Nhận diện bọn trộm cắp trong làng âm nhạc Việt Nam

Vào internet chỉ cần gõ “Danh sách các bài hát nước ngoài bị ca sĩ Việt Nam đạo nhạc”, hoặc “Plagiarist plague in Vietnam” (Bệnh dịch đạo nhạc tại Việt Nam) là chúng ta phải nóng mặt vì có quá nhiều vụ đạo nhạc từ kiểu “hồn nhiên” đến “cướp trắng”.

Chưa lúc nào nghề đạo tặc lại “trúng mùa” như hiện nay. Nào là không tặc, hải tặc, lâm tặc, tin tặc, riêng ở nước ta có những “hàng độc” hơn như “đinh tặc”, “cát tặc”, “si tặc”, “sưa tặc”. Ngay trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, “tặc” cũng hoành hành. Xã hội càng lên án, chính quyền càng tìm giải pháp, thì tặc càng nhiều.

Loại “tặc” nghệ thuật hoạt động mạnh nhất, hiệu quả nhất và “bình yên vô sự” nhất chính là “nhạc tặc”. Không hiểu trước chúng tôi đã có ai dùng thuật ngữ này chưa, chỉ mong sao nó đừng lọt vào tầm ngắm của các nhà soạn tự điển âm nhạc Việt Nam vì đó là một khái niệm đáng hổ thẹn.

Vậy “nhạc tặc” là gì?

“Nhạc tặc” quốc tế

Tương tự như nhiều kiểu “tặc” khác, chúng tôi gọi “nhạc tặc” là kẻ lấy cắp sáng tác âm nhạc của người khác làm của mình. Hành động lấy cắp như vậy gọi là đạo nhạc. Ai cũng hiểu khái niệm này nhưng vấn đề là “lấy” đến mức độ nào thì trở thành “đạo”? Chúng ta cần tìm hiểu để tránh là một “Don Quixote”, nhìn cối xay nào cũng cho là kẻ thù!

Theo nhà soạn kịch Wilson Mizner người Mỹ (1876 – 1933), “Nếu bạn chép lại từ một tác giả, đó là ăn cắp ý. Nếu bạn sao chép từ hai tác giả, thì lại là nghiên cứu”. Trước đó, John Milton (1608-1674), nhà thơ người Anh cũng đã nói: “Sao chép ý tưởng của một người là ăn cắp. Sao chép của 2 người là nghiên cứu”. Tiểu thuyết gia Ái Nhĩ Lan (Ireland) George Moore (1852-1933) cụ thể hơn: “Lấy cái gì đó từ một người và làm cho nó tệ hơn thì gọi là đánh cắp, đạo ý tưởng”.

Đạo nhạc (music -plagiarism) là sử dụng hay bắt chước gần giống âm nhạc của tác giả khác nhưng lại giới thiệu nó như sản phẩm của mình. Để xác định việc đạo nhạc thường khó hơn xác định đạo văn. Ngày nay đạo nhạc xảy ra trên 2 bình diện – ý nhạc (giai điệu, motif) hoặc mẫu tương tự (sampling, lấy một phần bản thu âm của ca khúc này và dùng lại trong một ca khúc khác). Đó là quan niệm theo truyền thống thế giới chứ không như trường hợp sau đây. Ca khúc “Mưa” (sáng tác của Minh Vương) được chọn trao giải thưởng Bài Hát Việt tháng 7 năm 2008 nhưng sau đó bị nghi ngờ đạo nhạc ca khúc Nhật Aitai do ca sĩ Hàn Quốc nổi tiếng, Choi Dong Wook sáng tác và trình diễn. Sự giống nhau của hai ca khúc này đến 80%. Chủ tịch Hội dồng Nghệ thuật của BHV lúc đó, nhạc sĩ An Thuyên đã cho rằng: “Mặc dù hai ca khúc này có những chỗ giống nhau đáng kể nhưng sự lạm dụng này không vi phạm luật pháp vì hai ca khúc không có 12 nốt nhạc tương tự đi liền nhau theo như những quy định quốc tế”. Chúng tôi chưa tìm thấy ở đâu ra cái gọi là quy định quốc tế về luật 12 nốt này? Chẳng có quy định nào như vậy theo luật pháp quốc tế. Để xác định, chúng ta cần cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố liên quan. Cần phải mời các chuyên gia về âm nhạc học để phân tích về tiết tấu, hòa âm, chuyển động giai điệu, v.v…Tổng số các nốt nhạc bị sao chép là một yếu tố liên quan nhưng không thể là yếu tố quyết định. Đây là vấn đề phán quyết của tòa án. (Mà ở Việt Nam tòa án còn bận nhiều việc khác quan trọng hơn là xử các vụ việc đạo nhạc, đạo văn!).

Thang âm có giới hạn trong một số lượng nốt nhạc nhất định ví dụ thang âm ngũ cung, thang âm 7 bậc diatonique,… Bên cạnh đó, khi sáng tác người ta thường dựa trên một số hình thức và thể loại đã được tiêu chuẩn hóa. Vì vậy hiện tượng đạo nhạc “tình cờ” hay “theo tiềm thức” là điều có thể xảy ra. Không hẳn cứ có một số nốt nhạc nào đó giống nhau thì kết luận đạo nhạc. Shostakovich chắc phải buồn cười khi có người cho rằng ông đã đạo nhạc giai điệu đầu tiên của ca khúc “We wish you a Merry Christmas” cho bản Prelude số 15, giọng Ré giáng trưởng của ông vì sự giống nhau rất rõ nét. Ranh giới giữa đạo nhạc “tình cờ” và đạo nhạc “có chủ đích” có khi rất mơ hồ. Năm 1971, George Harrison, một thành viên của The Beatles đã bị ban The Chiffons (ít nổi tiếnghơn) kiện vì đạo nhạc bài “He’s So Fine” (1963) của nhóm này thành bài “My Sweet Lord” (1970). Vụ án kéo dài gần 10 năm, cuối cùng Harrison đã bị kết án đạo nhạc “theo tiềm thức” và bị phạt đến 587.000 dollars. Trong lịch sử đạo nhạc (nếu có), George Harrison có lẽ chiếm ngôi đầu bảng vì dính dáng đến 5 vụ kiện. Sau đó, một thành viên nổi tiếng khác của Beatles, John Lennon cũng bị nhà xuất bản Big Seven Music Corp. (nơi sản xuất đĩa đơn cho Chuck Berry) kiện vì đã sử dụng một giai điệu lẫn ca từ của của Berry trong bài “You Can’t Catch Me” (1956) để dùng vào bài “Come Together” (1969). Lennon đã thua kiện và phải bồi thường bằng cách nhận lời thu âm 3 ca khúc khác của Big Seven trong album sau đó của ông. Năm 2005, nhạc sĩ sáng tác ca khúc của Bỉ, Salvatore Acquaviva đã thắng kiện ca sĩ Madonna vì tội ăn cắp 4 nhịp mở đầu chủ đề ca khúc “Ma vie fout le camp” của mình để dùng trong bài “Frozen” (bài top hit của Madonna năm 1998). Tòa án đã ra lệnh thu hồi tất cả đĩa CDcó bài Frozen của Madonna đang bán trên thị trường và cấm trình diễn ca khúc này trên các đài truyền hình và phát thanh toàn nước Bỉ.

“Nhạc tặc” tàn phá nhạc Việt

Vào internet chỉ cần gõ “Danh sách các bài hát nước ngoài bị ca sĩ Việt Nam đạo nhạc”, hoặc “Plagiarist plague in Vietnam” (Bệnh dịch đạo nhạc tại Việt Nam) là chúng ta phải nóng mặt vì có quá nhiều vụ đạo nhạc từ kiểu “hồn nhiên” đến “cướp trắng”. Ăn cắp từ nhạc Hàn và Hoa là nhiều nhất, rồi đến Nhật, Thái, Anh, Mỹ…Nhạc tặc ở Việt Nam “lì đòn” và hoạt động “có thương hiệu” như hải tặc Somalia vậy! Có lẽ người có công nhất trong việc xây dựng thương hiệu “nhạc tặc Việt” khiến giới truyền thông quốc tế phải chú ý đến là Bảo Thy. Chỉ riêng cô đã có đến gần 10 ca khúc đạo nhạc chưa kể nhiều clip ca nhạc khác, vượt qua cả George Harrison, xứng đáng là một nữ tướng khiến “cướp biển Caribbean” cũng phải nể mặt. Có bản lãnh của một “tặc tướng” như vậy nên cô mới dám lên tiếng phản bác nghi án đạo clip ca nhạc mà báo Hàn Quốc đưa ra và được báo Tuổi Trẻ ngày 5/6/2012 thông tin. Ngoài ra còn một danh sách có từ năm 2004, liệt kê 70 ca khúc bị nghi đạo nhạc, kèm theo một CD mang tên “101 % copy-cover 2004”. Trong các danh sách này có gần hết những sao nhạc Việt (từ người sáng tác đến ca sĩ, từ sao thật đến sao…xẹt) như: Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Vĩnh Tâm, Phương Uyên, Mỹ Tâm, Đoan Trang, Hồng Ngọc, Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, Lam Trường, Ngô Thanh Vân, nhóm Mây Trắng, Thanh Thảo, Phạm Thanh Thảo, Tim, Trần Tâm, Trà My, Nguyên Vũ, Quang Hà, Quang Huy, Ưng Hoàng Phúc. v.v…Vậy mà nhạc sĩ Lê Nam, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn lúc bấy giờ đã nhận xét “Quả nhiên có nhiều ca khúc Việt Nam giống đến 80-90% giai điệu của bài hát nước ngoài. Tuy nhiên điều này chưa thể kết luận “ai đạo của ai”. Ô hay, một nhận xét “hồn nhiên” đến đáng “ngạc nhiên”. Chả thế mà nghề nhạc tặc vẫn cứ “ăn nên làm ra”. Nói cho công bằng, các vị có trách nhiệm ấy có đưa ra giải pháp tương đối tích cực: “Yêu cầu đài phát thanh, đài truyền hình trên 64 tỉnh thành không dàn dựng, không phát sóng những ca khúc copy. Không có đất để tồn tại, những ca khúc này sẽ dần bị lãng quên, bị chết”. Nhưng thực tế, nhiều sản phẩm “đạo” vẫn được phát sóng “vô tư”, nhiều “tặc” vẫn ngang nhiên tung hoành.Đảo vòng qua một số ca khúc thuộc loại nghi án, chúng tôi tổng kết được một số “thủ pháp đạo nhạc” phổ biến của các nhạc tặc Việt Nam áp dụng từ trước đến nay, theo mức tinh vi tăng dần như sau:

1/. Lập lờ về tên tác giả chính thức: Trong phim truyền hình “Mùi Ngò Gai”, nhạc phim mở đầu là ca khúc Saldaga của Jang So Young với lời Việt của Nguyễn Tuấn Khanh nhưng lại được ghi: “Âm nhạc: Jang So Young, Nguyễn Tuấn Khanh” cứ y như rằng cả hai là đồng tác giả vậy.

2/. Cố tình bỏ tên tác giả gốc đi mặc dù không khó khăn gì để có được thông tin. Lúc này, các nhạc tặc dùng chiêu “Nhạc ngoại quốc”, “Nhạc Nhật”, “Nhạc Hoa”, “Nhạc: sưu tầm”, v.v…Như trường hợp ca khúc “Depend on you” (Ayumi Hamasaki) có thông tin phổ biến khắp trên mạng nhưng khi Mỹ Tâm hát bản lời Việt “Ban Mai Tình Yêu” thì có nơi ghi xuất xứ là: “Sáng tác: Trung Nghĩa”, có nơi ghi “Nhạc Nhật, Lời Việt: Trung Nghĩa”.

3/. Sao chép những ca khúc ít người biết tới, những tác giả ít nổi tiếng. Cách này có vẻ an tòan hơn. Nếu có ai phát hiện thì mọi thứ cũng đã nguội rồi. Tuy nhiên đối với những nhạc tặc dày…mặt hay dày dạn, có “thương hiệu quốc tế” thì họ không cần dùng thủ pháp này. Đó là trường hợp Bảo Thy ra tay “đạo” bài hit nổi tiếng “We belong together” của Mariah Carey để thành “Ngày buồn nhất” của mình.

4/. Đảo ngược cấu trúc: dùng phiên khúc của bản gốc làm điệp khúc của bản “đạo”; có thể áp dụng thêm một chút biến tấu cho phần “đạo” không giống bản gốc một cách lộ liễu.

5/. Cướp cả chì lẫn chài. Đó là trường hợp nhạc tặc Hồ Ngọc Hà đạo nhạc bài “Red Blooded Woman” của Kylie Minogue để thành ca khúc “Thêm một lần vỡ tan” của mình. Ở đó không chỉ giai điệu mà cả phần nhạc beat cũng bị bê nguyên xi vào. Cô này còn cho thấy “kinh nghiệm dày…mặt” đến độ đem trình bày trong chương trình “Âm nhạc của tôi” (11/2008) một bài không phải của mình!

6/. Chiêu cao cấp: Ca khúc Objection (Tango) là một ca khúc Latin đầu tiên được Shakira sáng tác bằng tiếng Anh nên ở nhiều nơi chỉ ghi: “Shakira – Lyrics”. Khi Đoan Trang sử dụng nguyên xi (gồm cả giai điệu lẫn nhạc đệm) bài này với lời Việt của mình thì ghi “Tango – Đoan Trang – Lyrics”. Ai muốn hiểu sao cũng được!

Khi “phi vụ” bị bại lộ, phản ứng chung của các “nhạc tặc “Việt là quy tắc “3 không”: không nghe, không thấy, không trả lời. Ví dụ trường hợp nhà báo Trần Nhật Vy đã từng nêu và dẫn chứng trường hợp ca khúc Ước gì của Võ Thiện Thanh thành công qua giọng ca Mỹ Tâm nhưng thực chất giống đến một cách đáng ngờ so với tiểu phẩm piano Night Prayer của pianist Mỹ, Jim Brickman. Khi anh tìm cách liên lạc bằng phone thì điện thoại của Võ Thiện Thanh luôn tắt hoặc bận. Rồi mọi thứ sẽ phải qua đi. Chẳng có biện pháp nào để chế tài họ. Đó là quy tắc vàng cho sự an tòan. Mà chế tài, xử phạt làm gì? Xét cho cùng, các nhạc tặc Việt đã và đang góp phần nhanh chóng và hiệu quả để xây dựng một thương hiệu Việt trên nhạc trường quốc tế kia mà! Nhạc tặc không tàn phá Nhạc Việt vì có người còn gọi họ là các nghệ sĩ của âm nhạc đương đại Việt Nam. Chỉ có điều đây là nền âm nhạc theo phong cách hải tặc Somalia!

Theo NGUYỄN BÁCH / TẠP CHÍ ÂM NHẠC VIỆT NAM (2012)

Tags: ,