⠀
Những kỷ niệm không bao giờ quên xe buýt Hà Nội một thời
Người Hà Nội năm xưa từng đi xe buýt hẳn sẽ không quên những cái tên xe buýt một thời như: Ba Đình, Hải Âu, rồi Karosa. Thời xe Ba Đình đã quá xa xôi. Thời xe Hải Âu xe trần thấp, nhiều người “nhỡ” cao thì phải cúi…
>> Chùm ảnh: ‘Bộ sưu tập’ xe buýt đủ mọi chủng loại ở Hà Nội năm 1996 |
Một ngày xuân, tôi cùng cô bạn học cấp I năm xưa lang thang phố cổ Hà Nội. Rủ nhau lên xe buýt hai tầng du xuân qua các con phố, bạn chợt hỏi: “Mình đi xe buýt lần đầu tiên là khi nào nhỉ?”. Câu hỏi của bạn khiến tôi nhớ về những ngày thơ bé năm tôi 4 tuổi lần đầu tiên được mẹ dắt chờ xe buýt ở ngã tư Bà Triệu – Hai Bà Trưng. Chiếc xe buýt vuông thành sắc cạnh mà sau này tôi thấy mọi người hay gọi là xe Ba Đình từ từ đỗ sát vỉa hè. Bước lên xe, bỗng nghe giọng nói của phụ nữ: “Đóng cửa xe lại không có là công an phạt đấy”. Rất ngỡ ngàng khi giọng nói đó của một cô gái đang ngồi cầm lái, mái tóc phi giê nhưng chân đi đôi dép quai hậu nhựa trắng Tiền Phong. Chuyến xe từ Bà Triệu về Cầu Giấy không biết dừng những đâu, xe đông hay vắng bởi hình ảnh cô con gái lái ô tô đã chiếm trọn tâm trí và sự thích thú của đứa trẻ là tôi quãng năm 1978 gì đó.
Xe Karosa SM11 (Tiệp Khắc – CH Séc) biển số 29D-05-21 chạy tuyến bác Cổ – Giám – Hà Động, đang đi qua khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội năm 1996.
Sau này, cô gái lái ô tô đó chuyển hẳn về lái chuyên tuyến số 15: Bờ Hồ – Bà Triệu – Ô Cầu Dền – Bạch Mai – Chợ Mơ – Trương Định – Chùa Sét – Đuôi cá – Vọng – Công viên – Ga Hàng Cỏ – Rạp Kim Đồng – Bờ Hồ hoặc chạy ngược lại. “Cô con gái lái ô tô” đó tên thật là Quỳ lái chiếc xe Hải Âu 36 chỗ, khách đi xe thường gọi chị Quỳ, có khi gọi anh Quỳ vì cô Quỳ hay mặc quần áo kiểu nam giới. Những đứa trẻ quàng khăn đỏ như tôi hồi đó lên xe thường được cô Quỳ cho đứng và ngồi ghế ngay sát lái. Vừa để cho bọn trẻ con được ngắm đường, vừa dễ cho cô quan sát gương chiếu hậu và cái chính là cô xua được đội chuyên móc túi của khách trên xe buýt.
Dù là phụ nữ nhưng cô Quỳ lái xe chưa bao giờ bị va chạm và những cú vào cua của cô thì bọn trẻ con chúng tôi thích lắm. Hồi đó, xe buýt đang chạy hay có người nhảy lên bám cửa chui vào, nếu công an thấy thì lái xe sẽ bị phạt. Khi đang lái, thấy có người chạy ra định đu cửa xe nhảy lên, cô Quỳ thường sang lái bên trái tránh rồi trả lái bên phải lập tức. Lũ trẻ con thích lắm, và mỗi lần đi xe buýt tuyến 15 thì đều chờ xe cô Quỳ mới lên.
Chiếc xe “Hải Âu” PAZ 672U biển số 29C-24-99, sản xuất tại Liên Xô, được chụp hình tại bến xe Gia Lâm, Hà Nội năm 1996.
Thời bao cấp xe buýt được nhiều người lựa chọn bởi mức chi phí khá hợp lý khi mua vé tháng. Đi xe buýt thì đương nhiên phải đi bộ từ nhà ra bến xe đứng đợi. Những năm xa xưa, xe tuyến chạy từ Ngọc Hồi lên Bờ Hồ mỗi sáng khách thì ít mà hàng thì nhiều. Lũ học sinh đi học xa nhà bằng xe buýt sợ nhất khi lên xe có dân làng bún xếp bún tươi lên xe buýt. Mỗi thúng bún phủ mền cói cao vồng lên và không thể chồng lên nhau làm nát bún. Mỗi khi bọn trẻ quàng khăn đỏ lên xe là bị các “lái” bún mắng chửi té tát bắt đứng nép chặt vào một góc kẻo nát bún. Trẻ con thì thế, người lớn thì sợ nhất bị móc túi.
Bọn móc túi ngày xưa thường vắt chiếc áo bạt đi mưa lên cánh tay để ngang ngực, đứng cạnh khách ngồi xe rồi thò một tay vào túi áo ngực của khách móc trộm tiền, nếu bị phát hiện thì sẽ thụt bàn tay đó vào trong chiếc áo bạt. Lại có một cách hai tên đứng đằng sau, tên thứ hai thò hai ngón tay vào túi khách đi xe móc trộm tiền, nếu bị phát hiện thì tên thứ nhất chắn cho tên thứ hai. Có khi chính tên thứ nhất móc trộm tiền rồi tuồn cho tên đứng sau. Cũng từ đó mà có từ lóng “Công ty hai ngón” để chỉ những kẻ chuyên móc túi trên xe buýt. Nhiều người khóc lóc vật vã vì đi làm cả tháng đúng ngày lĩnh lương về thì bị “hai ngón” móc mất.
Một chiếc xe “Ba Đình” – IFA W50L (Đông Đức), biển số 29G-14-47, chạy trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội năm 1996.
Người Hà Nội năm xưa từng đi xe buýt hẳn sẽ không quên những cái tên xe buýt một thời như: Ba Đình, Hải Âu, rồi Karosa. Thời xe Ba Đình đã quá xa xôi. Thời xe Hải Âu xe trần thấp, nhiều người “nhỡ” cao thì phải cúi, bọn trẻ con thì thích nhất bấm chiếc nút trên trần phía cửa sau để làm giảm ga của xe. Nhưng bấm ba lần liên tiếp thể nào cũng bị chú bán vé véo tai. Đến thời xe Karosa, nhiều người rất dễ say vì xe không có điều hòa mà cửa kính kín mít chỉ là cửa gió nhỏ phía trên cao.
Thế kỷ hai mốt, khi mà các tuyến xe buýt ngày càng “phủ sóng” rộng khắp ở Thủ đô thì xe buýt Hà Nội đã có một sự thay đổi đáng kể. Xe buýt được trang bị hệ thống điều hòa, có loa, phân chia rõ cửa trước lên, cửa sau xuống, và có cả búa phá kính khi gặp sự cố… Đặc biệt xe buýt 2 tầng cũng đã được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình thăm quan phố phường, danh thắng Hà Nội. Ngồi trên xe ngắm nghía những tán cây, ban công, cửa sổ, mái ngói thâm nghiêm của Hà Nội trong tiết heo may tháng Mười thu hay trong một ngày xuân tươi sáng thật vô cùng thú vị.
Theo LÊ HỒNG QUANG / NGƯỜI HÀ NỘI
Tags: Hà Nội, Giao thông, Hoài niệm