Nhà cách mạng Trần Huy Liệu – một cuộc đời gắn bó với báo chí

Trần Huy Liệu (1901 – 1969) là nhà cách mạng, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng. Ông làm báo từ khi rời quê cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Gần 50 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, ông đã từng là chủ bút, chủ báo, tổng biên tập của 11 tờ báo, tạp chí. Cả cuộc đời ông luôn gắn liền với báo chí.

Vào đời bằng nghề báo

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, nhưng Trần Huy Liệu ngay từ nhỏ đã không có chí lập thân theo đường khoa cử. Ông đã sớm tiếp thu tư tưởng yêu nước từ các vị tiền bối của phong trào Đông Kinh nghĩa thục và tân thư, tân văn của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi. Nhưng lúc này phong trào Đông Kinh nghĩa thục đã bị dập tắt, ông quyết chí tìm một con đường lập thân mới để thỏa chí “Lấy máu hung tàn rửa nước non”. Đang loay hoay tìm đường thì tháng 9/1923, ông được thầy dạy là Bùi Trình Khiêm – một nhà nho yêu nước dẫn vào Sài Gòn để tìm kiếm cơ hội vì lúc này Sài Gòn và Nam kỳ là xứ thuộc địa, chế độ cai trị được nới lỏng hơn, nhất là làm ăn và quyền tự do ngôn luận, báo chí. Làm báo là sự lựa chọn của ông để không phải chỉ là kiếm sống mà chính là có cơ hội để thực hành yêu nước và cách mạng, để cứu dân cứu nước.

Vào Sài gòn, một năm đầu ông phải bươn chải làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống. Vốn đã viết báo từ trước, đã từng có bài in trên Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí và một số báo khác ở Hà Nội, tháng 6/1924, ông được vào làm cho báo Nông cổ mín đàm (Uống nước trà nói chuyện làm ruộng, đi buôn) là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio – một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corse, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm. Giai đoạn này, các hoạt động yêu nước theo xu hướng dân chủ tư sản đang lên cao ở Nam kỳ. Trần Huy Liệu đã nhiệt thành hưởng ứng và tham gia. Với vai trò chủ bút, ông đã đăng bài để tố cáo chính sách cai trị và cổ vũ tinh thần đấu tranh yêu nước của đồng bào. Khi sự kiện Phạm Hồng Thái ném tạc đạn mưu giết toàn quyền Merlin ở Quảng Châu (18/6/1924), với bút danh Đẩu Nam, ông đã viết bài đưa tin và bày tỏ cảm tình. Bị kiểm duyệt, ông lại lấy bút danh mới để đăng bài.

Nông cổ mín đàm bị đóng cửa, Trần Huy Liệu đứng ra xuất bản Ngòi Bút Sắt, vẫn với tinh thần tranh đấu khi làm Nông cổ mín đàm. Tiếc là tờ này ra được một số thì chấm dứt.

Tháng 3/1926, Trần Huy Liệu cùng Nguyễn An Ninh, Nguyễn Trọng Hy, Bùi Công Trừng… thành lập Đảng Thanh niên với các hoạt động chủ yếu là đòi quyền tự do dân chủ, chống tư tưởng đề huề Bùi Quang Chiêu (Đảng lập Hiến), đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh và tổ chức đám tang Phan Chu Trinh…

Cũng thời gian này, Trần Huy Liệu chuyển sang làm chủ bút Đông Pháp thời báo. Ông đã biến Đông Pháp thời báo gần như trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng Thanh Niên. Ông cho đăng loạt bài “Gương ái quốc” cổ vũ tinh thần yêu nước của đồng bào; phân tích tình hình chính trị ở Việt Nam và Đông Dương; công kích chủ trương cải lương của Bùi Quang Chiêu; lên án chính sách cai trị của chính quyền thực dân Pháp. Chắc một phần vì thế mà Đông Pháp thời báo lúc này bán rất chạy, có ngày lên tới 11.000 bản. Nhưng chính ông đã chủ động rời Đông Pháp thời báo khi chủ báo có xu hướng thân Pháp.

Rời Đông Pháp thời báo, Trần Huy Liệu sáng lập và làm chủ bút báo Pháp Việt nhất gia. Tại đây, ngọn bút của ông lại tiếp tục chiến đấu một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Có lẽ đây là khoảng thời gian ông làm báo ưng ý và hào sảng nhất. Nhớ lại, ông viết: “Đêm ấy tôi đã thức suốt đêm để viết bài cho đầy trang báo với một phấn khởi vô cùng, vì từ khi làm nghề viết báo, lần này là lần đầu tiên tôi được viết hoàn toàn tự do trước mũi bọn kiểm duyệt…”.

Đông Pháp thời báo, Pháp – Việt nhất gia cùng với các báo Le nhà quê, L’Annam (Nguyễn Khánh Toàn làm chủ bút), Tiếng Chuông rè (Nguyễn An Ninh chủ báo) đã góp phần quan trọng làm chuyển biến phong trào yêu nước thập kỷ 20 của thế kỷ XX, là bản lề cho sự tiếp nhận tư tưởng cách mạng vô sản trong giai đoạn tiếp theo.

Pháp Việt nhất gia ra được 27 số thì bị đình bản. Trần Huy Liệu bị bắt và bị kết án 6 tháng tù. Đầu năm 1928, ông ra tù và lập ra Cường học thư xã chuyên xuất bản các sách có nội dung yêu nước, góp phần giác ngộ tinh thần yêu nước của đồng bào.

Vì những hoạt động sôi động và hiệu quả, nhất là báo chí, Trần Huy Liệu bị chính quyền thực dân bắt, kết án 5 năm tù và bị đầy ra Côn đảo.

Cả một đời bền gan cùng báo chí

Tại Côn Đảo, ông đã chuyển biến tư tưởng từ chủ nghĩa tam dân (Tôn Trung Sơn) sang chủ nghĩa cộng sản và vẫn tiếp tục làm báo. Với bút danh Hải Khách, ông làm chủ bút các tờ báo bí mật của tổ chức Đảng Cộng sản ở trong tù là Hòn Cau và Tiếng Sóng Bể. Có thể nói ông là người đầu tiên tổ chức ra báo bí mật trong nhà tù ở Việt Nam và có đóng góp rất lớn trong việc giáo dục lý luận, rèn luyện ý chí cho các chiến sỹ cách mạng trong hoàn cảnh bị tù đày.
Năm 1934, ra tù, bị quản thúc tại quê nhưng ông vẫn quyết lên Hà Nội để tiếp tục làm báo và hoạt động yêu nước. Ông lập Nhà xuất bản Đông Dương chuyên in các sách về lịch sử dân tộc, cổ vũ tinh thần đấu tranh yêu nước. Ông làm báo Đời mới nhưng chỉ được 7 số thì bị đình bản. Ông lại tiếp tục làm cho các báo Tiếng vang làng báo, Kiến văn, Hồn tre.

Cũng lúc này từ ảnh hưởng của Mặt trận bình dân Pháp, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ ở Việt Nam bắt đầu bùng lên.Trần Huy Liệu đã viết nhiều bài trên báo Hồn Trẻ về Mặt trận Bình dân và phong trào đấu tranh dân chủ. Vì thế, phát hành đến số 15 thì báo lại bị đình bản.

Năm 1936, Trần Huy Liệu được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương và chuyển sang làm cho tờ báo tiếng Pháp Le Travail (Lao động) do Đảng chủ trương sáng lập (tháng 5/1936). Báo được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp Nhân dân nhưng cũng sớm bị đình bản.

Đầu năm 1938, Đảng ra báo Tin tức là tờ báo công khai bằng tiếng Việt, mỗi tuần 2 số, phát hành trên toàn Đông Dương. Trần Huy Liệu là thư ký tòa soạn và được Đảng cử làm người phát ngôn về các vấn đề mà công chúng và báo giới quan tâm về phong trào.

Sau khi báo Tin tức dừng hoạt động, Trần Huy Liệu chuyển sang làm chủ nhiệm báo Đời Nay. Khi Mặt trận Bình dân ở Pháp bị đổ, đêm 29/9/1939, ông lại bị Pháp bắt và giam tù ở Sơn La.

Trong nhà tù Sơn La, là Bí thư chi bộ Đảng, Trần Huy Liệu tiếp tục tổ chức học tập lý luận, tiến hành đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù. Tại đây ông đã ra báo Suối reo. Sau đó ông bị chuyển đi các nhà tù khác nhưng ở đâu ông cũng tổ chức ra báo; Ở căng Bá Vân (Thái nguyên) ra báo Dòng Sông Công, ở nhà lao Nghĩa Lộ ra báo Đường Nghĩa.

Đầu năm 1945, vượt ngục trở về hoạt động, ông được Đảng phân công làm báo Cứu Quốc – cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Ngày 16/ 8/1945, ông dự đại hội Quốc dân Tân Trào, được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng và được giao soạn thảo “Quân lệnh số I”. Chính phủ cách mạng lâm thời thành lập, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền rồi Cục trưởng cục chính trị Quân sự ủy viên. Tháng 6/1946, báo Sao vàng – cơ quan của Quân sự Ủy viên hội – tiền thân của báo Quân đội Nhân dân ra đời, ông được giao làm chủ bút.

Về sau, khi chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu khoa học ông lại tiếp tục xây dựng và là Tổng Biên tập tạp chí Văn Sử Địa và tạp chí Nghiên cứu Lịch sử.

Trần Huy Liệu từ trần ngày 28/7/1969, khi đương chức Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Đặc điểm lớn nhất của sự nghiệp báo chí của ông là luôn luôn làm báo trong tâm thế của một người chiến sĩ yêu nước, một nhà cách mạng nhiệt thành. Tài năng và tâm huyết đã làm nên nhà báo lớn Trần Huy Liệu.

Với bút danh Hải Khách, Trần Huy Liệu làm chủ bút các tờ báo bí mật của tổ chức Đảng Cộng sản ở trong tù là Hòn Cau và Tiếng Sóng Bể. Có thể nói, ông là người đầu tiên tổ chức ra báo bí mật trong nhà tù ở Việt Nam và có đóng góp rất lớn trong việc giáo dục lý luận, rèn luyện ý chí cho các chiến sỹ cách mạng trong hoàn cảnh bị tù đày.
.

Theo VĨNH KHÁNH / KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: , ,