⠀
Những thủ pháp được binh sĩ Hồng quân dùng trong chiến đấu giáp lá cà
Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), kỹ năng giành chiến thắng trong chiến đấu giáp lá cà được binh lính Xô viết phát huy rất tốt. Mặc dù năm 1941, quân Đức Quốc xã vượt trội Hồng quân Liên Xô về vũ khí, nhưng chúng vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với sự kháng cự quyết liệt của vệ quốc quân.
Người ta cho rằng, tên lính phát xít Đức nào không chiến đấu tay đôi với binh sĩ Xô viết thì coi như kẻ đó hoàn toàn không chiến đấu.
Những thủ pháp được kiểm chứng qua thời gian
Chiến đấu giáp lá cà trong quân đội Nga đã được áp dụng rộng rãi vài thế kỷ trước Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Kỹ năng đánh bại kẻ thù bằng lưỡi lê và báng súng có từ thời Sa hoàng Pyotr Đại đế. Nó bắt nguồn từ cuộc chiến phương Bắc, khi quân đội Nga chiến đấu chống lại Thụy Điển. Trong trận Poltava mang tính quyết định của cuộc chiến này, binh lính đã tự tay giết chết kẻ thù trên chiến trường.
Năm 1918, khi Hồng quân được thành lập, thể dục dụng cụ và chiến đấu bằng dao trở thành những môn học bắt buộc đối với binh lính. Chúng được coi trọng không kém các bài học bắn súng. Khái niệm “thể dục chiến đấu” có liên quan chặt chẽ đến kỹ thuật và quy tắc chiến đấu giáp lá cà. Binh sĩ được huấn luyện những động tác khác nhau có sử dụng vũ khí và xẻng công binh, động tác nhào lộn và vượt chướng ngại vật.
Trong cuộc nội chiến Nga, nhiều binh sĩ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến đấu giáp lá cà và sau này truyền lại kiến thức của mình cho đồng đội. Lúc đó, trong quân đội đã có nhiều cải cách giúp làm thay đổi những nguyên tắc chiến đấu giáp lá cà.
Theo đó, chiến đấu bằng lưỡi lê, bắn súng và ném lựu đạn được kết hợp thành một tổ hợp tác chiến duy nhất. Cuộc xung đột với Nhật Bản và cuộc chiến Mùa đông với Phần Lan vào những năm 1930 đã cho thấy tầm quan trọng của những kỹ năng này đối với lính Hồng quân.
Binh sĩ Hồng quân thường xuyên được dạy rằng, lưỡi lê của họ là thứ vũ khí tấn công, và bản chất của chiến đấu bằng lưỡi lê được lập luận như sau: “Kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh cho chúng ta thấy rằng, nhiều binh lính bị thương vong chỉ vì họ không biết làm thế nào để sử dụng đúng vũ khí của mình, đặc biệt là lưỡi lê. Trong khi đó, chiến đấu bằng lưỡi lê là yếu tố quyết định trong bất kỳ cuộc tấn công nào. Bên cạnh đó, lưỡi lê còn là vũ khí chính trong tác chiến ban đêm”.
Tuy nhiên, binh sĩ thường phải chiến đấu không chỉ bằng lưỡi lê. Mặc dù trong các đoạn phim thời sự Liên Xô có chiếu cảnh dân binh được dạy cách đâm kẻ thù bằng lưỡi lê khi trên đường chạy, nhưng trong những tháng đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức, họ đã phải chiến đấu trong những điều kiện hoàn toàn khác. Những người lính đánh quân địch trong các chiến hào, cố gắng tung một đòn duy nhất vào cổ và kết liễu chúng.
Ngoài ra, vũ khí thông dụng và nguy hiểm nhất tuyệt nhiên không phải là lưỡi lê, mà chính là xẻng công binh. Những nông trang viên và thợ xây dựng gia nhập Hồng quân Liên Xô đặc biệt rất giỏi kỹ năng này, bởi trước chiến tranh họ thường sử dụng rìu thợ mộc trong công việc của mình. Những cú đánh của binh lính mạnh đến mức có thể chặt đứt tay chân và đập vỡ đầu kẻ thù ngay lập tức.
Tinh khôn để sống sót
Đối với phần lớn lính Đức Quốc xã, kỹ năng chiến đấu bằng lưỡi lê, xẻng và dao của Hồng quân Liên Xô là đòn đánh bất ngờ, có thể so sánh với sự kinh ngạc của kẻ thù trước pháo phản lực Katyusha. Ngay trong những giờ đầu tiên của cuộc chiến, quân Đức đã đánh giá cao việc huấn luyện binh lính Liên Xô trong chiến đấu giáp lá cà. Điều này đã xảy ra khi binh sĩ Hồng quân đang bảo vệ pháo đài Brest. Có một số thủ pháp được lính Hồng quân sử dụng thường xuyên nhất.
Một trong những thủ pháp đó là sử dụng đòn đánh bằng báng súng. Binh lính phải vận dụng cách thức này nếu giáp mặt với kẻ thù, khi không thể đâm bằng lưỡi lê được nữa. Lúc này, các cú đánh có thể được thực hiện từ bên hông, từ phía trên, về phía trước và thọc ra sau. Để đánh địch từ bên hông, cần đồng thời tung chân phải về phía trước và động tác của tay phải từ dưới lên, dùng góc nhọn của báng súng ra đòn mạnh đập vào đầu kẻ địch. Cú đánh từ bên hông bằng báng súng có thể được áp dụng dễ dàng sau khi thực hiện một cú đánh trả sang bên trái. Với cú đánh này, cần bật gót cả hai chân theo đường tròn sang phải mà không gập gối. Sau đó, thực hiện một cú xoay người, đưa súng trường hoặc súng carbine sang một bên càng xa càng tốt. Tiếp đó, cùng với việc vung chân phải là một cú đánh bằng báng súng vào mặt đối phương.
Một phương pháp hiệu quả khác trong chiến đấu giáp lá cà nữa được gọi đỡ đòn. Thủ pháp này sử dụng để đánh trả đòn đánh của kẻ địch. Việc đỡ đòn phải thực hiện bằng một tay, không được xoay người. Cách phòng bị này giúp người lính tránh được nguy cơ xảy ra sơ hở trước kẻ thù và bị đánh đòn phủ đầu. Ngoài ra, lính Hồng quân thường sử dụng chiến thuật cướp lấy vũ khí của đối phương bằng tay không, rồi sau đó đánh mạnh vào cổ hoặc mặt chúng.
Sự hy sinh quên mình của binh lính Xô viết đã khiến quân phát xít Đức khiếp sợ. Những câu chuyện về các trận chiến giáp lá cà với người Nga luôn kinh hãi đối với chúng. Trong hồi ký của binh sĩ Hồng quân Liên Xô thường có những mô tả sinh động về các cuộc giao tranh đó. Trong mắt đồng đội, thì những người lính Xô viết đã hất tung kẻ thù lên bằng lưỡi lê và ném chúng ra khỏi chiến hào, không khác gì “vớt cá lên bờ”. Những cảnh tượng như vậy không phải là hiếm, nên lính Đức Quốc xã cố gắng giữ vững tinh thần trước khi xung trận. Để dập tắt nỗi sợ hãi trước binh sĩ Liên Xô, quân phát xít Đức có thể uống rượu ngay trước khi diễn ra mỗi trận chiến. Tuy nhiên, điều này hầu như không có tác dụng gì, mà ngược lại càng khiến chúng dễ bị tổn thương hơn. Bởi lẽ trong chiến tranh, như tục ngữ Nga có câu, mọi phương tiện đều tốt, những người lính Hồng quân cũng phải dùng đến “thủ pháp” để sống sót. Vì vậy, trong chiến đấu giáp lá cà, binh lính có thể vớ lấy một nắm đất và ném vào mặt kẻ thù để tạo thêm vật cản.
Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN RUSSIAN7.RU
Tags: Liên Xô, Thế chiến II, Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Nghệ thuật quân sự