Nhớ bà lùn hát xẩm trên tàu điện

Mỗi khi nhớ về tuổi thơ, mình lại nhớ những chuyến tầu điện leng keng, nhớ bà lùn hát xẩm trên tầu với những câu đối đáp chao chát nhưng đầy tự trọng!

Nhớ bà lùn hát xẩm trên tàu điện

Trên ti vi vừa phát chương trình hát xẩm, đề nghị tôn vinh các nghệ nhân dân gian và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Tự dưng mình nhớ đến bà lùn hát xẩm trên các chuyến tầu điện ngày xưa.

Hồi ấy, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Mỗi lần đi tầu điện Hà nội – Hà đông để về quê sơ tán, mình lại được nghe bà lùn hát xẩm. Bà lùn chỉ cao chừng 80 cm, chân tay ngắn ngủn, lũn tũn. Bà thường đi hát một mình , nhưng đôi khi bà đưa theo một đứa con nhỏ cũng lùn tịt và lũn chũn như bà. Cả nhà bà sống ở bến tầu điện Bờ Hồ. Bà có khuôn mặt tròn khó đoán tuổi nhưng lúc nào cũng tươi vui, hóm hỉnh. Bà lùn hát không hay lắm nhưng mình rất khoái nghe bà nói chuyện và đối đáp với mọi người. Bà thường ngồi bệt giữa toa tầu, một tay cầm đàn nhị , một cái sênh, một cái phách, một tay cầm cái mê nón đựng tiền mọi người cho. Trước khi hát bao giờ bà cũng chắp tay, mỉm cười như những nghệ sĩ đang hát trên sân khấu:

– Nhà cháu xin được chào các ông các bà, các anh các chị , các em và các cháu. Hôm nay nhà lùn cháu xin được góp vui với các ông các bà, các anh các chị những bài hát đậm đà tình nghĩa quê hương để chuyến tầu của các ông các bà được vui vẻ. Mong rằng các ông các bà rộng lòng mở cửa ngân hàng để nhà cháu hôm nay được mở cửa công ty lương thực ạ. Nếu rộng lòng hơn chút nữa thì nhà cháu còn được đi của hàng thực phẩm và rau xanh. Cả toa tầu cười ồ vì lối nói ví von hoa mỹ của bà lùn. Sau đó bà kéo nhị rồi cất giọng khàn khàn, rè rè hát:

Anh đi anh nhớ… quê nhà
Nhớ canh rau muống… nhớ cà…à à… đầm tương….

Đôi khi bà hát:

Mẹ em tham giầu, khiến em lấy thằng bé tỉ tì ti,
Làng trên, chợ dưới thiếu gì trai tơ
Em trót đem thân cho thằng bé nó dầy vò
Đêm đông tháng giá, nó nằm co trong lòng
Cũng mang thân là gái đã có chồng
Chín đêm trực tiết, nằm không cả mười!
Em nói ra đây sợ chúng chị em cười,
Má hồng bỏ quá, thiệt đời xuân xanh!
Em cũng liệu cho thằng trẻ ranh,
Sờ mó qua quýt, năm canh cho nó đỡ buồn.
Em buồn em lại nhấc thằng bé nó lên,
Nó còn bé dại đã nên cơm cháo gì!
Nó ngủ nó ngáy tì tì
Một giấc đến sáng còn gì là xuân!
Chị em ơi , hoa nở mấy lần?

Cũng có khi hai mẹ con bà hát chầu văn. giọng con bé non nớt nhưng vảnh vót hòa với giọng rè rè, khê khê của bà nghe buồn não nuột:

Gió xanh xanh, nước xanh xanh
Sớm tình tình sớm…a… trưa tình tình trưa
Âý ai ơi tháng đợi năm chờ
Mà người ngày ấy…bây giờ là đây
Hồng hồng, tuyết tuyết…ư ư
Mới ngày nao chẳng biết cái chi chi
15 năm bỗng chốc có ra gì
Nay ngoảnh lại đã tới kỳ tơ liễu…

Và nhiều khi hai mẹ con bà đối đáp, bà hát:

– Cái gì nó bé nó cay
Cái gì nó bé nó hay cửa quyền

Con bé cất giọng lảnh lót:

– Hạt tiêu nó bé nó cay
Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền

Mỗi khi hai mẹ con hát xong , mọi người ai cũng vui vẻ đặt tiền vào cái nón mê của bà. Bà lùn cúi gập người cảm ơn từng người. Ông bán vé tầu trêu bà:

– Người bằng một mẩu thế mà còn chê chồng ”bé tí tỉ tì ti..”.

Bà vênh mặt cãi:

– Nhà bác chả biết gì cả. Bé đây là bé tâm bé tính, bé suy nghĩ, bé cái tư cách làm chồng, chứ cái thằng bé 3 tuổi thật thì chim nó bằng cái quả ớt ấy ai đã cho nó lấy vợ. Tôi một mẩu thế chứ nhà bác cứ thử đụng vào tôi xem, tôi cho quả pháo đùng của bác nổ tung xác

Cả toa tầu cười như vỡ chợ. Ông bán vé tầu ngượng quá bảo:

– Úi giời, con mẹ lùn, người thì bé mà vẫn thích gié to.

Bà cười bảo ai mà chả thích to.

Có hôm tầu vắng, bà ngồi ngắm chiếc mê nón có vài đồng xu lẻ (hồi ấy vẫn tiêu tiền xu) nói : hôm nay công ty lương thực lại đóng cửa rồi. Bà lơ đãng nhìn xa xôi, ánh mắt buồn xa vắng. Mình bảo bà ngồi lên ghế, bà bảo:

– Chỗ của xẩm là phải ngồi bệt ở dưới đất. Ngồi chênh vênh trên ghế hát hò gì. Với lại tôi lùn một mẩu thế này ngồi ghế có ngày ngã bổ chửng.

Một hôm, có ông khách trông dáng rất sộp lên tầu. Khi bà cất tiếng hát, ông tỏ vẻ khó chịu rồi vứt vào mê nón của bà tờ 2 hào và bảo:

– Thôi bà đừng hát nữa, nghe sốt ruột lắm. Bà cầm tờ 2 hào đua trả lại ông và nói :

– Cảm ơn ông khách đã có lòng hào phóng, nhưng Lùn tôi phục vụ lấy tiền chứ không đi ăn xin. (tờ 2 hào lúc ấy khá nhiều so với mức mọi người thường cho bà).

Bà thường chỉ đi đến chỗ tránh tầu ở Cầu Mới (Thanh Xuân bây giờ) rồi quay ra. Nhiều hôm mình cũng đi tầu vào Cầu mới rồi lại quay ra Bờ hồ chỉ để nghe bà hát và nhớ ca từ.

Sau này, cứ mỗi khi lên tầu mà không thấy bà lùn là mình lại nhớ và cảm thấy chuyến tầu ấy thật buồn tẻ!

Mỗi khi nhớ về tuổi thơ, mình lại nhớ những chuyến tầu điện leng keng, nhớ bà lùn hát xẩm trên tầu với những câu đối đáp chao chát nhưng đầy tự trọng!

Theo NGUYỄN TUYẾT HẠNH / HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM

Tags: , , ,