⠀
Nhìn lại cuộc dời đô lịch sử của Lý Công Uẩn
Bắt đầu từ việc dời đô, kết hợp với cuộc cải cách khá toàn diện, Lý Công Uẩn và các hậu duệ đã thành công trong việc xây dựng nhà nước tập quyền quý tộc Phật giáo thịnh trị, nhanh chóng đưa Đại Việt trở thành quốc gia hùng mạnh.
Lấy ngôi không bạo lực
Nhà Tiền Lê, sau khi thay thế nhà Đinh (980), chống Tống thắng lợi, dưới triều Lê Hoàn đã có nhiều cải cách để ổn định tình hình đất nước về chính trị, kinh tế xã hội và ngoại giao. Nhưng sau khi Lê Hoàn mất (1005), cuộc chiến nồi da nấu thịt giữa các hoàng tử nổ ra, khủng hoảng cung đình trầm trọng. Lê Long Đĩnh giết vua anh là Lê Long Việt, giết nốt Lê Long Kính và vô hiệu hóa Lê Long Cân, Lê Long Đinh. Lê Long Đĩnh không những có quân công mà lúc trị vì cũng có nhiều chính sách kinh tế, ngoại giao có hiệu quả. Tuy nhiên, sự tàn bạo và sa đọa của ông ta đã đi quá giới hạn, trở nên vô độ, lòng người oán ghét.
Năm 1009, Lê Long Đĩnh mất khi mới 24 tuổi, các con đều đang nhỏ. Với sự chuẩn bị và đạo diễn Sư Vạn Hạnh, Điện tiền Lý Công Uẩn, một bề tôi được Lê Long Đĩnh tin dùng, đã cùng với các quan lại trong triều tận dụng thời cơ khoảng trống quyền lực để nhẹ nhàng lấy ngôi nhà Lê hoàn toàn không bạo lực. Sử cũ chép: Khi Lê Long Đĩnh qua đời, Lý Công Uẩn và Nguyễn Đệ được đem 500 quân vào cung.
Đào Cam Mộc biết Lý Công Uẩn có chí làm vua nên nói khích để ông lấy ngôi. Lý Công Uẩn giả vờ chối và dọa bắt Đào Cam Mộc nộp quan. Đào Cam Mộc biết Lý Công Uẩn giả vờ nên không những không sợ mà còn khích lệ thêm. Sau đó, hai người bàn kế hoạch cụ thể. Đào Cam Mộc vận động các quan lại triều đình, vì chán ghét vua bạo ngược nên mọi người ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi. Cuối cùng họ đã thành công, Lý Công Uẩn được lập làm Thiên tử, lên ngôi hoàng đế. Một cuộc đổi ngôi hòa bình nhất trong lịch sử Việt Nam.
Từ dời đô đến đổi mới đất nước
Lý Công Uẩn lên ngôi trong bối cảnh khủng hoảng cung đình trầm trọng, đất nước chưa thực sự thống nhất trên nhiều mặt, từ chính trị đến kinh tế – xã hội, nguy cơ cát cứ vẫn tồn tại; đồng thời nguy cơ xâm lược của nhà Tống ngày càng rõ ràng hơn.
Nhiệm vụ hàng đầu của Lý Công Uẩn lúc lên ngôi là chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị đã kéo dài qua mấy triều đại đồng thời định hướng, đặt nền tảng ổn định triều đình để phát triển bền vững đất nước.
Sự lựa chọn hành động đầu tiên cho quá trình đổi mới của Lý Công Uẩn là dời đô từ Hoa Lư về Đại La.
Kinh đô Hoa Lư được Đinh Bộ Lĩnh lựa chọn là phù hợp với nhu cầu trong bối cảnh những ngày đầu xây dựng quốc gia tự chủ sau những cuộc chiến để thống nhất quyền lực. Nó có ý nghĩa là một thành trì quân sự, phù hợp với bối cảnh đất nước có chiến tranh. Đó là một vùng đất trũng, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi, thuận cho việc phòng thủ quân sự nhưng khó trở thành một đô – thị đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vì giao thông khó khăn, giao thương không thuận lợi, lại ở xa trung tâm kinh tế là châu thổ sông Hồng. Với yêu cầu mới là xây dựng đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế, mở mang văn hóa, rõ ràng Hoa Lư đã không còn phù hợp.
Mùa Thu năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định đời đô về Đại La “cốt để mưu nghiệp lớn… Cho vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”, “tính kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo chí dân” vì nó “ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Ðông, Tây, tiện hình thế sông núi trước sau”, là “thắng địa” “muôn vật rất phồn thịnh mà phong phú”, “là chỗ hội tụ của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”, xứng với kinh đô của một quốc gia thống nhất và thịnh đạt.
Lý Nam Ðế (503 – 548) là người đầu tiên nhận ra vị thế của vùng đất (Hà Nội) này khi quyết định đóng đô Vạn Xuân ở cửa sông Tô Lịch, đắp thành để đánh quân xâm lược Lương. Ðại La là thủ phủ của chính quyền đô hộ Tùy, Ðường trong khoảng 3 thế kỷ, từ năm 607. Sau nhiều lần xây đắp, tu sửa, thành Ðại La có quy mô khá lớn, tập trung cư dân khá đông, là một trung tâm kinh tế phát triển.
Sông Nhị (sông Hồng) ở phía Bắc thành Đại La, có vai trò như một con hào tự nhiên ngăn chặn sự tiến công từ phương bắc xuống. Từ sông này, có thể toả đi khắp hệ thống sông ngòi vùng châu thổ, lên miền núi rừng phía bắc, phía tây bắc và theo đường biển vào miền trong. Trong khu vực nội đô, các sông Tô Lịch, Kim Ngưu nối với hồ Tây, sông Nhị và hệ thống ao hồ tạo thành một mảng lưới giao thông đường thủy đi lại khắp vùng, rất thuận lợi cho Đại La.
Với vị trí địa lý thuận lợi đó, Đại La có vị trí địa chính trị/quốc phòng/kinh tế/văn hóa đặc biệt quan trọng, đáp ứng nhu cầu trở thành kinh đô của đất nước đang phát triển lên trình độ cao hơn.
Ngay sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, công cuộc dời đô và kiến thiết được tiến hành. Trong năm 1010, 8 điện 3 cung đã hoàn thành và các cung điện, chùa tháp tiếp tục được xây dựng. Đồng thời, nhà Lý đã cho xây Long Thành, để bảo vệ kinh đô. Việc xác lập và xây dựng kinh thành Thăng Long chứng tỏ tầm nhìn xa và khát vọng lớn lao của Lý Thái Tổ. Từ đây, Thăng Long đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Ðại Việt.
Sau khi định đô, Lý Thái Tổ đã thực hiện một loạt cải cách toàn diện về chính trị, kinh tế và văn hóa.
Về chính trị, Lý Thái Tổ chủ trương đổi mới vương triều, đổi mới triều đại, xây dựng một vương triều nhân đức, khoan từ thay thế vương triều Tiền Lê tham tàn, bạo ngược. Tư tưởng xây dựng nhà nước của Lý Thái Tổ là kết hợp pháp trị với đức trị. Từ đó, nhà Lý đã ban hành Hình thư, không chỉ là công cụ quản lý mà còn chứng tỏ trình độ văn minh pháp lý của nhà Lý ngay từ thời kỳ đầu lập triều. Quyền lực của các thủ lĩnh quân sự được thay thế dần bằng bộ máy quan lại dân sự. Khẳng định vị thế của Đại Việt bằng chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ đối với nhà Tống và khá khoan hòa với Champa và Chân Lạp. Lý Thái Tổ và các vua Lý không ngừng gia tăng quyền lực dòng họ, Tăng cường quý tộc hóa và quan liêu hóa dòng họ, nắm mọi quyền hành chủ chốt của quốc gia; Ban chức tước cho những người tín nghĩa để tạo đội ngũ thân cận trung thành.
Về bộ máy hành chính, Lý Thái Tổ đổi 10 đạo thời Đinh – Tiền Lê thành các lộ và phủ, dưới phủ là huyện, dưới huỵên là hương. Công cuộc cải tổ hành chính có quy mô rộng lớn này nhằm quản lý toàn diện đất nước, tạo nên sức mạnh cho Nhà nước Đại Việt. Nhằm tạo ra sự ổn định ở vùng biên cương, Lý Thái Tổ thực hiện chính sách ràng buộc lỏng lẻo đối với các tộc người thiểu số, vùng xa trung tâm, từ đó hóa giải các mâu thuẫn, các phản kháng, tạo nên sức mạnh tập trung cho quốc gia.
Về kinh tế, Lý Thái Tổ ngay sau khi lên ngôi, đã 2 lần đại xá tô nhằm khoan sức dân, kích thích sản xuất. Lý Thái Tổ và nhà Lý coi trọng hoạt động công thương nghiệp, đặc biệt ở khu vực Thăng Long. Cho lập nhiều bến thuyền, nhiều chợ, tạo thuận lợi cho việc giao thương buôn bán; tiếp tục đào kênh Nhà Lê, thông đến tận Nghệ An. Nhờ đó kinh tế tiền tệ phát triển hơn trước, nguồn lực quốc gia dồi dào, mạnh mẽ.
Về phương diện văn hóa, vua Lý thành lập Quốc Tử Giám, mở các khoa thi tuyển chọn nhân tài, đào tạo đội ngũ trí thức; dần biến Thăng Long thành một trung tâm Phật giáo với nhiều cao tăng, chùa tháp nổi tiếng. Thăng Long nhanh chóng trở thành trung tâm tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật lớn nhất của Đại Việt.
Lý Công Uẩn xuất hiện và nhà Lý ra đời là để giải quyết cuộc khủng hoảng tích tụ lại từ các triều đại trước đó khi mà các triều đại này có thể nói là những bộ máy nhà nước chưa hoàn chỉnh, đã không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước ở một trình độ cao hơn trong thời bình. Viễn kiến dời đô và công cuộc cải cách của Lý Công Uẩn đã mở ra thời đại mới cho Đại Việt và cho đến nay nhiều bài học cải cách của ông vẫn có giá trị thiết thực. |
Theo VĨNH KHÁNH / KINH TẾ ĐÔ THỊ
Tags: Nhà Lý, Sự kiện lịch sử Việt Nam, Lý Thái Tổ