu đến sức khỏe. Tiếng nhạc có lúc tạo nên hưng phấn, nhưng cũng có lúc làm người nghe khó chịu nếu nó phát ra quá lớn và không phù hợp với tâm trạng người nghe. Khả năng chịu đựng tiếng ồn của mỗi lứa tuổi cũng rất khác nhau. Tuổi trẻ có thể chịu được tiếng nhạc rock mở lớn, nhưng với người già thì không thích hợp chút nào, chỉ gây hại cho sức khỏe của họ.

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn đề nghị phân biệt rõ các loại nguồn gây ồn để từ đó quy hoạch và loại trừ những nguồn ồn không chấp nhận được, cụ thể là loại chấp nhận được vì không vượt quá mức quy định; loại vượt quy định nhưng có khả năng khắc phục; loại vượt quy định và không thể khắc phục được; cuối cùng là loại không được phép phát ra trong đô thị. Đối với những nguồn gây tiếng ồn không khắc phục được, nếu là xe các loại thì không cho phép lưu thông trong những giờ nhất định, còn nếu là máy móc thì phải chuyển đổi địa điểm hoặc thay đổi kết cấu để giảm hẳn tiếng ồn. Riêng với nguồn gây tiếng ồn không được phép có trên đô thị thì phải dùng biện pháp mạnh là cấm hẳn.

Tiếng ồn tác động đến tai, sau đó tác động đến hệ thần kinh trung ương, rồi đến hệ tim mạch, dạ dày và các cơ quan khác, sau đó mới đến cơ quan thính giác. Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng tới sức khỏe và hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau, như mất ngủ, khó chịu, khó tiêu, ợ nóng, huyết áp cao, bệnh tim và bệnh điếc. Chỉ cần tiếng ồn mạnh phát ra từ một chiếc xe tải chạy trên đường đã có thể tác động xấu tới tuyến nội tiết, hệ thần kinh và tim mạch của nhiều người. Nếu tình trạng đó kéo dài hoặc thường xuyên, sự rối loạn sinh lý sẽ trở thành mãn tính và là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần.

Tác động của tiếng ồn phụ thuộc vào tần số và cường độ âm thanh, mức độ lặp lại của tiếng ồn. Tác động đến cơ quan thính giác, tiếng ồn làm giảm độ nhạy cảm, tăng ngưỡng nghe, ảnh hưởng đến quá trình làm việc an toàn. Khi tác động đến các cơ quan khác như hệ thần kinh trung ương, tiếng ồn sẽ gây kích thích, ảnh hưởng xấu đến não bộ, gây chứng đau đầu, chóng mặt, sợ hãi, giận dữ vô cớ. Đối với hệ tim mạch, tiếng ồn làm rối loạn nhịp tim và sự tuần hoàn máu, làm tăng huyết áp. Tiếng ồn có thể khiến rối loạn quá trình tiết dịch và tăng axit trong dạ dày, làm rối loạn sự co bóp, gây viêm loét dạ dày.

Khi phải chịu đựng tiếng ồn liên tục, cơ thể người không tránh khỏi tình trạng bị căng thẳng. Căng thẳng kéo dài dễ dẫn đến những chứng bệnh thần kinh như trầm cảm hay lo lắng vô cớ, tăng thêm nguy cơ các bệnh về tim mạch và hệ tuần hoàn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người phải sống trong môi trường tiếng ồn lớn và thường xuyên như gần sân bay, sân ga, đường tàu thì càng dễ mắc những chứng bệnh đó.

Nếu sống trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn, giấc ngủ của chúng ta sẽ không được sâu và dài, mà chập chờn nên khi thức dậy, khả năng tập trung của cơ thể sẽ bị giảm, dễ bị kích động và mất dần khả năng tự kiềm chế. Đồng thời, sức đề kháng của cơ thể cũng yếu đi, mà thể hiện rõ nhất là khả năng miễn dịch kém. Ở người già, mất ngủ vì tiếng ồn là thủ phạm làm tăng các loại hormone gây stress, làm lượng mỡ trong máu và đường huyết tăng cao.

Theo DOANH NHÂN SÀI GÒN (2013)

Tags: , ,