Những nhân vật cải cách trong lịch sử Việt Nam: 3 – Trần Thủ Độ

Vào đầu thế kỷ XIII, vương triều Lý đã suy thoái đến cực điểm. Khủng hoảng diễn ra triền miên, khủng hoảng cung đình đi đôi với khủng hoảng toàn diện của xã hội.

 

Khu lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ ở Thái Bình.

Như nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã khái quát: “Vua chơi bời vô độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liên miên, nhà Lý suy từ đấy”. Nhân cơ hội ấy ngoại xâm đến quấy rối biên cương. Đây chính là thời điểm mà lịch sử cần có người tài trí ra giúp nước và Trần Thủ Độ đã xuất hiện với quy luật : “Thời thế tạo anh hùng và anh hùng lại tác động tích cực tới thời thế”.

Sự nghiệp lớn lao của ông là thực hiện “đổi mới vương triều”, Trần Thủ Độ đã “đạo diễn” cho việc đổi mới vương triều từ Lý sang Trần bằng cuộc đảo chính cung đình, gọn nhẹ, táo bạo, không đổ máu và thành công.

Trần Thủ Độ nhận ra rằng quan trọng nhất là đổi mới kinh tế xã hội : Trước hết là chuyển dần công hữu ruộng đất thành tư hữu như sử ghi: “Năm Quý Sửu (1253), tháng 6, bán ruộng công, mỗi diện là 5 quan tiền (bấy giờ gọi mẫu là diện) cho phép nhân dân mua làm ruộng tư. Lúc đó muốn giải thể nhanh chế độ công xã nguyên thủy, chuyển sang công xã nông thôn có tư hữu, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế hàng hóa – tiền tệ mà không có lệnh nhà nước ban hành cho phép tư hữu hóa ruộng đất thì không thực hiện được. Ngoài quyết định cơ bản ấy còn có hàng loạt biện pháp kinh tế khác như :

– Phát triển nông nghiệp : Đắp đê ngăn lũ, ngăn mặn, khai kênh tưới, tiêu. Không chỉ coi trọng việc tăng sản xuất lúa gạo, mà còn chú ý cả tới trồng cây ăn quả, cây phòng hộ;

– Đẩy mạnh phát triển công, thương; – Định ra các phường buôn bán, sản xuất ở thủ đô Thăng Long… (quy hoạch 61 phường ở kinh thành Thăng Long để tiện quản lý công, thương…). “Khoan sức cho dân”, nhà nước không đánh thuế thân mà chỉ đánh thuế đinh theo sở hữu ruộng đất…

Đổi mới kinh tế có tác động tích cực tới đổi mới văn hóa. Tuy Phật giáo vẫn là quốc giáo nhưng Khổng giáo ngày càng có tác dụng tích cực đối với một xã hội mà pháp trị đang từng bước nâng cao. Về học hành, khoa cử, vua xuống chiếu mời nho sĩ trong nước đến Quốc học viện giảng tứ thư, lục kinh. Thi cử được đổi mới, tăng thêm các học vị trong khoa bảng. Trước đây chưa chọn tam khôi thì nay đặt ra lệ chọn tam khôi là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Cùng năm 1239, mùa thu, đã công bố thể lệ tổ chức thi các khoa thông tam giáo. Thừa nhận tam giáo (Nho, Phật, Lão) “đồng nguyên”. Đó là một tiến bộ về tư tưởng tôn giáo so với thế giới đương thời. Bởi vì ở thế kỷ XIII, kỳ thị tôn giáo, chiến tranh tôn giáo trên thế giới vẫn nặng nề, nhưng ở Việt Nam thì “tam giáo” đó vẫn song song tồn tại và phát triển. Nhà nước lại cho mở các khoa thi thông tam giáo để khích lệ sự đoàn kết, thống nhất. Tư tưởng pháp trị biểu hiện về mặt văn hóa, khoa học là cho soạn thảo luật pháp thành văn: Năm Canh Dần (1230), mùa xuân, tháng 3, khảo xét các luật lệ của triều trước soạn thành Quốc triều thống chế và sửa đổi hình luật, lễ nghi gồm 20 quyển kiến trúc, trang trí nội thất cung đình cùng nhu cầu về triều y, phẩm phục, trang sức dân gian cũng khiến sản xuất thủ công, mỹ nghệ phát triển với Thăng Long 61 phố phường… Múa hát trong cung đình và vui chơi hát xướng trong dân gian phát triển, biểu hiện những cuộc vui chung sau những yến tiệc của anh em tông tộc Trần triều cũng như vua quan trong cung đình. Nhân dân thì vui với thơ, ca, đấu vật, múa rối… Nhờ vậy mà sử chép: “Bấy giờ, quốc gia vô sự, nhân dân yên vui”.

Nhìn chung lại: Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, nhân dân được yên vui – tất cả đã biểu hiện bước tiến bộ của xã hội đầu Trần do “đổi mới” mang lại mà Trần Thủ Độ là người có công đầu. Đó là nguyên nhân chính khiến khi giặc Nguyên Mông đến xâm phạm bờ cõi (lần thứ nhất năm 1257), Trần Thủ Độ đã có thể tin tưởng và quyết tâm chống xâm lăng, biểu lộ ra ở câu trả lời nhà vua một cách vô cùng đanh thép : “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.

Theo GS. VĂN TẠO / BÁO QUẢNG NAM

Tags: , ,