Những điều cần biết về vấn đề An ninh trong quan hệ quốc tế

An ninh (Security), hiểu theo một nghĩa đơn giản nhất, là khả năng giữ vững sự an toàn trước các mối đe dọa. Tuy nhiên, an ninh không phải là một khái niệm tĩnh mà là một khái niệm động và trải qua nhiều thay đổi về cách hiểu, cũng như cách tiếp cận.

Về vấn đề An ninh trong quan hệ quốc tế

Tác giả: Trương Minh Huy Vũ.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Từ một ý niệm truyền thống xoay quanh các chủ đề quân sự, chiến tranh và bạo lực, khái niệm an ninh với những kết nối mới đã mở ra những chiều kích xuất phát từ nhiều lãnh vực khác nhau. Từ góc nhìn ban đầu tập trung vào Nhà nước (với vai trò vừa là chủ thể, vừa là cấp độ phân tích) các học giả đang nói về những “hình thái an ninh” mới, với sự thay đổi về chủ thể lẫn khách thể, cũng như phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của những tác nhân mới này.

Quay ngược lại chiều dài lịch sử thế kỷ 20, khái niệm “an ninh” trong chính trị quốc tế thường gắn liền với bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang: Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thứ hai và Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh đó, an ninh được hiểu như khả năng của một quốc gia có thể ngăn chặn được các cuộc xâm lược vũ trang đến từ bên ngoài. Khuynh hướng áp đảo trong lý thuyết quan hệ quốc tế – mà chủ nghĩa hiện thực là đại diện tiêu biểu nhất – đồng hóa an ninh với sự bảo vệ hay đảm bảo chủ quyền của mỗi nước trước sự tấn công hay ảnh hưởng của các nước khác. Nhà nước – người đại diện cao nhất cho đất nước bên ngoài – đóng vai trò là người duy nhất sở hữu, bảo vệ và duy trì an ninh, thông qua sức mạnh quân đội, hay liên minh quân sự với các đồng minh.

Chiến tranh Lạnh lùi vào quá khứ, thế giới bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế với những ưu tiên đa dạng hơn. Một mặt, khả năng xảy ra các cuộc xâm lược hay xung đột vũ trang từ bên ngoài vẫn còn nhưng ngày càng suy giảm, trong khi đó lại xuất hiện nhiều mối đe dọa từ các lãnh vực đời sống khác. Từ những hiện thực đó đòi hỏi một cách tiếp cận khác trong nghiên cứu về an ninh. Các học giả chia là hai loại: an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Trong khi an ninh truyền thống –như đã trình bày ở trên- chủ yếu nhấn mạnh về đe doạ quân sự và bảo vệ quốc phòng, cùng với những biện pháp đảm bảo an ninh mà chính phủ quốc gia cần làm để đương đầu trước các nguy cơ đó, thì giá trị cơ bản của an ninh phi truyền thống xoay quanh tất cả vấn đề khác có khả năng trở thành một mối đe dọa đối với cuộc sống của một quốc gia hay một cộng đồng.

Những mối đe doạ này không phải chỉ đến từ bên ngoài mà còn đến từ bên trong; không những đến từ súng ống, tàu chiến, máy bay mà con đến từ kinh tế, văn hóa, xã hội. Thương mại, ô nhiễm môi sinh, biển đổi khí hậu, thiên tai, bệnh tật, nghèo đói, di dân… – những vấn đề thuộc chủ đề thuộc về “chính trị cấp thấp” trong góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực – bỗng trở nên sống động, trở thành tiêu điểm chính trong các vấn đề an ninh phi truyền thống. Mặt khác, chủ quyền vẫn là khái niệm tiên yếu, nhưng cách diễn dịch về nó có sự “mềm hóa” đi. Mô hình Nhà nước đứng trước hai thách thức. Một là không còn tồn tại “chủ quyền quốc gia tuyệt đối”, vì trong quá trình hợp tác, Nhà nước phải từ bỏ một phần chủ quyền quốc gia của mình cho các thể chế quốc tế để được hưởng những lợi ích chung. Hai là nhiều vấn đề lâu nay dường như chỉ gói gọn trong khuôn khổ hành xử quốc gia thì nay đã vượt biên giới trở thành xuyên quốc gia, khiến cho không bất kỳ một chính phủ nào – cho dù đó là chính phủ giàu và mạnh nhất thế giới – có khả năng tự giải quyết một mình.

Từ chỗ tập trung vào cấp độ quốc gia và hệ thống quốc tế, khái niệm “an ninh“ cũng đã chuyển động theo hướng tập trung vào cả cấp độ cá nhân, mà khái niệm an ninh con người là một trong những cách tiếp cận nổi bật nhất trong những thập kỷ gần đây. Trong những năm 1990, khái niệm này đã được nhiều nước phát triển trên thế giới như Canada, Na Uy hay Nhật Bản sử dụng như một tiêu chí và kim chỉ nam cho các chính sách viện trợ phát triển. Nó cũng được ghi nhận chính thức trong “Báo cáo phát triển con người” năm 1994 của Liên Hiệp Quốc. Điều này cho thấy một sự thay đổi cả về chủ thể, lẫn khách thể: Cá nhân con người vừa chính là tâm điểm nghiên cứu của các vấn đề an ninh, vừa là động lực để thúc đẩy những biện pháp đảm bảo an ninh của mình.

Khía cạnh cuối cùng của phần mở rộng của khái niệm an ninh liên quan đến cách thức mà con người định lượng và xử lý các vấn đề an ninh. Nếu trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đảm bảo an ninh trước các đe dọa tấn công đồng nghĩa với việc xây dựng các hệ thống tên lửa, nâng cao khả năng quốc phòng, cùng duy trì các liên minh, thì trong thời đại ngày nay ứng xử với vấn đề an ninh trở nên đa diện hơn, bao gồm ít nhất ba mức độ: (i) triệt tiêu các mối đe dọa, (ii) giảm thiểu mức độ tổn thương và (iii) đánh giá các khả năng rủi ro.

Cho dù khái niệm an ninh đã có nhiều biến đổi theo thời gian, nhưng có một điều hầu như không đổi, đó chính là việc đảm bảo an ninh vẫn là một mục tiêu tối thượng của mỗi quốc gia cũng như mọi cá nhân con người. Một hệ thống quốc tế vô chính phủ cùng với những mối đe dọa “phi truyền thống” xuất hiện ngày càng nhiều khiến cho an ninh trở thành một vấn đề đa chiều, đa diện và là một mục tiêu khó có thể đảm bảo hơn bao giờ hết.

“An ninh hóa”

Cùng với sự chuyển dịch về cách hiểu trong khái niệm “an ninh” là sự tư duy lại về chính sách và chiến lược an ninh. Dựa trên một cách hiểu đa phương diện về “an ninh”, trường phái Copenhagen lập luận rằng “an ninh” không phải tự nhiên có hay tồn tại sẵn, mà được kiến tạo thông qua “an ninh hóa”. An ninh hóa có nghĩa là các tác nhân cố gắng miêu tả hay trình bày một vấn đề như một sự đe dọa cho sự tồn vong của cộng đồng và xã hội, từ đó thúc đẩy qua trình tìm ra giải pháp. Quá trình này có thể được dẫn dắt bởi nhiều tác nhân khác nhau, như nhà nước, các nhóm dân sự, học giả, giới trí thức, doanh nghiệp… Trong thời gian qua, quá trình an ninh hóa các vấn đề như biến đổi khí hậu hay nghèo đói là những ví dụ tiêu biểu.

.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: ,