Những điều cần biết về trường phái Lập thể trong mỹ thuật hiện đại

Trường phái Lập thể, còn gọi là chủ nghĩa Lập thể, (Cubism) được sáng lập bởi danh họa Pablo Picasso và Georges Braque đã tạo ra cuộc cách mạng về hội họa và điêu khắc những năm đầu thế kỷ 20. Phong trào không tồn tại lâu dài hay vang rộng ở lúc đương thời, nhưng nó đã bắt đầu cho sự bùng nổ sáng tạo to lớn và vang dội trong xuyên suốt dòng chảy nghệ thuật của thế kỷ.Những điều cần biết về trường phái Lập thể trong mỹ thuật hiện đại

Georges Braque, “Man with a guitar”, 1911

Trường phái Lập thể là gì?

Trường phái Lập thể là một trường phái nghệ thuật thị giác có sức ảnh hưởng rất lớn của thế kỷ 20, được sáng lập bởi Pablo Picasso và Georges Braque tại Paris từ 1907 đến 1920. Phong cách Lập thể nhấn mạnh vào hình phẳng 2D, loại bỏ những kỹ thuật biểu hiện truyền thống về phối cảnh và bác bỏ lý thuyết nghệ thuật bấy lâu vốn đề cao sự bắt chước tự nhiên. Những họa sĩ phái Lập thể không bị ràng buộc vào việc sao chép hình dáng, cấu trúc bề mặt, màu sắc hay không gian mà thay vào đó, họ giới thiệu đến người xem một dạng thức mới của hiện thực qua các tác phẩm miêu tả đối tượng bị phân chia thành nhiều mảng với nhiều diện từ nhiều góc độ được biểu hiện cùng một lúc.

Georges Braque , “Glass Carafe and Newspapers”, 1914

Sự xuất hiện của phái Lập thể

Trường phái Lập thể là một trào lưu hội họa có tính cách mạng, phát triển ở Paris đầu thế kỷ 20. Sự ra đời chính thức của nó, theo nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật, được đánh dấu bằng sự ra đời của tác phẩm “Những cô gái Avignon” (1907). Có thể nói, phái Lập thể là một trường phái hội họa nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Cũng như phái Dã thú trước đó, trường phái Lập thể không có một quá trình phát triển lâu dài. Dần dà khởi đầu từ 1906-1907, trường phái hội họa này đạt đến cao trào những năm 1909-1912 và gần như kết thúc cùng với sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Các nhà nghiên cứu cho rằng ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, trường phái Lập thể có phần nào đó liên quan đến chủ nghĩa Dã thú, là trường phái đề cao sự thuần khiết của nghệ thuật và quan tâm đến tạo hình trong nghệ thuật châu Phi.

Pablo Picasso, “Weeping woman”, 1937

Đặc điểm và phong cách

Trường phái Lập thể xuất hiện khi giới họa sĩ muốn tìm kiếm một phương pháp thể hiện thế giới tự nhiên với hình thức mới mẻ, giúp họ phản ánh những điều vượt lên trên vẻ ngoài thông thường của vật chất. Các tác phẩm Lập thể vì thế đã từ bỏ hết các khái niệm truyền thống về hình khối và không gian phối cảnh. Các họa sĩ lập thể thể hiện đối tượng dưới nhiều góc nhìn khác nhau trong cùng một thời điểm. Không hề giống với mắt nhìn thông thường của chúng ta, chỉ nhìn thấy sự vật ở một góc độ duy nhất ngay tại thời điểm ta nhìn thấy chúng. Hình thức của đối tượng cũng vì thế bị phá vỡ thành những diện, mảng và hình mang tính kỷ hà. Có thể nói, những họa sĩ phái Lập thể nhìn sự vật một cách song song về mặt không gian và thời gian. Quá trình phát triển của trường phái Lập thể có thể được chia thành 3 giai đoạn: trường phái Lập thể chịu sự ảnh hưởng của Cézanne (1907-1909), trường phái Lập thể Phân tích (1909-1912) và trường phái Lập thể Tổng hợp (1912-1914). Hầu hết các họa sĩ theo trường phái Lập thể đều đã từng sáng tác theo cả hai phong cách Phân tích và Tổng hợp.

Phong cách Lập thể Phân tích, có tên gọi như thế bởi sự mổ xẻ cấu trúc đối tượng theo nhiều góc độ, dẫn đến sự phức tạp về hình. Đối tượng trong tranh bị chia thành nhiều mảng nhỏ rối rắm, khá trừu tượng. Những mảng hình nhỏ sẽ được đặt dày đặc tại trung tâm sau đó tản ra nhiều phía, hướng về các cạnh. Nói một cách đơn giản, Lập thể Phân tích tiếp cận đối tượng như một nhiếp ảnh gia với hàng loạt những bức ảnh chụp từ nhiều góc độ khác nhau vào các thời điểm khác nhau. Những hình ảnh này sau đó sẽ được cắt ra và xếp lại một cách ngẫu nhiên, chồng chéo trên cùng một mặt phẳng. Thêm một điểm đặc trưng khác của chủ phong cách này chính là bảng màu hết sức đơn giản, đến mức hầu như đơn sắc. Do đó người xem không bị phân tâm khi nhìn vào phom dáng của cấu trúc và mật độ ảnh ở trung tâm khung hình. Trong giai đoạn sáng tác này, các họa sĩ hầu như dùng bảng màu giống nhau, thiên về các màu vàng và màu nâu xám. Những đặc điểm đó nói lên thời gian này đang là lúc Picasso, Braque cùng đồng nghiệp của mình hoàn thiện kỹ thuật và cơ sở lý luận của hội họa Lập thể.

Pablo Picasso, “Still life with liquor bottles”, 1909

Phát triển theo hướng đối lập, Lập thể Tổng hợp đi ngược lại nguyên tắc bố cục của Lập thể Phân tích. Thay vì phá vỡ đối tượng thành những mảng nhỏ rồi lắp ghép lại, hình ảnh theo phong cách này được xây dựng từ những thành tố và hình dáng mới. Các đặc điểm chính của Lập thể Phân tích được tóm gọn như sau: Đường nét và hình dáng đơn giản; Hòa sắc rực rỡ với nhiều màu cơ bản như đỏ, vàng, cam, lam nhất là ở tranh của Juan Gris ( 1887-1927) và Fernand Leger (1881-1955)

Kỹ thuật dán giấy được Braque phát kiến năm 1913 được sử dụng cùng lúc với sơn dầu. Các họa sĩ học tập và sáng tác bằng kỹ thuật trên với các hình khối đơn giản. Như vậy, thay vì nhìn vào một cái chai để phân tích hình dáng và cấu tạo để tạo ra một hình dáng tương tự từ trí tưởng tượng của mình thì chỉ việc thực hiện bằng những mẫu giấy cut-out hoặc viền lại nét.

Cấu trúc bề mặt cũng rất được quan tâm khi các họa sĩ có thể tận dụng nguyên liệu giấy cùng lúc với mặt sơn. Một bề mặt nhẵn có thể xuất hiện bên cạnh các mảnh giấy báo hoặc giấy in hoa văn, thậm chí có cả nhiều nét cọ chấm thô đầy khắp khung hình.

Pablo Picasso, “Bowl of Fruit, Violin and Bottle”, 1914

Họa sĩ tiêu biểu

Những nhân vật tiên phong nhất và kiên định nhất của phái Lập thể là Pablo Picasso (1881-1973) và Georges Braque (1882-1963). Họ được coi là những người đã cùng nhau tạo ra hội họa Lập thể và có ảnh hưởng lớn đến nhiều họa sĩ hiện đại khác trong thế kỷ 20.

Pablo Picasso, “The Dream”, 1932

Thủ lĩnh của phái Lập thể, Pablo Picasso (1881-1973) là một hiện tượng đặc biệt của hội họa nửa đầu thế kỷ 20. Giai đoạn đầu đến với hội họa , cũng như nhiều họa sĩ khác, Picasso có cách thể hiện rất gần với cảm nhận thị giác thực tế mặc dù tiềm ẩn những sáng tạo mới mẻ. Trước khi tìm ra hội họa Lập thể, ông đã thử nghiệm sáng tác qua rất nhiều trường phái khác nhau, bao gồm cả Hiện thực, đến thời kỳ lam, thời kì hồng và sau đó bị quyến rũ bởi các tác phẩm của Henri Matisse và Henri “Le Douanier” Rousseau. Những ảnh hưởng từ phong cách của họ như cách vẽ đơn giản, không lệ thuộc vào hiện thực và hình họa cổ điển cũng như những cảm hứng thu được từ điêu khắc vùng Iberia, điêu khắc châu Phi và tác phẩm của Gauguin được Picasso dung hòa trở thành tài liệu sơ khai cho hội họa Lập thể. Kết quả của những tìm tòi đó là tác phẩm “Chân dung bà Gertrude Stein”. Sự khác thường nổi bật ở cách thể hiện gương mặt nhân vật như một chiếc mặt nạ, với các mảng màu nhấn mạnh sắc nét, cố ý bộc lộ hình khối thật rõ ràng.

Sau đó như chúng ta đã biết, việc hoàn thành tác phẩm “Những cô gái Avignon” năm 1907 đã chính thức đánh dấu sự xuất hiện của trường phái Lập thể. Trong tác phẩm này, lần đầu tiên Picassso xử lí hình khối theo lối phân tích chúng thành nhiều diện thô, mạnh và không theo bất cứ góc nhìn thông thường nào. Cảm nhận rõ nhất về quan niệm Lập thể của Picasso vẫn là từ nét mặt các cô gái trong tranh, những khuôn mặt méo mó biến dạng khó xác định đang hướng về phía nào. Đồng thời phương thức tạo hình nhân vật cho thấy rất rõ ảnh hưởng của nghệ thuật châu Phi.

Pablo Picasso, “Les Demoiselles d’Avignon”,1907

Trong số các chủ đề của tác phẩm từ danh họa người Tây Ban Nha, chúng ta có thể thấy nổi lên hình ảnh những người phụ nữ đã đi qua đời ông. Các tác phẩm Lập thể về phụ nữ của Picasso luôn có một nét riêng hết sức đặc biệt. Chúng luôn có nét gì đó phức tạp, méo mó và thậm chí có phần đáng sợ – đúng theo tinh thần muốn phản ánh tình cảm đầy mâu thuẫn của Picasso dành cho mỗi một đối tượng miêu tả nói riêng và phụ nữ nói chung; rằng ông sợ hãi phụ nữ trước tác động của sức ảnh hưởng về tinh thần, về cá tính mạnh mẽ của họ đối với ông theo một số nhà nghiên cứu về cuộc đời danh họa này.

Tất nhiên nói đến Picasso thì các tác phẩm của ông không chỉ gói gọn trong đề tài chân dung phụ nữ. Ông vẫn không từ bỏ thiên hướng xã hội trong sáng tác của mình với sự thể hiện gai góc, dữ dội với các vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội như chiến tranh, thân phận con người. “Guernica” là một tác phẩm như thế; nó toát lên không khí kinh hoàng của các mảng sáng chói chồng chéo, phân chia tàn bạo bằng những nét cắt nổi bật trên nền tối sẫm cùng những hình ảnh đáng sợ và dị quái như cái đầu bò, hình người vặn xéo nát vụn , chân tay giày xéo lẫn nhau đầy gân guốc.

Pablo Picasso, “Guernica”, 1937

Georges Braque (1882-1963) là một họa sĩ tự học nhưng thành danh rất sớm. Ông chính là người đã phát kiến ra kỹ thuật dán giấy, làm thành các bức tranh theo kiểu vẽ vân gỗ hay vân thớ đá cẩm thạch trong nghệ thuật hiện đại. Đến Paris năm 1900, ông nghiên cứu hội họa và sáng tác như một họa sĩ Dã thú thực thụ. Và cuộc gặp gỡ với Picasso đã mang đến một bước ngoặt cho cuộc đời ông, khi Braque bị ám ảnh và mê hoặc với bức “Những cô gái Avignon” và từ đó quyết định dấn thân cùng Picasso vào phái Lập thể. Như đã đề cập bên trên, hai vị họa sĩ đã cùng nhau tạo nên một chương mới cho hội họa thế kỷ 20 và chính là cha đẻ của trường phái Lập thể.

Georges Braque, “Bottles and fishes”, 1910

Khác với Picasso, phong cách của Braque có sự thuần nhất. Trong các tác phẩm của Brauqe, người ta hầu hết chỉ thấy những mảng trầm tối màu nâu, vàng đất, nâu đỏ, xám… mà vắng đi các màu rực rỡ; cho dù ở các tác phẩm theo phong cách Tổng hợp. Ở phong cách Phân tích, các hình khối được chia nhỏ thành những hình chữ nhật, tam giác… chồng chất lên nhau; màu sắc bị giảm hầu như đến mức tối thiểu sức biểu cảm, chỉ còn lại tông nâu xám. Bù lại, ấn tượng lại đến từ sắc độ và bố cục của diện, tuyến. Sang phong cách Tổng hợp, Braque đặc biệt thích đưa vào tác phẩm những hình chữ in, dán giấy báo lên mặt tranh. Giai đoạn này Braque và Picasso đi theo những con đường riêng, và các tác phẩm của hai danh họa cũng không còn khó phân biệt như khi đang thể hiện theo lối Phân tích. Với kỹ thuật dán giấy, tranh của Braque không được tự do phóng khoáng mà kiềm chế hơn về màu sắc. Chất liệu báo hiện lên rất thực bên cạnh một và hình vẽ mờ ảo hoặc có vẻ hơi trừu tượng. Ông có cách thể hiện rất khác với những danh họa Lập thể đương thời, rằng chỉ để mặc cho chất liệu và bố cục lên tiếng chứ không hề tác động nhiều bằng bút.

Georges Braque, “Woman with a guitar”, 1913

Georges Braque, “Bottle of rum”, 1914

Georges Braque, “Fruit dish”, 1913

Một họa sĩ nổi bật của họa phái này chính là Juan Gris (1887-1927). Ông tham gia phái lập thể vào năm 1911 với bút pháp nghiêm khắc nhưng không kém phần trữ tình. Dù các tác phẩm có phần kiệm màu nhưng hình khối không bị phân tích quá chi tiết như Picasso và Braque, Juan Gris đơn giản hóa đối tượng thành những mảng miếng lớn và dứt khoát với nhiều đường chéo, đường cung và tam giác. Lối vẽ Tổng hợp của ông cũng được phát triển theo lối đặc biệt khi đối tượng bị chia cắt đến mức mất đi hình thái riêng của mình trong từng cá thể và trở nên thống nhất trong tổng thể bố cục.

Juan Gris, “Potrait of Pablo Picasso”, 1915

Juan Gris, “Bottles and knife”, 1911-1912

Juan Gris, “Harlequin with Guitar”, 1919

Juan Gris, “The painter’s window”, 1925

Sau vị trí của Juan Gris chính là Fernand Leger (1881-1955), người đã phát huy một lối vẽ chồng xếp các bình diện lên nhau một cách có chủ ý giống như Cézanne đã vẽ. Ông tham gia vào phái Lập thể từ 1911 thông qua triển lãm “Salon mùa thu” cùng năm. Tuy nhiên Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã để lại cho ông nhiều hồi ức cay đắng, khiến ông rời bỏ trường phái Lập thể chính thống và gắn bó với những sản phẩm công nghiệp. Hình khối của đối tượng, được ông tổ chức khéo léo thành hình trụ, hình côn nổi bật và có màu sắc thuần khiết. Tạo hình có thể to, thô và trái với tỉ lệ thông thường, nhưng lại khiến cho bức tranh tràn đầy nhựa sống và trẻ trung của thời đại công nghiệp mới.

Fernand Leger, “Still life with a beer mug”, 1921

Fernand Leger, “Three women”, 1921

Tạm kết

Tóm lại, trường phái Lập thể là một trong những trào lưu hội họa lớn nhất thế kỷ 20. Sự ra đời của trường phái Lập thể đã mở ra sự bùng nổ về hình thức theo hướng chia cắt một cách hình học hóa, được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao mặc dù thời gian tồn tại không dài. Đây chính là tiền đề cho các họa sĩ thế hệ tiếp theo, bứt phá ra khỏi các khuôn khổ và sáng tạo, mở đường cho một loạt các trào lưu hội họa có cách biểu đạt cao và tạo hình mới mẻ, phóng khoáng.

Theo THINH PHAN / DESIGNS.VN

Tags: ,