Những bài học từ sự cố hạt nhân Fukushima của Nhật Bản

Ngày 11/3/2011, một trận động đất khủng khiếp 9.0 độ richter (tên Tiếng Nhật: Sendai) kèm theo sóng thần ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản tràn qua làm hơn 15.000 người thiệt mạng, 6.000 người bị thương, khoảng 2.500 người mất tích, hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.

Bài viết sau đây được lược dịch từ Báo cáo tồng hợp về sự cố nhà máy điện hạt Fukushima năm 2015 của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, trong đó nhấn mạnh các nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến sự cố và những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ sự cố.

Trận động đất và sóng thần đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại quốc gia này, bao gồm những hư hỏng nặng nề về đường bộ và đường sắt cũng như gây cháy nổ tại nhiều khu vực, kèm theo một con đập bờ biển bị vỡ. Khoảng 4,4 triệu hộ gia đình rơi vào tình trạng mất điện và 1,5 triệu hộ bị mất nước.

Những bài học từ sự cố hạt nhân Fukushima của Nhật Bản

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị phá hủy nặng nề sau thảm họa sóng thần.

Nghiêm trọng hơn cả, trận động đất này đã tàn phá dữ dội nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (trực thuộc công ty điện lực Tokyo – TEPCO), làm mất điện hàng loạt tỉnh thành lân cận; toàn bộ cơ sở vật chất và hệ thống an toàn của nhà máy hư hỏng nghiêm trọng. Bất chấp những nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền sở tại nhằm kiểm soát tình hình, các lò phản ứng tại tổ máy số 1 – 2 – 3 của nhà máy vẫn không ngừng nóng lên do hệ thống làm mát bị hỏng khiến thanh nhiên liệu hạt nhân tan chảy. Khí Hidro bắt đầu rò rỉ, gây nổ hàng loạt; toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất bên trong nhà máy hư hại, nhiều công nhân bị thương nặng. Chính quyền ngay lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp khi thấy dấu hiệu của bụi phóng xạ trên khí quyển, các vùng trên đất liền và trên biển. Các hộ dân sinh sống trong vùng bán kính 20 km từ nhà máy được yêu cầu nhanh chóng sơ tán, từ bán kính 30 km trở lại phải tìm được nơi trú ẩn an toàn trước rồi tự di tản. Tình trạng ô nhiễm nguồn thực phẩm và nước uống cũng đặt ở mức báo động, người dân được khuyến khích sử dụng thực phẩm viện trợ từ bên ngoài.

Ngay sau xảy ra sự cố, cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã nhanh chóng cử các Đội Khắc phục sự cố khẩn cấp đến Nhật phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá mức độ thiệt hại về người và cơ sở vật chất, mức độ nhiễm xạ trong môi trường, nguồn nước và thực phẩm; từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài. IAEA còn thiết lập các cầu hàng không vận chuyển hàng cứu trợ của quốc tế đến Nhật Bản. Tháng 6.2011, sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc tế về An toàn Hạt nhân lần thứ 55, IAEA đã ra tuyên bố chung bao gồm hàng loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa vấn đề An toàn bức xạ, ứng phó sự cố khẩn cấp và đặc biệt là vấn đề bảo vệ người dân, môi trường trước nguy cơ bị nhiễm xạ. IAEA sau đó tiến hành các hoạt động hợp tác hàng năm ở Nhật Bản và địa phương Fukushima, hai bên cũng ký kết một văn bản ghi nhớ về các hoạt động cố vấn, giám sát và xử lý bức xạ, an toàn hạt nhân, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, ứng phó sự cố hạt nhân khẩn cấp…

Từ thời điểm xảy ra sự cố đến nay, hằng năm IAEA vẫn có các báo cáo về sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, trong đó nêu bật nguyên nhân, hậu quả, thực trạng và các bài học kinh nghiệm xung quanh vấn đề nhà máy điện hạt nhân.

CÁC VẤN ĐỀ VỀ AN TOÀN HẠT NHÂN

Thiếu kịch bản, đánh giá đầy đủ, chi tiết để đối phó các thảm họa thiên nhiên từ trước, trong và sau khi xảy ra sự cố

Trận động đất ngày 11/3/2011 đã làm rung chuyển dữ dội mặt đất, tác động mạnh đến vỏ trái đất gây ra hàng loạt đợt sóng thần cao đến hơn chục mét, độ cao của sóng thần đã vượt đáng kể các giả định thảm họa ban đầu của nhà máy điện hạt nhân Fukushima trên thiết kế. Các giả thiết về khả năng chịu đựng trước nguy cơ sóng thần và địa chấn từ thiết kế ban đầu của nhà máy đều dựa trên cơ sở là các trận động đất và sóng thần ghi được trong lịch sử nước Nhật. Điều này chứng tỏ khi xây dựng nhà máy, chính quyền đã chủ quan, không lường trước được những hiểm họa tiềm ẩn từ thiên nhiên khi thiếu đánh giá về sức mạnh của các trận động đất cực lớn. Vì nằm trên vị trí tiếp xúc của bốn thềm lục địa khác nhau, Nhật Bản thường xuyên phải đối mặt với các trận động đất lớn có cường độ lên tới 8 độ richter; thiết kế độ bền vững của các công trình xây dựng tại Nhật luôn dựa trên kịch bản của một trận động đất 8 độ richter. Trận động đất kinh hoàng năm 2011 đã thực sự nằm ngoài tính toán của các nhà khoa học Nhật Bản. Họ đã không đánh giá một cách có hệ thống và toàn diện khả năng thiệt hại của nhà máy trước hiểm họa thiên nhiên. Thời điểm sự cố xảy ra, giới chức nước này cũng hoàn toàn bị động trong việc ban hành các yêu cầu về an toàn hạt nhân, nguyên tắc quản lý trong phương pháp đối phó với thảm họa thiên nhiên thì chung chung trên lý thuyết, chưa cụ thể, chưa có kế hoạch rõ ràng.

Từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, một số kinh nghiệm được IAEA rút ra như sau: Việc đánh giá các mối đe dọa tiềm ẩn từ thảm họa thiên nhiên cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, toàn diện, chi tiết và đầy đủ. Việc xây dựng được kịch bản phòng ngừa thảm họa hoàn hảo sẽ giúp cho chính quyền và người dân giảm thiểu một cách thấp nhất mức độ thiệt hại có thể xảy ra. Mức độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân phải luôn được đánh giá liên tục, thường xuyên, theo định kỳ để luôn cập nhập vào những tiến bộ khoa học năng lượng hạt nhân. Khi đánh giá các hiểm họa từ thiên nhiên, đặc biệt là động đất, sóng thần cần phải tính đến các tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay trong phương pháp tiếp cận tất định và xác suất, trong mô phỏng, thu thập số liệu, phân tích dữ liệu, khảo sát điều tra hiện trường và các hoạt động liên quan khác; đồng thời cần xem xét khả năng nhiều thảm họa có thể xảy ra cùng lúc như động đất kết hợp sóng thần cũng như tác động của chúng lên nhà máy điện hạt nhân. Quản lý và nhân viên nhà máy phải được tham dự đầy đủ các lớp tập huấn về an toàn hạt nhân do IAEA tổ chức.

Chưa thực hiện đầy đủ các chức năng an toàn hạt nhân cơ bản

Việc đảm bảo an toàn nhà máy điện hạt nhân trước nguy cơ xảy ra sự cố phải thực hiện đầy đủ Ba chức năng an toàn cơ bản, quan trọng là: Chức năng kiểm soát các phản ứng của nhiên liệu hạt nhân; chức năng tản nhiệt từ lõi lò phản ứng và từ bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng; chức năng cất giữ các loại vật liệu phóng xạ. Sau khi xảy ra trận động đất, chức năng kiểm soát phản ứng nhiên liệu hạt nhân đã được thực hiện đầy đủ ở cả 6 tổ máy của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Chức năng tản nhiệt từ lõi lò phản ứng và bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng đã không thực hiện được do hệ thống điện của nhà máy bị ngắt, khiến hệ thống làm mát và các phương tiện kiểm soát các lò phản ứng tại tổ máy số 1, 2, 3 và bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng không hoạt động. Đồng thời do sự chậm trễ trong việc phun nước khiến nhiên liệu hạt nhân trở lên quá nóng và bắt đầu quá trình tan chảy; áp suất tại các lò phản ứng không giảm, nhà máy phải mở lỗ thông hơi các lò phản ứng để giảm áp suất khiến cho một lượng lớn phóng xạ lan tỏa ra môi trường.

Rút kinh nghiệm từ sự cố Fukushima, IAEA khuyến cáo: Các quốc gia khi tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngay từ đầu phải tính đến các khả năng xảy ra thảm họa vượt quá sức chịu đựng của nhà máy. Thiết kế một nhà máy điện hạt nhân  phải đảm bảo các biên an toàn đầy đủ, có tính đến các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các sự cố ngoài cơ sở thiết kế. Phát triển năng lực mô phỏng phân tích và công cụ đánh giá các cơ sở nhà máy điện có nhiều tổ máy khi chịu sự ảnh hưởng của nhiều thảm họa xảy ra cùng lúc.

Nhà máy điện hạt nhân phải có hệ thống làm mát thực sự mạnh mẽ, độ tin cậy cao với khả năng nhanh chóng loại bỏ dư nhiệt, có khả năng vận hành khi mất nguôn… Thực hiện các biện pháp để loại bỏ và giảm thiểu Hydro, cũng như các biện pháp quan trắc và kiểm tra hiệu quả hơn việc tích lũy và lan tỏa khí Hydro. Tránh đến mức thấp nhất việc phát thải các chất phóng xạ ra môi trường.

Thiếu các đánh giá đầy đủ về khả năng xảy ra sự cố và đề phòng sự cố

Các phân tích, đánh giá được thực hiện trong quá trình cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và trong suốt thời gian hoạt động của nhà máy này đã không thể giải quyết hiệu quả các nguy cơ có thể dẫn đến sự phá hủy phần lõi của các lò phản ứng. Đặc biệt, việc xác định thiệt hại của nhà máy do lũ lụt, sóng thần và những sai sót trong quy trình hoạt động và hướng dẫn xử lý tai nạn chưa được tính toán đầy đủ. Khi xảy ra động đất, nhà máy đã hoàn toàn bị động khi một loạt các tổ máy mất điện và hệ thống làm mát không hoạt động.

IAEA đề nghị: Các đánh giá về khả năng xảy ra sự cố và đề phòng sự cố từ thiết kế ban đầu cần phải có chiều sâu, kỹ càng và tính đến mọi khả năng có thể xảy ra đối với nhà máy trước các tác động của thiên nhiên. Các quy định pháp quy liên quan đến quản lý, khắc phục sự cố cũng phải chi tiết, rõ ràng dựa trên cơ sở thiết kế ban đầu của nhà máy, đồng thời phải luôn được cập nhập, và phải được quán triệt đến toàn bộ nhân viên và quản lý nhà máy. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, các buổi diễn tập khắc phục sự cố sát với thực tế có thể xảy ra.

ĐỀ PHÒNG VÀ ỨNG PHÓ SỰ CỐ HẠT NHÂN

Thiếu sự kiểm soát triệt để của nhà nước

Trước khi xảy ra sự cố, chính quyền Nhật Bản vẫn chưa có một quy định bảo đảm an toàn hạt nhân thống nhất và nhất quán. Vai trò và trách nhiệm của bộ máy chính quyền về lĩnh vực này vẫn còn chồng chéo, phức tạp. Chưa có một tổ chức có đầy đủ trách nhiệm và thẩm quyền để ban hành hướng dẫn các quy định bảo đảm an toàn. Việc kiểm tra định kỳ vấn đề an toàn hạt nhân chưa thường xuyên, chưa phù hợp. Điều này dẫn đến việc các quy định, hướng dẫn và thủ tục sau thời điểm xảy ra sự cố chưa được hợp lý, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế ở lĩnh vực này. Để đảm bảo sự giám sát, quản lý hiệu quả các cơ sở hạt nhân cần phải có một cơ quan độc lập, có đầy đủ thẩm quyền, khả năng để hướng dẫn về mặt kỹ thuật, hoặc có biện pháp nhắc nhở, xử phạt đúng lúc.

Thiếu biện pháp bảo vệ nhân viên cứu hộ

Vào thời điểm xảy ra sự cố, luật pháp quốc gia Nhật Bản và các văn bản hướng dẫn các biện pháp bảo vệ nhân viên cứu hộ rất chung chung và sơ sài. Nhân viên cứu hộ sự cố nhà máy điện Fukushima không hoàn toàn là nhân viên của nhà máy mà từ nhiều ngành nghề và các tổ chức xã hội khác nhau. Những người này thậm chí chưa qua đào tạo một khóa huấn luyện cơ bản về an toàn bức xạ, họ chỉ được huy động đến cứu hộ trong điều kiện khẩn cấp. Chính vì vậy, những người này hoàn toàn có khả năng bị phơi nhiễm phóng xạ trong điều kiện khắc nghiệt của nhà máy.

Kinh nghiệm từ IAEA: Nhân viên cứu hộ cần phải được thành lập thành các đội một cách chuyên biệt, được đào tạo bài bản. Nếu phải huy động nhân viên cứu hộ từ các ngành nghề khác, cần phải chỉ định, phân công nhiệm vụ một cách cụ thể, rõ ràng, phải liên quan sát sườn đến công việc thường nhật của họ.

Bảo vệ người dân

Ngay từ tối ngày 11/3/2011, người dân trong bán kính 10 km xung quanh nhà máy đã bắt đầu được chính quyền khuyến cáo đi sơ tán ngay trong đêm. Đến sáng ngày 12, phạm vi di tản đã lên đến 20 km. Đến ngày 15/3, toàn bộ các hộ dân trong vòng bán kính 20-30 đã di tản đến khu vực trú ẩn. Ngày 25/3, chính phủ khuyến khích toàn bộ người dân các tỉnh, thành lân cận tự đi tìm nơi trú ẩn thích hợp. Tuy nhiên, sự tàn phá khủng khiếp của động đất và sóng thần đã làm cho sự liên lạc giữa chính quyền và người dân trở nên vô cùng khó khăn. Vấn đề sơ tán của người dân, bệnh nhân cũng gặp muôn vàn bất lợi. Ngay sau khi phát hiện các chất phóng xạ phát tán ra ngoài môi trường, chính phủ đã ban hành hỏa tốc các văn bản đề nghị người dân hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm, nguồn nước. Thực phẩm sạch đáng tin cậy nhập khẩu từ nước ngoài đã được cung cấp miễn phí đến người dân. Đường dây nóng được thiết lập ngay lập tức trên các phương tiện truyên thông đại chúng, trên Internet để ý kiến người dân liên tục 24/24 đến với chính quyền một cách nhanh nhất.

Biện pháp bảo vệ môi trường và người dân sau thảm họa

Ngay sau khi xảy ra sự cố Fukushima, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp rò rỉ phóng xạ ra ngoài môi trường. Phóng xạ được phát hiện trong bầu khí quyển, trên đất liền và trong nước biển; người dân ở các vùng xung quanh và các nước lân cận có khả năng phơi nhiễm phóng xạ. Các nhà khoa học lo ngại sự thay đổi hướng gió liên tục ở khu vực này có thể khiến phóng xạ đi sâu vào trong đất liền. Các chuyên gia kiểm xạ của IAEA đã mở rộng vùng kiểm xạ cách nhà máy từ 56-200 km. Tại hai địa điểm thuộc tỉnh Fukushima đã khôi phục lại việc đo suất liều và nhiễm bẩn beta-gamma. IAEA và các cơ quan có thẩm quyền Nhật Bản đã thực hiện độc lập các phép đo tại cùng thời điểm và địa điểm để so sánh. Kết quả đo ở khu vực cách nhà máy 16-58 km dao động từ 0,2-0,9 MBq/m2. Theo yêu cầu của IAEA và FAO, Nhật Bản đã tiến hành kiểm xạ một số loại thực phẩm. Kết quả có mẫu rau chân vịt lấy từ tỉnh Ibaraki đo được nồng độ phóng xạ I-131 lên tới 55.000 Bq/kg, vượt mức giới hạn cho phép là 2.000 Bq/kg. Do vậy ngày 21/3/2011, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Edano thông báo: Thủ tướng Kan đã chỉ đạo tỉnh trưởng 4 tỉnh Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma ra lệnh cấm có thời hạn việc lưu thông các loại rau này. Ngoài ra việc lưu thông sữa từ tỉnh Fukushima cũng bị cấm. Ông Edano nhấn mạnh rằng đây chỉ là biện pháp ứng phó khẩn cấp và có thể các loại thực phẩm này không gây tác hại cho người sử dụng. Các đồng vị phóng xạ Cs-134, Cs-137 cũng được tìm thấy trong nước sinh hoạt hàng ngày và các loại nhu yếu phẩm. Người dân được khuyến khích tiêu dùng các mặt hàng viện trợ nhân đạo quốc tế thay vì các sản phẩm của địa phương.

Tính đến tháng 12/2011 vẫn còn khoảng 23.000 nhân viên cứu hộ tại khu vực xảy ra sự cố. Hầu hết trong số họ đều an toàn với phóng xạ; chỉ có 174 nhân viên được phát hiện vượt quá liều lượng giới hạn ban đầu và 6 trường hợp ở mức báo động. Ảnh hưởng của bức xạ đối với sức khỏe có thể kéo dài hàng thập kỷ, vì thế khó có thể tìm thấy các triệu chứng bệnh tật ngay được. Tuy nhiên, do mức độ liều bức xạ đo được trên người thấp, các nhà chức trách Nhật Bản vẫn kết luận “không có dấu hiệu ảnh hưởng sức khỏe do bức xạ trên người dân và trẻ nhỏ”.

Xung quanh vấn đề phơi nhiễm bức xạ và tình hình sức khỏe người dân, nhân viên cứu hộ nhà máy, IAEA đề nghị một số vấn đề như sau: Trong trường hợp các chất phóng xạ phát tán ra ngoài môi trường, cần nhanh chóng có một chương trình giám sát môi trường toàn diện, phối hợp giữa các bên liên quan, giữa nước sở tại và cộng đồng quốc tế nhằm xác định đặc tính và mức độ tác động của bức xạ đối với môi trường ở cấp địa phương, khu vực và toàn cầu. Các tiêu chí và nguyên tắc về bảo vệ người dân cần phải được giải thích một cách rõ ràng, dễ hiểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân tự biết cách bảo vệ mình trước nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ. Chính quyền địa phương và người dân cần nhận thức rõ ràng các nguy cơ và ảnh hưởng của việc phơi nhiễm phóng xạ đến sức khỏe.

Những bài học rút ra từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản là kinh nghiệm quý báu để Việt Nam thực hiện chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đặc biệt, ngay từ khâu thiết kế, xây dựng kế hoạch cần phải được thực hiện nhất quán, cụ thể và tỉ mỉ trong đó an toàn hạt nhân phải đặt lên hàng đầu. Tiếp theo là vấn đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, cần phải có đội ngũ cán bộ, công nhân viên giỏi về chuyên môn, nhanh nhạy trong việc nắm bắt cái mới để áp dụng vào quá trình vận hành nhà máy sau này.

Theo BINHCHUNGHOAHOC.VN

Tags: , ,