Nhà thơ Nga Sergei Yesenin: Trên đời này chết có gì là mới mẻ…

Yesenin tự sát năm 1925, để lại cho hậu thế một nỗi day dứt khôn nguôi bởi những vần thơ tuyệt đẹp, và đầy ám ảnh.

Ngày 3/10/1895 tại làng Konstantinnovo trong một gia đình nông dân đã sinh ra một cậu bé mà về sau đã trở thành con họa mi lớn nhất của nền thi ca Nga thế kỷ 20. Đó là Sergei Yesenin.

Mặc dù chỉ sống trên cõi thế có ba thập niên nhưng chàng trai tóc vàng này đã để lại một di sản thi ca không chỉ đồ sộ về số lượng mà còn cực kỳ quý báu về giá trị nghệ thuật. Yesenin đã sống như tự đốt mình trong các cảm xúc trữ tình để tạo nên kiệt tác cho hậu thế.

Những giai điệu u sầu

Yesenin đắm chìm trong một cõi thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ của nước Nga, nhưng chàng bủa vây thiên nhiên ấy bằng một cõi mộng, tinh tế và êm dịu vô cùng. Những điều giản dị nhất từ đời sống được chàng cóp nhặt, và cẩn trọng vẽ lên từng trang giấy, đầy run rẩy ngây ngất, tựa mùa xuân.

“Cỏ non như lụa đầu nghiêng xuống
Trời đất thơm lừng hương nhựa thông
Ôi, đám cây rừng, ôi bãi ruộng
Ngây ngất lòng ta say bước xuân”
(Anh đào dại hãy rắc đầy tuyết trắng)

Thật không ngoa khi gọi chàng là thi sĩ của thiên nhiên Nga. Tưởng như chàng thi sĩ ấy đi mải miết mãi trên những con đường, những cánh đồng để đồng cảm với tâm hồn của thiên nhiên:

“Ngoài cửa sổ bầu trời đang sùi sụt
Tôi không tiếc thương mà cũng chẳng buồn
Tôi vẫn yêu cuộc đời này tha thiết
Tựa hồ như tình trong buổi đầu tiên”
(Gió đã nổi lên rồi làn gió bạc)

Thiên nhiên của chàng là những cánh đồng xanh ngời, những chiếc cầu cũ kỹ lưu cữu trong mình một mối đắm đuối nào đấy, và cái thiên nhiên ấy khẽ rùng mình trong một cảm thức não nùng của sự cô đơn và cái chết.

“Ngọn gió sẽ làm não lòng tiếng hí
Vũ điệu đưa tang được cử hành thôi
Sắp, sắp rồi, chiếc đồng hồ bằng gỗ
Khò khè điểm giờ mười hai của tôi”

Chàng nhận thấy thiên nhiên tươi đẹp kia đang tan rữa đi, bởi “những bàn tay xa lạ và chết chóc”, và trong cái khoảnh khắc như những ngọn nến đã cháy đến tận cùng ấy, chàng nhìn thấy những ngọn gió não nùng, đang trong một cuộc đưa tang thê thiết.

Yesenin vốn có một tâm hồn mẫn cảm đặc biệt với những rung động của thiên nhiên, có lòng say đắm thiên nhiên, tự lẩy từ thiên nhiên những nhạc điệu uyển chuyển, đê mê.

Lòng yêu thiên nhiên khiến trái tim đa cảm của chàng càng trở nên sầu não khi chứng kiến những đổi thay của thiên nhiên đồng quê nước Nga mà chàng đem lòng dấu yêu. Chàng thẫn thờ nhìn ngắm, và rồi tự đầy đọa mình trong một nỗi bất an thê thiết.

Trên đời này, chết có gì là mới mẻ

Trước những biến động của cuộc đời, Yesenin đắm chìm trong rượu, chìm trong những mối tình si say đắm, và những cơn trầm cảm liên miên. Những niềm yêu dấu tha thiết trở thành nỗi dày vò tâm tưởng, và thơ ca của chàng, mang đậm dấu ấn của cái chết và sự chia lìa.

Nếu như trước kia, cái chết vẫn còn là một dự cảm, lẩn khuất đâu đó, thì đến cuối, chàng viết về cái chết và sự ra đi của mình, một cách rõ nét. Lối viết tưởng như dung dị, bình thản ấy mà lại khiến độc giả run rẩy trong một nỗi buồn bã khôn nguôi:

“Đã qua rồi những hạnh phúc ấm êm
Đã qua rồi những buồn vui một thuở
Chỉ còn lại trong hồn bao lạnh giá
Những gì đã trôi qua – không trở lại bao giờ”
(Những gì đã trôi qua không bao giờ trở lại)

Chính bởi những gì đã qua không bao giờ trở lại, cũng như chàng nhận ra rằng “Rồi tất cả chúng ta, tất cả chúng ta nơi trần thế/ Như lá phong lặng lẽ trút sắc đồng”, Nỗi chia tay cũng gần lắm rồi:

“Anh là ai? Chỉ là người mơ mộng
Màu mắt xanh nhòa trong khói sương tan
Cuộc đời này anh như người ở tạm
Giữa mọi người đang sống ở trần gian”
(Ta là ai? Là gì? Ta là kẻ mộng mơ)

Chàng nhận mình chỉ như một người ở tạm giữa mọi người, chàng linh cảm về cái chết như nó đang ở đó, đang nằm sẵn trong con người chàng, và chỉ đợi, đến đúng thời điểm, nó sẽ dắt tay kéo chàng đi.

Yesenin đã viết những vần thơ về cái chết nhẹ nhõm đến thế, khoác lên mình cái chết một màu xanh nhòa trong khói sương tan của một cõi mộng mơ. Nhưng cái chết vẫn là sự mất mát khôn cùng, và nó khiến những câu thơ của chàng đượm một sắc sầu không thể nào dứt.

Cuối cùng, đi mãi, chàng cất lên lời tiễn biệt:
Thôi chào nhé, không một lời bịn rịn
Bạn thân yêu, xin bạn đừng buồn
Trên đời này chết có gì là mới mẻ
Nhưng sống, dĩ nhiên rồi cũng thế, chẳng mới hơn
(Bạn ơi, xin tạm biệt…)

Năm 1925, chàng thi sĩ viết bài thơ Bạn ơi, xin tạm biệt… Ấy cũng là lời chào cuối cùng, lời tha thiết cuối cùng cho độc giả.

Sáng ngày 24/12/1925, Yesenin đến Leningrad và thuê phòng ở khách sạn Angleter. Hàng xóm cùng khách sạn của chàng là cặp vợ chồng nhà văn, nhà báo Grigory Ustianov. Yesenin nói với họ rằng “sẽ không làm thơ nữa, mà sẽ chuyển sang viết truyện ngắn hoặc tiểu thuyết”. Điều này nghe thật phi lý và đáng ngờ. Như thế chẳng khác nào Yesenin đã chết rồi.

Vào lúc 22h Yesenin gọi người gác cửa khách sạn đến và yêu cầu không cho phép ai vào phòng chàng. Trước chuyến đi Leningrad, trong câu chuyện từ biệt với A. Mariengov, Yesenin bộc bạch: “Linh cảm về cái chết đeo đuổi tớ, trong những đêm mất ngủ tớ cảm thấy nó gần lắm. Điều này thật khủng khiếp. Lúc bấy giờ tớ ngồi dậy, bật đèn lên và vừa đi lại trong phòng vừa đọc sách. Bằng cách đó tớ cảm thấy dễ chịu hơn”.

Nhưng lần này chàng không còn cách nào khác để trốn chạy cái chết. Chàng đã treo cổ bên ống nước cạnh cửa sổ.

Chàng bảo ta rằng “chẳng tiếc, chẳng kêu van, chẳng khóc”, bảo rằng “chết chẳng có gì mới mẻ”, nhưng cái chết của chàng thi sĩ 30 tuổi ấy, khiến biết bao nhiêu người đau đớn.

Thơ ca của chàng đến nay mọi người vẫn đọc say sưa, như đắm chìm vào một cõi hoài vọng xa vắng, để kiếm tìm những điều đẹp đẽ tưởng như đã mất. Dù biết rằng “Những điều đã qua không trở lại bao giờ”, nhưng đắm chìm trong thơ Yesenin cũng là trở lại, ngắm nhìn những đẹp đã đã qua.

Theo PHONG LINH / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,