Nhạc trẻ miền Nam trước 1975: Những giọng hát đi lên từ club Mỹ

Điều tưởng chừng như nghịch lý là phong trào nhạc trẻ ở miền Nam trước 1975 đã phát triển mạnh theo mức độ hiện diện của lính Mỹ.

Nhạc trẻ miền Nam trước 1975: Những giọng hát đi lên từ club Mỹ

Các căn cứ quân sự như Long Bình, Biên Hòa, Đà Nẵng… tổ chức các câu lạc bộ (club) dành cho quân đội Mỹ giải trí cần có những ban nhạc có đàn, có trống, có ca sĩ vừa hát nhạc Mỹ vừa nhảy tưng tưng, nên có những ban nhạc được gấp rút thành lập chỉ để diễn trong các club này.

Một trong những người đầu tiên đứng ra lập các ban nhạc như thế là nhạc sĩ Tùng Giang. Ngoài khả năng sử dụng trống, Tùng Giang còn là một nhà tổ chức. Thoạt đầu, Tùng Giang đóng kịch cho ban Anh Lân rồi quen biết Huỳnh Háo và được Háo dạy chơi trống. Ban The Dreamers cho biết: Khi diễn ở Nha Trang, toàn ban nhạc được hưởng 20.000 đồng một show – trung bình 15 show một tháng. The Peanuts – một ban nhạc chơi toàn nhạc Psychedelic, từ ngày thành lập chỉ biểu diễn trong các club Mỹ – mỗi tháng kiếm được gần cả triệu đồng. Ca sĩ Thanh Long (Long bass) cho biết là một tháng anh nhận thù lao khoảng 500.000 đồng.

Trong bàn tròn nhạc trẻ do báo Kịch Ảnh tổ chức năm 1971, ca sĩ Tuấn Ngọc nhận định “làm club Mỹ có tiền nhiều hơn ở các phòng trà” và Trường Kỳ chỉ ra một thực trạng “các bạn trẻ thành lập ban nhạc một cách vội vã, hấp tấp, thiếu căn bản chỉ với mục đích kiếm tiền”. Nhận định trên của Trường Kỳ chỉ là nói về những ban nhạc với thành phần “cà na, xí muội”. Không hiếm những ban nhạc nổi tiếng, trước khi đến phòng trà đều đi diễn cho các club Mỹ như The Dreamers, The Spotlights, The Blue Jets, The Enterprise, The Teen Sound với các ca sĩ cộng tác như Thanh Lan, Ngọc Bích, Kim Dung… Đa số ca sĩ nữ đều bắt đầu sự nghiệp ca hát tại các club Mỹ nhưng… chìm lỉm cho đến khi xuất hiện tại phòng trà thì tên tuổi của họ mới sáng rực lên (hay là tại phòng trà có đèn chiếu) như Khánh Hà, Julie Quang, Cathy Huệ, Ngọc Bích, Pauline Ngọc…

Khi hát club Mỹ, Vy Vân chưa được biết nhiều, sự xuất hiện của cô tại phòng trà Chez Jo Marcel trở nên chói sáng. Đây cũng là trường hợp của Julie với ban nhạc The Sunshines và rồi The Dreamers. Khánh Hà ra mắt khán giả trẻ trong chương trình Hippies À Go Go. Giọng ca tươi mát cùng cách biểu diễn trẻ trung của cô đã chinh phục khán giả ngay từ nhạc phẩm đầu tiên. Hơn nửa năm sau, Thúy Anh (em Khánh Hà) cũng chiếm cảm tình của Hippies À Go Go khi còn quá trẻ. Rồi Vy Vân kết hợp với Tuyết Hương (trước đó đã hát nhiều năm trong các club Mỹ) và Tuyết Dung thành lập tam ca Ba Trái Táo (The Apple Three) – khởi đầu cho việc thành lập tam ca nữ sau này như Ba Con Mèo (The Cats’trio). Rồi Carol – một giọng hát soul độc đáo, những năm đầu âm thầm hoạt động cho các club Mỹ, sau đó hát chung với Mây Bốn Phương tại Queen Bee. Cô có lối hát thật vững vàng, giọng hơi khan nhưng mạnh rất thích hợp với nhạc soul.

Chính vì sống nhờ vào việc biểu diễn cho các club Mỹ nên khi quân đội Mỹ và đồng minh rút quân thì các ban nhạc trẻ thi nhau rã đám. Trước đó, vào năm 1968, các ban nhạc trẻ đã lâm đại nạn khi có lệnh không cho mở các vũ trường và dạ vũ tại tư gia. Đất dụng võ của nhạc trẻ không đâu khác là những “boum” (dạ vũ gia đình), những đại nhạc hội, một số khá đông tại các dancing và phần lớn là trình diễn tại các club Mỹ. Chưa hết, họ còn phải cạnh tranh với các ban nhạc nước ngoài như Phi, Hàn đổ xô sang Sài Gòn và hưởng nhiều ưu đãi hơn các ban nhạc trẻ nội. Những tháng đầu tiên của năm 1969, những ban nhạc danh tiếng đã tan rã nhiều như Les Penitents, The Rising Sun, The Sunshines, The Fighters…, số còn lại không quá 10 ban.

Nhạc trẻ phục hồi khí thế từ giữa năm 1969 khi tiến vào lãnh vực phòng trà. Đi đầu có lẽ là ban The Spotlights với Billy Shane, Tiến Chỉnh, Tùng Giang, Đức Huy tại Night Club “Chez Jo Marcel”. Những năm tiếp theo thì phòng trà thời thượng nào cũng có ban nhạc trẻ xuất hiện sau phần nhạc êm dịu. Lúc này, các ban nhạc trẻ có tiếng thích diễn ở phòng trà vì kiếm nhiều tiền hơn, ở thành phố và khi hát được sự chia sẻ của người nghe, mau nổi tiếng. Điều này thì các ca sĩ nữ như Khánh Hà, Julie Quang, Vy Vân… hiểu nhiều nhất.

Đang sung độ với phòng trà, thì các ban nhạc trẻ gặp “đại nạn” lần 2 – các phòng trà phải đóng cửa vào năm 1972. Cách duy nhất để tiếp tục kiếm tiền và tồn tại là quay trở lại những nơi đã nuôi ban nhạc trẻ: club Mỹ. Nhưng việc trở lại club Mỹ vào năm 1972 không phải dễ dàng vì các đợt rút quân Mỹ khỏi VN ngày càng một gia tăng. Các club Mỹ ở Chu Lai, Cam Ranh, Đà Nẵng, Long Bình, Dĩ An, Biên Hòa… ngày càng thu hẹp lại và bây giờ không còn cảnh lập các ban nhạc xô bồ, biết hát và chơi một số bản nhạc Mỹ thịnh hành là có thể đi biểu diễn. Bây giờ chỉ còn những ban nhạc thuộc loại có trình độ như The Dreamers với Đức Huy đầu quân cho ban này để được đi hát club Mỹ. Để hát được club Mỹ, các ban phải lụy ông bầu, phải tham dự các buổi tuyển chọn và phải đổi tên Mỹ cho hợp thời, hợp cảnh. Còn các ban nhạc trẻ kém tài năng thì chỉ còn ngáp ruồi, chờ thời. Ca sĩ Ngọc Anh mở tiệm ăn uống lai rai, Pauline Ngọc mở quán cà phê, Jo Marcel ngoài nghề sang băng nhạc còn nhảy ra mở tiệm phở. Và khi Mỹ phải triệt thoái toàn bộ quân đội thì các ban nhạc trẻ coi như hết đất sống.

Theo LÊ VĂN NGHĨA / THANH NIÊN ONLINE

Tags: ,