⠀
Nhìn lại năm cũ: Một năm lắm chuyện lạ trên thế giới
Hiếm có năm nào trên thế giới lại xảy ra lắm chuyện lạ như năm 2017. Ta hãy thử xem có phải như vậy không.
Hễ lên mạng hay bật vô tuyến truyền hình thì ngày nào cũng thấy xuất hiện những phát minh, sáng chế lạ kỳ: nào là người máy có vóc dáng và bộ óc nhân tạo hệt như con người; nào là xe hơi chẳng cần người lái; nào là những máy móc tinh vi giúp thầy thuốc giải phẫu bệnh nan y chỉ trong vài ba phút; nào là các bà nội trợ chẳng cần mang tiền, mua gì chỉ cần dí điện thoại thông minh vào mã hàng là xong…
Thế mới biết trí tuệ con người thật vô biên. Một khi nhu cầu cuộc sống đòi hỏi và sức sáng tạo được phát huy thì điều gì cũng làm được. Cái hay, cái lợi thì nhiều nhưng cũng có lúc “gậy ông đập lưng ông”. Cách mạng công nghiệp 4.0, 5.0 ở đâu không biết, những vụ hacker đánh sập mạng của hàng loạt quốc gia là một bằng chứng nhãn tiền về mặt trái của sự thần kỳ. Nói dại, nếu chúng đánh sập mạng điều khiển nhà máy điện hạt nhân hay hệ thống tên lửa – hạt nhân thì không biết thế giới sẽ ra sao?
Nội tình nhiều quốc gia cũng lắm điều lạ. Tiếp theo vụ nhà tỷ phú có nhiều phát ngôn và hành xử khác thường lên làm Tổng thống siêu cường số một thế giới là nước Mỹ; ở hàng loạt quốc gia diễn ra các cuộc bầu cử theo định kỳ hay bất thường như Pháp, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Áo, New Zealand, Hàn Quốc… Công việc bếp núc ở các quốc gia được cả bàn dân thiên hạ nín thở dõi theo một phần do những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy và dân tộc cực đoan đồng loạt ngóc đầu dậy. Nhờ trời, tạm thời các đảng phái tôn thờ những thiên hướng như vậy chưa giành được đa số áp đảo để lên nắm chính quyền, nhưng họ đã giành được số phiếu ủng hộ không phải là ít. Biểu hiện đó cho thấy sự phân hóa xã hội ở các nước công nghiệp phát triển sâu sắc đến chừng nào.
Sự phân hóa ấy không chỉ giữa các tầng lớp dân cư mà còn bộc lộ trong xu hướng “ly tâm” giữa các cộng đồng dân tộc. Chẳng thế mà đã xuất hiện làn sóng ly khai ở không ít nơi. Quả “bom tấn” trong làn sóng này là vụ nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), được gọi là Brexit; còn vùng Scotdland lại muốn tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh & Bắc Ireland để ở lại EU; vùng Catalunya đòi rời khỏi Tây Ban Nha; cộng đồng người Kurd sống ở bốn nước: Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq muốn hình thành quốc gia độc lập…
Thế mới biết, “phát triển” và “công bằng” phải đi đều chân, nếu “chân tươi, chân héo” thì rất dễ sinh chuyện; tình cảm dân tộc là cái gì đó ẩn sâu trong xương tủy, nếu không cẩn thận tất sẽ tan cửa nát nhà.
Một biểu hiện khác phản ánh chiều hướng trên là sự giằng co giữa tự do hóa thương mại dưới tác động của toàn cầu hóa và những biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy. Ai cũng biết, chẳng một quốc gia nào, dù lớn mạnh tới đâu cũng không thể sống biệt lập, vẫn phải làm ăn, buôn bán với nước khác. Bên cạnh đó, nước nào cũng chăm lo lợi ích của mình trước tiên. Làm thế nào để hài hòa được mối lợi riêng và lợi ích chung là một chủ đề nóng trong năm qua, thậm chí những “thỏa thuận thế kỷ” như Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu cũng chịu những thách thức nặng nề trước chủ thuyết “Nước Mỹ trên hết” của ông D.Trump.
Về chính trị – an ninh cũng không hiếm những điều rắc rối. Trong mớ bòng bong các sự kiện, không biết nên đề cập chuyện gì trước? Dù sao đi nữa thì quan hệ giữa các nước lớn cũng ảnh hưởng nhiều tới cục diện chung, vì vậy xin có vài lời bình trước.
Tuy các cuộc gặp ở trang trại Mar-a-Lago khi hai ông gặp nhau lần đầu và trong Tử Cấm Thành khi ông D.Trump lần đầu công du châu Á mang đầy tính biểu tượng về không khí đầm ấm giữa hai nền kinh tế thứ nhất và thứ nhì thế giới, nhưng điều đó cũng không che đậy được sự tranh hùng giữa hai quốc gia. Biểu hiện về điều này có nhiều; chỉ cần lẩy ra hai hiện tượng cũng đủ thấy: Đó là việc Trung Quốc ra sức cổ súy cho tư tưởng “Vành đai, con đường”, trong đó con đường tơ lụa trên biển qua cửa ngõ Biển Đông vắt ngang Ấn Độ Dương vòng qua Trung Cận Đông sang châu Âu; còn ông D.Trump lại không ngớt nhấn mạnh ý tưởng “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” với sự hưởng ứng của Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Còn cặp quan hệ Mỹ – Nga vẫn không mấy suôn sẻ, một phần liên quan cuộc đấu đá trong nội bộ nước Mỹ chung quanh câu chuyện “nước Nga can thiệp vào cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ”. Tiếng là vậy, song họ vẫn phải tìm cách dàn xếp với nhau, chí ít là cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và tình hình Syria. Rõ ràng ở đây Nga đã giành được thế thượng phong với việc giúp chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad lợi thế trong cuộc chiến chống IS và với các phe đối lập, đồng thời hình thành sự kết giao với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran; thậm chí cải thiện được quan hệ cả với đồng minh truyền thống của Mỹ là Saudi Arabia.
Cái khu vực đầy xung đột, chết chóc này tiếp tục chứng kiến nhiều rối ren: nào là nội chiến kéo theo khủng hoảng nhân đạo ở Yemen; nào là sự lục đục giữa một số nước vùng Vịnh với Qatar, và nhất là “món quà” cuối năm ông D.Trump tặng cho khu vực và thế giới là quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đẩy nước Mỹ vào thế cô lập. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ được công bố cuối năm càng chứng tỏ điều đó
Trong khi đó, điểm nóng nổi trội ở Đông – Bắc Á liên quan việc CHDCND Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo, bom hạt nhân và cả bom nhiệt hạch. Đây là một chủ đề nổi trội trong chương trình nghị sự của LHQ, nhất là các nước trực tiếp hữu quan là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Lời qua tiếng lại, thậm chí không thiếu những hăm dọa lạnh người, bên cạnh đó không ít phương án thăm dò được đưa ra. Không biết rồi mớ bòng bong này sẽ được tháo gỡ ra sao nhưng thật khó hình dung một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới lại bùng phát sau gần 70 năm với những hệ lụy thảm khốc gấp bội.
Lướt qua cục diện năm qua, ai ai cũng có cảm giác về một thế giới đầy bất an, bất định. Tuy nhiên, nếu bình tâm suy ngẫm thì có vẻ như mọi chuyện đang chuyển mình theo những quy luật vốn có. Đó là quy luật phát triển kinh tế và khoa học – công nghệ theo các làn sóng; quy luật “hợp – tan” và “hướng tâm – ly tâm”; quy luật phát triển không đồng đều của các quốc gia; quy luật “thịnh – suy” của các nước.
Phải chăng 2017 là một năm bản lề giữa trạng thái cũ và trạng thái mới, lúc mà trạng thái cũ chưa mất hẳn, trạng thái mới chưa định hình vững chắc nên mới phát sinh lắm sự rung lắc. Hy vọng rằng, năm 2018 tới mọi chuyện sẽ đi dần vào trật tự, hình hài của cấu trúc mới sẽ lộ rõ hơn, cái lợi ích bất biến của loài người là hòa bình, ổn định và hợp tác để làm ăn sinh sống vẫn là dòng chảy chính.
Theo VŨ KHOAN / BÁO THỜI NAY SỐ XUÂN MẬU TUẤT
Tags: Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu, Kinh tế thế giới