Nhóm lợi ích thao túng vỉa hè: Đừng để sự tử tế cô đơn

“Chặt đứt” nhóm lợi ích thao túng, chiếm đoạt vỉa hè, lề đường thu lợi bất chính, cũng là cách ngăn chặn nguy cơ nảy sinh bất an, bất hoà, để sự tử tế không thành cô đơn và rời bỏ chúng ta…

Ông Đoàn Ngọc Hải. Ảnh: Zing.vn.

Hôm 8/1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi đơn xin từ chức…

Nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự tiếc nuối và buồn, khi một vị lãnh đạo cấp quận năng nổ, nhiệt huyết, nói đi đôi với làm, khi không thực hiện trọn vẹn lời hứa “lấy lại vỉa hè cho người đi bộ” đã “cởi áo về vườn”.

Ở một phía khác, tôi mường tượng, không ít người hỉ hả, mừng thầm, và cũng không hiếm kẻ vỗ tay ăn mừng. Với họ, ông Đoàn Ngọc Hải là “kẻ lạc loài”, “tên chọc gậy bánh xe”, “lấy trứng chọi đá”, thậm chí, là “thằng khùng”.

Riêng tôi, vừa buồn lại vừa mừng.

Buồn, vì một cán bộ, đảng viên tử tế, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đường đi chưa tới đã “lực bất tòng tâm”, thành kẻ cô đơn ngay giữa đồng chí, đồng nghiệp của mình.

Buồn, vì chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè được lan tỏa từ “hiện tượng Quận 1”, “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải” rất được kỳ vọng, tưởng chừng vượt lên hội chứng phong trào, bền lâu và hiệu quả, hoá ra vẫn là việc làm lấy lệ, gõ trống khua chiêng thoáng chốc.

Nhưng, cũng là điều mừng.

Còn có những người như ông Đoàn Ngọc Hải còn biết nhìn ra những điểm tối, góc khuất trong bức tranh đô thị ở một quận trung tâm thành phố giàu có và năng động nhất nước, để rồi xắn tay hành động, hành động quyết liệt, hòng lập lại trật tự, mang lại bức tranh đô thị tươi sáng và hài hoà hơn.

Còn có một Đoàn Ngọc Hải, đảng viên, quan chức, còn giữ được tiết tháo của người tử tế khi coi trọng chữ tín mà xem nhẹ danh lợi. Khi người đời nháo nhào “chạy ghế”, “giữ ghế”, thì ông “rời ghế”, “trả ghế”. Ông biết giữ lời hứa, biết hành động để thực hiện lời hứa, vì lợi ích của đại đa số người dân. Khi “biết mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân và kỳ vọng của các đồng chí lão thành cách mạng”, thì đệ đơn lên tổ chức, xin “trở lại người công dân bình thường”.

Xin đừng trách cứ hay phê phán ông Đoàn Ngọc Hải. Có thể thể tất cho ông về hành động có chút cực tả khi ông dám “động chạm đến lợi ích rất to lớn- hàng ngàn tỉ đồng của bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền”… Hãy đặt hành động của ông trong bối cảnh “sự chống phá công khai và ngấm ngầm, sự đe dọa đến sinh mạng bản thân, gia đình từ các đối tượng bị mất nguồn lợi phi pháp, từ lấn chiếm tài sản công và không gian sống của xã hội”-như “tự bạch” trong đơn xin từ chức của ông, mới thật sự hiểu và cảm thông, chia sẻ cùng ông.

Bất kỳ ai, chứ không riêng ông Đoàn Ngọc Hải, đều dễ rơi vào trạng thái cô đơn, thành cô độc, trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cụ thể là nhóm lợi ích “lấn chiếm tài sản công và không gian sống của xã hội”. Thực tế, nhóm lợi ích, ở mọi cấp độ, đang là một thế lực, chi phối cả chính quyền, lấn át cái tốt, sự tử tế, trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, sự hưng thịnh của quốc gia.

Có sự trùng hợp ngẫu nhiên, đúng hôm ông Đoàn Ngọc Hải đệ đơn xin từ chức do nhận thấy “lực bất tòng tâm”, thì Toà án ở hai đầu đất nước đưa hai vụ đại án ra xét xử, mỗi vụ án là một dây-nhóm-lợi-ích. Chỉ nhìn vào “tập đoàn hùng hậu” bị cáo và số lượng ngân quỹ bị đục khoét, phù phép, chia chác ở hai vụ án này, cũng đủ hình dung thế lực, sự ngang ngược, thái độ bất chấp và mức độ tàn phá không chỉ nền kinh tế đất nước, của nhóm lợi ích!

Chuyện cái vỉa hè, lề đường ở trung tâm thành phố lớn và ông Đoàn Ngọc Hải “lực bất tòng tâm”, “cởi áo về vườn”, phải chăng cũng từ câu chuyện nhóm lợi ích?

Một khi cái vỉa hè, lề đường là tài nguyên quốc gia, tài sản công, không gian công cộng sinh ra nguồn lợi béo bở “hàng nghìn tỉ đồng”, chui vào túi một nhóm người, thì tự nó tạo nên sức mạnh và những mối quan hệ ngầm bền chặt. Khi ấy, người tử tế chống lại nó, dễ bị cô lập, thành kẻ cô đơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại hội nghị ngành Tài chính đầu năm 2018, đã cảnh báo về “nhóm lợi ích đục khoét để hưởng lợi khổng lồ từ tài sản công”. Ông thể hiện thái độ phải “chặt đứt nhóm lợi ích thao túng tài sản công quốc gia”.

Cái vỉa hè, lề đường thành phố lớn, xét nhiều bình diện, không còn là chuyện nhỏ.

“Chặt đứt” nhóm lợi ích thao túng chiếm đoạt vỉa hè, lề đường thu lợi bất chính, cũng là cách ngăn chặn nguy cơ nảy sinh bất an, bất hoà trong xã hội, để sự tử tế không thành cô đơn và rời bỏ chúng ta.

Theo UÔNG NGỌC DẬU / VIETNAMNET

Tags: , ,