⠀
Nghệ thuật ‘đu dây’ giữa Mỹ và Trung Quốc: Trường hợp Philippines
Tổng thống Philipines Duterte, dù cố tình hay không, dường như đã thành công trong việc duy trì quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc để phục vụ lợi ích của đất nước mình, mà không làm mếch lòng cả hai.
Chọn Mỹ hay Trung Quốc?
Chuyên gia Mark Valencia viết trên Thời báo Hoa nam Buổi sáng rằng, nhiều nhà phân tích đã dự đoán về thế khó của các quốc gia Đông Nam Á và sự đoàn kết của ASEAN, trong bối cảnh họ ngày càng bị sức ép bởi cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Trên thực tế, đã có lo ngại rằng một số thành viên ASEAN có thể bị lợi dụng trong cuộc cạnh tranh quyền lực cứng và mềm giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt ở Biển Đông. Điều này có thể xảy ra và có một số bằng chứng cho thấy cuộc tranh giành quyền lực đang tạo ra các rạn nứt chính trị khi các quốc gia Đông Nam Á đứng ở giữa.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mọi người có thể đã có thể đánh giá thấp các kỹ năng ngoại giao và sự khéo léo của một số quốc gia Đông Nam Á nhằm tránh một tương lai u ám như vậy.
Giờ đây, các quốc gia Đông Nam Á đang chịu sức ép ngày càng gia tăng nhằm chọn lựa giữa sự hào phóng và lợi thế kinh tế của Trung Quốc, và cái ô hạt nhân của Mỹ. Chiến lược “xoay trục”quân sự năm 2011 sang châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cùng với việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho thấy cách tiếp cận của Washington đối với khu vực chú trọng nhiều hơn vào quân sự hơn là các khía cạnh trong mối quan hệ với các quốc gia châu Á.
Mục tiêu của nhiều quốc gia trong khu vực là tối đa hóa lợi ích kinh tế từ sự lớn mạnh của Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì các lợi ích từ sự bảo vệ an ninh của Mỹ. Nhưng mục tiêu này khó chẳng khác nào đi thăng bằng trên dây, vì cả Mỹ và Trung Quốc đều gia tăng sức ép lên các nước.
Hầu hết các quốc gia đều không thể hiện rõ việc chọn bên này hay bên kia. Thay vào đó, họ cho thấy rằng vấn đề lựa chọn chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc không thể rõ ràng như trắng và đen, không phải chọn bên này hay bên kia – mà là hài hòa đôi bên.
Một số quốc gia Đông Nam Á đang khéo léo đàm phán một sự thỏa hiệp chính trị và hưởng lợi từ cả hai phía. Rõ ràng là có những rủi ro ở thỏa hiệp này nếu một quốc gia đánh mất sự cân bằng. Nhưng đối với những nhà lãnh đạo khéo léo và tự tin, tình cảnh khó xử này cũng là một cơ hội họ có thể tận dụng nhằm mang lại lợi ích cho chính các quốc gia của họ.
Theo New York Times, có 3 nhóm theo các giai đoạn khác nhau: chống lại Trung Quốc, chuyển hướng sang Trung Quốc và chơi với cả hai. Đối với các đồng minh then chốt của Mỹ như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, tinh thần của liên minh bị chi phối bởi sự cần thiết của chiếc ô hạt nhân Mỹ. Nhưng đối với một số quốc gia ASEAN, dường như đã có sự chuyển hướng sang Trung Quốc, thiên về các sáng kiến kinh tế của Trung Quốc hơn là các lợi ích từ “sự bảo vệ” của quân đội Mỹ.
Một số người cho rằng Singapore nghiêng về Mỹ. Trên thực tế, Singapore cung cấp căn cứ tạm thời để các tàu chiến hải quân và máy bay Mỹ thu thập thông tin tình báo, và tiến hành hoạt động do thám và giám sát liên quan tới Trung Quốc. Singapore cũng hỗ trợ hoạt động tự do hàng hải của Mỹ – một vấn đề gây tranh cãi trong khu vực vì Mỹ lấy đó làm lý do để giải thích cho quyền theo dõi Trung Quốc. Tuy nhiên, vai trò hiện thời của Singapore với tư cách là Chủ tịch ASEAN và điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc đã khiến nước này có vai trò trung lập hơn. Gần đây, Thủ tướng Singapore nói rằng ông không mặn mà với Quad – một đề xuất liên minh an ninh giữa Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản – mà Washington đề xuất vì không không muốn tạo thành các khối đối lập.
Philippines đã làm như thế nào?
Philippines là ví dụ về một quốc gia “chơi với cả hai phía”, và cho tới nay đã thành công. Trên thực tế, Philippines đã và đang cho các nước khác thấy cách thức họ có thể thoát ra khỏi tình huống khó xử.
Việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất ngờ chuyển hướng từ một đồng minh mạnh mẽ của Mỹ sang lập trường trung lập và độc lập hơn giữa Mỹ và Trung Quốc là một ví dụ về nghệ thuật của sự dung hòa. Cho tới nay, Philippines đã hưởng lợi từ mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc trong khi vẫn duy trì quan hệ quân sự với Mỹ.
Ông Duterte có thể tính toán rằng Mỹ cần Philippines như một căn cứ để tăng cường khả năng viễn chinh, tiếp tế và bảo dưỡng các tàu chiến và máy bay cũng như nghỉ ngơi cho các thủy thủ. Theo lý thuyết này, ông Duterte biết ông có thể linh hoạt với Mỹ nếu chuyển hướng ngoại giao và kinh tế sang Trung Quốc. Ở kịch bản này, ông Duterte giống một thiên tài chính trị thực sự. Nhưng điều này cũng có thể là do tình cờ mà thôi. Nhưng dù thế nào đi nữa, biện pháp của nhà lãnh đạo Philippines và kết quả cho tới nay có thể được xem là một ví dụ để các quốc gia khác học tập nếu muôn.
Ví dụ của Philippines có thể là chỉ là sự khởi đầu của một loạt các hành động cân bằng khéo léo, vốn có thể mang lại lợi ích cho các quốc gia ASEAN.
Nhưng một điều chắc chắn là: Sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên quan trọng và khó khăn cho các quốc gia Đông Nam Á. Điều đó cũng làm gia tăng áp lực lên sự thống nhất của ASEAN và tính trung tâm, sự ảnh hưởng của ASEAN đối với các vấn đề an ninh trong khu vực, xét về cả tập thể và đối với các quốc gia thành viên riêng lẻ.
Tình thế chính trị đó có thể không thuận lợi cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á. Nhưng đó có cũng có thể là lợi ích đối với những quốc gia đủ khéo léo để vượt qua các diễn biến chính trị nguy hiểm này. Và các nước không nên đánh giá thấp ý chí chính trị của một số quốc gia Đông Nam Á khi làm như vậy.
Theo DÂN TRÍ
Tags: Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Quan hệ Philippines - Trung Quốc