⠀
Nữ thi sĩ Olga Berggoltz: Vinh quang và cay đắng
Phải nói rằng, một thời văn học Nga đã có ảnh hưởng rất lớn tới nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Một trong những nữ thi sĩ Nga được nhiều người biết đến chính là Olga Berggoltz, nhưng không phải ai cũng biết về cuộc đời đầy thăng trầm cay đắng của người đàn bà xinh đẹp và tài hoa này.
Mùa lá rụng
Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả. Ôi trái tim, trái tim một mình tôi Nếu không có gì ao ước nữa trong tôi Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi! Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa Olga Berggoltz |
Thơ của Olga Berggoltz rất nữ tính, dịu dàng và đầy trí tuệ. Bà là một trong rất ít những nữ sĩ người Nga được nhiều người trên thế giới biết đến và hâm mộ.
Cô công chúa tóc vàng xinh đẹp và thời thơ ấu êm đềm
Olga Berggoltz sinh ngày mồng 3 tháng 5 năm 1910 tại thành phố Saint Petersburg, nơi có dòng sông Neva huyền ảo và thơ mộng nhất thế gian. Cha bà – ông Phedor Kristophorovich Berggoltz là một bác sĩ phục vụ trong quân đội và sau này làm việc nhiều năm trong một nhà máy, chữa bệnh cho công nhân.
Bà Maria Timopheevna, mẹ của nữ thi sĩ là một phụ nữ xinh đẹp, dịu hiền, sinh hạ hai cô con gái cùng bác sĩ Phedor. Gia đình bà sống ở khu Nevski và sau này một con phố ở đây được mang tên Olga Berggoltz. Tuổi thơ ấm êm không được bao lâu thì quê hương bà rơi vào cảnh súng đạn và đói kém.
Thuở nhỏ Olga Berggoltz là một cô bé xinh đẹp và đáng yêu, với đôi mắt xanh biếc và mái tóc vàng óng ả thừa hưởng gien của người cha, nhưng phảng phất trên gương mặt là một nét buồn như định mệnh cuộc đời bà sau này. Bà làm thơ rất sớm, từ năm 14 tuổi. Đó là bài thơ xúc động khi Lênin qua đời.
Người cha luôn là người khích lệ bà phát triển niềm say mê văn học và đi trên con đường thi ca của mình. Năm 16 tuổi, bà gia nhập một hiệp hội văn học, nơi nữ thi sĩ hy vọng sẽ được làm quen với các nhà thơ chuyên nghiệp như Mayakovsky và Bagritsky – những thần tượng văn học thời đó.
Hồng nhan bạc phận
Olga Berggoltz trải qua ba đời chồng và cuộc đời lận đận của bà bắt đầu từ các cuộc hôn nhân này. Mối tình đầu của Olga Berggoltz là với nhà thơ Boris Kornilov khi bà mới 15 tuổi. Non dại và đắm đuối, say thơ say tình nên họ làm đám cưới sau đó không lâu và có một con gái tên là Irina (bé mất khi mới 8 tuổi vì bệnh tim bẩm sinh). Bé gái thứ hai cũng bị bệnh tim và qua đời một năm sau đó.
Sau khi li dị với Boris, bà yêu và kết hôn với Nikolai Molchanov – một nhà phê bình văn học. Người chồng cũ Boris Kornilov đã bị bắn sau đó vì bị nghi ngờ là “phản bội lại chính quyền nhân dân”.
Năm 1938, Olga bị vào tù trong lúc đang mang thai và mất đứa bé trong tù do liên đới với người chồng cũ. Đứa con sinh non khi thai nhi mới được 6 tháng tuổi. Một lần nữa người mẹ đau khổ ấy lại mất con… Bà đã từng đau đớn viết:
“Hai con tôi đã chôn ở dưới mồ
Tôi cô độc trên trần gian ai biết
Con gái thứ ba của tôi bị giết
Trong trại giam khi chưa được chào đời”.
Năm 1942, người chồng thứ hai của nữ sỹ chết trong nạn đói khi Leningrad (tên gọi của Saint Petersburg khi ấy) bị quân Đức bao vây. Mất con, mất chồng liên tiếp, nỗi đau chồng lên nỗi đau.
Năm 1949 nữ thi sĩ đi bước nữa với Georgi Makogonenko và cuộc hôn nhân này kéo dài 10 năm. Người chồng thứ ba là nhà ngôn ngữ học, ông đã nâng bà dậy sau những đớn đau của cuộc đời liên tiếp đè nặng lên vai. Cả hai cùng viết chung những vở kịch, kịch bản phim và nhiều bút ký được đăng tải trên rất nhiều tạp chí và ấn phẩm thời bấy giờ. Có thể nói đây là thời kỳ hạnh phúc nhất của nữ sĩ.
Georgi Makogonenko là một anh chàng đẹp trai, lại làm việc ở xưởng phim, nơi có nhiều nữ diễn viên xinh tươi và trẻ đẹp luôn tìm cách tán tỉnh ông. Nữ sĩ yêu chồng trong tâm trạng bất an, say đắm và ghen tuông giằng xé. Rồi chuyện gì Olga Berggoltz luôn cảm nhận được bằng trực giác đàn bà cũng đã xảy ra, Georgi đã bỏ bà đi với một người đàn bà khác. Từ đó bà lao vào rượu vào thuốc lá để vùi quên. Những bài thơ buồn, cô đơn đến não nề và cả “âm thầm cay đắng ghen tuông” nữa có từ cuộc tình này.
Người ta cho rằng Makogonenko là nguyên nhân của sự cô đơn của Olga và dẫn đến những cơn say liên miên của nữ sĩ vào lúc cuối đời. Từ một phụ nữ xinh đẹp dịu dàng, bà đã hứng chịu không biết bao lời gièm pha của người đời khi trở thành một phụ nữ nát rượu bê tha. Mối tình với người chồng thứ ba này đã mang lại cho bà tất cả những hệ lụy của tình yêu như nó vốn có. Ngọt ngào và đắng cay, khổ đau tột cùng và hạnh phúc vô biên.
Một cuộc đời tài hoa trải qua bao nhiêu bất hạnh được tái tạo trong những bài thơ tình mang tên Olga Berggoltz. Là người phụ nữ yêu đắm đuối mê say và cũng đau khổ vật vã vì yêu nên thơ của bà đi vào lòng người với rất nhiều cung bậc mãnh liệt. Có lúc bà tự ví phận mình như cây ngải đắng, qua bao thăng trầm vẫn bền bỉ sống và nở hoa bên đời.
Nhà thơ công dân của thành Leningrad
Người yêu thơ Việt Nam biết đến nữ sỹ Olga phần lớn qua các bài thơ tình trong khi phần lớn các tác phẩm của bà lại là thơ thế sự, phản ánh đúng cuộc chiến tranh lúc bấy giờ. Trong thời gian Leningrad bị bao vây (900 ngày đêm), bà đã viết những trường ca ca ngợi những người lính dũng cảm bảo vệ thành phố như: “Nhật ký tháng Hai”, “Leningrad”. Một câu nói nổi tiếng của bà được khắc trên bức tường của nghĩa trang thành phố là: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”.
Năm 1941 khi chiến tranh nổ ra trên đất nước Xô viết, Olga Berggoltz làm việc tại Đài Phát thanh Leningrad. Bằng giọng nói ngọt ngào, bà đọc tin chiến sự và đọc thơ cho nhân dân nghe và cùng thành phố vượt qua những ngày tháng khó khăn do chiến tranh, đói khát và dịch bệnh. Nhà thơ công dân Olga Berggoltz đã nhận được nhiều huân, huy chương vì những cống hiến cho Tổ quốc và được nhân dân thành phố Leningrad yêu quý và ngưỡng mộ.
Là hội viên của Hội Nhà văn Liên Xô từ năm 24 tuổi, ngoài thơ bà còn là một nhà văn với rất nhiều tác phẩm đa dạng về thể loại như truyện, ký và kịch.
Olga Berggoltz mất năm 1975 (phần mộ của bà được đặt tại nghĩa trang Literatorskie Mostki), khép lại những đắng cay ngọt ngào mà tình yêu và số phận đã mang tới cho người đàn bà xinh đẹp và tài hoa này. Dư âm của cuộc đời bà đọng lại là những thi phẩm còn mãi với thời gian.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nữ sỹ, người viết bài này xin gửi tới bạn đọc một chùm thơ Olga Berggoltz do chính mình dịch để tưởng nhớ tới một thần tượng thi ca trong tim mình.
MỘT BÀI CA
Chúng mình chẳng gặp nhau nữa đâu –
tạm biệt nhé, hãy mỉm cười lên nhé…
Hãy nói rằng anh không hờn giận nữa
những tháng ngày nhanh qua?…
Đã qua rồi đã qua thật rồi ư
như gió lùa qua căn phòng lạnh lẽo
như bờ lau rền rĩ tiêu điều…
…Nếu chẳng nhớ em
như một người yêu
xin đừng nhớ em như một người quen cũ
mà nhớ em như một giấc mơ…
Những bài ca cuồng dại của em
có bím tóc đung đưa trong gió
theo bậc gỗ đi lên vựa cỏ
mỗi sớm mai run rẩy dịu dàng…
ÔI MÙA ĐÔNG U ÁM LÀM SAO…
Ôi mùa đông u ám làm sao,
những cơn bão tuyết lê thê chả ngớt!
Mặt trời ló vài tia yếu ớt
rồi lại đêm rồi bóng tối lại về…
Trong tim sao câm lặng nhường kia
không thanh âm không cả lời rên rỉ …
Nghe cái chết chẳng thèm đáp khẽ
Và ai trả lời? Trống rỗng mà thôi…
Ôi mùa đông này giá đừng có mùa đông…
Và dẫu rằng sự trìu mến của anh
quay trở về bất ngờ và vội vã
em đâu cần những đám mây như thế
phủ lên đời đời hoá tối tăm hơn
Lẽ nào em không đoán trước trong lòng
rồi sẽ đến một mùa đông u ám,
một mùa đông hoàn toàn không ánh sáng,
một mùa đông hoang lặng niềm vui?…
EM BUÔNG TAY…
Em đang làm gì?! Em buông tay…
khỏi người đàn ông, mình chinh phục được
dù phải chối bỏ bản thân, niềm mơ ước
hơi thở của chính mình…
Chẳng phải anh sao? – Số phận của em,
em gọi thế vì tình yêu đó
Em từng chạy theo anh vội vã
nguyện cầu có anh bằng những bài ca?
Tận cùng thế gian nơi vách đá mờ xa,
dưới gầm trời trải dài dãy núi
nơi đêm đen của miền biên giới,
tình yêu từng gắn bó hai ta…
Từng làm việc từng lang thang phiêu dạt
Anh và em đã chẳng rời xa,
bao nhiêu người ghen tỵ bởi tình ta
và bạn bè cũng từng tị nạnh…
Em đang làm gì?! Em buông tay ư?
Theo NGUYỆT VŨ / VĂN NGHỆ CÔNG AN
Tags: Liên Xô, Văn học, Văn hóa Nga, Olga Berggoltz