Nhói lòng trước một miền Tây cạn kiệt

Tôi gặp vũng nước đọng bên rìa đám ruộng, rộng chừng chiếc đệm, khi đi ngang cánh đồng lúa chín ở miệt Láng Linh (huyện Châu Phú, An Giang) vài hôm trước.

Nhói lòng trước một miền Tây cạn kiệt

Tác giả: Nhà văn Trương Chí Hùng.

Trước đây, vũng nước trên ruộng lúa sắp thu hoạch sẽ nhung nhúc cá – những con cá đã sống mấy tháng trời trên mảnh ruộng, lúc người ta xả nước để chuẩn bị thu hoạch lúa, chúng sẽ bị lùa lại trong các vũng nước đọng. Đa phần là cá rô đồng, cá sặc, cá lóc; móc sâu xuống bùn một chút là có cá chạch, lươn.

Mùa lúa chín cũng là lúc dân miền Tây quê tôi đi bắt cá trên ruộng, tát chừng một vũng là cả nhà ăn không hết. Mà nguyên cánh đồng thì biết bao nhiêu là vũng, bởi vậy bà con khỏi lo chuyện cá mắm trong bữa cơm. Cứ như cá để sẵn ngoài đồng, đến bữa thì xách thùng xách thau ra bắt về ăn. Ếch trong đám lúa cũng thường nhảy xuống vũng, xuống mương kiếm mồi. Chỉ cần đặt mấy cái lọp ếch, sáng ra có thể được vài ký. Ai thuộc thế hệ 7X hay 8X, từng gắn bó với ruộng đồng miền Tây, chắc không xa lạ gì những điều tôi vừa kể.

Nhưng đó là vũng nước hồi xưa, còn bây giờ, tôi ghé xem không thấy bóng dáng con cá nào, chỉ vài con ốc bươu vàng nằm lăn lóc. Cái vũng nước nhỏ khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, có lẽ nó là một minh chứng về sự biến thiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền đất Tây Nam Tổ quốc trong những năm qua.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, suốt 20 năm qua (2000-2020), Đồng bằng sông Cửu Long luôn giữ vị thế “vựa lúa số một”, với diện tích và sản lượng luôn đạt trên 50% tổng diện tích và sản lượng cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long cũng đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, phát triển được giống gạo ST-25 ngon nhất thế giới; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm cho 65% cư dân nông thôn của vùng.

Đó là những con số ấn tượng về sự phát triển của một vùng đất. Song, những mất mát trên mảnh đất này chưa được tính toán, thống kê đầy đủ.

Một nhiếp ảnh gia ở Hà Nội vào, nhờ tôi chở đi chụp vài bức ảnh về trẻ em miền Tây tắm sông. Tôi chở anh đi cả ngày từ An Giang qua Đồng Tháp rồi trở về, không thấy đứa trẻ nào tắm sông cả. Anh thất vọng vì chuyến đi không như mong muốn. Tôi giải thích bây giờ ít khi người ta tắm sông ở miền Tây, vì những con sông đã ô nhiễm nặng do nguồn nước xả ra từ các công ruộng sử dụng nhiều thuốc trừ sâu. Cá mắm cũng không thể sinh sống nổi, đang cạn kiệt dần. Sông rạch miền Tây bây giờ hầu như chỉ còn cá lau kiếng, một loại cá không có giá trị thương phẩm bao nhiêu nhưng lại là chúa tể hủy hoại môi trường.

Trước đây, người miền Tây cũng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng không nhiều. Hàng năm, sau hai mùa lúa sẽ đến mùa nước nổi. Lượng nước lớn làm ngập sâu các cánh đồng trong vài tháng, đủ để rửa sạch ô nhiễm, đồng thời bồi đắp phù sa màu mỡ cho vụ gieo trồng sau khi nước rút. Ngày nay, mùa nước nổi hiếm khi xuất hiện ở miền Tây. Nếu có, lượng nước cũng rất ít, bởi phần lớn đã bị ngăn chặn bởi đập thủy điện của các quốc gia khu vực thượng nguồn Mekong. Lại thêm, hệ thống đê bao thâm canh tăng vụ ở nhiều tỉnh miền Tây ngăn nước tràn vào đồng, để xoay vòng khai thác mảnh ruộng hết vụ này đến vụ khác, từ năm này qua năm khác. Do đó, ruộng không được đào thải chất ô nhiễm, không được bồi đắp phù sa hàng năm. Đất càng ô nhiễm càng cỗi cằn mà muốn duy trì năng suất thì phải tăng cường sử dụng phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Đây cũng là lý do chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, mà lợi nhuận ngày càng thấp.

Việc bao đê khép kín ở các vùng sản xuất thượng nguồn sông Cửu Long còn khiến lượng nước trong mùa mưa lũ không được tích trữ lại lâu trên các cánh đồng rộng lớn, mà theo các con sông trôi nhanh ra biển. Điều này phần nào khiến cho khu vực hạ nguồn thiếu nước vào mùa khô, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn. Để sản xuất nông nghiệp trong tình hình hạn mặn, người dân các tỉnh hạ nguồn phải tận dụng nguồn nước ngầm triệt để. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc tận dụng nguồn nước ngầm quá giới hạn đang gây ra hiện tượng sụt lún ở miền Tây, với tốc độ từ 1,0cm-2,5cm mỗi năm. Như vậy, khoảng 50 năm nữa, nhiều vùng đất ở miền Tây sẽ ngập sâu. Tương lai miền Tây rồi sẽ ra sao?

Khi vấn đề an ninh lương thực cơ bản được đảm bảo, miền Tây không nên quá đẩy mạnh sản lượng lúa gạo hàng năm. Thay vào đó, vùng này nên chú trọng nâng cao chất lượng, tăng giá trị nông sản. Đây là kiểu sản xuất tạo ra lợi nhuận cao đồng thời bảo dưỡng được tài nguyên. Việc thâm canh ba vụ lúa mỗi năm cần phải được xem xét, điều chỉnh lại để đất có thời gian “nghỉ ngơi”; phải tạo điều kiện cho nguồn nước tự nhiên bồi đắp phù sa đồng ruộng mỗi năm, đó cũng là cách giảm thiểu ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Tại Hội nghị toàn quốc về thực hiện Nghị quyết phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long ngày 22/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; hình thành được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng…”.

Người dân miền Tây như tôi hy vọng Nghị quyết sẽ không dừng lại trên văn bản, để cứu lấy một miền Tây đang tổn thương và cạn kiệt.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,