Ô nhiễm không khí: Câu chuyện từ thành phố Jakarta

Nhiều người cho rằng xe cộ và nhà máy là một trong những “thủ phạm” chính gây ra ô nhiễm không khí tại Jakarta. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát, trạm quan trắc và các quy định liên quan đến khí thải dường như vẫn còn quá sơ sài, ít ỏi đối với một đô thị rộng lớn đến dường này. Chính quyền Jakarta sẽ phải giải quyết tất cả những vấn đề trên nếu muốn cải thiện một phần chất lượng không khí – vốn dĩ đã quá tồi tệ – ở thành phố này.

Ô nhiễm không khí: Câu chuyện từ thành phố Jakarta

Tác giả: Nivell Rayda.

Nguồn: Channel News Asia, 20/11/2021.

Lược dịch: Anh Thư.

Đã nhiều tháng trôi qua kể từ lần cuối cùng Andy Rahman đạp xe dạo quanh đường phố Jakarta, một sở thích mới từ năm ngoái trong thời gian anh phải làm việc tại nhà vì dịch bệnh COVID-19. “Sau khoảng 30 phút, mắt và cổ họng tôi bỏng rát, cổ họng đau đớn và tôi bắt đầu ho”, vị giám đốc marketing 47 tuổi kể. Rahman nhận ra rằng bất cứ khi nào anh đi xe đạp, không khí anh hít vào sẽ có mùi khét kỳ lạ như thể có thứ gì đó đang cháy. Trước mắt anh, những tòa nhà cao chọc trời chỉ lờ mờ hiện lên như những chiếc bóng in trên nền trời xám xịt. Lúc này, anh nghi ngờ rằng cơn ho của mình có liên quan đến việc chất lượng không khí đang dần xấu đi.

Theo các công cụ giám sát chất lượng không khí, thành phố 11 triệu dân này luôn giữ vị trí top đầu trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Dữ liệu từ Cơ quan Y tế Jakarta cho thấy vào năm 2019, trước khi đại dịch bắt đầu, thành phố chỉ có hai ngày chất lượng không khí được coi là “trong lành”. Trong suốt quãng thời gian còn lại của năm, thành phố chìm trong khói độc và các hạt bụi mịn từ phương tiện giao thông, xí nghiệp và nhà máy nhiệt điện than xung quanh thủ đô.

Vào năm 2020, bất chấp các quy định hạn chế di chuyển, số ngày trong lành chỉ tăng lên 29 ngày. Và rồi khi các quy định phong tỏa được nới lỏng, chất lượng không khí đã dần trở lại như trước thời kỳ đại dịch. Không khí ở Jakarta thường chứa các loại khí độc hại ở mức không tốt cho sức khỏe như carbon monoxide, sulfur dioxide, nitrogen dioxide và ozone ở tầng mặt đất cũng như các chất dạng hạt (PM). Với kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bụi PM2.5 có thể đi vào máu và tích tụ ở các bộ phận khác nhau của cơ thể con người. Điều này có thể dẫn đến các bệnh tim mạch và hô hấp.

Trong nghiên cứu Chỉ số Chất lượng Cuộc sống Hằng năm, Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago cho biết nồng độ PM2.5 trung bình mà người dân Jakarta tiếp xúc mỗi ngày cao hơn sáu lần mức nồng độ PM2.5 mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Viện ước tính rằng trung bình tuổi thọ của người dân Jakarta sẽ tăng lên 5,5 năm nếu thành phố cải thiện được chất lượng không khí đến mức mà WHO đề ra.

Năm 2019, 32 người dân thành phố đã kiện Tổng thống Joko Widodo, ba bộ trưởng của ông cũng như các thống đốc của Jakarta và các tỉnh lân cận Banten và Tây Java.

Vào ngày 16/9, hai năm sau khi vụ kiện được công bố, Tòa án Quận Trung tâm Jakarta đã thông qua một phán quyết mang tính bước ngoặt , tuyên bố chính phủ phạm tội “thực hiện các hành vi trái pháp luật” do không đảm bảo quyền của công dân đối với không khí sạch và không ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô. Bộ Môi trường và Lâm nghiệp đã tuyên bố rằng họ sẽ kháng cáo quyết định này.

Xe cộ là nguồn phát thải lớn nhất

Jakarta được xem là một trong những thành phố kẹt xe nhất thế giới. Mỗi ngày, có khoảng 20 triệu phương tiện chen chúc nhau trên 6.500 km phố xá. Các phương tiện giao thông – bao gồm của cả những người sống ở ngoại ô nhưng phải đi lại, làm việc trong thành phố – không chỉ góp phần khiến tình trạng tắc nghẽn thêm phần nghiêm trọng, mà chúng còn thải ra khói độc và các hạt bụi gây ô nhiễm không khí.

Theo một nghiên cứu do tổ chức y tế toàn cầu Vital Strategies thực hiện, được công bố vào tháng chín năm ngoái, xe cộ đóng góp 32% đến 57% lượng khí thải gây ô nhiễm không khí. Irvan Pulungan, đặc phái viên của Thống đốc Jakarta về biến đổi khí hậu, cho biết thành phố đang nỗ lực đưa ra một số chính sách nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra. “Chúng tôi thực sự quan tâm đến vấn đề này”, Pulungan nhấn mạnh. Ông cho biết, vào năm 2019, chính quyền thành phố đã yêu cầu tất cả các phương tiện cá nhân phải vượt qua các bài kiểm tra khí thải. Trong một dự án thử nghiệm, những ai không vượt qua bài kiểm tra sẽ phải trả phí đậu xe cao hơn. Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng đang thiết lập các khu vực phát thải thấp, nơi các phương tiện có lượng phát thải cao sẽ không thể chạy qua. “Chúng tôi không thể ngăn cản mọi người sử dụng xe hơi, nhưng chúng tôi có thể giảm thiểu phần nào tình trạng ô nhiễm thông qua các chính sách này”. Tuy vậy, số người tham gia kiểm tra khí thải còn thấp.

Năm 2020, Jakarta có 3 triệu xe hơi và 16 triệu xe máy lưu hành. Tuy nhiên, theo số liệu của Cơ quan Môi trường Jakarta, cũng trong năm đó, chỉ có 13.019 xe tham gia các cuộc kiểm tra khí thải do chính quyền thành phố tổ chức. Chính quyền thành phố đang nỗ lực vận động để có thêm nhiều xe hơi và xe máy được kiểm tra khí thải. Bắt đầu từ năm sau, cảnh sát Jakarta dự kiến ​​tiến hành các cuộc kiểm tra và phạt 500.000 rupiah (tương đương 35,18 USD) đối với xe hơi và 250.000 rupiah đối với xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn phát thải.

Nhà máy điện, xí nghiệp cũng là thủ phạm

Bên cạnh các phương tiện xe máy, ngành công nghiệp sản xuất cũng là một nguồn phát thải lớn. Hàng ngàn xí nghiệp và nhà máy điện xung quanh Jakarta đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng nề.

Tại một khu công nghiệp cách trung tâm thành phố khoảng 90 phút lái xe, các lò luyện kim loại và nhà máy hóa dầu thường xuyên tỏa ra cụm khói xám dày đặc đến nỗi cảnh tượng chẳng khác gì như đang cháy rừng. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các xí nghiệp, các nhà máy nhiệt điện than phải làm việc thâu đêm suốt sáng, xả ra làn khói đen bốc cao lên bầu khí quyển. Các hạt và khí độc hại do các xí nghiệp và nhà máy điện này “tỏa” ra có thể di chuyển hàng trăm km đến Jakarta. Với việc thủ đô của Indonesia được bao quanh bởi các khu công nghiệp, thành phố chắc chắn trở thành nạn nhân của tình trạng ô nhiễm không khí xuyên khu vực, bất chấp gió có thổi theo hướng nào đi chăng nữa.

Lãnh đạo Bộ Môi trường Chaniago cho biết văn phòng của ông đang làm tất cả những gì có thể để đảm bảo mức phát thải từ các nhà máy vẫn đang giảm xuống. Tuy vậy theo nhiều chuyên gia, “Bộ luôn nói rằng họ thường xuyên giám sát, đánh giá và kiểm định khí thải. Nhưng khi các thẩm phán [tại vụ kiện ô nhiễm không khí] yêu cầu họ trình bày kết quả, họ lại chẳng thể đưa ra bất kỳ một tài liệu nào”, Bella Nathania, một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Luật Môi trường Indonesia (ICEL) lưu ý. “Họ cũng tuyên bố đã thắt chặt các tiêu chuẩn khí thải đối với các nhà máy điện và xí nghiệp, nhưng trong quá trình kiểm tra, họ không thể đưa ra con số chính xác có bao nhiêu công ty đã tuân thủ các quy định và bao nhiêu công ty đã bị xử phạt”.

“Ô nhiễm không khí là sát nhân thầm lặng”

Agus Dwi Susanto, Chủ tịch Hiệp hội Hô hấp Indonesia cho biết với mức độ ô nhiễm không khí cao như hiện nay, sức khỏe người dân có thể sẽ phải gánh chịu những tác động tiêu cực ngay tức thì. Ô nhiễm không khí “có thể gây kích ứng mắt, sổ mũi, đau họng, ho cũng như nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính”, ông nói. “Ô nhiễm gây suy giảm hệ miễn dịch của chúng ta”.

Những người mắc các bệnh nền như hen suyễn hoặc tắc nghẽn hô hấp mãn tính có thể chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. “Khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm, họ sẽ lên cơn hen”, vị chuyên gia về bệnh phổi nói thêm.

Susanto cho biết ông hiện đang tiến hành nghiên cứu mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Persahabatan ở Đông Jakarta nơi ông làm việc. Persahabatan là bệnh viện chuyển tuyến cho những bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp. “Nếu bạn nhìn vào các biểu đồ, số lượng bệnh nhân đến thăm khám gia tăng – tương quan với tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng. Nếu tình trạng ô nhiễm được cải thiện, các chuyến thăm khám sẽ giảm”, ông phân tích.

Tuy nhiên, điều mà bác sĩ thực sự lo lắng chính là những tổn thất lâu dài mà ô nhiễm không khí sẽ để lại. “Sau nhiều năm tiếp xúc với không khí ô nhiễm, chúng ta mới cảm nhận được những tác động tiêu cực. Có thể nói, ô nhiễm không khí giống như một tên sát nhân thầm lặng”, ông nhận định. Khi tiến hành một nghiên cứu vào năm 2013, Susanto phát hiện ra rằng trong số 300 bệnh nhân ung thư phổi được khảo sát, 4% các trường hợp có khả năng mắc bệnh vì hít thở không khí ô nhiễm. “Những bệnh nhân này không hút thuốc nhưng họ dành phần lớn thời gian ở ngoài trời, và do đó lời giải thích khả dĩ duy nhất đó là họ đã hít phải những luồng không khí độc hại”.

Trong một nghiên cứu khác, ông phát hiện ra rằng trong số 153 người quét đường mà ông khảo sát, 10 người đã mắc các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn và tắc nghẽn đường thở mãn tính. “Tỷ lệ người quét đường mắc bệnh về đường hô hấp ở Jakarta cao gấp hai lần rưỡi so với những người làm nghề quét dọn đường phố ở các vùng nông thôn. Có một mối tương quan giữa tỷ lệ mắc bệnh và ô nhiễm không khí”.

Liệu có còn hy vọng?

Dường như không có cách nào giúp dứt điểm tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ của Jakarta. Dữ liệu chất lượng không khí do công ty giám sát Nafas cung cấp cho thấy vào giữa đêm và sáng sớm, mức độ ô nhiễm không khá hơn là bao so với ban ngày khi đường phố tắc nghẽn và các xí nghiệp hoạt động. Thời điểm không khí trong lành nhất là khi có trận gió lớn giúp thổi bay các chất ô nhiễm, hoặc khi cơn mưa rào cuốn trôi các chất ô nhiễm. “Jakarta phụ thuộc rất nhiều vào cơn mưa để làm sạch không khí. Chúng tôi có không khí sạch là nhờ mưa chứ không phải vì chính phủ đang làm tốt công việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông và các nhà máy nhiệt điện than”, Andriyanu của Greenpeace nhấn mạnh.

Irvan Pulungan, đặc phái viên của Thống đốc Jakarta, nhấn mạnh rằng “chúng tôi không hề án binh bất động”. Chính quyền thành phố đang rất nỗ lực để người dân bỏ phương tiện cá nhân ở nhà và chuyển sang sử dụng xe buýt, tàu điện. “Chúng tôi đang phát triển hệ thống giao thông công cộng, mở rộng vỉa hè để khuyết khích mọi người đi bộ, xây dựng làn đường cho xe đạp, xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông phi cơ giới”.

Người đứng đầu Bộ Môi trường Chaniago cho biết, Indonesia đã cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới vào năm 2030 và chuyển sang phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2060. “Những việc này cần có thời gian. Đây không phải là thứ mà chúng ta có thể hoàn thành trong ngày một ngày hai bằng cách niệm thần chú ‘úm ba la xì bùa’. Rồi thì sẽ đến lúc chúng ta thành công”, ông kết luận.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: ,