Ngô Miễn Thiệu – một nhà giáo kỳ tài trong sử Việt

8 năm dạy học, Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước, sau này đỗ cao trong các kỳ thi. Trong đó, ba người đỗ tiến sĩ.

Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí và Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, Ngô Miễn Thiệu tự Thuần Nhã, hiệu là Trúc Khê (sinh năm 1499, chưa rõ năm mất) là người làng Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống nho học, nổi tiếng thông minh, mẫn tiệp. Năm 1518, Ngô Miễn Thiệu đỗ trạng nguyên khoa thi Mậu Thìn, làm quan nhà Lê được 9 năm tới chức Ngự sử, Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, tước Trình Khê bá.

Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê năm 1527, ông không chịu ra làm quan nhà Mạc mà về quê mở trường dạy học.

Sau khi về quê, con cháu tới chào, có người hỏi sao không ở lại làm quan mà lại về quê sống cảnh điền viên. Ông nói: “Ta làm tôi nhà Lê, cha là bảng nhãn, con trạng nguyên, nếu nay theo Mạc thì chẳng khác nào Triệu Phổ, mặc áo, đội mũ nhà Chu mà đứng trong triều vua nhà Tống”.

Theo sử sách lưu truyền, Ngô Miễn Thiệu không chỉ là bậc quan tài năng mẫn cán, mà còn là người thầy mẫu mực, trí tuệ và đức độ. Trong 8 năm, ông đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước, sau này đỗ cao trong các kỳ thi.

Tiêu biểu là hai con trai của ông gồm Ngô Diễn đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất năm 1550 và Ngô Dịch đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn năm 1556. Người con nuôi Nguyễn Gia Mưu đỗ tiến sĩ năm 1559.

Tài liệu xưa ghi lại rằng Nguyễn Gia Mưu quê làng Nghĩa Lập (Tiên Sơn, Bắc Ninh), một dòng họ lớn có truyền thống hiếu học. Từ nhỏ, Nguyễn Gia Mưu đã nổi tiếng thông minh và ham học, song vì nhà nghèo và bố mất sớm nên không có tiền đèn sách.

Nhờ sự giúp đỡ của người chú ruột là tiến sĩ Nguyễn Hữu Thường và khát vọng mong con thành đạt của mẹ, Nguyễn Gia Mưu có cơ hội được học với thầy Ngô Miễn Thiệu.

Chuyện xưa kể lại khi đỗ tiến sĩ vinh quy về làng, ông nghè Nguyễn Hữu Thường bắt cháu ruột của mình là Nguyễn Gia Mưu ra đường cái quan cáng võng bà quan nghè về quê bái tổ. Uất ức vì sự đối xử của người chú ruột, Nguyễn Gia Mưu cáng võng vợ quan nghè Nguyễn Hữu Thường về đến đầu làng, rồi bỏ quê về ở Tam Sơn, xin học thầy Ngô Miễn Thiệu.

Thấy học trò đã cao tuổi (Nguyễn Gia Mưu đã 28 tuổi), thầy giáo liền thử ý chí và tinh thần hiếu học của Nguyễn Gia Mưu bằng việc ra điều kiện: Phải mang xôi trâu, nén bạc đến nộp cho thầy mới được theo học. Không còn cách nào khác, Gia Mưu lẻn về nhà thưa với mẹ.

Thương con, người mẹ đem việc này bàn với quan nghè Nguyễn Hữu Thường. Thấy cháu quyết chí tiến thủ bằng con đường hoạn lộ, người chú nhận lời giúp đỡ tận tình nhưng giấu kín không cho cháu biết, để nuôi dưỡng lòng quyết tâm học tập của Nguyễn Gia Mưu.

Với sự giúp đỡ trực tiếp của thầy Ngô Miễn Thiệu, sau 5 năm miệt mài kinh sử, Nguyễn Gia Mưu đỗ Hương cống và đến năm 37 tuổi ông đỗ tiến sĩ.

Hàng trăm năm đã trôi qua, sự liêm khiết, chính trực và công tâm của thầy giáo – trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu – vẫn là bài học vô giá cho các thế hệ nhà giáo hôm nay và mãi mãi về sau đối với sự nghiệp đào tạo nhân tài cho đất nước.

Theo gia phả họ Ngô ở Tam Sơn, năm 1533, Hoàng đế Minh Thế Tông sai Binh Bộ Thượng thư Mao Bá Ôn làm Tham tán Quân vụ, mang đạo quân áp sát biên giới nước ta. Mao Bá Ôn gửi điệp văn hỏi tội nhà Mạc kèm theo bài thơ “Vịnh bèo” hàm ý dọa nạt.

Khi điệp văn cùng bài thơ “Vịnh bèo” gửi đến triều đình nhà Mạc, không ai đối được, vua Mạc phải cho người về Tam Sơn mời trạng Thiệu. Lần này, trạng Thiệu chấp nhận ra giúp nhà Mạc là vì quốc thể chứ không phải danh lợi.

Trước khi rời nhà, ông nói với con cháu trong họ rằng: “Ta đành phải đóng kẻ Triệu Phổ vậy! Nếu không như thế thì trái mệnh vua Mạc, không biết họ Ngô Tam Sơn rồi sẽ ra sao. Nếu quân Bắc tràn vào, sinh linh trăm họ sẽ điêu đứng, thống khổ mất thôi…”.

Sau khi giúp vua Mạc làm bài điệp văn và họa bài thơ “Vịnh bèo”, Ngô Miễn Thiệu được Mạc Đăng Doanh giữ lại làm quan với chức Thượng thư Bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ, Ngự sử đài Đô Ngự sử, Hàn lâm viện Thị thư, tước Trình Khê hầu.

.

Theo NGUYỄN THANH ĐIỆP / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,