Nghề công chức: Một góc nhìn từ quốc tế đến Việt Nam

Tạo ra một cơ chế mà công chức được làm đúng việc, đánh giá đúng khả năng và hưởng mức lương xứng đáng là cách tốt nhất để triệt tiêu động cơ tiêu cực, tham nhũng.

Nghề công chức: Một góc nhìn từ quốc tế đến Việt Nam

Tác giả: Đinh Hồng Kỳ, doanh nhân, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Secoin, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM).

Tới Montreal vào những ngày tuyết phủ trắng xóa, tôi gặp lại những người bạn thân thiết nơi “đất lạnh tình nồng”. Trong buổi hàn huyên hội ngộ, vợ chồng anh bạn Việt kiều vui mừng báo tin con gái lớn của anh chị đã trở thành công chức nhà nước.

Tôi ngạc nhiên vì trong lần gặp cách đây ba năm, anh chị tự hào kể về con gái đang làm việc cho Deloitte tại Montreal – một trong số tập đoàn Big4 danh tiếng.

Hiểu được thắc mắc của tôi, anh chị giải thích thi tuyển vào công chức ở Canada rất khó. Mục đích của chính phủ là tìm ra người giỏi. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ cũng hoàn toàn xứng đáng. Bên cạnh thu nhập cao, công chức nhà nước ít khả năng mất việc hơn, kể cả vào những thời điểm kinh tế suy thoái. Số ngày nghỉ phép trong năm nhiều hơn, lương hưu cao hơn. Quan trọng hơn cả là sự đánh giá, nhìn nhận của xã hội đối với công chức nhà nước ở Canada rất tốt.

Cụ thể ở trường hợp con gái của bạn tôi, chính phủ tuyển cô từ một ứng viên thành tích học tập tốt, có kinh nghiệm làm việc cho Big4 và giao cho cô vị trí chuyên kiểm tra vấn đề thu nhập của các triệu phú, tỷ phú để tránh thất thoát thuế cho nhà nước. Chính phủ trả cho cô mức lương cao nhưng với năng lực và kinh nghiệm của mình, cô cũng giúp chính phủ thu hồi những khoản thuế lớn. Đó chính là lý do mà những công chức như cô được xã hội đánh giá cao.

Song song với quyền lợi, trọng trách của công chức nhà nước cũng lớn và họ phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt. Nếu vi phạm quy định, họ sẽ mất quyền lợi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chính vì vậy, công chức ở đây khó bị mua chuộc vì nếu có sai phạm, dù nhỏ, cái giá phải trả sẽ rất lớn.

Cuộc trò chuyện khiến tôi nhớ về câu chuyện khác, khi tôi còn công tác tại Cơ quan Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan. Thời đó, khi bức tường Berlin sụp đổ, cũng như các nước Đông Âu khác, Ba Lan chuyển sang nền kinh tế thị trường giống như Việt Nam. Nạn tham nhũng trong các cơ quan công quyền của Ba Lan lúc này khá nặng nề. Những ngành “nhạy cảm” khi đó là hải quan và quản lý thuế rất “dễ mua” và việc mua bán cũng khá “sòng phẳng”.

Vậy mà chỉ hơn 10 năm sau, khi tôi quay trở lại Ba Lan, giới doanh nhân ở đây nói rằng không thể “mua” được các công chức hải quan và cơ quan thuế nữa, nhờ nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là sự mạnh tay từ những lãnh đạo cao nhất của chính phủ.

Ba Lan đưa vào áp dụng hệ thống khai thuế điện tử JPK. Mọi hoạt động của doanh nghiệp được thể hiện rõ ràng trong hệ thống này. Ví dụ, một lô hàng nhập về sẽ được niêm phong bằng chip điện tử từ cảng để theo dõi đến cửa khẩu hải quản gần nhất. Trong lô hàng, mỗi một chiếc quần, chiếc áo sau khi thông quan lập tức hiển thị rõ trên hồ sơ điện tử của doanh nghiệp cho tới khi nó được bán đi và ghi nhận doanh thu, lợi tức để sau này xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhân viên kế toán của doanh nghiệp buộc phải cập nhật trực tiếp số liệu vào hệ thống này để làm sao, tại bất cứ thời điểm nào, không chỉ ông giám đốc, bà kế toán của doanh nghiệp mà cả anh quản lý sở thuế hay nhân viên hải quan đều kiểm tra được luồng đi của sản phẩm. Một hệ thống phần mềm liên thông giữa hải quan – sở thuế – doanh nghiệp không chỉ giúp minh bạch, tránh trốn thuế hay gian lận mà còn giúp cho khâu kiểm tra, thống kê, quyết toán thuế hết sức dễ dàng.

Hệ thống JPK của Ba Lan còn giúp ngăn chặn những gian lận mua bán hóa đơn VAT từng diễn ra tràn lan. Mặt khác, hệ thống này giúp Ba Lan cắt giảm được đội ngũ công chức hải quan và quản lý thuế lên đến hàng chục nghìn người.

Bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật theo chuẩn của Cộng đồng châu Âu để đảm bảo tính minh bạch, chặt chẽ, dân chủ và nghiêm minh, Ba Lan cũng áp dụng điện tử hóa mọi chính sách, thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận.

Tại Việt Nam những năm gần đây, công cuộc phòng chống tham nhũng đang được tiến hành mạnh mẽ. Kết quả này đã được tổ chức Minh bạch Quốc tế ghi nhận qua Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI). Năm 2022, Việt Nam đạt 42 điểm (xếp hạng 77 trên 180 quốc gia), tăng mạnh so với năm 2021 (39 điểm, hạng 87). Việt Nam đã tăng bậc trong ba năm liên tiếp, kể từ 2020 (hạng 104), chủ yếu nhờ quá trình đem ra ánh sáng những đại án tham nhũng. Nhưng để hướng tới một xã hội ngày càng liêm chính hơn, tôi cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp hiệu quả cho một vấn đề khác nhức nhối không kém, là tình trạng tham nhũng vặt trong giới cán bộ, công chức. Điều này phản ánh rõ trong Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Kết quả PAPI 2021 cho thấy, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi “lót tay” dao động 40-90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố.

Câu chuyện công chức tại Canada – đất nước có nền kinh tế thị trường lâu đời, và các giải pháp quản lý nhà nước của Ba Lan – đất nước cũng chuyển sang kinh tế thị trường giống Việt Nam, có thể là những ví dụ đáng tham khảo, để giải quyết các hạn chế của nghề công chức ở Việt Nam hiện nay.

Tạo ra một cơ chế mà công chức được làm đúng việc, đánh giá đúng khả năng và hưởng mức lương xứng đáng là cách tốt nhất để triệt tiêu động cơ tiêu cực, tham nhũng.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,