⠀
Nước Pháp và Hội đàm Paris 1968 – 1973: Từ tầm nhìn De Gaulle tới các kênh ngầm
Sau khi De Gaulle chính thức mở lại “hồ sơ Đông Dương” năm 1963, trong đó chống lại việc chia cắt Việt Nam và ủng hộ những nỗ lực trung lập hóa Đông Dương, nước chủ nhà của Hội nghị Paris đã hướng tầm nhìn đến các cuộc đàm phán mang lại giải pháp chính trị thay vì quân sự.
Các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thuộc nằm lòng những nguyên tắc vàng trong việc lựa chọn địa điểm đàm phán. Lý tưởng nhất, đó là cuộc đàm phán được tổ chức ngay tại nước mình, nơi đảm bảo được tất cả các điều kiện về bảo mật, thông tin, khả năng ứng biến và sự ủng hộ của công luận. Nhưng trong thông lệ đàm phán quốc tế, khả năng đó ít xảy ra do những yêu cầu tối thiểu về sự khách quan, vì thế, lợi thế kỹ thuật tốt nhất khi bước vào đàm phán là địa điểm đàm phán nằm trên một lãnh thổ không thù địch.
Khi những cuộc tiếp xúc bí mật đầu tiên giữa phía Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) và Mỹ diễn ra vào tháng 3/1968, hai phía Mỹ và Việt Nam chưa có một ý tưởng cụ thể nào về địa điểm đàm phán. Sau đó, phía Việt Nam nêu ra Phnompenh (Campuchia) và Warsaw (Ba Lan) trong khi Mỹ từng có ý định đàm phán tại Indonesia.
Nhà ngoại giao Võ Văn Sung, thành viên đoàn đàm phán bí mật Lê Đức Thọ-Kissinger và là Đại sứ đầu tiên của VNDCCH tại Pháp, có kể lại trong 2 cuốn Hồi ký “Chiến dịch Hồ Chí Minh trong lòng Paris” và “Câu chuyện trái nghề” rằng việc lựa chọn địa điểm đàm phán ngày đó cũng không kém phần quyết liệt. Đề xuất chọn Phnompenh và Warsaw của phía Việt Nam bị Mỹ từ chối và sau đó chính quyền của Tổng thống Johnson chỉ đồng ý khi địa điểm là Paris. Trong ký ức của ông Võ Văn Sung thì ông chính là người đề xuất họp ở Paris và trước đó Bộ Chính trị cũng có suy nghĩ này nên khi Vụ phương Tây của ông đưa đề xuất lên đã được chấp thuận ngay. Nước Pháp chủ nhà khi đó bị đánh giá là “cũng bị động”.
Tuy nhiên, nhiều học giả và nhà ngoại giao Pháp ngày nay nhìn lại câu chuyện khởi điểm đó và có những đánh giá khác về quá trình lựa chọn Paris và vai trò của nước Pháp.
Mỹ có thể bị sa lầy rồi thất bại giống như Pháp trước đó
Henri Froment Meurice từng là Vụ trưởng Vụ châu Á-châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Pháp cuối thập niên 60, đã mô tả rất kỹ những trải nghiệm của ông trong Hồi ký “Journal d’Asie”, mà phần quan trọng nhất chính là việc nước Pháp làm thế nào để tổ chức cuộc hòa đàm Paris và tìm cách để lại ảnh hưởng của mình.
Meurice kể: “Sự hiện diện của những nhà đàm phán tại thủ đô (Paris) trao cho nước Pháp khả năng đóng một vai trò mà chắc chắn sẽ không có được nếu cuộc đàm phán diễn ra ở một nơi nào khác như Vienne hay Geneve. Ở Paris, nước Pháp có thể, thông qua các con bài của mình, tạo ra một số ảnh hưởng. Sự hiểu biết của nước Pháp với các chính trị gia ở Đông Dương, bầu không khí tốt đẹp với Washington mà (Tổng thống) Georges Pompidou mang lại, cho phép nước Pháp nhận được sự tín nhiệm của tất cả các bên, chính thức hay không chính thức, để có thể luân chuyển các thông điệp, đôi khi là đề xuất các ý tưởng. Không cần phóng đại những việc này nhưng hiệu quả của chúng, mà như thừa nhận của các bên tham gia, là rất hữu ích”.
Thực tế thì những người Pháp không bị động, họ thậm chí còn là những người đã đoán trước tình thế tại Đông Dương. Trong giới học giả và ngoại giao Pháp, bài phát biểu của Tướng De Gaulle tại Phnompenh năm 1965 vẫn được coi là “sách Thánh”, là những lời phát biểu có tính tiên tri về diễn biến các cuộc chiến tại vùng đất từng do Pháp cai quản. Trong Tuyên bố đó, De Gaulle đã nhận định rằng cuộc chiến của Mỹ ở Đông Dương sẽ không thể có một kết cục bằng quân sự mà phải có giải pháp chính trị và Mỹ cần rút quân khỏi Đông Dương theo một lộ trình hợp lý.
Vào thời điểm đó, De Gaulle hiện diện như một nhân vật chính trị mạnh mẽ theo đường lối độc lập, không phụ thuộc vào Mỹ. Nước Pháp dưới thời De Gaulle đã rút ra khỏi Bộ chỉ huy NATO và những phát biểu của De Gaulle được mổ xẻ trong tư duy của những nhà ngoại giao Mỹ là “đáng ngờ và mang xu hướng của những kẻ hằn học”.
Bầu không khí nghi kỵ tồn tại giữa Paris và Washington và Tổng thống Johnson đã không xem xét một cách nghiêm túc cảnh báo của De Gaulle rằng về lợi ích lâu dài của phương Tây, cần trung lập hóa Đông Dương và nếu theo đuổi chiến tranh, nước Mỹ có thể bị sa lầy rồi thất bại giống như nước Pháp trước đó.
Kênh ngầm
Nhưng những nỗ lực ngoại giao vẫn chảy theo kênh ngầm. Dù De Gaulle công khai thể hiện sự thất vọng và chỉ trích đối với chiến lược leo thang chiến tranh chống lại miền Bắc Việt Nam của Johnson, ông vẫn bật đèn xanh cho các nhà ngoại giao Pháp thực hiện các vai trò trung gian.
Những ý tưởng đầu tiên về một cuộc hội đàm bắt đầu năm 1967, năm mà Bộ Chính trị ở Hà Nội cũng nhận định phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao song song với những thắng lợi quân sự trên chiến trường.
Ở Quai d’Orsay (Bộ Ngoại giao Pháp), người khởi sự công việc chắp nối các đầu mối này là Etienne Manac’h, khi đó là Vụ trưởng Vụ châu Á. Manac’h là người thân cận với De Gaulle và có tiếng nói khá độc lập, thậm chí không ngần ngại chỉ trích De Gaulle, nên được coi là một chuyên gia am hiểu, quyết đoán, độc lập và thành thật. Nhưng để tránh kéo chính phủ Pháp dính líu vào những nỗ lực chính trị còn chưa định hình, Manac’h hoạt động đơn độc với tư cách cá nhân.
Đầu tiên ông liên hệ với John Gunther Dean, tham tán chính trị Sứ quán Mỹ tại Paris, người cũng được Đại sứ Mỹ bật đèn xanh để duy trì một kênh liên lạc kín với những bên quan tâm đến một giải pháp ngoại giao. Dean sau này là một nhà ngoại giao Mỹ nổi bật, từng là Đại sứ Mỹ tại 5 quốc gia, gồm Campuchia (1974-1975), Đan Mạch (1975-1978), Liban (1978-1981), Thái Lan (1981-1985) và Ấn Độ (1985-1988).
Manac’h đã kiên trì thuyết phục Dean về những điểm lợi của việc ngừng ném bom và nhất là việc xem xét một cách nghiêm túc phát biểu chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao VNDCCH Nguyễn Duy Trinh rằng việc tiếp tục ném bom miền Bắc Việt Nam là trở ngại duy nhất cho việc mở ra các cuộc đàm phán.
Song song với đó, Manac’h có nhiều cuộc gặp với ông Mai Văn Bộ, Trưởng phái đoàn Ngoại giao VNDCCH tại Paris, để nắm rõ lập trường của Hà Nội, sau này thể hiện cụ thể trong tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh ngày 29/12/1967: “Sau khi Mỹ ngừng ném bom vô điều kiện, VNDCCH sẽ đàm phán với Mỹ”. Manac’h đã nhận sự tái khẳng định của thông điệp này từ ông Mai Văn Bộ và lập tức chuyển tới Washington.
Cho đến đầu năm 1968, khi De Gaulle đã chắc chắn rằng việc mở ra một đàm phán giữa Mỹ và các phe phái ở Việt Nam là không tránh khỏi, ông đã hành động chính thức bằng việc thông qua Giáo sư Andre Roussel, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Pháp-Việt để nhận được những phản ứng từ phía Hà Nội về một cuộc hội đàm ở Paris.
Câu trả lời phía Pháp nhận được từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau chuyến thăm của bác sỹ Roussel đến Hà Nội là tích cực, “VNDCCH mở cửa cho tất cả”, dù ông Phạm Văn Đồng cũng không quên cảnh báo rằng nước Pháp “không can dự vào chuyện Việt Nam”.
Ngay sau những nỗ lực đó, cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân diễn ra và đã gạt bỏ hẳn những dè dặt từ phía chính quyền Johnson về sự cần thiết phải ngừng ném bom và mở ra đàm phán. Sau nhiều tuần do dự, ngày 31/3/1968, Johnson tuyên bố đơn phương chấm dứt ném bom một phần miền Bắc và đồng ý mở cuộc đàm phán giữa các đại diện Việt Nam và phía Mỹ. Ông cũng tuyên bố mình sẽ không ra tham dự cuộc đua trở thành ứng cử viên đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 năm đó.
Hai bên quan trọng nhất của hội đàm coi như đã đồng ý trên nguyên tắc về những cuộc thảo luận tại Paris, việc tiếp theo là thuyết phục chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ngồi vào bàn đàm phán theo phương án mà các bên muốn hướng tới. Ngay sau khi nhận được sự ủng hộ từ Hà Nội, Văn phòng Tổng thống De Gaulle cử ngay một phái viên, mà danh tính được giữ kín, đến Sài Gòn. Phái viên này bí mật đến Sài Gòn vào trung tuần tháng 4/1968 và làm một công việc gần giống với bác sỹ Andre Roussel đã làm vài tháng trước tại Hà Nội, đó là phía Pháp hứa hẹn những giúp đỡ từ Paris dựa trên trách nhiệm đạo đức mà Pháp cảm thấy phải gánh vác tại Đông Dương. Vị phái viên này còn trấn an chính quyền VNCH rằng việc Pháp xích lại gần Hà Nội là một tính toán nhằm cân bằng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với chính phủ VNDCCH. Cuộc du thuyết mang lại kết quả tích cực.
Ngày 23/4, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Evening Star, Ngoại trưởng chính quyền VNCH khi đó đã khẳng định rằng chính quyền Sài Gòn không phản đối việc lựa chọn Paris làm địa điểm cho các bên đối thoại. Nước Pháp đã biết là cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam đều không phản đối Paris.
Trước đó 5 ngày, Ủy ban đối ngoại Quốc hội Pháp cũng đã phát đi tín hiệu cho biết nước Pháp sẽ không phản đối nếu chính phủ Mỹ và VNDCCH chọn Paris làm địa điểm đàm phán. Sau hơn 1 tháng của những nỗ lực ngoại giao con thoi căng thẳng, hội đàm Paris chính thức mở ra vào ngày 3/5/1968…
Bùi Quang, từ Paris
————————–
Tư liệu tham khảo:
– Vietnam 1968-1976: Exiting a War (Pierre Journoud & Cécile Menétrey-Monchau)
– Les révolutionnaires vietnammiens et sa lutte sur les “trois front” en 1968 (Rolland, D and Faure)
– Hanoi’s Diplomatic struggle during the American War – Pierre Asselin
– L’Europe et la guerre du Vietnam, 1963-1973 (Brussels, Bruylant 2003)
Theo VIETNAMNET
Tags: Pháp, Hiệp định Paris 1973