Nghệ thuật bài chòi – di sản quý của dân tộc

Bài chòi là nghệ thuật dân gian đặc sắc, là món ăn tinh thần của nhân dân Nam Trung Bộ. Nếu người Nam Bộ say mê và tự hào với Đàn ca Tài tử bao nhiêu thì người miền Trung cũng say mê và tự hào với nghệ thuật Bài chòi bấy nhiêu.

Nghệ thuật bài chòi – di sản quý của dân tộc

Bài viết của Giáo sư Hoàng Chương.

Bài chòi – một nghệ thuật dân gian đặc sắc

Tôi nhớ trong những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, những nghệ nhân Bài chòi từ Liên khu 5 tập kết ra Bắc rất lúng túng trong việc khẳng định cái tên của bộ môn nghệ thuật ở quê hương mình, vì nhiều người trong ngành sân khấu vẫn coi Bài chòi là “nghệ thuật bài bạc” vì cái tên “Bài” tức là con bài để chơi bài bạc. Mặt khác, người ta cũng chưa hiểu hết chữ “Bài chòi” vì mới nghe có vẻ không đẹp lắm, không hay lắm, cũng như có người còn nghĩ cái tên “Xẩm” – hát Xẩm là “mù lòa” là “xẩm tối” mà không chịu tìm hiểu cái hay, cái đẹp của hát Xẩm.

Bài chòi là loại hình nghệ thuật mà nhân dân ở miền Trung vô cùng yêu thích, mê say như ca dao xưa đã phản ảnh: Rủ nhau đi đánh Bài chòi/ Để con nó khóc mà lòi rốn ra… Rõ ràng, cái tên Bài chòi ở miền Trung chẳng khác gì cái tên Chèo ở miền Bắc và cũng đã có ca dao: Tháng 5 ngày tám nằm queo (đói)/ Nghe giục trống chèo cố lếch đi xem… Từ xưa tới nay, nhân dân lao động miền Bắc yêu thích nghệ thuật Chèo bao nhiêu thì nhân dân miền Trung cũng yêu thích nghệ thuật Bài chòi bấy nhiêu, bởi đây là sản phẩm tinh thần, món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân lao động.

Bài chòi là đặc sản, là di sản văn hóa của miền Trung mà nhân dân ở miền đất này đã nuôi dưỡng nó, bảo vệ nó cho đến hôm nay, với mong ước nó cũng sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như Đàn ca Tài tử Nam Bộ, như nhã nhạc Cung đình Huế. Và đó là mục tiêu của hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi hướng tới UNESCO công nhận là di sản của nhân loại” được long trọng tổ chức tại TP Quy Nhơn – Bình Định – quê hương của Bài chòi, vào đầu tháng 9.2013.

Cách đây 57 năm (1957) tại thủ đô Hà Nội, những nghệ sĩ Bài chòi từ Liên khu 5 tập kết ra Bắc đa số là người Bình Định, như Đinh Thái Sơn, Đinh Bích Hải, Nguyễn Kiểm, Thanh Cảnh, Bích Liên, Nguyễn Cung Nghinh đã phục hồi nghệ thuật Bài chòi và dàn dựng thành công vở “Thoại Khanh – Châu Tuấn”, được thưởng huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc. 56 năm sau, vở Bài chòi “Khúc ca bi tráng” của Đoàn Bài chòi Bình Định cũng nhận được huy chương Vàng tuyệt đối tại Cuộc thi Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2013 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sức sống của Bài chòi mạnh mẽ không chỉ ở quê gốc Bài chòi là Bình Định, mà từ Bình Định còn lan tỏa khắp nơi. Vậy nên người Bình Định càng phải thấy rõ trách nhiệm đi đầu trong việc bảo tồn, phát huy và quảng bá loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Mấy đề xuất về giữ gìn và phát huy di sản

2. Nên tổ chức biểu diễn quảng bá Bài chòi dân gian tại TP Hồ Chí Minh (kết hợp với một số nghệ nhân Bài chòi Bình Định đang sống ở đây và tận dụng sự ủng hộ của Hội đồng hương Bình Định đang sống ở TP Hồ Chí Minh.

4. Bình Định nên sớm chủ động phối hợp với những cơ quan có chức năng lập hồ sơ trình UNESCO như đề xuất của Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên tại hội thảo “Nghệ thuật Bài chòi”.

Cuối cùng tôi muốn nói tới một vấn đề hết sức quan trọng, đó là công tác tuyên truyền, quảng bá sự kiện, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Bình Định. Theo tôi, Bình Định còn rất yếu về vấn đề này, nên luôn luôn ở trong tình trạng “áo gấm đi đêm”. Thế kỷ 21 là thế kỷ toàn cầu hóa, thế kỷ giao lưu, hội nhập, thế kỷ ngoại giao văn hóa, quảng bá văn hóa, nếu an phận thủ thường thì khó mà vượt vũ môn… Đây là tâm sự của người con Bình Định luôn hướng về quê hương, mong quê hương giàu mạnh.

Theo BÁO BÌNH ĐỊNH

Tags: ,