⠀
Những trào lưu quan trọng nhất trong lịch sử điện ảnh
Một trào lưu điện ảnh có thể được coi là một làn sóng những bộ phim đi theo một xu thế thịnh hành nào đó ở một thời điểm. Các trào lưu điện ảnh sẽ khai sinh ra những kĩ thuật làm phim, những cách thể hiện mới lạ và ảnh hưởng rất nhiều đến phương thức mà các đạo diễn hậu thế sử dụng trong các tác phẩm của họ. Thế kỉ 20 chứng kiến sự bùng nổ của các trào lưu điện ảnh trên khắp thế giới và dẫn đến sự ra đời của vô số những tuyệt tác có tầm ảnh hưởng lớn.
1. Chủ nghĩa Ấn tượng Pháp (French Impressionism) (1918-1930)
Các các nhà làm phim theo chủ nghĩa Ấn tượng Pháp được truyền cảm hứng từ các đồng nghiệp bên ngành hội họa. Sự xuất hiện bùng nổ của các bộ phim đen trắng theo trường phái này vào thập niên 1920 đã tạo nên một cú hích lớn khiến điện ảnh đi theo một hướng hoàn toàn mới đầy hứa hẹn. Các bộ phim thời kì này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự tàn phá của Thế Chiến thứ Nhất, chúng thường đào sâu vào những góc u tối trong tâm hồn con người và đem đến những cái nhìn mang tính biện giải cho sự xuất hiện của những suy nghĩ tăm tối, bạo lực và đáng sợ trong mỗi chúng ta. Những kĩ thuật mới trong dựng phim phi tuyến, cách kể chuyện với điểm nhìn chủ quan hay quay phim đã ào ạt ra đời trong quãng thời gian này. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của thời kì này – Napoleon (1927), được coi là một trong những bộ phim đầu tiên giới thiệu khái niệm màn ảnh rộng (Widescreen) đến công chúng. Đạo diễn Abel Gance và các cộng sự của ông còn thể hiện sự sáng tạo vượt bậc khi gắn camera vào một chiếc giày trượt patin để thu một số cảnh phim của Napoleon.
Các đạo diễn thời kì này như Gance, Germaine Dulac hay Jean Epstein nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ những nhà sản xuất lớn của Pháp như Pathé Fréres hay Leon Gaumont, trong bối cảnh mà làn sóng phim ảnh Mỹ đang ồ ạt dồn tới. Như nhà phê bình điện ảnh David Parkinson đã chỉ ra trong 100 Ý Niệm Thay Đổi Điện Ảnh, người đi đầu trong phong trào này – Louis Delluc, đã thổi hồn cho một trường phái nghệ thuật khác biệt, mang đậm dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ và tính bản địa sâu sắc. “Điện ảnh Pháp phải là điện ảnh thực thụ”, ông nhấn mạnh. “Điện ảnh Pháp phải mang dấu ấn người Pháp”.
Các tác phẩm nổi tiếng thời kì này: Fièvre (1921), The Smiling Madame Beudet (1922), The Wheel (1923), The Faithful Heart (1923), The Seashell And The Clergyman (1928), Napoléon (1927)
Tầm ảnh hưởng: Trên cơ bản là mọi thứ. Bạn có tìm thấy hình bóng của chủ nghĩa Ấn tượng Pháp ở các tác phẩm của nhà biên kịch thiên tài Jean Cocteau, sự ảnh hưởng của nó lên trào lưu French New Wave và thậm chí là các nhà làm phim đi theo trường phái Hiện thực lãng mạn bùng nổ trong kỉ nguyên vàng của điện ảnh Pháp.
2. Chủ nghĩa biểu hiện Đức (German Expressionism) (1919-1926)
Cũng giống như nước Pháp, những nghệ sĩ nước Đức thập niên 1920 ưa thích những tông màu u ám cho các tác phẩm của mình, họ cho ra đời những bộ phim gắn liền với sự kinh hoàng và hậu quả tang thương của cuộc chiến tranh. Các đạo diễn của chủ nghĩa Biểu hiện Đức, cũng giống như những nghệ sĩ của phong trào nghệ thuật hiện đại Dada, khai thác hình ảnh một xã hội bị chia rẽ với những nhân vật mất phương hướng hay phải gánh chịu những tổn thương trong tâm hồn, tiêu biểu như đứa trẻ bị giết của Peter Lorre trong M hay Cesare trong The Cabinet Of Dr. Caligari. Với tôn chỉ là phá vỡ những khuôn vàng thước ngọc, những quy phạm điện ảnh cứng nhắc gắn liền với các bộ phim Hollywood, Chủ nghĩa Biểu hiện Đức đã thổi một làn gió hoàn toàn mới vào điện ảnh châu Âu và đưa vị thế của nước Đức lên một tầm cao mới trong ngành công nghiệp này. Những bộ phim ra mắt thời kì này của Đức vừa thành công ở phòng vé vừa nhận được sự đánh giá cao ở giá trị nghệ thuật.
Nhắc đến sự thành công của một bộ phim thì không thể bỏ qua những con người đã làm nên chúng. Tài năng của các đạo diễn như Robert Wiene và Fritz Lang được nâng tầm nhờ những cộng sự không kém phần lỗi lạc như biên kịch Thea von Harbou (Metropolis, Destiny, M), nhà quay phim Karl Freund (The Golem, Metropolis), nhà thiết kế bối cảnh Hermann Warm (Dr. Caligari, Destiny) hay các giám đốc mĩ thuật Walter Röhrig và Walter Reimann (Dr. Caligari). Sở hữu những con người tài năng và sự giúp đỡ đều đặn của các studio lớn, điện ảnh Đức liên tục cho ra đời những tác phẩm sử thi mang màu sắc ma mị, u tối nhưng không kém phần góc cạnh.
Các tác phẩm nổi tiếng thời kì này: The Cabinet Of Dr. Caligari (1920), Phantom (1922), Dr. Mabuse The Gambler (1922), Die Nibelungen (1924), Metropolis (1927), M (1931).
Tầm ảnh hưởng: Chủ nghĩa Biểu hiện Đức có thể coi là cha đẻ của dòng phim kinh dị, bắt đầu với Vũ trụ Quái Vật của Universal những năm 1930. Kể từ đó cho đến nay, chủ nghĩa Biểu hiện xuất hiện rộng khắp trong các tác phẩm kinh dị nổi tiếng, từ Psycho của Alfred Hitchcock hay đến các bộ phim của Tim Burton. Phim noir, dòng phim mà đạo diễn Fritz Lang rất cổ xúy cũng ra đời và phát triển với nguồn cảm hứng từ cách thể hiện cho đến phần hình ảnh, âm thanh mang màu sắc creepy của Chủ nghĩa Biểu hiện. Những tác phẩm khoa học viễn tưởng hiện đại như Blade Runner, Dark City hay The Matrix rõ ràng cũng mang màu sắc từ một trong những chủ nghĩa có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại của điện ảnh.
3. Montage Xô Viết (Soviet Montage) (1924-1935)
Nếu bạn chưa từng xem một bộ phim điện ảnh Liên Xô những năm 1920 , bạn sẽ bỏ lỡ một trong những kĩ thuật dựng phim nổi bật nhất của điện ảnh: Montage. Montage nói nôm na là cả một hệ thống có quy củ dựng và làm phim theo phong cách Liên Xô. Các nhà làm phim nước này xây dựng nên một trường phái khác biệt hoàn toàn với phong cách khúc chiết và sự tiếp nối không thời gian có lớp lang của Hollywood. Ở Montage, sự kết hợp giữa nhịp điệu, sắc thái biểu cảm và sự tương tác giữa các phân cảnh sẽ tạo nên cấu trúc hoàn chỉnh cho một bộ phim. Trường phái này bắt đầu khi đạo diễn Lev Kuleshov nhận ra biểu cảm của người diễn viên là chưa đủ để truyền tải những ý tưởng nhất định, vì thế ông đặt những khung hình liên tiếp cạnh nhau, hay nói cách khác khác là đặt nhân vật vào trong những nhóm đối tượng khác nhau để biểu hiện sự tương phản và ý đồ của mình. Montage còn có tên gọi khác là “Hiệu ứng Kuleshov”.
Montage bác bỏ Chủ nghĩa Tư Bản với phong cách đi ngược lại những bộ phim có kĩ thuật dựng tuần tự, hay các tác phẩm lãng mạn ra đời nhan nhản. Chủ nghĩa này nhanh chóng khơi dậy sự sáng tạo của các đạo diễn đến từ mọi nơi. Những tác phẩm của vị đạo diễn lẫy lừng Sergei Eisenstein cũng được truyền cảm hứng bởi Kuleshov. Các bộ phim của ông không bao giờ mang đến cho khán giả một trải nghiệm dễ dàng, những cắt cảnh khó hiểu giữa những hình ảnh ngẫu nhiên luôn khiến khán giả phải tự giải mã ý tưởng của tình huống. Các bộ phim đi theo phong cách này cũng hiếm khi tập trung vào một nhân vật chính. Người anh hùng trong một bộ phim luôn là “mọi người” và trong rất nhiều tác phẩm, nhân vật chính còn không có tên với mục đích hợp nhất những nhân vật trọng yếu.
Các tác phẩm nổi tiếng thời kì này: Strike (1924), Battleship Potemkin (1925), October (Ten Days That Shook The World) (1927), The Man With The Movie Camera (1929)
Tầm ảnh hưởng: Điểm đặc trưng của Montage là sự thay đổi liên kết không thời gian được nhìn thấy trong rất nhiều tác phẩm xuyên suốt lịch sử điện ảnh. Citizen Kane, Scarface, Rocky hay Commando đều chịu ảnh hưởng của Montage, có điều chúng không đào sâu vào chủ nghĩa này như các tác phẩm điện ảnh Liên Xô.
4. Chủ Nghĩa Tân Hiện Thực Ý (Italian Neorealism) (1942-1951)
Nếu như sau Thế Chiến thứ Nhất là thời của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức thì sau Thế Chiến thứ Hai, đến lượt Chủ nghĩa Tân Hiện Thực Ý lên ngôi. Nước Ý, một trong ba nước phe trục đã phải hứng chịu những hậu quả nặng nề và ngành công nghiệp điện ảnh nước này cũng không ngoại lệ. Thiếu phương tiện vật chất, thiếu trường quay, thậm chí đến studio lớn nhất nước này – Cinecittà, cũng bị tàn phá bởi quân đồng minh. Những đạo diễn Ý thời bấy giờ đã quyết định hướng điện ảnh tới đường phố, sử dụng những ánh sáng sẵn có, diễn viên không chuyên và những trang thiết bị giản đơn để ghi lại những mẩu chuyện của những con người bình dị, những người luôn phải vất vả với cuộc mưu sinh thường ngày và vật lộn với điều kiện ăn ở tồi tệ. Và thế là Chủ nghĩa Tân Hiện Thực ra đời.
Rất lâu sau khi trùm phát xít Ý Benito Mussolini và đám tay chân của ông ta biến mất khỏi nước Ý, Chủ nghĩa Tân Hiện Thực vẫn nở rộ mạnh mẽ. Những bộ phim của Luchino Visconti hay Roberto Rossellini được ra mắt mang đến một cái nhìn chiết trung về những con người, những mảnh đời bị xoáy vào vòng quay của lịch sử và số phận. Những câu chuyện của họ không “đao to búa lớn”, không vĩ mô siêu thực mà bình dị, rất đời và đem đến một xúc cảm buồn man mác. Những đạo diễn theo Tân Hiện Thực, người thì giàu có (Visconti), kẻ lại sinh ra trong đói nghèo (De Sica), họ góp tiếng nói chung để biến điện ảnh trở thành công cụ thay đổi một xã hội Ý thiếu thốn và u ám. Họ tôn vinh những con người tầm thường, khắc họa hình ảnh những cá thể nhỏ bé trong một vũ trụ rộng lớn với đầy đủ những hỉ nộ ái ố và những cung bậc cảm xúc. Tân Hiện Thực Ý vì thế mà gần gũi, vì thế mà đáng nhớ và đáng trân trọng.
Các tác phẩm nổi tiếng thời kì này: Ossessione (1943), Rome, Open City (1945), La Terra Trema (1948), Bicycle Thieves (1948), Germany, Year Zero(1948), Umberto D (1952).
Tầm ảnh hưởng: Tân Hiện Thực để lại vô số những di sản cho hậu thế, đặc biệt là với điện ảnh Ý những thập niên 70, 80, 90. Một trong những đạo diễn tài năng nhất ở thời điểm hiện tại – Martin Scorsese, cũng là một người rất tôn sùng Tân Hiện Thực và luôn tôn vinh chủ nghĩa này trong các tác phẩm của ông. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà làm phim về sau này đi theo xu hướng hiện thực đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ Tân Hiện Thực Ý gần 80 năm về trước.
5. Làn Sóng Mới Anh (British New Wave) (1958-1963)
Những năm đầu của thập niên 1960, các nhà làm phim xứ sở Sương Mù không ngừng cho ra đời những tác phẩm lấy hiện thực xã hội làm chủ đề chính. Những đạo diễn như Tony Richardson, Karel Reisz, Lindsay Anderson hay John Schlesinger không miêu tả về một London hào nhoáng mộng mơ như trong các bộ phim trước đây, họ quan tâm nhiều hơn tới một đất nước với sự phân hóa giai cấp rõ rệt và cuộc sống của con người ở vùng nông thôn.
British New Wave ra đời gắn với hình ảnh cuộc sống lao động vất vả, thực tại xã hội chán chường và những nhân vật thuộc giai cấp công nhân luôn phải vật lộn đấu tranh với miếng cơm manh áo. Trào lưu xoáy sâu vào những mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và tầng lớp trung lưu, qua đó vẽ nên hình ảnh một nước Anh thô ráp và đả kích những lớp người luôn muốn trốn tránh thực tại. Bên cạnh những bộ phim chất lượng và có chiều sâu, trào lưu British New Wave cũng được coi là cái nôi sản sinh ra nhiều nam diễn viên Anh quốc xuất chúng như Albert Finney, Tom Courtenay, Rita Tushingham hay Julie Christie, Alan Bates.
Các tác phẩm nổi tiếng thời kì này: Room At The Top (1959), Saturday Night And Sunday Morning (1960), A Taste Of Honey (1961), The Loneliness Of The Long Distance Runner (1962), Billy Liar (1963), This Sporting Life (1963), Darling (1965).
Tầm ảnh hưởng: Bộ phim Kes (1969) của đạo diễn Ken Loach có thể coi là tuyệt tác cuối cùng của British New Wave. Trào lưu dần biến mất trong những năm sau 1970 nhưng ảnh hưởng của nó lên hậu thế vẫn khá rõ ràng. Shane Meadows, Ricky Gervais hay Stephen Merchant, những nhà làm phim tài ba của điện ảnh Anh trong những năm gần đây đều được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ British New Wave và cho ra đời nhiều tác phẩm mang đậm dấu ấn của trào lưu này.
6. Làn Sóng Mới Pháp (French New Wave) (1959-1964)
Sau Thế chiến thứ Hai, điện ảnh Pháp không còn giữ được vai trò tiên phong như trước đây. Sự trỗi dậy của nhiều nền điện ảnh Đông Âu hay đặc biệt là thành công vang dội của Tân Hiện Thực Ý đã khiến Pháp dần tụt hậu trong bộ môn nghệ thuật mà đất nước này luôn tự hào. Hàng loạt các nhà phê bình điện ảnh của Pháp đã lên tiếng đề ra những giải pháp mang tính cách tân, điều đã trực tiếp dẫn đến sự ra đời của French New Wave.
Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những nhà làm phim người Mỹ như Sam Fuller hay Don Siegel, những đạo diễn khai sinh ra French New Wave như Jean-Luc Godard hay François Truffaut kêu gọi sự phá cách trong lối kể chuyện và nghệ thuật dựng phim. Họ cho ra đời những tác phẩm phá vỡ các tư duy lối mòn làm trì trệ điện ảnh, thay thế những bộ phim tuyên truyền bằng những tác phẩm với hướng đi mới táo bạo, đề cao vai trò của người đạo diễn hơn biên kịch và khai sinh ra hàng loạt kĩ thuật mới trong đó có Jump Cuts (cắt nhảy cóc). Các nhà làm phim French New Wave chú trọng việc ứng biến khi quay phim nhằm tạo ra những cảm xúc chân thực nhất cho tác phẩm. Các bộ phim thời kì này vừa chân thực vừa mang đậm chất thơ.
Các bộ phim nổi tiếng thời kì này: The 400 Blows (1959), Hiroshima Mon Amour (1959), Breathless (1960), Jules And Jim (1962), Cléo From 5 To 7 (1962), Bande À Part (1964), Pierrot Le Fou (1965).
Tầm ảnh hưởng: Bất kì trào lưu nào bắt đầu bằng từ “new” (New Hollywood, New German, The Czech New Wave,…) đều chịu ảnh hưởng từ Godard và các đồng nghiệp của ông. Các tác phẩm của những đạo diễn nổi tiếng từ Wes Anderson, Martin Scorsese, Quentin Tarantino cho đến Vương Gia Vệ đều mang màu sắc rõ nét của French New Wave từ kịch bản, khung hình, cách chuyển cảnh,… Nhiều bảng xếp hạng lớn trên thế giới xếp French New Wave là trào lưu quan trọng nhất trong lịch sử bộ môn nghệ thuật thứ 7.
7. Hollywood mới (New Hollywood) (1960s-1980s)
Giai đoạn thập niên từ 1930 đến 1950 được coi là kỉ nguyên vàng của Hollywood. Nhiều tác phẩm kinh điển ra đời cùng với sự nở rộ của những minh tinh màn bạc đầy tài năng khiến xứ sở cờ hoa trở thành miền đất hứa của điện ảnh thế giới. Một trong những nguyên nhân quan trọng lí giải cho sự thành công của Hollywood đó là nước Mỹ không hề phải gánh chịu hậu quả từ hai cuộc Thế chiến. Nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến điện ảnh Mỹ đi vào lối mòn. Trong khi các nhà làm phim châu Âu liên tục kêu gọi cách tân, nước Mỹ vẫn chìm đắm trong những bộ phim mang hơi hướng cổ điển lãng mạn, những tác phẩm sử thi tuân theo những khuôn vàng thước ngọc không còn bắt kịp thời đại.
Trong bối cảnh tình hình chính trị và xã hội có những biến động lớn lao như cuộc chiến tranh Việt Nam, vụ ám sát tổng thống Kenedy, vụ nghe lén lịch sử Watergate, khán giả Mỹ cần những bộ phim có thể phản ánh được hơi thở và bộ mặt của thời đại. Kỉ nguyên vàng của Hollywood cùng những Cary Grant hay Alfred Hitchcock dần trôi vào dĩ vãng, một lớp đạo diễn trẻ đầy tài năng đã sẵn sàng kế cận, họ đem đến những tác phẩm bạo dạn hơn, trần trụi hơn, gần gũi với nhiều đối tượng người xem nhưng vẫn không đánh mất đi chất thơ hay những nguốn cảm hứng nhân sinh quan vốn là biểu tượng của Hollywood.
Những Francis Ford Coppola, Steven Spielberg, Georgle Lucas hay Martin Scorsese đã thổi một làn gió hoàn toàn mới vào ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ vốn ưa chuộng những gì xa hoa, hào nhoáng. Họ không ngần ngại sử dụng những yếu tố bạo lực, tình dục hay tôn giáo trong các tác phẩm của mình. Họ khai thác những khía cạnh sâu sắc trong tâm hồn con người, vẽ nên bức tranh xã hội Mỹ qua những mảnh đời của đủ mọi dạng người từ nghiện ngập, mafia, những người lính bị sốc sau khi trở về từ chiến tranh hay cả những kẻ tâm thần.
Những tác phẩm nổi tiếng thời kì này: Taxi Driver (1976), Midnight Cowboy (1969), The Deer Hunter (1978), The Conversation (1974), The Godfather (1972), The Godfather II (1974), Chinatown (1974), Flew Over The Cuckoo Nest (1975), Annie Hall (1977), Halloween (1978), Apocalypse Now (1979), Raging Bull (1980).
Tầm ảnh hưởng: Có thể nói các bộ phim Mỹ mà chúng ta xem ngày nay hầu hết mang dấu ấn đậm nét từ New Hollywood. Thế hệ những đạo diễn tài năng của thập niên 70 tuy phần lớn đã tàn lụi, một số khác như Martin Scorsese hay Steven Spielberg vẫn có thể thay đổi để thích nghi với môi trường điện ảnh mới, đồng thời đem cái hồn của New Hollywood thổi vào trong những tác phẩm của họ. Chất liệu hiện thực được thể hiện rõ nét trong các bộ phim của Denis Villeneuve, Taylor Sheridan hay anh em đạo diễn nhà Coen là minh chứng cho những giá trị trường tồn của New Hollywood.
Theo SPIDERUM.COM / EMPIRE ONLINE.
Tags: Trào lưu nghệ thuật, Điện ảnh