⠀
Nhớ về thời bao cấp: Tết Trung thu ở Hà Nội
Những mùa thu ở Hà Nội, cho đến hết bậc tiểu học, món đồ chơi mà tôi luôn thấp thỏm mong ngóng chờ đợi là một chiếc mặt nạ giấy bồi hình đầu cáo, có cái mũi vàng đỏm dáng hếch lên, vừa điệu đà pha chút ngộ nghĩnh.
Chia sẻ của nhà thơ Từ Hồng Sơn.
Nô nức đêm hội trăng Rằm
Nỗi thấp thỏm thường trực, bởi vì thời bao cấp khó khăn nên tôi chẳng thể biết mình có được ông bà ngoại mua cho cái mặt nạ đó không. Giờ, bồi hồi nhớ lại… mỗi khi đeo mặt nạ lên là gương mặt tuổi thơ đầy vẻ háo hức, hân hoan. Và thoang thoảng ngửi thấy mùi hồ sắn quyện với mùi màu vẽ.
Tôi loay hoay dùng mũi kéo đục 2 lỗ 2 bên vành tai chiếc mặt nạ rồi luồn dây chun (thường 4, 5 chiếc dây chun đan thắt lại thành chuỗi), đeo thử vào rồi khua chân múa tay trước gương soi hồi lâu, sốt ruột chờ đêm vọng nguyệt.
Đêm thu nhiều gió nên một tay tôi cầm cán đèn ông sao, một tay khum che cây nến bé xíu liu riu hạt lửa đang lập lòe cắm giữa tim đèn cho khỏi tắt trong khi túm tụm đi bộ với đám trẻ con khu tập thể Lý Nam Đế sang phố Hàng Mã cạnh đó. Trời tối nên chiếc mặt nạ giấy bồi được giao nhiệm vụ canh trăng bằng cách kéo lên ngang trán, cũng tiện để tôi thấy đường đi cho dễ dàng, tránh bị vấp ngã làm hỏng đèn ông sao.
Được nửa đường, tôi sực nhớ quên dắt theo con thỏ đánh trống làm bằng sắt Tây vụn, sơn phết đỏ vàng trắng tươm tất, mà cô tôi mua cho ở phố Hàng Thiếc. Tôi luôn nghĩ nó là con thỏ của chị Hằng, trốn xuống trần gian chơi Trung thu một đêm một lần trong năm với tôi và nó đánh trống rất ư dõng dạc. Tôi định quay về lấy nhưng phần sợ muộn giờ xem múa lân, phần sợ mất dấu đám bạn cùng khu phố, nên bấm bụng tiếc thầm, rồi tiếp tục kéo nhau đến phố Hàng Mã.
Đến đoạn giữa phố Phùng Hưng đã thấy li ti những chấm đèn tròn trĩnh đỏ rung rinh như bầy đom đóm nhấp nháy đầu phố Hàng Mã đằng kia, như tín hiệu chỉ dẫn chúng tôi bước nhanh hơn, hớn hở hơn, khấp khởi hơn… Hàng Mã đêm ấy được thắp sáng rực rỡ từ đầu đến cuối bằng vô số chiếc đèn lồng hình tròn, hình chữ nhật, hình ống trụ, hình giác lăng… treo đung đưa trên mỗi cửa hàng. Đèn ông sao, đèn cá chép, đèn ngựa ông Gióng… giơ cao vung vung trên tay đám nhi đồng. Đèn cù, đèn kéo quân chạy xoay xoắn dưới chân người trẩy hội.
Nhà cửa hai bên phố Hàng Mã hầu như đều tắt hết đèn điện, có cảm giác hồn vía Hà Nội, đất kinh kỳ Thăng Long mỗi độ Tết Trung thu được tái hiện lại qua trập trùng đốm lửa nến, phản quang qua lớp áo bóng xanh đỏ tím vàng bọc xung quanh mỗi chiếc đèn lồng rải hắt cả dải màu cổ tích đêm hoa đăng lên từng gương mặt trẻ thơ đang mê mẩn đi vì sung sướng.
Trăng và phố như các chị em sinh đôi, cùng nhau sánh bước. Ở góc phố nào tôi cũng thấy trăng, từ Hàng Gà, Hàng Cót, Hàng Đồng, Hàng Rươi, Hàng Lược cho đến Ô Quan Chưởng… Bọn trẻ con Kẻ Chợ bắt đầu hát những bài đồng dao khi đám múa lân bất ngờ xuất hiện từ một góc phố. Những 5, 6 đứa trong đám chúng tôi có mặt nạ ông địa, thế là chạy ào đến múa may xung quanh con lân (có đứa múa hăng quá, tụt cả quần) nên tiếng cười càng rôm rả hơn lên.
Tinh thần “đèn lành đùm đèn rách”
Những đứa nào nhà không có điều kiện sắm sửa đèn Trung thu thì luôn được đồng bọn giúp đỡ bằng 2 cách sau, theo tinh thần “đèn lành đùm đèn rách” – cách nói vui của chúng tôi mỗi khi bắt tay chuẩn bị vài hôm trước dịp đặc biệt này.
1. Đối với đứa đã chắc chắn có đèn thì phải giúp đứa thiệt thòi bằng kiểu đèn “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, đó là tìm lon bơ sữa đã dùng hết, rồi một đứa ngồi mài xiết mặt lon bơ ở phía có khoét 2 lỗ từ trước (lỗ cho sữa chảy ra và lỗ để thổi vào cho sữa chảy nhanh hơn), mài mải miết trên mặt nền sân xi măng đến tê dại cả hai tay. Một đứa cầm bát nước ngồi bên cạnh, thi thoảng đổ thêm vài vốc nước nhỏ vào phía dưới nền xi măng đang ma sát với lon bơ. Mỏi tay thì đổi ca, cho đến khi cái nắp bật hẳn khỏi lon bơ thì nằm vật ra vừa thở oành oạch vừa nhìn nhau cười hổn hển.
Thế vẫn chưa xong đâu, còn phải đi tìm hoặc xin hạt bưởi nữa, lột vỏ hạt, phơi khô 2 đến 3 hôm, sau đó xâu chuỗi thành tràng dài, treo ở nơi khô ráo. Có thể làm vài chuỗi nếu dự trữ được kha khá hạt bưởi. Quay lại với lon bơ sữa đã mài bật nắp và rửa sạch xong, nhờ người lớn dùng búa và đinh đục cho 4 lỗ đều nhau trên miệng lon, xỏ 4 sợi dây vào và túm gọn lại một đầu trên cao, đầu ấy sẽ được buộc tiếp vào 1 cán que sao cho giữ được cân bằng cả lon bơ. Đến đêm Trung thu thì chỉ việc cho chuỗi hạt bưởi vào trong lon và đốt lên, hơi nhiều khói, nhưng vẫn xách đi được vì hạt bưởi cháy sáng hơn nến và phát ra tiếng lép bép vui tai.
2. Thường, hễ đứa nào trong đám trẻ con ở phố có đèn, nến mà ngại châm lửa thì nhờ đứa không có đèn lấy trộm từ bếp nhà… một hộp diêm. Móc ngoặc với nhau thế này: cứ 20 hoặc 30 bước thì thay phiên cầm đèn, đứa nào hết phiên đèn thì lo… đếm đủ bước của đứa còn lại… để đến lượt mình cầm đèn tiếp. Nhưng việc thay nến và quẹt diêm thắp lửa thì vẫn phải theo phân công từ trước. Thậm chí, áp dụng luôn việc thay phiên nhau chơi với cái mặt nạ giấy bồi của đứa may mắn có được, khổ nỗi, vô tư hỏi nhau khi tháo ra cho đối tượng đeo vào là “sao mùi mồ hôi của mày nước mắm quá thế?”.
Phá cỗ trên bể nước
Bọn trẻ con khu tập thể chúng tôi mùa Trung thu nào cũng được phá cỗ trên cái bể nước lớn, phải trải 6 chiếc chiếu ăn cơm ra (nếu tôi nhớ không nhầm) thì mới đủ chỗ cho cả mười mấy đứa lít nhít ngồi một vòng kín mít. Xen kẽ là vài bà hàng xóm xấp xỉ lục tuần nhẩn nha gọt tỉa hoa quả và sắp xếp bánh kẹo thành một hình chữ nhật dàn đều trước mặt chúng tôi. Nào là chuối tiêu, na, ổi, bưởi, hồng giòn, thị, cốm, bỏng ngô… Nào là bánh nướng, bánh dẻo, bánh đậu xanh, bánh chè lam, bánh vặn thừng… rồng rắn đĩa nối đĩa dưới ánh nhìn thèm thuồng của lũ trẻ con đang chực chờ khai cuộc đánh chén.
Tâm điểm là chùm nến được thắp đứng, lung linh san sát nhau theo vành mâm nhôm đặt giữa chiếu cỗ, mà giữa cái mâm nhôm lại đặt thêm một chậu nước hứng trăng, trong chậu có vài viên bi ve của đứa nào tinh nghịch lén thả vào.
4 góc bể nước treo 4 cái đèn lồng phim nhiều màu, tỏa ra lia tia vệt sáng biến ảo như cầu vồng đêm thần thoại. Đến khi ông tổ trưởng khu tập thể hô phá cỗ thì mạnh đứa nào đứa nấy tay vơ mồm nhai, có đứa mỗi tay một bánh mà miệng thì nhồm nhoàm nguyên quả hồng, có đứa hai má phồng lên vì nhét quá nhiều bỏng ngô trong khi cố đưa thêm vào vài viên bỏng mật, có đứa cắn miếng ổi tay này rồi ngoạm thêm miếng chuối tay kia mà mắt thì canh chừng đĩa bánh dần dà vơi đi… Nước ngọt chẳng có, chỉ hiềm một thứ nước sôi để nguội, nhưng chả hề chi, bọn trẻ con phá cỗ thì ăn là chính, ăn cho sướng miệng vui bụng thôi.
Tôi không khoái bánh dẻo cho lắm vì nó ngầy ngậy sao sao ấy. Tôi rất thích ăn bánh nướng nhân đậu xanh hạt sen. Mà, tôi da diết nhớ từng cái bánh nướng hình con cá, con lợn… Buổi ban đầu, tôi không hề biết trong bánh nướng có nhân, nên toàn vặt đầu, bẻ đuôi từng chiếc bánh nướng hình con cá mà ăn. Còn phần thân bỏ lại, về sau, tôi mới hay đó là phần ngon nhất vì nhồi trong đó nào là đậu xanh, hạt sen, cơm dừa, hạt dưa… Cái ngẩn ngơ của tôi khi phát hiện ra điều ấy có thể cao hơn cả cái ngơ ngác của thằng Cuội khi bay lên cung trăng xưa đó.
Khung cảnh phá cỗ trăng Rằm thời bao cấp ấy, tôi hay bất cứ tuổi thơ nào đã trải qua đều cảm thấy cực kỳ may mắn vì đã được cùng kỉ niệm góp mặt trong lần cuối, hay lần áp chót đúng nghĩa Trung thu cổ truyền của người Việt nơi 36 phố phường Hà Nội thân thương.
Theo NGÀY NAY ONLINE
Tags: Hà Nội, Hoài niệm, Tết Trung thu, Thời bao cấp