Nhóm lợi ích trong quy hoạch: Một kho ‘củi’ cần đưa vào lò sớm

Các chuyên gia cho rằng, điều chỉnh quy hoạch, nắn quy hoạch theo các nhà đầu tư vì lợi ích nhóm còn nguy hiểm gấp nhiều lần việc “bảo kê” vi phạm trật tự xây dựng nhưng lại ít bị đụng đến. Do đó, cần phải hình sự hóa để xử lý tận gốc các nhóm lợi ích trong quy hoạch.

Hàng loạt sai phạm

Vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr về việc Thanh tra Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính.

Kết luận đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại hầu hết công trình thuộc khu vực này. Theo đó, các dự án được lập, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc tỷ lệ 1/500, rồi điều chỉnh nhiều lần (có dự án 5 lần điều chỉnh) nhưng không được công bố công khai, dẫn đến tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong quản lý đô thị không biết để quản lý, giám sát thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Cụ thể, UBND Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật đối với 14 đồ án, dự án, công trình trên tổng số 56 dự án được kiểm tra. Trong đó, thành phố điều chỉnh 4 đồ án quy hoạch chi tiết, 16 lần điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết và 22 lần điều chỉnh bằng các văn bản chấp thuận.

Trong khi đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc điều chỉnh sai thẩm quyền, không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật và xã hội với 33 dự án, công trình. Đơn vị này cũng chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật sai quy định với 19 dự án, công trình không xác định chỉ giới xây dựng tầng hầm; 10 dự án ghi số tầng không đúng. Sở này cũng điều chỉnh vượt thẩm quyền khi chấp thuận phương án cho 21 công trình có tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng và không được UBND Hà Nội cho phép.

Về sai phạm của các quận, huyện, cơ quan chức năng xác định UBND quận Hà Đông đã cấp 10 giấy phép xây dựng cấp tại điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt Vạn Phúc sai hệ số sử dụng đất, chiều cao tầng so quy hoạch chi tiết được duyệt.

Làm rõ lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch

KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Cần phải làm rõ lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh quy hoạch băm nát đường Lê Văn Lương”. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cần mở rộng thêm các khu vực khác trên địa bàn thành phố để làm rõ thêm các bất cập trong quản lý quy hoạch xây dựng. Theo ông Tùng, trước nay có nhiều cán bộ bị xử lý do buông lỏng, “bảo kê” vi phạm trật tự xây dựng nhưng ít khi thấy cán bộ bị xử lý do điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. “Điều chỉnh quy hoạch còn gây ảnh hưởng lớn hơn vi phạm trật tự xây dựng nhưng lại ít bị ‘đụng đến’, nếu không có lợi ích thì chắc chắn không ai làm, do đó cần phải hình sự hóa để xử lý tận gốc”, ông Tùng nêu quan điểm.

KTS Nguyễn Anh Tuấn (Cty Kiến trúc ATH Home) nhận định: Không chờ đến Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành kết luận mà báo chí, người dân đã nhận thấy những bất cập của tuyến đường Lê Văn Lương từ lâu. Tuyến đường chỉ 2km mà mọc lên hàng chục chung cư cao tầng, đường đi lại luôn tắc nghẽn bất kể khung giờ. Điều đó đã chứng minh những bất cập trong quy hoạch đô thị tại tuyến đường này. “Hay như kế hoạch di dời các trường đại học, cơ quan, nhà xưởng… ra khỏi nội đô nhưng thay vào đó lại bị nhồi nhét các chung cư cao tầng. Vậy các quy hoạch này được thực hiện như thế nào, cũng cần thanh tra làm rõ”, KTS Nguyễn Anh Tuấn nói.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng vừa qua chỉ là một phần của góc tối quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tại Hà Nội. Điều này cho thấy Hà Nội còn nhiều khu vực bất cập về quy hoạch, thể hiện việc thiếu tâm huyết của một số thế hệ lãnh đạo thành phố với Thủ đô.

Theo TRẦN HOÀNG / TIỀN PHONG

Tags: , ,