Nhận diện hiểm họa tham nhũng chính sách

Tham nhũng chính sách cũng chính là tham nhũng chính trị, hình thành do sự câu kết giữa những người có ảnh hưởng trong hệ thống chính trị, chủ yếu là những quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền, nhằm tạo ra những quyết định, hay tìm cách tác động thiên lệch vào những quyết sách của Nhà nước có lợi cho một cá nhân hoặc những nhóm lợi ích nào đó.

Nhận diện hiểm họa tham nhũng chính sách

Tác giả: GS-TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị – Quốc gia Hồ Chí Minh.

4 giai đoạn của tham nhũng chính sách

Một chính sách ra đời phải trải qua 4 giai đoạn chính, bất kỳ giai đoạn nào cũng có thể xảy ra tham nhũng. Theo đó, giai đoạn thứ nhất là lựa chọn vấn đề chính sách: Một đất nước, hàng ngày có hàng ngàn vấn đề đang đặt ra cần được giải quyết bằng chính sách. Vậy nhưng vấn đề nào cần ưu tiên giải quyết ngay hôm nay?

Nếu một quy trình chính sách đúng, nhà hoạch định chính sách phải có thông tin đầy đủ, xem vấn đề gì nhân dân bức xúc nhất, quan tâm nhất, giải quyết được vấn đề đó sẽ tháo gỡ cho các vấn đề khác. Những nhà hoạch định chính sách phải rất khách quan khi tiếp nhận và xử lý thông tin, quyền tiếp cận các “kênh” thông tin phải bình đẳng, năng lực “đưa” (diễn giải) thông tin phải ngang nhau.

Tuy nhiên trên thực tế, việc hoạch định chính sách không phải lúc nào cũng đảm bảo khách quan. Những nhóm có thế mạnh thường có cách để đưa thông tin và có các “kênh” để làm cho cơ quan chức năng quan tâm hơn đến vấn đề của họ. Để tiếp cận nhanh đến cơ quan chức năng, những nhóm này có thể vận động “hành lang”, thậm chí “bôi trơn”… để được quan tâm hơn. Như vậy, rõ ràng những đối tượng yếu thế như nông dân, công nhân sẽ thua thiệt trong vấn đề này.

Giai đoạn thứ hai là xây dựng và ban hành chính sách, tham nhũng có thể xảy ra với những hình thức rất tinh vi. Nhóm tham nhũng có thể “chèn” các câu chữ vào văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những câu chữ liên quan đến lợi ích của họ. Họ có thể thêm các thủ tục, các loại “giấy phép con” sao cho người của họ có thể lợi dụng được. Có thể coi đó là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta dù đã thực hiện chiến lược cải cách hành chính 15 năm nay, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Tham nhũng ở giai đoạn này rất “khéo” và rất tinh vi. Chúng nhân danh sự “chặt chẽ’ trong quản lý nhà nước, nhân danh “an ninh quốc gia”, nhân danh “lợi ích nhân dân”… Kết quả là chủ trương, chính sách một đằng, khi thực hiện lại một nẻo, xung đột pháp lý, xung đột chính sách là hiện tượng nhức nhối đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Giai đoạn thứ ba là tổ chức thực hiện chính sách. Ở giai đoạn này, các nguồn lực của Nhà nước được huy động để thực hiện chính sách. Những kẻ tham nhũng sẽ câu kết với nhau để “đấu thầu”, “chỉ định thầu”, “xin-cho”, “lại quả”, “bôi trơn”… Tác hại của tham nhũng trong giai đoạn này đã quá rõ: Các công trình lớn nhỏ đều bị “rút ruột”, làm ăn dối trá, mua thiết bị công nghệ cũ kỹ, năng suất lao động thấp…

Giai đoạn cuối cùng là đánh giá chính sách. Trong giai đoạn này, chính sách cần được đánh giá để hoàn thiện hoặc kết thúc. Đánh giá chính sách cần áp dụng nhiều tiêu chí, trên nhiều phương diện: Chính trị, xã hội, kinh tế, môi trường… Đánh giá bởi các cơ quan chức năng của Nhà nước, đánh giá bởi các cơ quan độc lập, đánh giá của người thụ hưởng chính sách, đánh giá của nhân dân… Tham nhũng ở giai đoạn này làm cho việc đánh giá thiếu khoa học, thiếu khách quan và thiếu toàn diện.

Được che đậy thế nào?

Tham nhũng chính sách cũng chính là tham nhũng chính trị. Tham nhũng chính trị thường được che đậy và bảo mật rất chặt chẽ, chủ yếu diễn ra dưới các hình thức: Dùng vị trí chính trị, ảnh hưởng chính trị để can thiệp vào việc có hoặc không đưa ra một quyết định mang tính chính trị (chính sách, đạo luật, hiệp định, hiệp ước, thỏa thuận…) một cách thiên vị nhằm mục đích vụ lợi; cũng có thể diễn ra dưới các hình thức mua bán, trao đổi các chức vụ chính trị, vị trí có quyền lực, để sau đó sử dụng chức vụ đó, vị trí đó trục lợi cá nhân…

Tham nhũng chính trị nếu được thực hiện bởi chủ thể của nó là cơ quan quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) được gọi là tham nhũng nhà nước. Nguồn gốc của tham nhũng chính trị và tham nhũng nhà nước là việc tổ chức và sử dụng sai lệch quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Từ đó, tự giác hay không tự giác tạo ra các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, nhược quyền, vô quyền…xxx

 “Tham nhũng chính sách cũng chính là tham nhũng chính trị, hình thành do sự câu kết giữa những người có ảnh hưởng trong hệ thống chính trị, chủ yếu là những quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền, nhằm tạo ra những quyết định, hay tìm cách tác động thiên lệch vào những quyết sách của Nhà nước có lợi cho một cá nhân hoặc những nhóm lợi ích nào đó”.

GS-TSKH Phan Xuân Sơn

.

Trong tham nhũng chính sách, cần chú ý hành vi không đưa ra một quyết định, một chính sách, một đạo luật… Hành vi này thường bị che giấu bằng sự “không hiểu biết, không đầy đủ thông tin”, do đó thường không bị kết tội, không phải chịu trách nhiệm. Việc thông qua, hoặc không thông qua một đạo luật, một chính sách, một quyết định chính trị với một mục đích thiên vị đang xuất hiện phổ biến trong các cơ quan quyền lực nhà nước trên khắp thế giới. Ngoài ra, cơ quan quyền lực nhà nước được độc quyền những phương tiện công. Nếu không có các cơ chế kiểm soát hoặc minh bạch hóa mục đích sử dụng chúng, các cơ quan hoặc công chức nhà nước dễ sử dụng nó vì mục đích cá nhân.

Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, việc phân loại tham nhũng rất quan trọng, vì nó cho phép chúng ta không những nhận diện rõ hơn về tham nhũng, mà quan trọng hơn là đề ra những phương thức, biện pháp phòng chống thích hợp cho từng loại tham nhũng. Nhận diện tham nhũng chính sách có thể giúp cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn trong một lĩnh vực quan trọng liên quan đến vận mệnh của Đảng, của nhân dân, của đất nước.

Theo DÂN VIỆT

Tags: , ,