Nhận diện hiện tượng ‘tham nhũng tinh thần’ ở Việt Nam

Tham nhũng tinh thần đã trở thành hiện tượng xã hội “ngầm” ở Việt Nam, hủy hoại nhân cách con người.

Nhận diện ‘tham nhũng tinh thần’ ở Việt Nam

Lâu nay khi nhắc tới tham nhũng, người ta sẽ nghĩ ngay tới việc lạm dụng chức quyền lấy của công, của nhân dân (thiên về vật chất). Nhưng có lẽ khi xã hội hiện đại hơn, tham nhũng sẽ “đa phương diện hơn”.

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham nhũng và tham ô là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế chưa phát triển, quản lý kinh tế, xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.

Tham nhũng và tham ô làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước, đến chừng mực nào đó nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế – xã hội. Tuy hình thức của tham nhũng là khác nhau, nhưng bản chất tham nhũng thì giống nhau.

Ở Việt Nam, theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, tính nan giải, khó trị của tham nhũng được lý giải từ sự yếu kém của thể chế, tính nửa vời trong chỉ đạo thực hiện và sự thoái hóa của không ít quan chức, công chức trong bộ máy, thậm chí tham nhũng có cả trong hoạt động tư pháp, trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tình trạng pháp luật có, pháp chế cũng có nhưng pháp trị thì không hoặc yếu kém và hình thức, là một thực tế phổ biến hiện nay ở Việt Nam.

Tham nhũng trên đây có thể nói đó là hiện tượng xã hội, tồn tại ở tất cả các quốc gia, chỉ khác nhau ở mức độ nhiều hay ít.

Tuy nhiên, những năm gần đây, một loại tham nhũng mới xuất hiện, đó là tham nhũng tinh thần. Tham nhũng tinh thần trở thành hiện tượng xã hội “ngầm” không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số quốc gia khác trên thế giới.

Có thể chia tham nhũng tinh thần thành tham nhũng thế tục và tham nhũng tâm linh. Tham nhũng thế tục là tham nhũng sử dụng những cái không thuộc về mình (giả bằng cấp, đạo văn, ăn cướp ý tưởng…) thành cái của mình. Tham nhũng tâm linh là tham nhũng lợi dụng những yếu tố tâm linh để phục vụ mục đích riêng của mình hay có thể nói đơn giản hơn là “vụ lợi tâm linh”.

Ở Việt Nam loại tham nhũng này chưa được gọi là tham nhũng, nhưng trên thực tế nó ăn sâu vào đời sống, tư duy của một số cá nhân, đôi khi nó trở thành phong trào làm biến đổi giá trị truyền thống, tạo ra những thứ vô giá trị nhưng được một số người chấp nhận và đề cao nó. Đây là loại tham nhũng làm hủy hoại dần nhân cách con người, làm mục ruỗng xã hội. Khi nhân cách con người hết, nghĩa là con người đó cũng sẽ chết.

Thật dễ hiểu khi có cả những quan chức cao cấp đại diện cho cả địa phương lớn, một lĩnh vực lớn rất “vô tư” dùng bằng cấp giả, không chỉ bằng đại học mà cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Còn chuyện đạo văn, “vô tình, không cố ý” tham khảo đôi chút về ý tưởng, đoạn văn, thậm chỉ cả luận văn, luận án cũng đã trở thành việc không phải hiếm, nếu như không muốn nói là tràn lan.

Nên thế không phải ngẫu nhiên người ta nói “thạc sĩ, tiến sĩ trở thành mác làm sang, làm đẹp lý lịch khi thăng quan tiến chức”. Với lý do đó, chẳng hơi đâu mà học. Tiền mua được cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Những người “chủ” thực sự của những tấm bằng đó mặc dù có đôi chút ngậm ngùi, nhưng cũng tạm vừa lòng với số tiền hoặc được lợi ích nào đó (thăng chức…). Rõ ràng kiểu tham nhũng này được thỏa thuận, luật pháp cũng khó lòng xử lý.

Ở loại tham nhũng này còn được thể hiện ở chỗ đối tượng này không thừa nhận năng lực thật, giá trị thật, thậm chí phủ nhận sạch trơn năng lực và giá trị thật của đối tượng khác. Không ít người đã bị hủy hoại cả cuộc đời, đau đớn hơn là không thể tự hiểu mình là ai, nghi ngờ chính bản thân. Năng lực của họ, giá trị của họ bị những người phủ nhận tùng xẻo mỗi ngày một ít, vừa đau đớn, vừa muốn tồn tại, nhưng không được tồn tại, tồn tại nhưng trở nên vô nghĩa.

Đó có thể tạm gọi là kiểu tham nhũng thế tục. Còn tham nhũng tâm linh có thể nói là loại tham nhũng vô cùng phức tạp, bởi nó động chạm tới tinh thần, sự tự trọng, lương tâm của mỗi cá nhân. Tâm linh có sức ảnh hưởng tự nhiên, nó lan đi rất nhanh chóng.

Nhà nước ta luôn coi trọng tới việc phát triển hệ thống tôn giáo, xây dựng lòng tin lành mạnh cho toàn xã hội. Tuy nhiên, một số quan chức đã lợi dụng việc này, biến nó trở thành cái riêng của mình. Họ dùng tiền “công đức” xây dựng chùa, nhà thờ, làm từ thiện…mong muốn “thế lực vô hình” tạo ra sức mạnh, mang lại may mắn cho họ về công danh và tiền bạc.

Tham nhũng tâm linh thường được dùng đối với những người có chức, quyền, có nhiều tiền lợi dụng tôn giáo, dùng tôn giáo thực hiện mục đích của mình. Mục đích đó có thể là mong muốn thần linh, thế lực siêu nhiên “phù hộ độ trì” để thăng quan tiến chức, kiếm nhiều tiền, mong cho những người mình “ghét” bị “trời tru đất diệt”.

Trên thực tế chúng ta khó có thể định nghĩa rõ thế nào là tham nhũng tâm linh bởi nó là thứ không hiện hữu, mà tồn tại ngay chính trong tư duy của mỗi cá nhân mà chúng ta không kiểm soát được. Chính vì vậy loại tham nhũng này phát triển rất dễ dàng, khó có thể ngăn chặn.

Loại tham nhũng này không chỉ những quan chức có tiền mới tham nhũng mà ngay cả những người “kiết xác”, lợi dụng lòng tin của người khác kiếm tiền rất dễ dàng. Thế mới có chuyện tưởng xương lợn là xương người đem về nhà cúng, một kẻ vô học, nói không ra lời chỉ tay năm ngón xỉa xói những vị quan to, kẻ lắm tiền chê “người trần mắt thịt”. Và thế người ta sợ quá, vái lấy vái để mong “Ngài rủ lòng thương, chỉ lối đưa đường”.

Yếu tố tâm linh rất dễ làm con người ta tin tưởng. Chỉ cần một câu nói liên quan tới thần thánh, linh hồn của những người đã khuất… cũng khiến người ta có thể làm tất cả trong trạng thái tinh thần gần như mất lý trí. Tham nhũng tâm linh sẽ làm xã hội rối loạn, con người trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, tinh thần rệu rã, hành động vô thức, mù quáng.

Thế mới biết tham nhũng tinh thần còn khủng khiếp hơn cả tham nhũng vật chất. Chống tham nhũng về vật chất đã khó, chống tham nhũng tinh thần càng khó hơn. Quả thật sống sao cho đúng, thật là khó.

Theo BÙI HÙNG / VOV

Tags: ,